Trong tác phẩm Nhà văn và giấc mơ tỉnh, nhà phân tâm học Freud cho rằng: “Tác phẩm thơ văn nào cũng giống như một giấc mơ được ghi chép bằng văn tự”. Tức là nhà thơ dùng ngôn ngữ văn chương để thể hiện những giấc mơ của mình. Đó là những giấc mơ lúc tỉnh táo, không có thật hoặc có thật. Trong bài Sự thật có muộn màng (tập thơ Những giấc mơ có thật - NXB Trẻ, 2017), Huỳnh Duy Hiếu miêu tả “giấc mơ tỉnh” của mình:
Bìa tập thơ “Những giấc mơ có thật” của Huỳnh Duy Hiếu - Ảnh: PHẠM NGỌC HIỀN |
“Tôi thả những con chữ vào giấc mơ
Lắp ghép thành thơ
Những bài thơ không bao giờ có thật
Tôi ru ngủ tôi bằng sự ve vuốt ngọt ngào”
Tình yêu là giấc mộng phổ biến nhất của loài người xưa nay. Khi không được thỏa nguyện gặp mặt người yêu ở ngoài đời thì ta thường gặp họ trong giấc mơ. Những người không có khiếu văn chương thường miêu tả giấc mơ thực đến trần trụi. Nhưng các nhà thơ biết vận dụng các thủ pháp tu từ để che giấu những khát vọng của mình:
“Em đã về sao cứ ngỡ chiêm bao
Thấp thoáng một vầng trăng nõn
Trái tim vừa chín mật
Mùa thu chếnh choáng say”
(Xin cảm nhận mùa thu)
Trong bức tranh thơ đó, ta chỉ thấy các hình ảnh, màu sắc của thiên nhiên như: vầng trăng nõn, chín mật, chếnh choáng say. Tuy nhiên, ẩn nấp đằng sau vầng trăng mùa thu là hình ảnh thiếu nữ. Người đàn bà hiện về trong giấc mơ của kẻ mộng du: “Bên cạnh em/ Người đàn bà của đêm thanh xuân xa lắc (…) Bên cạnh tôi/ Kẻ mộng du vừa thức tỉnh” (Cảm ơn những giấc mơ có thật).
Ngoài những mối tình trong mộng, còn có những mối tình hiện thực. Càng lớn tuổi, người ta càng có xu hướng giảm bớt những giấc mộng hão huyền để đi tìm những thiên đường trên mặt đất. Với Huỳnh Duy Hiếu, thiên đường hiện hữu chính là những ngày tháng sum vầy cùng gia đình, được ngồi “bên em” - người bạn tình đã theo tác giả trọn đời:
“Cuối đường hết ngõ bon chen
Đời nghiêng bóng xế chờ xem nắng tàn (…)
Cõi về trăm nẻo thực hư
Bên em thấp thoáng hình như thiên đường”
(Thiên đường bên em)
“Mai kia về lại cội nguồn
Xin làm tiếng hót chim muôn giữa trời
Thả tình theo giọt nắng rơi
Có em ngồi hát bên đời tịch liêu”
(Bên đời tịch liêu)
Thi nhân đã vẽ ra một vườn địa đàng đẹp tuyệt vời với chim hót, nắng rơi, tiếng nhạc đời say đắm lòng người. Ngoài thiên đường trên mặt đất, Huỳnh Duy Hiếu cũng mơ tới một thiên đường xa xôi ở chốn bồng lai tiên cảnh. Phật giáo quan niệm, cuộc đời hiện hữu này chỉ là tạm bợ, mỗi người nên chuẩn bị hành trang để đến sống vĩnh cửu ở miền cực lạc. Nói như Trịnh Công Sơn: “Tôi nay ở trọ trần gian/ Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”. Muốn có cuộc sống tốt đẹp ở kiếp sau thì kiếp này phải gieo nghiệp tốt:
“Đã gieo nghiệp khắp trăm miền
Chờ xem quả rụng triền miên kiếp nào
Một mình tôi với chiêm bao
Làm sao tìm được lối vào thiên thai”
(Dìu nhau đi giữa nhân gian)
“Ru tôi tròn giấc luân hồi
Tiếng kinh rụng giữa đất trời xa xăm”
(Ru)
Trong tập thơ Những giấc mơ có thật, có hai giấc mơ phổ biến: mơ được yêu thương và mơ được thanh thoát cõi lòng. Tác giả cho rằng, cần yêu thương nhiều hơn để thanh thản kiếp này và nhận được “quả” tốt cho kiếp sau. Nhưng để làm được điều đó không dễ. Tác giả đã từng mang “Giấc mơ khanh tướng”, nhưng rồi lại không thích cảnh đấu đá chốn quan trường mà muốn được yên thân:
“Tôi mơ thấy dáng tôi rồi
Mũ xiêm khanh tướng đứng ngồi xênh xang (…)
Chợt thèm bay nhảy tự do
Làm tên dân dã hát hò nghêu ngao
Giật mình thật hóa chiêm bao
Vẫn là tôi tự thuở nào ngô nghê”
Huỳnh Duy Hiếu cũng xuống phố bon chen kiếm sống nhưng lại “Loay hoay với phố” vì thấy nơi này không thích hợp với mình. Cuối cùng, thi sĩ lui về chốn quê dân dã để tìm sự bình an trong tâm hồn. Tại đây, tác giả có dịp sống lại những kỷ niệm hồn nhiên thời thơ bé. Môi trường sống trong lành cũng nâng cánh những giấc mơ thoát tục:
“Đêm đêm gặp Phật vui đùa
Tìm câu không sắc bốn mùa sắc không
Bây giờ đời vẫn mênh mông
Yên thương nhau để nhẹ dòng trầm luân”.
TS PHẠM NGỌC HIỀN