Sở VH-TT-DL Phú Yên vừa tổ chức sơ kết thực hiện Chỉ thị 09/CT-UBND tỉnh ngày 20/7/2015 về việc tăng cường quản lý hoạt động “hát nhạc sống” trên địa bàn tỉnh. Dù ngành Văn hóa đã có nhiều phương án giải quyết nhưng hoạt động này vẫn đang diễn ra tràn lan, gây bức xúc trong nhân dân và khó khăn trong công tác quản lý.
Chưa thể quản lý hiệu quả
Báo cáo sơ kết Chỉ thị 09 đánh giá, hiện nay tình trạng “hát nhạc sống” tại các nhà hàng, quán ăn; quảng cáo bán hàng lưu động, đám tiệc, sinh hoạt gia đình… gây tiếng ồn quá mức quy định tiếp tục gia tăng, làm mất trật tự, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
Ông Lê Cao Bằng, Trưởng Phòng VH-TT huyện Tuy An, cho biết: “Theo khảo sát của Phòng VH-TT huyện Tuy An, hiện toàn huyện có 58 dịch vụ cho thuê nhạc sống, 276 dịch vụ cho thuê thùng loa di động, 7 quán cà phê tổ chức “hát nhạc sống”. Con số cho thấy nhu cầu “hát nhạc sống” trong nhân dân là rất lớn. Trong khi đó, việc áp dụng Chỉ thị 09 trong quản lý chưa đem lại hiệu quả cao. Việc kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm chỉ dừng ở mức lập biên bản rồi để đấy vì không có biện pháp chế tài, nên không đủ sức răn đe. Đơn vị vi phạm không sợ làm sai và có thể tái phạm”.
Tại buổi sơ kết, các đơn vị khác là Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa đều thông báo đã triển khai các văn bản chỉ đạo theo Chỉ thị 09 trong việc quản lý “hát nhạc sống” ở địa phương. Tuy nhiên, tình trạng “hát nhạc sống” vẫn diễn ra tràn lan, chưa thể kiểm soát được, gây bức xúc trong nhân dân.
Hai vấn đề chủ yếu được các đại biểu đem ra bàn thảo là độ ồn quá mức của âm thanh và thời gian quy định cụ thể cho hoạt động “hát nhạc sống”. Đây là hai vấn đề chính phá vỡ sự yên tĩnh, gây mất trật tự và bức xúc trong nhân dân. Ông Cao Hữu Nhạc, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, cho biết: “Ngay chợ phường 7 (TP Tuy Hòa), tối đến là có tụ điểm “hát nhạc sống”, âm thanh quá lớn lấn át sang nhà hát. Có khi, chúng tôi phải sang chợ năn nỉ họ giảm bớt âm thanh để các diễn viên luyện tập, nếu họ không chịu thì đoàn phải bỏ tập luyện. Tôi cũng chứng kiến cảnh, nhiều người ra chợ mua bài hát được in sẵn ra giấy để tập hát. Nhiều người hát, nhiều nhà hát, hát quên giờ giấc, hát thiếu ý thức. Họ chỉ nghĩ rằng mình hát để vui chơi giải trí mà không nghĩ tới việc người khác phải nghỉ ngơi, học sinh học hành, không biết rằng họ đang gây rối trật tự khu dân cư”.
Nhiều đại biểu còn nêu ra các vướng mắc khác gây rối rắm trong công tác quản lý. Cấp Trung ương chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về việc “hát nhạc sống”, vì vậy cấp tỉnh chưa có điều kiện áp dụng biện pháp chế tài và chỉ dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính. Việc quản lý độ ồn âm thanh nhạc sống cần phải có sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng hơn nữa. Và hiện nay, công tác quản lý hoạt động “hát nhạc sống” chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp.
Phối hợp nhiều ngành chức năng
Để giải quyết vấn đề về độ ồn của âm thanh, các đại biểu tham dự hội nghị nhất trí việc trang bị máy đo độ ồn ở các địa phương cấp xã. Theo đó, Sở TN-MT phối hợp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh về quy chuẩn quốc gia về độ ồn; tổ chức tập huấn phương tiện, thiết bị đo độ ồn, độ rung cho các lực lượng kiểm tra văn hóa các cấp; cấp giấy chứng nhận theo quy định đảm bảo giá trị pháp lý khi tham gia đoàn kiểm tra liên ngành.
Bà Lê Thị Thùy Dâng, Trưởng Phòng VH-TT TP Tuy Hòa, nói: “Vấn đề quan trọng là công tác tuyên truyền vận động người dân tại khu dân cư, nâng cao vai trò và trách nhiệm của khu phố trưởng. Trước hết, thủ trưởng các sở, ban, ngành đoàn thể các cấp phải tổ chức quán triệt trong cán bộ, công chức, viên chức, hội viên chấp hành các quy định của pháp luật, các quy định của địa phương khi tổ chức “hát nhạc sống”, hoặc tham gia hát”.
Trong hoạt động tuyên truyền, lãnh đạo địa phương cần quan tâm hướng dẫn xây dựng mẫu quy ước đồng thuận về tổ chức “hát nhạc sống” trong khu dân cư, trong các đám tiệc phù hợp với tập quán, tín ngưỡng, giờ giấc sinh hoạt; quy định trách nhiệm của từng gia đình…
Sở VH-TT-DL Phú Yên tham mưu kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 09 để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý “hát nhạc sống”. Trong đó, ngoài Sở VH-TT-DL, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành, đoàn thể có liên quan. Sở VH-TT-DL cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương trang bị đầy đủ các thiết bị đo tiếng ồn, công cụ hỗ trợ cần thiết trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm “hát nhạc sống”.
Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên Hồ Văn Tiến |
DIỆU ANH