Thứ Bảy, 05/10/2024 00:21 SA
“Nhật ký Trần Mộng Thành” – Ký ức chiến trường nóng bỏng
Thứ Ba, 06/11/2007 07:36 SA

071106-Bia-nhat-ky.jpg
Bìa tập sách "Nhật ký Trần Mộng Thành"
L.T.S: Tập nhật ký chiến tranh của liệt sĩ Trần Mộng Thành quê ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, do Hội Liên hiệp VHNT tỉnh và Phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Đông Hòa sưu tầm, biên tập và hiệu đính, được NXB Chính trị Quốc gia đánh giá cao và đồng ý xuất bản ngay trong năm 2007. Nhân dịp sách ra mắt bạn đọc, Báo Phú Yên xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông Vũ Ngọc Phương, Vụ trưởng, Giám đốc chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật về tập nhật ký này.

 

Chúng ta đã từng biết đến những cuốn nhật ký chiến trường mà tên tuổi của các tác giả đã khá quen thuộc với bạn đọc cả nước, có người thậm chí tiếng tăm còn vượt ra khỏi tầm quốc gia, như Chu Cẩm Phong, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… Đây là những con người, dù sinh ra ở miền Nam hay trên đất Bắc, song đều lớn lên và trưởng thành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, được giáo dục và đào tạo toàn diện, rồi lên đường vào Nam, tham gia các chiến trường miền Trung, sống và chiến đấu trong môi trường gian khổ và khốc liệt nhất lúc bấy giờ. Họ đã hiến dâng cả máu xương mình cho miền đất ấy và hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

 

NXB Chính trị Quốc gia xin giới thiệu cùng bạn đọc thêm một tập nhật ký nữa - Nhật ký Trần Mộng Thành. Khác với những tác giả của những tập nhật ký trên, Trần Mộng Thành sinh ra và lớn lên ở miền đất Phú Yên, giác ngộ cách mạng, tham gia chiến đấu và hy sinh ngay trên mảnh đất miền Trung quê hương mình. 5 tuổi, anh đã mồ côi cha, 9 tuổi mồ côi luôn cả mẹ. Bà vì đau buồn mà lâm bệnh qua đời sau một trận càn của giặc Pháp vào làng. Chúng đánh đập dân lành, thiêu rụi nhà cửa, bắn giết gia súc, gia cầm và lùa tất cả già trẻ, gái trai về giam giữ  tại Tuy Hòa. 14 tuổi, anh đã phải nghỉ học, kiến thức dở dang, chỉ vừa hết bậc tiểu học bây giờ. Cảnh nước mất, nhà tan đó cộng với ách kìm kẹp tàn ác của Mỹ - Ngụy trong thời kỳ chúng thực hiện luật 10/59 cứ ám ảnh, thôi thúc anh phải tìm ra lối thoát. Và thế là, từng bước một, anh dò dẫm tự tìm con đường cho chính cuộc đời mình, với “những bước chân đã là bước chân cách mạng, bước chân gian khổ, hẹn ngày trở lại quê hương khi nước nhà được giải phóng mà không còn gót xâm lăng giày xéo”. Vừa tròn 16 tuổi, Trần Mộng Thành đã lên rừng, “nhảy núi” theo cách mạng. Anh sống và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng lúc đang ở tuổi 24, hiến dâng trọn một thời thanh xuân cho cách mạng, cho quê hương.

 

Nhật ký Trần Mộng Thành bao gồm 115 đoạn, gần như đoạn nào cũng có tiêu đề riêng, kể cả văn xuôi và văn vần, viết đứt quãng ròng rã suốt trong 12 năm (1957-1969), lúc anh sống và chiến đấu trên mảnh đất Phú Yên - Khánh Hoà, và kết thúc sớm chừng 2 tháng tính đến ngày anh ngã xuống trước họng súng quân thù. Ở đó, qua từng dòng, từng chữ thật sự sống động, chân thực anh để lại (mà ở một hoàn cảnh khác có khi ta lại có cảm giác nó giáo điều), chúng ta cảm nhận được từng bước tiến bộ trong nhận thức của Trần Mộng Thành về con đường mình đã chọn, về lý tưởng mà anh và cả dân tộc đang theo đuổi, với niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng miền Nam. Anh viết và suy ngẫm về cuộc sống thường nhật quanh anh, về đồng đội và nhân dân, về núi rừng hùng vĩ thân thương ngày đêm che chở cho người chiến sĩ. Đọc nhật ký, ta thấy hiện hữu một cuộc sống cực kỳ gian khổ, ác liệt mà các chiến sĩ và người dân nơi đây đã phải trải qua hàng ngày; lý giải tại sao càng bị đàn áp dã man, đồng bào quê hương anh càng một lòng thủy chung đi theo cách mạng. Họ sống một cuộc sống mà cơm không mấy khi đủ ăn, nước không mấy khi đủ uống, và áo quần cũng vậy, chẳng bao giờ được tươm tất. Họ luôn đối đầu với bệnh tật, thương tật, suy nhược cơ thể, luôn trong tình trạng bị địch bao vây, phải chạy giặc, chạy càn để thoát vây, cơ quan nhiều lần bị cháy trụi vì bom thù, mất liên lạc với đồng đội, lang thang đói khát trong rừng thẳm... Bản thân anh đã từng bị bạo bệnh gần như mù cả đôi mắt sau cả nửa tháng trời vật vờ ẩn náu trong rừng, ăn toàn rau rịa, môn dóc cầm hơi cho đến khi anh em tìm thấy và đưa về; đã từng bị thương nặng vì một viên đạn thù xuyên qua lồng ngực, máu ướt đầm cả cơ thể, ngất đi trên vai đồng đội, rồi phải trải qua bốn ngày đêm liền trên cáng, đồng đội đưa anh về bệnh xá trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, có lúc ngất lặng, gần như bị cấm khẩu, và toàn thân tê liệt. Anh viết về tình cảm ruột thịt, nỗi nhớ thương cha mẹ, anh chị em, về tình cảm bạn bè chân thành và cảm động, về tình yêu lứa đôi thuở ban đầu mà ở đó mộng nhiều hơn thực. Anh còn viết về những nỗi buồn và suy tư của anh khi đối mặt với những hiện tượng tiêu cực - thói ích kỷ và cục bộ địa phương, tác phong thiếu tề chỉnh, coi thường chiến sĩ của một vị lãnh đạo đơn vị, về thói đam mê vật chất và thích một cuộc sống an nhàn của một người bạn thân mà coi rẻ cả tình cảm bạn bè. Theo anh, cái đó có là gì đâu bên cạnh lý tưởng cách mạng mà các anh đang theo đuổi…

 

071106-Liet-si-Tran-Mong-Th.jpg

    Liệt sĩ Trần Mộng Thành. -  Ảnh: T.L

Và hơn hết, anh viết về cuộc chiến đấu chống Mỹ và bọn tay sai của đồng bào và đồng đội mà anh là người trong cuộc, về sự trưởng thành của anh theo từng năm tháng của cuộc chiến đấu ấy. Anh đầy nhiệt huyết và chân thành trong “Đơn xin vào Đoàn” (1964), chững chạc và sâu sắc trong “Đơn xin vào Đảng” (1967), mưu trí, lanh lợi và rút ra được nhiều kinh nghiệm quý giá sau mỗi lần đụng độ với quân thù. Anh viết “đứng trước nhiệm vụ nặng nề đầy gian nguy nhưng không kém phần quang vinh, sự nhiệt tình và phấn đấu sẽ là cái thước đo giữa con đường tiến bộ và thoái bộ của mình - hai con đường mình sẽ chọn con đường nào xán lạn cho thế hệ trẻ? Dĩ nhiên là phấn đấu vượt qua, cống hiến đời mình cho sự nghiệp cao cả của dân tộc”, “mỗi đồng chí sẵn sàng chuẩn bị cho mình một cái chết để hiến dâng cho Tổ quốc trong giờ phút cuối cùng vinh quang nhất đời mình”. Anh viết về trận chiến không cân sức với quân thù: “… 500 quân (Nam Triều Tiên) vây chặt một tiểu đội chiến sĩ giải phóng, ba lớp vòng vây, mỗi thằng cách nhau 5 thước”, “trận chiến đấu với quân giặc đông gấp 50 lần, cái chết của chúng tôi tưởng chừng đã đến tận gáy, quần lộn với chúng suốt một ngày, cách nhau 2-3 mét, dẫm qua dấu giày của chúng mà đi, vượt qua vòng vây dày đặc mà tiêu diệt chúng, bảo vệ đồng đội”…

Người chiến sĩ, ở một cánh rừng tạm trú quân, đón tin Bác Hồ từ trần trong niềm đau thương vô hạn. Anh nghẹn ngào:

 

Bác ơi giữa bóng đêm dài

Ngập ngừng lệ cứ lăn dài đôi mi

 

Trong đau thương, anh thầm hứa với Bác: “gạt đau thương vượt lên phía trước, diệt quân thù giải phóng miền Nam để vui lòng Bác nơi chín suối…”. Đúng là ngay trong chiến trường ác liệt, anh đã tự thấy mình phải biết “biến đau thương thành hành động cách mạng”.

 

Chúng tôi cũng đưa vào tập nhật ký này bài viết của nhà văn Đào Minh Hiệp, các tác giả Huỳnh Văn Quốc, Lê Thanh Hội kể về quá trình tiếp cận với cuốn nhật ký này và các nhân chứng sống đã từng một thời đồng cam cộng khổ, chiến đấu cùng liệt sĩ Trần Mộng Thành, để bạn đọc hiểu kỹ hơn về cuộc đời anh, những điều mà anh không đề cập đến trong tập nhật ký, cũng như những cảm nhận chân thực của họ về anh.

 

Hy vọng rằng, qua từng trang nhật ký nóng bỏng ký ức chiến trường của liệt sĩ Trần Mộng Thành (tên thật là Trần Văn Thừa, anh chọn tên Mộng Thành với ước mong rằng mộng ước của mình trở thành hiện thực), chúng ta một lần nữa được sống lại với những ngày tháng gian nan, nhưng thật quang vinh của dân tộc và của đồng bào Nam Trung Bộ nói riêng, nơi mà nhiều thế hệ cha anh chúng ta đã nối tiếp nhau ra trận vì sự sống còn của dân tộc, vì hạnh phúc và sự phồn vinh của đất nước. Chúng ta lại thầm biết ơn bao người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống, hy sinh anh dũng, vì hôm nay và mai sau và thầm nhủ rằng, phải sống sao cho xứng đáng với những người đã ngã xuống ấy

 

VŨ NGỌC PHƯƠNG

                    (Vụ trưởng, Giám đốc chi nhánh TP Hồ Chí Minh NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek