Thứ Bảy, 05/10/2024 00:22 SA
Cuộc thi Truyện ngắn 2007 trên Tạp chí Văn nghệ Phú Yên:
Đa dạng về phong cách, đề tài
Thứ Năm, 08/11/2007 08:10 SA

Cuộc thi Truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Phú Yên (VNPY) do Hội Cựu học sinh Trung học Phú Yên phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) Phú Yên tổ chức đã kết thúc. Phát động từ  tháng 12/2006 và khép lại vào 30/10/2007, Ban tổ chức đã nhận được 49 truyện ngắn dự thi và 12 truyện ngắn hưởng ứng cuộc thi. Ban sơ khảo đã thẩm định, chọn 21 truyện ngắn dự thi và 10 truyện ngắn hưởng ứng cuộc thi để đăng tải trên Tạp chí VNPY. Dự kiến ngày 20/11 tới sẽ trao giải.

 

Điểm qua các tác phẩm qua vòng sơ khảo, Ban tổ chức nhận thấy ngoài các cây bút quen thuộc, trong cuộc thi này đã xuất hiện những cây bút mới có bút lực dồi dào, phong cách viết khá độc đáo như Tấn Phát, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Thái Hiền, Trần Hà Phượng Quyên... Vì đây là cuộc thi do Hội Cựu học sinh Trung học Phú Yên phối hợp tổ chức, nên đề tài giáo dục được tập trung nhiều nhất. Tác giả Phương Trà với truyện ngắn Ea Róc viết về đời sống miền núi, về những thanh niên miền xuôi cõng chữ lên non với bao vất vả bởi thời tiết, sự thiếu thốn, những hiểm nguy rình rập… Nhưng với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, họ đã ở lại vì buôn làng. Một truyện ngắn đặt những nhân vật vào sự giằng xé nội tâm cùng những nghĩa cử cao đẹp của con người. Truyện ngắn Dòng sông ký ức của tác giả Thanh Lâm là một tự truyện về đời học sinh của tác giả ở ngôi trường Nguyễn Huệ, Tuy Hòa, có bạn bè, thầy cô, có trò chơi tuổi nhỏ bên người cha khắc nghiệt, người mẹ tảo tần nuôi con khôn lớn. Tác giả Thanh Lâm đã khéo léo đan cài các chi tiết mình từng trải qua theo mạch văn tuôn chảy cảm xúc, lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối truyện.

 

Tác phẩm Lung linh ngọn nến của Thu Hồng và Lớp trưởng của Dương Long, hai giáo viên đang công tác tại huyện miền núi Đồng Xuân, là sự hoài niệm những gì đã qua từ những mái trường. Phong cách viết nhẹ nhàng, tinh lọc câu chữ, họ chọn thời gian thích hợp để đặt nhân vật vào dòng chảy ấy. Còn trong truyện ngắn Rồi sẽ như gió bay xa của Thu Hồng (truyện ngắn thứ hai của tác giả này qua vòng sơ khảo), người viết tạo điểm nhấn trong chi tiết, tìm tòi thể nghiệm cách viết mà trong đó, nhân vật chính đan xen nhân vật phụ, có vui có buồn… Tác giả Đỗ Nhất Trí, một giáo viên ở Tây Hoà, dự thi với truyện ngắn Chuyện ngày hội giảng. Tác giả như vị trọng tài giám sát ngồi bên lề, đồng thời cũng là người trong cuộc để nhìn nhận, để biện minh và đánh giá từng nhân vật một cách khôn khéo, khắc họa những kẻ nhu nhược, hiếu thắng, người tốt lẫn người xấu như cô Phấn, thầy Tấn, thầy Sĩ…

 

Có ba tác giả viết về đề tài chiến tranh cách mạng, đó là Bằng Tín, Bảo Nhân và Vũ Hoàng Giang. Cho dù cuộc chiến tranh đã lùi vào quá khứ nhưng nỗi ám ảnh vẫn không nguôi, và đề tài này cũng không bao giờ cạn. Bản anh hùng ca vẫn chảy, dù  day dứt như tác giả Vũ Hoàng Giang với truyện ngắn Mảnh pháo, viết về một nữ du kích đã hy sinh; tác giả Bảo Nhân với truyện ngắn Gặp lại kể về người bạn gái thời niên thiếu sống trong lòng địch và trở thành một nữ đặc công anh hùng; tác giả Bằng Tín với truyện ngắn Chiến hữu tương lai viết về một thanh niên phải hủy hoại thân thể để không bị bắt quân dịch. Đề tài này có nhiều người viết, và cách viết truyền thống ấy thường tạo cho người đọc sự cảm nhận, phân định rõ ràng về lòng yêu nước, tinh thần đồng đội và căm thù giặc qua những chi tiết, sự kiện trong thời chiến tranh.

 

Có hai tác giả trẻ khi gửi truyện ngắn dự thi thì đang học cuối cấp III, đó là Nguyễn Thị Mỹ Hạnh và Thái Hiền. Bão lòng của Nguyễn Thị Mỹ Hạnh kể về một đứa bé sống trong gia đình nề nếp, được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo đến khi trưởng thành mới phát hiện mình không phải là con ruột. Từ đó, đứa bé ấy đã hành động nông nổi nhưng cuối cùng  sự yêu thương của gia đình đã đưa em trở lại mái ấm. Mỹ Hạnh đã thể hiện nội tâm của nhân vật đan xen với hình ảnh thực của xã hội, kết cấu câu chuyện khá logic cùng cách xử lý tình huống rất hiệu quả. Còn trong truyện Dạo chơi trên phố mưa, nhân vật được Thái Hiền mô tả kỹ lưỡng đan xen khung cảnh thật nên thơ. Thái Hiền vào truyện một cách nhanh chóng, đây cách viết mà hiện nay các cây bút trẻ thường sử dụng, khiến người đọc thích thú. Hai tác giả trẻ này đã chứng tỏ khả năng văn chương của mình. Nếu được rèn luyện thêm, chắc chắn cả hai sẽ tiến xa hơn.

 

Tham gia cuộc thi Truyện ngắn 2007 có một sê-ri tác phẩm viết về đề tài xã hội mang nhiều dấu ấn về ngành nghề mà các tác giả đã gắn bó. Truyện ngắn Theo nghiệp của tác giả Tấn Phát viết về các nghệ sĩ sân khấu giàu đam mê nhưng nghèo khó, với những hỉ, nộ, ái, ố trong cơ chế thị trường. Với Hoàng hôn trên biển, Lệ Thanh khẳng định rằng đồng tiền có thể mua được nhiều thứ nhưng không thể thay đổi phẩm chất tốt đẹp trong những con người sống đức độ. Tác phẩm Đêm mùa hạ của Trần Cao Trí viết về một trí thức thất nghiệp nhưng không bán rẻ nhân phẩm. Cũng một nụ cười của Ngô Phan Lưu với câu chữ ngắn gọn, súc tích, ẩn chứa triết lý nhân sinh qua từng nụ cười của người bán hàng rong, người quét rác, một sư bà, một đứa trẻ với hy vọng vào cuộc sống. Giỗ hiệp của Trần Bương là câu chuyện về đạo đức, hồn người, về sự đùm bọc thương yêu nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù có nghiệt ngã đến mấy… Mạnh Hoài Nam với Bông hồng cài áo viết về tấm lòng của người mẹ dành cả cuộc đời lo cho chồng con, về tình làng nghĩa xóm, về tình yêu đầu đời trong ngôi làng nhỏ dưới chân đồi đầy yên ả trong khung cảnh thanh bình. Phương Trà là người gửi bản thảo cuối cùng trong ngày kết thúc cuộc thi. Tác phẩm thứ hai mang tên Đi trong sương mù đề cập đến vấn đề bạo lực gia đình mà hằng ngày ta vẫn phải thấy, xã hội vẫn phải đối mặt.

 

Điều đáng nói là bên cạnh các tác giả trong tỉnh, một số cây bút ngoài tỉnh cũng đã nhiệt tình hưởng ứng cuộc thi như: Nhà văn Hồng Nhu (Huế), nhà văn Lê Nguyên Ngữ (Bình Thuận), Tôn Nữ Thanh Yên (Khánh Hoà), Nguyễn Văn Học (Hà Nội), Nguyễn Thị Anh Đào (Đà Nẵng), Đặng Minh Sáng (Kon Tum)... Các cây bút đã đóng góp một phần quan trọng cho cuộc thi thêm đa dạng và phong phú.

 

HUỲNH THẠCH THẢO

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek