Thứ Sáu, 04/10/2024 18:30 CH
Cồng chiêng Ba Na Phú Yên vang giữa cao nguyên
Thứ Bảy, 24/11/2007 13:00 CH

Những ngày qua, cao nguyên xanh Đắk Lắk ngập tràn tiếng cồng chiêng. Và trong rừng âm thanh đậm đặc chất Tây Nguyên đó, chúng tôi nghe rõ tiếng cồng ba chinh năm, tiếng trống đôi của đồng bào các dân tộc thiểu số Phú Yên.

 

071124-cong-chieng-1.jpg

Đội cồng chiêng Bana Phú Yên biểu diễn tại Festival Văn hóa cồng chiêng. -  Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Buổi sáng 22/11, trong các hoạt động của Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tổ chức tại Quảng trường TP Buôn Ma Thuột, hàng ngàn người dân Đắk Lắk và du khách trong, ngoài nước đã đổ xuống đường xem lễ hội Carnaval. Một phần nội dung của lễ hội này là tiết mục múa tống quái của đoàn Phú Yên. Một cây nêu được dựng giữa sân khấu lớn ngoài trời với chủ đề “Cuộc trò chuyện với đại ngàn”. Bốn chàng trai trong trang phục ngày hội của dân tộc Ba Na, đầu chít khăn đỏ, với trống, với chiêng, vừa đi vừa múa, người đánh trống, người gõ chiêng nhịp nhàng quanh cây nêu. Âm chiêng, tiếng trống, điệu múa khá vui nhộn, để xua đi những điều xấu xa, bất trắc của ngày đầu năm mới.

 

Đó chỉ là một trong sáu tiết mục mà đoàn Phú Yên mang đến Festival này. Cùng với múa tống quái, đoàn còn biểu diễn múa trống đôi, hát dân ca Chăm H’roi và đặc biệt là biểu diễn 3 bài chinh: Đón khách, Giao lưu và Tiễn khách. Ông Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Phú Yên, cho biết: “Sở dĩ chúng tôi chọn đội cồng chiêng Ba Na chứ không phải là Chăm H’roi hay Ê đê - vốn là hai dân tộc thiểu số khá đông dân ở Phú Yên - bởi cồng chiêng Ba Na Phú Yên là bộ nhạc cụ có thang âm và giai điệu rất hay, rất độc đáo. Điều đáng chú ý là cách chơi của người Ba Na có ảnh hưởng một ít của người Chăm H’roi nên giai điệu rất lạ”.

 

16 nghệ nhân, đa số còn rất trẻ, trong đó có 14 người ở Xí Thoại và Hà Rai (Xuân Lãnh, Đồng Xuân) và 2 người đến từ huyện Sông Hinh, đã luyện tập trong vòng 15 ngày để có được các màn trình diễn ấn tượng tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên này. Anh La O Phởm, một thành viên của đoàn, cho biết: “Cách biểu diễn này chủ yếu dựa trên nền tảng những gì mà ông cha chúng tôi truyền lại. Những người hướng dẫn tập luyện có một số cải tiến mới để cách biểu diễn hay và sinh động hơn”. Còn anh K’Pá Thẩm, một thành viên khác, thổ lộ: “Chúng tôi rất tự hào khi cồng chiêng trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và rất vui khi được mang những nhạc cụ truyền thống bao đời nay của ông bà để đi biểu diễn cho rất nhiều người xem như ở liên hoan này. Được giao lưu với hàng chục đoàn khác trong cả nước và cả quốc tế (dự liên hoan ngoài hơn 20 đoàn trong nước còn có đoàn nghệ thuật dân tộc của tỉnh Chăm Pa Sắc – Lào và đoàn Hàn Quốc – PV), chúng tôi hy vọng đã giới thiệu được những nét đặc sắc trong nghệ thuật chơi cồng chiêng của dân tộc mình, của người dân tộc thiểu số Phú Yên đến bè bạn khắp nơi”.

 

Bà Phan Thị Thu Thảo, Trưởng đoàn Phú Yên, nói rằng: Những tiết mục múa trống đôi, múa tống quái và các bài chinh của Phú Yên đã tạo được sự ngạc nhiên đối với bạn bè và rất nhiều người xem ở Festival bởi sự mới lạ trong âm điệu và cả cách biểu diễn.

 

Những ngày qua, giữa cao nguyên xanh Đắk Lắk, tiếng cồng chiêng lúc bổng khi trầm, lúc ầm ào như thác nguồn đang đổ… Không gian đông đặc bởi tiếng cồng chiêng. Và đây đó, chúng tôi nghe được tiếng cồng ba chinh năm, tiếng trống đôi của các dân tộc Phú Yên hòa nhịp với rừng âm thanh đậm đặc chất Tây Nguyên này…

 

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek