Thứ Sáu, 11/10/2024 15:26 CH
Khám phá sông Trà Bương:
Kỳ 1: Vượt thác, vực về nơi thượng nguồn
Thứ Bảy, 23/09/2017 07:50 SA

Bơi sõng câu đi lên vực Mả - Ảnh: LÊ TRÂM

Sông Trà Bương, một nhánh sông đầu nguồn sông Kỳ Lộ (sông lớn thứ 2 ở Phú Yên, sau sông Ba). Dòng sông có hai tên gọi, ở đầu nguồn gọi là sông Trà Bương, phía hạ nguồn người dân quanh vùng gọi là sông Con. Chạy dọc theo suốt chiều dài của dòng sông được tiếp nước bởi 5 dòng suối Mây, suối Tía, suối Trầu, suối Bà Sào và suối Ré. Dòng sông này làm nên kỳ tích cấp nước cho hồ Phú Xuân - hồ chứa nước đầu tiên của tỉnh tưới cho cánh đồng “vạn tấn”, làm đổi thay vùng đất vốn “nghèo như một dải khoai” ở miền sơn cước Đồng Xuân. 

 

Sông Trà Bương chảy qua 4 xã của huyện Sơn Hòa và Đồng Xuân. Dòng sông ngắn nhưng có đến 13 vực lớn nhỏ, chỉ tính riêng phía thượng nguồn hồ Phú Xuân có đến 10 vực nước, với tên gọi “trìu mến”: vực Chén, vực Sậy, vực Vàng, vực Sung, vực Thiền, vực Chò…

 

Đi tìm vực Mả

 

Chúng tôi được ông Nguyễn Văn Tân ở xóm Đồng Bò, thôn Phú Xuân A, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), đưa đến đầu nguồn dòng sông, bắt đầu cuộc hành trình khám phá… Trà Bương. Cái đích đầu tiên trong chuyến đi là phải “tìm” ra vực Mả. Vì theo ông Tân, đầu nguồn sông Trà Bương, trước đây người dân quanh vùng đi đến vực Cùng, tên của nó gắn với địa danh tức là vực nằm cuối cùng đầu nguồn của sông Trà Bương, tính từ hồ Phú Xuân đi vào.

 

Thế nhưng sau này phía trong vực Cùng, người ta phát hiện thêm vực Mả. Vực này nằm sâu đầu nguồn của sông Trà Bương. Các vực khác trên dòng sông Trà Bương từ vực này đi đến vực kia chỉ cách nhau 2-3 cây số, riêng từ vực Cùng đến vực Mả cách xa trên 5 cây số. Và ông Tân chỉ đến đó một lần cách đây lâu rồi, giờ đi lại “nửa nhớ nửa quên”. Sau một hồi lặn lội, từ sáng đến gần trưa, cuối cùng chúng tôi cũng “tìm” ra vực Mả.

 

Ngồi trên tảng đá dưới chân vực Mả, ông Tân cho hay, đặc điểm vực thường sâu ở giữa vực, riêng vực Mả có lạ hơn là đầu vực, đuôi vực sâu còn giữa vực có hòn đá nhô lên giống như cái Mả chỗ giữa vực cạn, vì vậy dù quên nhưng khi đi đến dễ nhận ra vực Mả.

 

Từ vực Mả đi ra vực Cùng, vực Chén, vực Sậy, vực Vàng rồi qua vực Sung là hết địa bàn huyện Sơn Hòa (khu vực này sông Trà Bương chảy qua địa phận xã Sơn Hội, Sơn Định thuộc huyện Sơn Hòa - PV). Đi qua hết 6 vực này, có đoạn dòng nước chảy âm sâu dưới tảng đá. Đến đầu vực Sung, từ xa chúng tôi thấy một tốp người thả lưới. Những người làm nghề thả lưới ở đầu nguồn chủ yếu bắt cá ngựa, cá lúi.

 

Sáng đi chiều về, sợ cá ươn nên họ nhóm lửa nướng sơ qua. Anh Phan Văn Minh ở thôn Phú Xuân A, làm nghề đánh bắt cá, chỉ tay vô hướng vực Vàng nói: Mùa nắng đi đến đây được, nhưng mùa mưa nước chảy mạnh lắm. Sức trai 19-20 tuổi muốn qua sông nước chảy ngang đầu gối phải dùng cây chống phía dưới để gượng lại dòng nước chảy xiết, gọi là “chống gậy” qua sông. Còn ai “cả gan” tay không qua sông là nước có thể cuốn đập đầu vào đá. Đá ở đây “dựng” lởm chởm, có tảng đá nhọn như chông, rất nguy hiểm tính mạng.

 

Đi qua các vực, chúng tôi “để ý” có một đặc điểm lạ là dòng sông nhưng không có cát, chỉ toàn đá còn hai bên bờ là vách núi dựng đứng.

 

Qua thác Nai… giăng lưới

 

Dưới đuôi vực Sung là thác Nai, là ranh giới trên sông Trà Bương ngăn cách giữa huyện Sơn Hòa và Đồng Xuân. Qua hết thác Nai là đến vực Thiền, vực Ruộng, vực Chảo rồi ra vực Chò là đến khu vực lòng hồ Phú Xuân thuộc xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân). Xuôi dòng Trà Bương đến lòng hồ phải đi qua 10 vực nước.

 

Ngồi trên tảng đá đuôi vực Chò, nơi dòng sông Trà Bương hòa mình vào lồng hồ Phú Xuân, ông Tân cho biết: Cách đây gần 30 năm, từ vực Mả đến vực Chò, người dân quanh vùng đãi vàng cám, tức là đãi vàng thủ công, đãi bằng máng rồi cô vàng bằng mâm, ngày nào cũng có người ra vào đào xới. Từ khi có hồ chứa nước Phú Xuân, ngành chức năng ngăn cấm nên từ đó đến nay không có ai đãi vàng vùng này nữa, núi rừng gần các vực nước trở lại bình yên.

 

Đến đây, ông Tân đưa tôi “dạo” trên lòng hồ Phú Xuân bằng sõng câu. Đến gần hố Đá Quào gặp ông Ba Hạ (Phan Ngọc Hạ), một người cùng xóm với ông Tân, chuyên đánh bắt cá ở lòng hồ Phú Xuân. Ông Tân vẫy tay rồi nghiêng mái dầm bơi sõng lại gần, hai chiếc sõng câu “cặp kè” với nhau du ngoạn lòng hồ.

 

Người dân quanh vùng đánh bắt cá đầu nguồn sông Trà Bương - Ảnh: LÊ TRÂM

 

Trong lúc chờ mặt trời lặn, thả lưới đánh bắt cá mương đi ăn chập sẩm tối, ông Hạ trải lòng về nghề đánh bắt cá. Ông Hạ nhớ lại, ngày trước, dân cư xóm Đồng Bò ở phía dưới hồ Phú Xuân chỉ một vài nhà có chiếc sõng câu đánh bắt cá trên sông Trà Bương vào mùa mưa lũ.

 

Thời ấy, nhà nào kinh tế khá giả mới mua nổi tấm tôn lận sõng. Nhà ông thuộc diện nghèo khó nhưng vì mê nghề thả lưới nên ông “liều” bán con nghé mục (con nghé đực cao gần 1m) mua tấm tôn về lận sõng mưu sinh. Mùa mưa lũ bơi sõng đi đánh bắt thì mang theo 3 tấm lưới; đó là lưới 1 dít (loại này thả bắt được cá rô hột mít, cá trắng chỉ), lưới 2 nhặt bắt được con cá lúi, cá ngựa to bằng 3 ngón tay.

 

Mờ sáng mang tấm lưới đi giăng, gần trưa ra gỡ chỉ được ít cá bống, vài con cá lá tre, nấu nồi canh không ngọt, phải ráng “ngâm” lưới tới chiều tối, may đâu có con nào dính lưới thêm. Từ ngày hồ Phú Xuân tích nước, Ban quản lý hồ Phú Xuân tổ chức đấu thầu quản lý, khai thác hải sản khu vực lòng hồ, mê nghề thả lưới nên ông Hạ tham gia nhận thầu.

 

Ban ngày đi làm đồng, chiều tối bơi sõng thả lưới bắt cá. “Thường từ đầu hôm đến sáng, tôi bắt được 4kg cá. Cá thác lác to bằng bàn tay, còn cá rô phi cân nặng đến 2kg, mỗi đêm bán được 300.000-400.000 đồng. Đó là chưa kể có đêm “trúng” cua đinh kiếm cả triệu bạc. Mình vừa khai thác vừa quản lý không cho ai lén lút đánh bắt bằng dụng cụ xung điện, lờ Thái Lan”, ông Hạ nói.

 

Dòng sông với 5 bến nước

 

Từ dưới mặt đập hồ Phú Xuân, dòng sông được tiếp nước từ suối Tía, suối Trầu, đến đây sông Trà Bương chảy qua hết địa bàn xã Xuân Phước. Khi sông Trà Bương “lọt” qua địa bàn xã Xuân Quang 3, người dân quanh vùng gọi là sông Con. Sông dài hơn 5 cây số, dòng sông ngắn nhưng có nhiều bến: bến Thạnh Thượng, bến Đồng Thành, bến Ông Rằng, bến Núi Một, bến Ông Thanh Bộ Hào.

 

Bến Thạnh Thượng của thôn Thạnh Đức là bến nước đầu tiên của sông Con khi chảy qua địa bàn xã Xuân Quang 3. Qua bến Thạnh Thượng là đến bến Đồng Thành rồi đến bến Ông Rằng. Tại bến Ông Rằng, bên này sông là xóm Soi Đội 3, thôn Thạnh Đức và bên kia sông là xóm Soi, thôn Phước Nhuận (xã Xuân Quang 3).

 

Chị Lê Thị Tuyết ở xóm Soi, thôn Phước Nhuận, có nhiều kỷ niệm về bến Ông Rằng. Chị Tuyết kể: Quê tôi ở xóm Soi Đội 3, thôn Thạnh Đức lấy chồng về bên này. Lúc mới về làm dâu, cứ năm mười ngày hoặc nửa tháng, vợ chồng tôi “đùm túm” qua bến Ông Rằng về thăm má một lần (chị Tuyết chỉ còn má). Sau này cứ lo cuộc sống làm ăn, lâu quá thấy tôi không về thăm, má nhớ vợ chồng tôi, bắt con gà giò bỏ trong cái rọ heo con xách qua bến Ông Rằng đi trên bờ ruộng cong vênh đến nhà cho con làm giống.

 

“Về sau má tôi già yếu và mất, lâu lâu tôi cũng về thăm quê, ngồi bệt trên nền nhà cũ xóm Soi Đội 3 nhìn ra bến sông nhớ về má mà nước mắt cứ chảy. Má tôi “ăn ở” bên bến sông gần 30 năm. Má trồng rau muống dưới bến sông, chiều đi làm đồng về, nhà hết thức ăn thì má ra sông cắt nắm rau muống luộc”, chị Tuyết nói.

 

Xóm Soi Đội 3 nằm dưới suối Bà Sào, phía trên vực Bàu Sơn, mùa mưa nước suối Bà Sào chảy ra tạo thành ngã ba. Dòng nước lũ “kẹp” xóm Soi Đội 3 lại. Do biến đổi khí hậu, thường thì tháng 11 hết lũ, nhưng có năm lũ lớn đã “tràn qua”… tháng 12. Vì vậy cách đây 5 năm, địa phương di dời xóm Soi Đội 3, thôn Thạnh Đức vào trong xóm Gò ở trên cao, xóm nhà không “thuộc diện” ngập lụt nữa.

 

Chỗ xóm Soi Đội 3 bây giờ chỉ còn nền nhà cũ. Ban ngày, người dân quay về khuôn viên nhà cũ trồng cỏ voi nuôi bò. Bà con đào giếng, nước mạch từ sông Trà Bương thấm vào, nguồn nước dồi dào tưới cỏ, phát triển mô hình chăn nuôi mang lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần cải thiện đời sống gia đình.

 

----------------------------- 

Kỳ cuối: Ngát xanh “ruộng mật, bờ xôi” đôi bờ

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek