Thứ Tư, 15/01/2025 17:35 CH
Tình yêu, sự dấn thân và trách nhiệm của các cây bút trẻ
Chủ Nhật, 02/07/2017 14:00 CH

Hội nghị Những người viết văn trẻ TP Hồ Chí Minh lần thứ IV mở rộng khu vực Nam Bộ, diễn ra 3 ngày cuối tháng 6/2017 tại TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long và Cần Thơ. Hơn 100 cây bút trẻ của TP Hồ Chí Minh và đại diện các tỉnh thành ở Nam Bộ đã về tham dự.

 

Đây là sự kiện văn hóa 5 năm tổ chức một lần, cơ hội cho các bạn văn trẻ giao lưu, gắn kết, tạo thêm động lực để sáng tác. Từ hội nghị này, chúng tôi đã có dịp được trò chuyện, ghi lại tâm tình của một số bạn văn trẻ.

 

Nhà văn trẻ Đoàn Phương Huyền (TP Hồ Chí Minh): "Quấn quýt" với văn chương lúc nào cũng không biết

 

Tôi đến với văn chương một cách tự nhiên rồi "quấn quýt" lúc nào cũng không biết. Gần như chẳng có sự lựa chọn nào giữa tôi và văn chương cả. Chỉ là thấu cảm lẫn nhau và đến với nhau.Văn chương giúp tôi có cảm quan tốt hơn về cuộc sống. Tôi chạm đến được nhiều trái tim, nhiều phận người nhờ văn chương.

 

Tôi không viết vì sự nổi tiếng. Tôi viết vì sự thôi thúc từ bên trong mình. Và sự thôi thúc đó làm sao có thể chạm đến trái tim, chạm đến nỗi đau của bạn đọc để thấu hiểu và xoa dịu là điều tôi quan tâm nhất. Đương nhiên, nhà văn nào cũng mong sách mình bán chạy. Bởi sách bán chạy tức là đến được với nhiều bạn đọc. Nhưng đó không phải mục đích cuối cùng.

 

Đề tài tôi quan tâm nhất là thân phận con người. Tôi có một công việc thú vị, đó là làm phóng viên mảng phát thanh. Công việc này giúp tôi được tiếp xúc với nhiều phận người. Cay đắng, xót xa, khổ đau, bất hạnh... họ đều trải lòng cùng tôi. Vì vậy, tôi cảm nhận được nhiều hơn về cuộc sống này, về những thân phận quanh mình. Với tôi, văn chương là những thân phận.

 

 Nhà thơ trẻ Huệ Thi (Cần Thơ): Tự động viên mình viết ngay khi có cảm xúc

 

Văn chương đã mang lại cho tôi nhiều niềm vui, thêm một lần để yêu và sống, cho cuộc sống đầy sắc màu và thỏa chí được tô vẽ. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ nổi tiếng để bán sách. Tôi viết nhằm cân bằng công việc bận rộn của mình sau những giờ phút căng thẳng.

 

Tôi thường tự động viên mình viết ngay khi có cảm xúc: gặp một sự việc, thấy một cảnh đẹp khơi gợi, đọc một bài báo... chứ làm thơ thường khó hoạch định. Tuy nhiên, tôi cũng mơ ước và cố gắng mỗi năm ra một cuốn sách theo mỗi chủ đề khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của độc giả yêu mến mình.

 

Đôi khi tôi viết bằng cảm xúc nhiều hơn sự trau chuốt, tuy nhiên mỗi một bài thơ câu chữ đều được chắt lọc và già nghĩa. Bởi lẽ tự nhiên cảm xúc già dặn hơn mỗi ngày, kinh nghiệm và sự từng trải ướp vào tâm hồn thêm nhiều sự trải nghiệm và tôi viết bằng trách nhiệm tự mình trao: viết để gửi đi nhiều thông điệp yêu thương. 

 

Nhà thơ trẻ Nguyễn Đức Phú Thọ (An Giang): Không giới hạn bất cứ thể loại, đề tài nào

 

Những người viết trẻ được thừa hưởng tinh hoa của các thế hệ đi trước, nhưng đồng thời theo cách nào đó cũng chính là những áp lực. Chúng tôi có thần tượng của riêng mình, nhưng không muốn là bản sao lặp lại hay trở thành phiên bản lỗi.

 

Tôi nghĩ đã gắn mình với công việc sáng tạo thì không nên tự giới hạn bản thân ở bất cứ thể loại, đề tài nào. Từ quê hương con người sẽ có những chuyến đi xa hơn. Tôi có viết về quê hương, nhưng không nhiều. Không phải vì tôi không yêu nữa. Nhưng tôi ngại lối viết ca ngợi, kể lể chung chung, lặp lại những hình ảnh, câu chuyện của thế hệ trước.

 

Sự nổi tiếng và bán sách chạy là mơ ước của nhiều người cầm bút, cho dù với một số người khác nó gần như là một thành kiến.Vì cứ sách bán chạy và nổi tiếng là… sách thị trường, ít giá trị. Tôi không nghĩ vậy. Để tồn tại, hẳn nhiên phải có giá trị.Được yêu thích vì “chạm” được đến số đông, không phải nhà văn nào cũng có… duyên. 

 

 Nhà phê bình trẻ Trần Xuân Tiến (TP Hồ Chí Minh): Văn hóa đọc đã và đang thay đổi từng giờ

 

Hiện nay, nhiều bạn trẻ thường xem các sách bán chạy trên thị trường là đích đến của việc đọc. Không khó để thấy cảnh tượng độc giả chen chúc nhau xin chữ ký của tác giả chẳng khác gì “fan cuồng” xin chữ ký của ngôi sao âm nhạc, điện ảnh. Điều đó cho thấy bối cảnh của văn hóa đọc đã và đang thay đổi từng giờ trong sự tác động của văn hóa xã hội đương đại.

 

Một số cây bút trẻ nắm bắt được tâm lý của độc giả trẻ và đã xây dựng hình ảnh người sáng tác như thể một phong cách sống, đại diện của thái độ sống. Đây không khác gì một con dao hai lưỡi đối với người viết lẫn người đọc. Bởi vì, để chịu được sự thử thách của thời gian, để tác phẩm đứng lâu trong lòng độc giả thì còn là câu chuyện dài.

 

Một cách công bằng, những người viết trẻ cũng cần ý thức hơn nữa về những sản phẩm của mình thông qua những phản hồi của cả độc giả lẫn các nhà nghiên cứu văn học. Không thể cứ dựa dẫm mãi vào hai chữ “giải trí” để tự cho phép mình cái quyền làm nhạt nhòa những giá trị cốt lõi của văn chương như giá trị thẩm mỹ, giá trị nhận thức… Nếu cứ giữ mãi “một màu” như hiện tại, các tác phẩm văn chương trẻ sẽ làm hạ thấp dần phông nền của văn hóa đại chúng vốn đã chịu nhiều ý kiến phản hồi từ dư luận.

 

Nhiều biên tập viên các đơn vị xuất bản đã không ngại ngần chia sẻ với nhau trong những lúc trà dư tửu hậu về những khó khăn khi biên tập tác phẩm của các cây bút trẻ, tràn lan lỗi câu từ, lỗi diễn đạt. Rõ ràng, không chỉ là sáng tạo, không chỉ là phù hợp, là chiều lòng theo thị hiếu số đông, những cây bút trẻ còn cần xác định cho mình một lối viết có trách nhiệm hơn để người đọc cảm thấy hài lòng khi cầm trên tay một ấn phẩm văn chương mà họ chờ đợi.

 

HÙNG PHAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek