Lê Xuân Hợp là cán bộ phụ trách văn hóa, văn nghệ phường 7 (TP Tuy Hòa). Từ chơi nhạc, sáng tác, ca hát đến biên tập, dàn dựng, dẫn chương trình… cho các sự kiện lớn nhỏ anh đều làm được và làm tốt.
Lê Xuân Hợp (trái) trong một buổi biểu diễn văn nghệ - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Chúng tôi gặp Lê Xuân Hợp (SN 1985) tại quán cà phê Botanic (TP Tuy Hòa) khi anh đang tất bật cùng đồng nghiệp chuẩn bị cho đêm nhạc Phú Quang. Đêm nhạc này, được sự tín nhiệm của các ca sĩ tại địa phương, Lê Xuân Hợp một lần nữa đảm trách vai trò rã bài, hòa âm phối khí để cả ban nhạc và ca sĩ có sự hòa quyện ăn ý nhất.
Đây là công việc “tay quen” của Hợp trong suốt 12 năm qua, kể từ khi anh còn là sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Phú Yên (nay là Trường đại học Phú Yên). Năm 2005, sau một năm vào giảng đường, anh được ban nhạc Hitech (Trung tâm Giải trí và sinh thái Thuận Thảo) mời về làm nhiệm vụ rã bài, hướng dẫn ban nhạc hòa âm phối khí cho các chương trình, sự kiện tại đây. Các năm 2007 và 2008, Lê Xuân Hợp làm tổ trưởng ban nhạc Thuận Thảo, phục vụ Liên hoan Tiếng hát Hương Mùa Thu tại Phú Yên.
Sở dĩ Lê Xuân Hợp được các ban nhạc chú ý khi mới là một cậu sinh viên vì anh đã “có tiếng” với bảng thành tích văn hóa văn nghệ đáng nể từ thời tiểu học đến khi tốt nghiệp THPT. Kế thừa niềm đam mê ca hát của mẹ, cộng với năng khiếu organ, Hợp nhanh chóng trở thành hạt nhân văn nghệ tại quê nhà Sơn Hòa. Lớp 2, lần đầu Hợp lên sân khấu trình diễn ca khúc “Quê hương”. Đây là tiền đề để lớp 4, Hợp đoạt giải B Liên hoan Tiếng hát Hoa phượng đỏ được tổ chức tại TP Tuy Hòa. Học cấp 2, cấp 3, Lê Xuân Hợp là điểm sáng của đội hình văn hóa thông tin huyện Sơn Hòa khi anh liên tục tham gia diễn ở các xã vùng cao. Anh được Phòng VH-TT, Huyện đoàn Sơn Hòa ghi nhận bằng nhiều giấy khen, phần thưởng.
Với những băng cassette chạy rè rè trong chiếc máy cũ từ thời mới bập bẹ tập cảm nhạc, khi được đào tạo bài bản tại trường, Hợp khởi xướng thành lập ban nhạc Ca Dao (hoạt động từ năm 2004-2007). Ngoài biểu diễn tại trường, ban nhạc còn diễn nhiều chương trình thiện nguyện tại các xã vùng xa thuộc các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa…
Về kỷ niệm cùng sống chết với âm nhạc, Lê Xuân Hợp chia sẻ: “Điều quý giá nhất của việc học, việc làm thêm khi còn là sinh viên là tôi đã trau dồi được kiến thức về nhạc lí, khả năng sáng tạo nên một bản phối mới. Tôi nhớ năm 2008, tôi có phối lại bài “Màu hoa đỏ” cho thí sinh Nguyễn Tấn Khiêm thi trong đêm chung kết Liên hoan Tiếng hát Hương Mùa Thu. Tiết mục đó đã đoạt giải nhất (độ tuổi từ 45-50). Khi biết kết quả, bao nhiêu căng thẳng trong mấy ngày liền tập luyện đều tan biến hết”.
Ra trường, Lê Xuân Hợp về công tác tại UBND phường 7, phụ trách văn hóa văn nghệ. Biên chế là vậy nhưng Hợp như cánh chim thiên di mê mải đi tìm vùng đất mới. Bằng chứng là rất nhiều chương trình, sự kiện có bàn tay của Lê Xuân Hợp. Khi thì anh là một nhạc công điềm đạm chơi đàn organ cho các đám cưới, event. Khi thì anh sang trọng, lịch lãm trong vai trò ca sĩ khi trình bày một sáng tác về quê hương, Tổ quốc. Khi khác, anh tươi mới, linh hoạt dẫn chương trình cho một gala dinner. Nhưng cũng có lúc, Hợp lặng lẽ đứng sau cánh gà, theo dõi chương trình mà mình dày công dàn dựng đang công diễn trên sân khấu.
Không thể đếm hết những thành tích mà Lê Xuân Hợp mang về cho cá nhân anh và những đơn vị thuê anh dàn dựng chương trình, tập luyện. Ở Liên hoan Tuyên truyền các ca khúc cách mạng năm 2015 (cụm thi số 2), Lê Xuân Hợp cùng đồng đội đem về giải nhất cho đội nhà. Mới đây, trong Hội diễn Nghệ thuật quần chúng năm 2017, phường 7 đoạt giải C toàn đoàn, bản thân Lê Xuân Hợp cũng được trao giải C với tiết mục đơn ca.
Đối với các đơn vị kết nghĩa, Lê Xuân Hợp luôn nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ. Mới đây, Hợp tham gia dàn dựng để Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh - đơn vị kết nghĩa với phường 7 tham gia văn nghệ mở màn “Tìm hiểu nghị quyết đại hội Đảng các cấp trong tuổi trẻ Công an Phú Yên”. Tại Liên hoan Khiêu vũ, dân vũ thanh niên Công an nhân dân (lần thứ nhất năm 2007), đoàn Công an Phú Yên xuất sắc mang về giải B (cụm thi đua số 7). Thành tích này cũng có một phần công sức của Lê Xuân Hợp trong những ngày đoàn Công an tỉnh tích cực ra quân tập luyện.
Thượng úy Phạm Văn Thịnh, Bí thư Đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát cơ động Công an Phú Yên, cho biết: “Hợp là người đa tài, có thể vừa hát, làm nhạc công, vừa sáng tác… Mỗi lần đơn vị tham gia các hội thi, hội diễn, Hợp luôn hỗ trợ hết mình. Anh là người sống có trách nhiệm, tâm huyết với nghề nghiệp, luôn gần gũi, hòa đồng và chân thành với các đơn vị kết nghĩa. Điều này làm cho nhiều người từng tiếp xúc hoặc làm việc chung với Hợp thấy rất thoải mái”.
Ngoài những giờ tất bật chạy show trong và ngoài tỉnh, Lê Xuân Hợp còn dành khoảng không cho mình để sáng tác. Năm 2005, ca khúc “Khúc hát Trường Xây dựng số 3” là món quà anh gửi tặng khi kỷ niệm thành lập trường. Vừa qua, anh cũng đoạt giải khuyến khích cuộc thi viết về Trường đại học Xây dựng Miền Trung khi trường này tròn 40 tuổi…
Tốt nghiệp sư phạm, Lê Xuân Hợp vẫn luôn nung nấu ý định đi dạy. Song có lẽ cái nghiệp vận vào người bắt anh phải rút ruột nhả tơ. Những lúc rảnh rang, như thời điểm năm 2010, để nguôi nhớ bảng đen, phấn trắng, anh đã nhận hai học sinh vừa tốt nghiệp THPT để luyện cho các bạn thi năng khiếu vào Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương 2. Kết quả, cả hai đều đậu vào trường như ý nguyện.
Ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng Phòng VH-TT huyện Sơn Hòa, người thầy hơn 10 năm gắn bó, đồng hành cùng Lê Xuân Hợp, chia sẻ: “Năm Hợp sắp tốt nghiệp lớp 12 thì ba em mất. Lúc đó tôi cứ sợ em không vượt qua được chuyện buồn mà thôi học, nhưng Hợp đã không phụ lòng tôi và cả gia đình, bạn bè. Từ nhỏ đến nay, hễ sống ở đâu là Hợp cống hiến ở đó, từ phong trào văn hóa văn nghệ ở huyện nhà cho tới phường 7, nơi em công tác. Hợp luôn là niềm tự hào lớn của tôi”.
PHẠM HẢI DƯƠNG