Thứ Sáu, 11/10/2024 15:32 CH
Niềm đam mê sáng tạo của một đại úy công an
Thứ Bảy, 30/09/2017 11:00 SA

Đại úy Trần Bá Nghĩa (giữa) đang thuyết trình mô hình “Tủ thông minh bảo dưỡng vũ khí” với giám khảo - Ảnh: HOÀNG HÀ THẾ

Vượt qua tuổi thơ gian khó, anh Trần Bá Nghĩa (SN 1985, trú phường 9, TP Tuy Hòa) đã thực hiện được ước mơ vào ngành Công an. Và xuất phát từ hoạt động thực tiễn, cùng với tâm huyết, niềm đam mê sáng tạo, đại úy Trần Bá Nghĩa đã dày công nghiên cứu thành công mô hình “Tủ thông minh bảo dưỡng vũ khí, công cụ hỗ trợ thiết bị công nghệ cao trang bị cho cá nhân trong các lực lượng vũ trang và cơ quan doanh nghiệp”, được ngành Công an tỉnh Phú Yên đánh giá cao. Niềm vui được nhân đôi khi mô hình này vừa đoạt giải nhì của Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 7 (2016-2017).

 

Đam mê sáng tạo

 

Chúng tôi bắt gặp niềm vui ngời lên trong ánh mắt và nụ cười tươi trẻ khi Trần Bá Nghĩa vừa hoàn thành xuất sắc phần thuyết trình “Tủ thông minh bảo dưỡng vũ khí” trước Hội đồng Ban giám khảo chấm chung khảo Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 7 (2016-2017). Sáng kiến đã chinh phục được ban giám khảo và đoạt giải nhì của cuộc thi này...

 

Là một trinh sát, chưa qua đào tạo kỹ thuật khoa học công nghệ nhưng với tình hình hoạt động thực tế của đơn vị, đại úy Trần Bá Nghĩa luôn ngày đêm trăn trở, suy nghĩ phải làm sao thiết kế được một mô hình để mỗi một chiến sĩ có một tủ cá nhân tự bảo dưỡng vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị công nghệ cao (súng, đạn, quả nổ các loại, gậy điện, thiết bị giám sát an ninh…).

 

Đại úy Trần Bá Nghĩa cho biết: Việc bảo dưỡng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và thiết bị công nghệ cao của lực lượng vũ trang và cơ quan ở tỉnh Phú Yên còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Khi các chiến sĩ tuần tra chiến đấu vào mùa mưa, truy bắt đối tượng hoặc diễn tập dưới nước… đều mang theo các trang thiết bị, vật dụng vũ khí. Nếu gặp thời tiết ẩm ướt hoặc hơi muối nhiều ở gần biển thì các vật dụng vũ khí này dễ gỉ sét, bong tróc, hư hỏng… Và việc bảo dưỡng các thiết bị, vũ khí chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp thủ công như lau chùi, hong hơ gây mất thời gian, huy động nhiều người và tiêu tốn nhiều kinh phí.

 

Làm gì để bảo dưỡng vũ khí, vật liệu nổ an toàn, ít tốn kém? Với trăn trở đó, đại úy Trần Bá Nghĩa tranh thủ ngày nghỉ “lên mạng” học các nguyên lý về cấu tạo mô hình “Tủ thông minh bảo dưỡng vũ khí”, rồi đi tìm mua những vật dụng, linh kiện. Đêm đêm, Nghĩa hì hục vẽ sơ đồ hệ thống, rồi lắp vào, tháo ra các linh kiện, đấu nối các thiết bị lại để hoạt động thử... Đôi lúc linh kiện bị chập điện cháy khét, hư hỏng... Song điều đó không làm Nghĩa nhụt chí mà ngược lại chính sự thất bại ấy đã tạo cho anh những ý tưởng khác hoàn thiện hơn để tiếp tục làm cho bằng được mô hình nói trên.

 

Thượng úy Đào Thị Ngọc May (SN 1987), vợ anh Nghĩa, hiện công tác tại Đội tham mưu Phòng Cảnh sát giao thông, tâm sự: Có đêm, đến 12 giờ anh Nghĩa vẫn còn mày mò bên mô hình; cũng có lúc mẹ con đang ngủ trưa phải giật mình vì mùi cháy khét của linh kiện chiếc tủ anh lắp đặt. Có khi linh kiện mua về lắp vào không vừa ý, anh liền tức tốc đi gõ cửa các tiệm bán phụ kiện điện tử dù lúc đó đã quá 11 giờ đêm...

 

Rồi niềm vui cũng vỡ òa khi chiếc “Tủ thông minh bảo dưỡng vũ khí” được kích hoạt và hoạt động đúng quy trình kỹ thuật. Đại úy Nghĩa cho biết: Tủ được thiết kế từ tấm hợp kim nhôm nhựa Alumium có độ bền cao, nhẹ, chống cháy, chống ăn mòn, khả năng chịu nhiệt cao (từ dưới 500-800 độ C); có chiều cao 60cm, rộng 40cm và ngang 25cm. Những linh kiện được lắp đặt gồm: Mạch điều khiển đ ộẩm W3005, mạch điều khiển nhiệt độ CB100, cảm biến nhiệt, cảm biến ẩm, dây nhiệt làm nóng (sợi cabon), quạt tản nhiệt 12V, bộ xử lý hút ẩm (lồng nhôm phát nhiệt chứa 200g hạt Silicalgel)… “Khi đưa các vật dụng vào tủ, ta kích hoạt bộ điều khiển nhiệt độ thích hợp để sấy. Nếu nhiệt độ trong tủ giảm xuống 0,1 độ C vượt quá nhiệt độ ta đã cài đặt, thì bộ điều khiển nhiệt độ sẽ ngắt bộ phận cấp nhiệt và tự động cấp nhiệt lại để đủ tiêu chuẩn sấy khô vật liệu… Khi độ ẩm đạt theo yêu cầu thì bộ phận hút ẩm sử dụng hạt Silicagel vẫn tiếp tục hoạt động để duy trì độ ẩm tốt nhất trong buồng tủ. Riêng van điện từ định kỳ hoạt động 2 giờ/lần, mỗi lần 5 phút, được đặt dưới đáy tủ có nhiệm vụ xả khí ẩm, bụi và nước đọng”, đại úy Nghĩa phân tích.

 

Về khả năng ứng dụng của mô hình này, đại úy Trần Bá Nghĩa khẳng định: “Tủ thông minh bảo dưỡng vũ khí” với giá thành rẻ so với các sản phẩm tủ sấy khác làm từ gỗ, mica, kính, kim loại..., đưa vào sử dụng sẽ phát huy tốt tối đa tính năng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là giải pháp đột phá mới trong việc bảo dưỡng thiết bị, vật dụng vũ khí, giúp tiết kiệm ngân sách an ninh quốc phòng, trong các cơ quan và doanh nghiệp...

 

Đại úy Trần Bá Nghĩa (bìa phải) với chiếc “Tủ thông minh bảo dưỡng vũ khí” - Ảnh: HOÀNG HÀ THẾ

 

Vượt khó thực hiện ước mơ

 

Để có được sản phẩm sáng tạo nói trên là cả một quá trình nỗ lực vượt qua gian khó, không ngừng học hỏi vươn lên, dày công nghiên cứu khoa học công nghệ của đại úy Trần Bá Nghĩa. Ít ai biết rằng Trần Bá Nghĩa mồ côi cha khi còn trong bụng mẹ. Cha anh là liệt sĩ Trần Bá Chính (SN 1958) đã hy sinh anh dũng ở chiến trường K (Campuchia) vào cuối năm 1984, khi tham gia đánh trận cuối cùng tại cao điểm 547 khu vực ngã ba biên giới (Việt Nam - Lào - Campuchia) đuổi tàn quân Khmer Đỏ ra khỏi Campuchia. Khi hy sinh cha anh mang quân hàm đại úy, chức vụ Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn chủ lực tiêu diệt Pôn Pốt thuộc Sư đoàn 315 anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Bên tách cà phê nhỏ giọt giữa trời thu Tuy Hòa, anh Trần Bá Nghĩa kể lại cuộc đời của cha với niềm tự hào: Cha tôi lớn hơn mẹ 6 tuổi. Bước vào tuổi thanh xuân, cha tôi đi nghĩa vụ quân sự rồi tham gia chiến đấu ở chiến trường K nên không có thời gian để thể hiện tình yêu đôi lứa như bao thanh niên cùng trang lứa. Vào khoảng giữa năm 1983, trong lần từ chiến trường K về xác minh lý lịch kết nạp đảng cho đồng đội, qua lời giới thiệu của người trong họ của cha ở Nông trường Sơn Thành, cha đã làm quen với mẹ (Nguyễn Thị Vinh, SN 1964). Và sau thời gian tìm hiểu, tiến hành hôn nhân, cha tôi trở lại đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ và... hy sinh”. “Bản thân rất vinh dự là con của liệt sĩ chiến trường K, nhưng cũng buồn vì khi sinh ra, tôi không biết mặt cha, chỉ nghe qua lời kể của mẹ và một số người thân quen...”, Trần Bá Nghĩa trải lòng.

 

Đại úy Nghĩa cho biết thêm, quê nội của anh ở huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), quê ngoại ở Phú Yên. Ông nội tham gia kháng chiến chống Pháp, bà nội qua đời khi cha anh chưa tròn 4 tuổi. Ông ngoại cũng đi kháng chiến chống Pháp rồi tập kết ra Bắc, lấy vợ và sinh mẹ ở ngoài Bắc, sau đó chuyển vào sinh sống ở vùng kinh tế mới Đội 4, Nông trường Sơn Thành (nay là thôn Sơn Tây, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa). Lúc anh chưa tròn 2 tuổi, mẹ đi bước nữa, để lại anh cho bà ngoại nuôi dưỡng.

 

Với hoàn cảnh khó khăn thời bao cấp, việc học của Trần Bá Nghĩa rất cơ cực, từ khi theo học Trường cấp 2-3 Sơn Thành, anh đi học một buổi, buổi còn lại phải đi làm thuê để kiếm tiền phụ giúp bà ngoại trang trải cuộc sống. Dù vất vả như vậy nhưng anh luôn phấn đấu học giỏi và “nuôi” ước mơ vào ngành Công an. Thầy giáo Nguyễn Đình Thương, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường cấp 2-3 Sơn Thành (nay là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Văn Đồng, ở huyện Tây Hòa), chia sẻ: “Mặc dù hoàn cảnh sống rất khó khăn và lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm của cha và mẹ, nhưng em Trần Bá Nghĩa luôn nỗ lực vươn lên. Trong suốt thời gian học tập từ lớp 6-12, Nghĩa luôn là học sinh khá, ngoan hiền lễ phép, được thầy cô và bạn bè yêu quý…”.

 

Năm 2003, Trần Bá Nghĩa thi đỗ vào Trường sĩ quan Thông tin ở Đồng Đế, Nha Trang (Khánh Hòa). Nhưng với ước mơ được đứng vào hàng ngũ công an, anh âm thầm vừa học chuyên ngành sĩ quan Thông tin, vừa tranh thủ ôn bài để thi vào ngành Công an. Và “trời không phụ lòng người”, năm 2004 Trần Bá Nghĩa thi đỗ vào Trường trung cấp Công an nhân dân và tiếp tục học liên thông đại học Công an nhân dân. Năm 2006, chàng trai trẻ Trần Bá Nghĩa tốt nghiệp đại học và được phân công công tác tại Phòng Trinh sát nghiệp vụ thuộc lực lượng an ninh Công an Phú Yên cho đến nay. Hiện anh là cán bộ trinh sát chuyên nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào đấu tranh phòng chống tội phạm.

 

Trần Bá Nghĩa được phong quân hàm đại úy vào tháng 6/2017, so với lứa tuổi và đồng nghiệp là quá trẻ. Nói về thành tích của mình, Trần Bá Nghĩa cho biết: “Ngoài nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tôi cùng tập thể đơn vị đã triệt phá thành công hàng chục chuyên án. Tiêu biểu là vụ án lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng người nước ngoài xảy ra trên địa bàn TP Tuy Hòa năm 2011. Đặc biệt tích cực tham gia triệt phá vụ án của tổ chức phản động “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” tại Khu du lịch sinh thái núi Đá Bia ở đèo Cả (thuộc thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa) vào tháng 2/2012...”.

 

Ngoài nghiên cứu khoa học kỹ thuật để góp phần phát triển khoa học công nghệ tỉnh nhà, đại úy Trần Bá Nghĩa còn tích cực tham gia công tác Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Và thành tích đáng nể của anh là 17 năm làm bí thư đoàn từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường đến khi vào ngành cho tới nay.

 

Thượng tá Nguyễn Hùng Thạnh, Phó Trưởng Phòng PA71 Công an tỉnh nhận xét “Đại úy Trần Bá Nghĩa là một cán bộ nhanh nhẹn, tận tụy với công việc, không ngại khó, ngại khổ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được các cấp của ngành Công an tặng nhiều bằng, giấy khen. Ngoài làm trinh sát giỏi và đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật, đại úy Nghĩa còn hoạt động xuất sắc trong phong trào văn hóa nghệ thuật, là giọng ca “vàng” của ngành Công an tỉnh Phú Yên…”.

 

HOÀNG HÀ THẾ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek