Thứ Bảy, 05/10/2024 00:14 SA
Ba thế hệ đạo diễn Việt Nam:
Thành quả đào tạo của sân khấu Nga Xôviết
Thứ Bảy, 10/11/2007 08:00 SA

Vào những năm cuối thập kỷ 50, những người làm sân khấu nước ta đã được học nghề đạo diễn, không thông qua trường lớp, mà thông qua thực tiễn dàn dựng của các đạo diễn Nga Xôviết, tại các nhà hát ở ta.

 071110-Duc-hai.jpg

Nghệ sĩ Đức Hải (bên phải), người thuộc thế hệ đạo diễn cuối cùng được đào tạo tại Liên Xô (cũ)

 

NGƯỜI VIỆT HỌC NGHỀ ĐẠO DIỄN TỪ SÂN KHẤU NGA XÔVIẾT

 

Trong khi sân khấu Nga Xôviết, sau Cách mạng Tháng Mười đã có hơn 30 năm phát triển mạnh mẽ, với nền tảng văn hoá vững chắc, được xây cất từ một hệ thống lý thuyết sân khấu lớn nhất thể giới, mà người Việt quen gọi là thế hệ Xtanhixlavxki, thì ở những năm 30 đầu thế kỷ XX, sân khấu Việt hiện đại vẫn còn luẩn quẩn trong tình trạng nghiệp dư, mày mò tự học, tự dựng, tự diễn, tự phát. Tuy nhiên, xét từ góc nhìn văn hoá, trong bối cảnh giao lưu văn hoá quốc tế, ngay từ đầu thế kỷ XX, người Pháp cũng đã để lại, ngoài ý muốn, một số tiền đề văn hoá thiết thực để phát triển hiện đại sân khấu VN, trong nửa sau thế kỷ XX. Đó chính là nghề đạo diễn.

 

Ngay sau hoà bình lập lại năm 1954, Đảng và Nhà nước VN đã khởi hành một chương trình đào tạo bài bản: Gửi người đi học nghề sân khấu ở nước ngoài. Những người Việt đầu tiên được cử đi học, đã vào Trường ĐH Trung ương Hý kịch Bắc Kinh (Trung Quốc) học nghề đạo diễn qua hệ thống lý thuyết của Xtanhixlavxki, mà người Trung Quốc đã học được từ các trường đại học sân khấu của nước Nga Xôviết, truyền giảng lại cho sinh viên đạo diễn VN.

 

Cũng trong bối cảnh ấy, vào những năm cuối thập kỷ 50, những người làm sân khấu nước ta đã được học nghề đạo diễn, không thông qua trường lớp, mà thông qua thực tiễn dàn dựng của các đạo diễn Nga Xôviết, tại các nhà hát ở ta. Đây là trường hợp khác, có thể gọi là “Vietnamxki variant”, bởi các đạo diễn Nga Xôviết đã sang truyền nghề trực tiếp cho diễn viên, bằng thực tiễn dàn tập kịch bản Nga Xôviết tại VN. Mùa hè năm 1958, ở Hà Nội xuất hiện một đạo diễn Nga, tuổi 50, đạo diễn Vaxiliep, dàn dựng cho lớp thực nghiệm sân khấu gồm 4 đoàn văn công, một vở kịch hoành tráng của sân khấu Nga Xôviết: “Liubov Iarovaia”, gọi tắt là “Liuba”. Lần đầu tiên, nghệ sĩ kịch VN được tiếp xúc trực tiếp với phương pháp sân khấu hiện đại và tiên tiến của nước Nga Xôviết, thông qua ngôn ngữ dàn cảnh của một đạo diễn cụ thể trong một vở diễn cụ thể.

 

Năm 1961, vị đạo diễn Nga Xôviết thứ hai xuất hiện ở ta, với cá tính nghệ thuật độc đáo khác. Ông là Monokhov. Sự xuất hiện của hai đạo diễn Nga Xôviết: Vaxiliev và Monakhov tại VN trong những năm 60 của thế kỷ trước, đã có ý nghĩa lớn lao về phương pháp, soi sáng chặng đường đầu tiên hình thành nghề đạo diễn trong sân khấu VN hiện đại.

 

BA THẾ HỆ ĐẠO DIỄN VIỆT RA ĐỜI

 

Cử người đi học nghề đạo diễn theo phương pháp sân khấu Nga Xôviết ở Trung Quốc. Học nghề đạo diễn ngay trong thực tế dàn dựng của các đạo diễn Nga ở VN. Hai dòng chảy này được khơi nguồn từ sân khấu Nga Xôviết, ngay từ những năm 50 và 60 của nước VN dân chủ cộng hoà, đã mặc nhiên tạo thành một hợp lưu lớn, gồm ba thế hệ đạo diễn, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của sân khấu VN hiện đại suốt nửa sau thế kỷ XX. Những đạo diễn thuộc thế hệ vàng này, chính là những người đầu tiên được cử đi học ở Trung Quốc. Đó là GS-TS-NSND - đạo diễn Đình Quang và các NSND - đạo diễn: Trần Hoạt, Ngô Y Linh, Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức, Ngọc Phương.

 

Sau đó là thế hệ thứ hai, có thể gọi là thế hệ “bạc”, với những đạo diễn nổi tiếng, gồm các NSND: Doãn Hoàng Giang, Phạm Thị Thành, Huỳnh Nga, Lê Hùng, Xuân Huyền và các NSƯT: Tường Trân, Đoàn Bá, Ca Lê Hồng, Bạch Lan, Thành Trí, Tạ Xuyên, Mai Ngọc Căn, Đoàn Anh Thắng... Thế hệ này phải chịu một thiệt thòi “lịch sử” là không có một vốn văn hoá Pháp - Việt dày dặn như thế hệ thứ nhất, song họ có vốn liếng tiếng Nga, văn hoá Nga đủ để theo học bài bản ở những trường lớp sân khấu của nước Nga Xôviết. Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi cho rằng, cái khó đầu tiên của nghề đạo diễn là phải đọc và hiểu cho đến tận “đáy chữ”, “bóng chữ” của kịch bản văn học, thì mới có thể chuyển tiếp từ kịch bản văn học thành ngôn ngữ dàn cảnh của đạo diễn sân khấu. Vì thế, ông đã đưa ra một định nghĩa xác đáng về nghề đạo diễn (sau khi ông về từ nước Nga, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, nhan đề “Những nguyên tắc cơ bản của sân khấu cổ truyền Việt Nam” tại Viện Sân khấu Lunatrarxki Mátxcơva, Liên Xô): Đạo diễn = người giải thích tác phẩm văn học kịch. Đạo diễn = bội số của tác phẩm. Đạo diễn = giấc mơ về tác phẩm.

 

Thế hệ thứ hai đã biết tiếp nối thế hệ thứ nhất và càng ngày họ càng tỏ ra có thể gánh vác được những công việc của một thế hệ đạo diễn đông đảo nhất, và giàu sức sống nhất... Thế hệ thứ ba là thế hệ những người du học ở nước Nga trong thời kỳ khó khăn của thập kỷ 80: Công Ninh, Lê Mạnh Hùng, Khánh Vinh, Đức Hải... Họ là thế hệ đạo diễn VN cuối cùng được đào tạo tại Liên Xô, trước khi Liên Xô tan rã.

 

Tuy nhiên, hoặc gián tiếp, hoặc trực tiếp, cả ba thế hệ đạo diễn trên đều có gốc gác nghề nghiệp liên quan mật thiết đến nền sân khấu của nước Nga Xôviết. Theo góc nhìn văn hoá, họ đều là kết quả của phương pháp đào tạo đạo diễn của sân khấu Nga Xôviết và họ mãi còn biết ơn những người thầy của họ đã đào luyện họ thành nghề và đang hành nghề một cách thật xuất sắc ở VN.

 

(LĐ)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek