Thứ Bảy, 12/10/2024 11:30 SA
Lê Trường Đại dấn thân và khiêm nhường
Thứ Bảy, 13/05/2017 09:40 SA

Nhà văn, họa sĩ Lê Trường Đại - Bìa tiểu thuyết Sông vẫn chảy (2016) của Lê Trường Đại

Vốn là một điệp báo hoạt động đơn tuyến, Lê Trường Đại say mê sáng tác văn học nghệ thuật và trở thành nhà văn, họa sĩ trưởng thành ngay sau ngày đất nước hòa bình thống nhất. Dấn thân hết mình và khiêm nhường trong ứng xử, Lê Trường Đại đã lặng lẽ ra đi như cuộc đời vốn lặng lẽ của ông.

 

Lê Trường Đại sinh năm 1940 tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nông dân yêu nước. Thời thơ ấu gian khổ của ông đã được khắc họa qua lời của người mẹ trong tiểu thuyết mang tính tự truyện Sông vẫn chảy: “Mày sanh ra đã lăn lóc như con mồ côi chứ có nằm trên giường nệm êm ấm gì đâu. Bán báo dạo, bưng cháo bỏ mối từng nhà cho công chức chế độ, bán chuối chiên ở các rạp hát, đánh giày… làm đủ các nghề là lao động rồi còn gì hả con?” (tr.13).

 

Nối chí cha, Lê Trường Đại sớm dấn thân làm liên lạc bí mật cho cách mạng, hoạt động điệp báo đơn tuyến nội thành Sài Gòn. Công việc đòi hỏi ông không ngừng trau dồi kiến thức văn hóa và đời sống thực tế, rèn luyện bản lĩnh, có tư duy phán đoán độc lập. Sống và hoạt động giữa thành phố sôi động về báo chí và văn chương, Lê Trường Đại cũng bắt đầu cầm bút, làm thơ, viết truyện ngắn và kịch bản, cộng tác với các tờ báo có khuynh hướng yêu nước và tiến bộ, mà kết quả là tập truyện ngắn Những kẻ còn lại được hoàn thành năm 1974.

 

Sài Gòn giải phóng, Lê Trường Đại chuyển sang sáng tác chuyên nghiệp, trở thành hội viên sáng lập các hội chuyên ngành của TP Hồ Chí Minh: nhà văn, điện ảnh, mỹ thuật. Ông còn ký các bút danh Quảng Trạch, Lê Trường, Vũ Xương và làm việc tại Hãng phim Giải phóng. Cảm hứng từ không khí hòa bình thống nhất đất nước, Lê Trường Đại không ngừng vác ba lô lên rừng xuống biển thâm nhập thực tế sáng tác ở những vùng sâu vùng xa của Nam Bộ đang khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng đời sống mới. Nhờ chất liệu sống của thời kỳ khó khăn phức tạp này mà cuối đời ông đã viết nên tác phẩm thành công nhất của mình, đó là tiểu thuyết Sông vẫn chảy đạt giải Cuộc vận động Sáng tác văn học nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2015)…

 

Tiểu thuyết Sông vẫn chảy có nhân vật chính là Quảng Trọng vốn là một điệp báo đơn tuyến ở nội thành Sài Gòn nhưng không được nhận bất cứ phần thưởng công trạng gì, bởi người chỉ huy trực tiếp là chú Năm đã bệnh qua đời ngay sau ngày đất nước thống nhất nên không ai có thể chứng nhận. Tuy nhiên, nhờ sự khuyên nhủ của người mẹ giàu trải nghiệm cả đời hy sinh vì chồng con để phụng sự cho hai cuộc kháng chiến mà Quảng Trọng đã nhẹ nhàng vượt qua nỗi đau để tiếp tục dấn thân vào con đường cách mạng bằng ngòi bút. Anh tiếp tục đối mặt với những kẻ thù nguy hiểm trong bóng tối, những hiện tượng ấu trĩ trong quản lý xã hội và cả những khó khăn về vật chất lẫn dằn vặt tình cảm riêng tư trong chính gia đình mình. Và trên hành trình thâm nhập thực tế đời sống mới để sáng tác ở Long Khánh, anh cũng đã gặp được những con người tốt đại diện cho nhiều thế hệ khác nhau, đặc biệt là thế hệ thanh niên mà tiêu biểu là cô Út Son, một cán bộ trẻ nhiệt tình, xông xáo, có năng lực, hết mình vì lý tưởng và giàu lòng yêu thương con người.

 

Có thể nói, nhờ độ lùi thời gian và kinh nghiệm sống, tiểu thuyết Sông vẫn chảy của nhà văn Lê Trường Đại là một trong những tác phẩm hay thể hiện sống động bức tranh TP Hồ Chí Minh và miền Nam giai đoạn sau ngày đất nước hòa bình thống nhất. Đặc biệt, ông viết tiểu thuyết này trong giai đoạn chống chọi với căn bệnh ung thư, nó như tiếng nói tâm huyết cuối cùng của một nghệ sĩ gửi lại cho cuộc đời. Ở đó có nỗi đau mất mát và có niềm vui sum họp, có sự phấn khích của người chiến thắng và có sự hận thù của kẻ chiến bại, có niềm tin xây dựng cuộc sống mới và có tư duy ấu trĩ giáo điều của những cái đầu hời hợt thiển cận. Một bức tranh hiện thực sống động sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, như lời tự tình của nhân vật Quảng Trọng “nhìn bầu trời qua khung cửa sổ văn phòng bệnh viện” lúc chuẩn bị xuất viện sau thời gian điều trị vì bị kẻ thù giấu mặt tấn công bất ngờ gây thương tích nặng: “Cuộc sống thật kỳ lạ. Nó như trang sách, muốn lật qua thì có cái lạ chưa từng biết, nhưng lật trở lại thì dù đã đọc rồi ta cũng vẫn thấy như chưa từng… Bởi mỗi lần tìm hiểu, đều có cái mới theo cảm nhận của sự nâng cấp từ lý trí…” (tr.192).

 

Nhìn lại toàn bộ sáng tác của nhà văn Lê Trường Đại, chúng ta thấy có ba mảng chính. Thứ nhất là truyện viết cho thiếu nhi gồm Sóng nổi sóng ngầm (2 tập - 1990), Hang thủy thần (1991), Mùa mận tuổi thơ (2 tập - 1992). Thứ hai là truyện lịch sử: Loạn kiếm cung đình (1990), Ỷ Lan thái phi (2 tập - 1991), Sáo trúc Chí Linh (2 tập - 1990), Từ sơn hiệp khách (2 tập - 1991). Thứ ba, cái máu phiêu lưu của người làm điệp báo còn giúp ông sáng tác một số tập truyện hình sự: Những chiếc mặt nạ, Trên lưng cọp. Trong khi đó, truyện ngắn Bạn tôi thanh niên xung phong đoạt giải B cuộc thi sáng tác của thanh niên xung phong năm 2005 cùng với tiểu thuyết Sông vẫn chảy là những tác phẩm không nằm trong ba mảng chính đã xuất bản của ông nhưng lại gây ấn tượng hơn.

 

Ngoài viết truyện, Lê Trường Đại còn làm thơ, viết kịch bản phim và vẽ gần cả trăm bức tranh, trong đó có bức Nữ du kích Củ Chi bắn giặc lái từng được nhận giải thưởng năm 2010. Theo người bạn đời của ông là bà Lý Thị Hậu, ông còn một tập truyện vừa và một tập thơ đã hoàn thành nhưng chưa kịp xuất bản trước khi giã biệt cõi đời vào lúc 5 giờ 35 ngày 1/3/2017.

 

Nhà văn, họa sĩ Lê Trường Đại đã ra đi nhưng tinh thần dấn thân, đức tính khiêm nhường và một số tác phẩm của ông như “sông vẫn chảy” trong lòng tôi và những người yêu quý ông.

  

PHAN HOÀNG

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek