Thứ Năm, 16/01/2025 16:50 CH
Nhóm họa sĩ hết mình với nghệ thuật tạo hình
Thứ Năm, 01/06/2017 12:00 CH

Một buổi sinh hoạt của nhóm họa sĩ ở huyện Sông Hinh - Ảnh: HOÀNG HÀ THẾ 

Những năm qua, hoạt động sáng tạo nghệ thuật trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Chỉ riêng Chi hội Mỹ thuật Phú Yên đã có gần 40 hội viên. Hội viên ở các địa phương khác nhau, có cuộc sống và công việc khác nhau nhưng ở họ có chung đam mê sáng tạo, “cháy hết mình” với nghệ thuật tạo hình để từ đó cho ra đời những tác phẩm có ý nghĩa, hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ.

 

Có thể nói sự hình thành và phát triển của các nhóm họa sĩ chứng tỏ sự đa dạng trong đội ngũ sáng tác, đa dạng xã hội hóa trong hoạt động nghệ thuật. Đơn cử là trường hợp 6 họa sĩ ở huyện Sông Hinh và cũng là 6 giáo viên dạy Mỹ thuật ở các trường THCS trên địa bàn huyện (trong đó có 1 họa sĩ chuyển công tác về Phòng GD-ĐT huyện Sông Hinh). Nhóm họa sĩ gồm có: Lê Thăng Long (SN 1982), Nguyễn Duy Hùng (SN 1978), Bùi Văn Khôi (1978), Nguyễn Ngọc Huân (SN 1986), Nguyễn Thế Bảo (SN 1980) và Nguyễn Thế Quang (SN 1982).

 

Qua tìm hiểu được biết, việc những thành viên này quy tụ ở huyện Sông Hinh là sự ngẫu nhiên, bởi lẽ mỗi người có quê quán khác nhau, có người là dân bản địa, có người quê xứ Bắc theo chân cha mẹ đến vùng đất mới Sông Hinh để lập nghiệp như Lê Thăng Long quê ở Nam Định, Bùi Văn Khôi ở Ninh Bình hay gần nhất là Nguyễn Ngọc Huân quê huyện Đông Hòa…

 

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng của họa sĩ Bùi Văn Khôi, họa sĩ Lê Thăng Long, trưởng nhóm, khẳng khái: “Nhóm ra đời từ tháng 9/2005. Nhóm được thành lập theo sở thích chuyên môn nên các thành viên thường chia sẻ về học thuật cũng như giúp đỡ nhau để hoàn thiện, đẩy mạnh hơn về mặt kỹ thuật tạo hình; cố gắng có những tác phẩm “chuẩn” về kỹ thuật và chất lượng… Nhóm còn tổ chức “phượt” để sáng tác”.

 

Hiện mỗi thành viên trong nhóm họa sĩ này đều có một nhà xưởng rộng rãi, đầy đủ thiết bị để chế tác sản xuất gỗ mỹ nghệ ở huyện Sông Hinh. Họa sĩ Nguyễn Duy Hùng khoe với chúng tôi: “Vừa qua, nhóm họa sĩ Sông Hinh được Chi hội Mỹ thuật Phú Yên chọn 1 suất để tham gia giao lưu Triển lãm “Mùa thu Cao nguyên” lần thứ VII - năm 2016 do Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk tổ chức. Qua đợt tham gia, bản thân tôi đã học tập rất nhiều điều hay ở các anh chị họa sĩ Tây Nguyên và nhóm chúng tôi đã áp dụng thực hiện”.

 

Dù mỗi thành viên có “gu” sáng tác khác nhau nhưng vẫn nhất quán tư tưởng chính trị trong đường hướng sáng tác theo quy định của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Cụ thể, phần lớn tác phẩm của Lê Thăng Long được lấy cảm hứng từ cuộc sống dung dị đời thường của người đồng bào dân tộc (tác phẩm sơn dầu “Nhịp chày buôn Lê Diêm”, “Bên suối”...) theo cách nhìn của những con người hiện đại. Tranh của anh tả thực, hầu hết ở trạng thái động. Những ai đã và đang sống ở Sông Hinh sẽ cảm nhận được hình ảnh, cảm xúc và thông điệp trong mỗi tác phẩm mà Lê Thăng Long muốn truyền tải. Tiếp đến là Nguyễn Duy Hùng với lối vẽ hiện thực chi tiết, tỉ mỉ, kỹ thuật cao. Nguyễn Duy Hùng chuyên hiện thực nhưng đôi khi lại mượn lối vẽ cách điệu để giải quyết vấn đề mà chính hiện thực đơn thuần chẳng thể giải quyết nổi (tác phẩm “Âm vang Tây Nguyên” chất liệu bột màu; “Đồi thông” - sơn dầu; “Quê nội” - sơn mài). Trong khi đó, Bùi Văn Khôi chọn lối vẽ cực thực - khuynh hướng hội họa đương đại (tác phẩm “Giã gạo” - sơn dầu). Anh cũng mạnh dạn thử mình trong lĩnh vực sơn mài và gây được nhiều sự chú ý (tác phẩm “Dừng chân bên suối” - sơn mài). Còn Nguyễn Ngọc Huân với tính cách trầm tính, sống nội tâm, hướng về quá khứ nên các tác phẩm của anh có nét trầm mặc, sâu thẳm (tác phẩm “Chiều xuống”; “Vị đắng” - sơn dầu). Với Nguyễn Thế Bảo, sở trường của anh là thiên về phong cảnh và tôn vinh phái đẹp. Theo đó, anh đã “thử lửa” lĩnh vực tranh lụa để thỏa lòng đam mê, dẫu biết màu nước dùng để vẽ thì không khó, nhưng để vẽ đẹp bằng màu nước lên lụa thì lại không đơn giản (tác phẩm “Sông Ba và nỗi nhớ” - sơn dầu; “Duyên quê” - lụa). Và Nguyễn Thế Quang, bằng lối vẽ tả thực với chất liệu sơn dầu, anh chọn hướng đi “chậm mà chắc”. Những tác phẩm của Nguyến Thế Quang thể hiện sự nhẹ nhàng, êm đềm (tác phẩm “Hồi sinh” - sơn dầu). Cũng như các đồng nghiệp trong nhóm, Thế Quang cũng đang trải lòng với những tác phẩm bằng chất liệu sơn mài (tác phẩm “Bên suối”).

 

ThS Đinh Văn Tiên, giảng viên Trường đại học Phú Yên, người có một thời gian dài trực tiếp giảng dạy 6 thành viên của nhóm họa sĩ ở huyện Sông Hinh, đánh giá: “6 thành viên nhóm họa sĩ ở huyện Sông Hinh có ưu điểm là trẻ, đoàn kết và đam mê sáng tạo. Với những kiến thức căn bản về mỹ thuật lĩnh hội được khi còn là sinh viên, các em đã mạnh dạn nghiên cứu sáng tạo những tác phẩm gỗ mỹ nghệ được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt hàng”.

 

Còn họa sĩ Võ Tĩnh, Chủ tịch Chi hội Mỹ thuật Phú Yên, trải lòng: “Chúng tôi đánh giá cao về năng lực và sinh hoạt của nhóm họa sĩ ở huyện Sông Hinh. 6 thành viên của nhóm cũng là 6 hội viên trong tương lai của chi hội. Hiện chúng tôi đang hướng dẫn nhóm sớm hoàn thiện hồ sơ trình Hội Văn học nghệ thuật tỉnh kết nạp để anh em có cơ hội nâng cao chuyên môn trong lĩnh vực hội họa”.

 

HOÀNG HÀ THẾ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Về buôn xem giao lưu văn nghệ
Thứ Ba, 30/05/2017 14:00 CH
Phim “The Square” chiến thắng
Thứ Ba, 30/05/2017 10:29 SA
Giao lưu văn hóa, văn nghệ , thể thao
Thứ Ba, 30/05/2017 08:16 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek