Thứ Bảy, 12/10/2024 13:25 CH
Bóng nắng đổ dài – truyện ngắn của HUỲNH THẠCH THẢO
Thứ Sáu, 28/04/2017 11:13 SA

Minh họa: PV

Hoàng, anh Hoàng phải không?

 

Hoàng đang trò chuyện cùng Hải, phó giám đốc nhà máy đường thì nghe tiếng gọi. Anh ngẩng lên nhìn tốp công nhân đang hối hả bốc mía sang khu vực làm sạch, nhưng chịu không nhận ra người nào vì tất cả đều mặc đồ xanh, mũ và khẩu trang trùm kín. Rồi có bóng người nhao ra, lột mũ, liệng khẩu trang, cười phô cả lợi đi dần đến chỗ hai người.

 

- Anh không nhận ra em hả? Côi, con chú Ba đây!

 

Hoàng thảng thốt gật đầu lia lịa khi nhận ra Côi. Hơn mười năm gặp lại, Côi ra dáng hẳn với hàm râu quai nón cạo sơ sài, vòm ngực rộng ướt đẫm mồ hôi trong dáng thấp đậm, đen như củ súng. Hoàng cười vỗ vai Côi:

 

- Em về nhà máy hồi nào? Chú thím dạo này khỏe không? Anh định xong việc sẽ ghé ngang nhà.

 

Côi đưa cùi tay gạt mồ hôi trên mặt, gật đầu:

 

- Về lâu rồi, ông bà cụ vẫn khỏe, nhà không còn ở nơi cũ nữa. Mà thôi, khi nào xong công việc thì anh gọi em, cả hai cùng đi.

 

Hoàng gật và nhìn theo Côi trở lại tốp công nhân lúc các xe chở mía đang ùn ùn ra vào. Phó giám đốc Hải đứng bên nói với Hoàng:

 

- Ông quen Côi à? Quản đốc bên kỹ thuật đấy; nhưng đang vào vụ nên tất cả tập trung tăng ca, cậu ấy được lắm.

 

Hoàng nói cùng Hải trên đường vào văn phòng lúc nắng ban mai đổ dài trên sân:

 

- Ừ quen, quen lắm, thân thiết nữa là đằng khác.

 

Hoàng quay nhìn tốp công nhân áo xanh lần nữa, trong ấy có Côi đang tất bật công việc. Cách đây 42 năm, cũng ở nơi này, một cuộc tháo chạy tán loạn từ Tây Nguyên đổ về đồng bằng của cánh quân Nam Việt. Một cuộc di tản kinh hoàng qua Cheo Reo, Hậu Bổn về đường 5, đường 7 dọc nhánh sông Ba để về Tuy Hòa. Trong hàng vạn gia đình cùng binh lính thất trận thì số phận và sự ly tán vô cùng khủng khiếp. Và Côi, một trong vô vàn số phận ấy bị rớt lại bên này sông Nhau khi cánh công binh vừa bắc xong cầu phao để vượt. Một đứa bé đỏ hỏn bọc trong tấm vải dù nằm lẫn lộn cùng mớ hỗn độn của súng ống, xác xe, quần áo vung vãi khắp nơi. Một ngày hay hai ngày với cái nắng tháng ba khô khốc vậy mà nó vẫn sống để được người du kích vô tình trông thấy, nuôi dưỡng nên Côi bây giờ.

 

* * *

 

Côi chờ Hoàng trước cổng công ty, thấy anh ra nó lại nhe răng cười và đề xe máy. Hoàng ngồi sau lơ đãng nhìn chung quanh, nắng đang đứng bóng, nóng hầm hập trên mặt đường láng nhựa. Phía xa là dãy núi chập chùng, những đồi trọc ở gần được phủ kín thành rừng bạch đàn đứng im vì không ngọn gió, cho dù trước mặt có đoạn kênh số một đang đầy nước. Mảnh đất như một thung lũng rộng bởi bao quanh là núi đồi, ở giữa là nhà cửa, dòng sông, cánh đồng, rẫy mía. Côi lại rẽ sang con đường láng nhựa nhỏ hơn, đoạn về khúc sông Nhau với từng rẫy mía đang được thu hoạch, nó nói trong nắng:

 

- Cha thấy anh là mừng lắm, ổng nhắc hoài.

 

Hoàng cười, cha nuôi Côi là bạn của ba anh thời trung học, đợt cả hai thi rớt tú tài. Chú Ba về quê móc nối cơ sở để lên cứ, ba Hoàng thì học y tá để sang quân y viện tiểu khu gần nhà. Tháng 3 năm 1975, chú Ba nhắn người bảo gia đình Hoàng đừng di tản vì sẽ đánh tới Sài Gòn. Lúc đó, con đường nơi phố thị nhà anh vắng hoe, đóng kín cửa bởi hầu hết đã đi nhằm tránh giao tranh hai phía. Sài Gòn vừa giải phóng thì thấy vợ chồng chú Ba tay xách, nách bồng thằng Côi oặt ẹo trông như mèo hen vô nhà nhờ cha anh chữa bệnh cả tháng. Vài năm sau, chẳng hiểu hai ông lên xuống, nhỏ to gì đó mà lúc khai giảng năm học, thằng Côi được đưa xuống nhà anh để trọ học lớp 1. Lúc đó, nó nhỏ thó, trông thấy cái gì cũng ngơ ngác rồi khóc thét đòi về. Cha Hoàng cùng anh phải dẫn thằng Côi lên ngôi nhà nhỏ ven sông. Người du kích đã trở lại với ruộng đồng cùng chiếc ghe câu với người vợ nhưng không có được mụn con nào. Mặc nhiên, Côi như đứa con họ sinh ra để nuôi dưỡng.

 

- Anh nghĩ gì mà ngồi im re vậy? - Côi hỏi.

 

- Anh nhớ lại lúc Côi ở với anh, chỉ được cái khóc nhè đòi về.

 

Côi cười sặc đến loạng choạng tay lái trên con đường vắng hoe đổ đầy nắng.

 

Vài năm sau, chú Ba lại dẫn Côi xuống nhà. Lần này, cu cậu nhỉnh cao hơn nhưng mắt vẫn ngơ ngác nhìn con đường xe cộ qua lại, nhìn cây kem hai màu mà anh chạy ra tiệm mua cho nó. Chú Ba bảo trên quê trường học ở xa nên Côi xuống ở để tiện đi học. Mặc nhiên, Hoàng trở thành người đưa đón, kèm cặp cái thằng luôn khóc đòi về và thêm một việc là không được nói nó là đứa trẻ rơi trong đợt tháo chạy tán loạn. Hàng tháng, chú Ba cùng chiếc xe đạp cà tàng quấn đầy dây nhợ kẽo kẹt chở bầu bí, gạo sắn xuống vì lúc ấy đang là thời tem phiếu, phải đi từ khuya để tránh quản lý thị trường nếu không thì chẳng còn gì. Chú Ba nhìn thằng Côi còn đang say ngủ, khẽ vuốt tóc nó, rờ rẫm người nó một lúc rồi kéo Hoàng ra sân thầm thì: “Giúp chú coi ngó thằng Côi, khi nào trên đó có trường là chú dẫn về liền”, rồi chú vội vã chào cả nhà để đi. Nếu Côi mà thấy được, nó sẽ quặp lấy chú mà gào, lúc ấy hai cha con chỉ ngồi khóc. Vậy mà khi ngủ dậy, nó biết chú Ba xuống, lại ti tỉ khóc cả ngày.

 

- Em về nhà máy đường khi nào? - Hoàng hỏi.

 

- Hơn 8 năm rồi anh. Lúc anh lên nơi nhà cũ thì em còn làm bên đội cơ khí của xã nhưng èo uột mãi đành giải tán. Sau đi học tiếp kỹ thuật Đà Nẵng về là em xin vào nhà máy.

 

- Nghe bảo em lấy vợ lâu rồi?

 

Côi cười hì hì:

 

- Dạ đúng, ông bà muốn có cháu bồng, em cũng muốn hú hí cho khỏi buồn. Cưới xong hơn 5 năm sau mới có con, mừng nhất là cha. Vợ em vừa sinh đứa sau nên ở nhà, nếu không cũng đi làm ở nhà máy.

 

Thằng Côi lúc ở phố chỉ học đến lớp 5 thì Hoàng thi đại học và vào Sài Gòn. Năm sau, trở về nghe ba anh bảo, Côi bỏ về quê chờ có trường sẽ học tiếp. Ba anh còn nói thêm “Thiệt tội chú mày, coi nó như con ruột, chăm bẵm đủ thứ. Vậy mà, khi có những người đi tìm người nhà thất lạc năm 1975, ổng cũng dò hỏi nhắn nhe thân phận thằng nhỏ. Mà có ít đâu, hơn hai mươi người nhỏ có, lớn có nhận ra người nhà”. Hoàng hỏi “Vậy là Côi đã biết thân phận nó?” - “Biết chớ, nhưng nó vẫn bảo là con của chú thím mày, đẻ trên vùng đất ven sông Nhau”.

 

- À, Côi này, sao lâu rồi mà em nhận ra anh được?

 

- Dễ ợt. Khi ở phố, anh là thần tượng của em mà. Nói thiệt nghe, khi anh đi là em dọt về quê liền. Mà mỗi lúc anh cười, miệng thì méo, mắt thì nháy, giờ vẫn vậy. Kia rồi, đã đến nhà.

 

Ngôi nhà một tầng đúc thêm gác nhỏ lợp ngói phía trên, xung quanh là vườn mía rộng. Khoảng sân phía trước có giàn mướp, vài chậu cây cảnh. Phía sau ngôi nhà là cây gòn bung tán lấp ló. Côi tắt máy xe từ cổng để dắt vào lúc một người trong nhà đi ra, tay che trán. Hoàng nhận ra chú Ba, bao năm giờ đã già đi trông thấy. Côi đến bên bảo:

 

- Cha nhận ra ai đây không?

 

Chú Ba bước tới nhìn Hoàng rồi bật thốt:

 

- Trời đất, cháu Hoàng, sao lên mà không báo trước. Vào, vào nhà đi cháu. Bà nó đâu rồi…

 

Vợ Côi bẽn lẽn ra chào Hoàng, phía sau là ông chồng củ súng đang nói như khoe của “Vợ em người bên kia sông, ngó được không anh?” khiến Hoàng cười sặc; lại khoe cả thằng nhỏ còn đỏ hỏn bồng nơi tay “Nghe cha bảo nó giống em ngày trước…”. Đợi vợ con thằng Côi xuống nhà dưới, nơi thím Ba đang dao thớt rộn ràng, chú Ba thở dài “Nhà cũ giờ đâu còn do sông lở, đành phải di dời vô trong này. Thiệt tình, lúc đánh Mỹ mình không ngán, mà lại ngán sự xâm thực của sông nước.”

 

* * *

 

Trưa dần chuyển qua chiều, tán cây gòn nắng đã chênh chếch lúc Hoàng và chú Ba sau bữa cơm ra ngồi dưới gốc; cũng có một bờ ao nhỏ bên bụi tre non mới trồng, một bộ bàn ghế đá mài xi măng; chút gió mát nhẹ thoảng mùi hương mật mía.

 

- Mau thật đó Hoàng vì đã 34 năm đi qua. Lúc chú nhặt thằng Côi cũng bằng đứa nhỏ sau của nó bây giờ. - Chú Ba nói.

 

- Con có nghe khoảng năm 80 có một số người trở lại vùng này, theo các làng xóm dọc triền sông Ba cùng các nhánh rẽ để tìm người thân. Ba má Côi có trở lại không chú?

 

Chú Ba im lặng cúi người rót trà, vấn điếu thuốc rê rồi châm lửa. Hình ảnh chậm rãi ấy Hoàng thấy đã lâu, từ ngày chú dẫn thằng Côi xuống nhà Hoàng. Mắt chú nhìn mông lung ra xa phía trên những đọt mía trổ cờ, phía áng mây trắng lững lờ trôi và hình như chú còn đang lắng nghe, đang chờ đợi tiếng nước dội bờ hàng ngày nơi ngã ba dòng sông Nhau.

 

- Có, qua hai lần. Đận 95, hai vợ chồng từ Mỹ trở về tìm thằng Côi dọc từ Cheo Reo trở xuống, cảnh vật lẫn con người đã thay đổi nhiều. Khi đến nhà chú, hai người lính ở hai chiến tuyến ngồi nhìn nhau chỉ biết thở dài. Lịch sử đã sang trang còn nỗi thông cảm thì đọng lại. Vợ chồng chú kêu thằng Côi đến kể rõ sự tình trước mặt ba má nó. Nó chỉ khóc và lắc đầu. Nói mãi đến hai ngày, Côi im lặng hai ngày. Sang ngày thứ ba thì nó gật đầu, đồng ý theo hai người vào Sài Gòn làm thủ tục. Buổi sáng hôm nó đi, thím cháu ngã bệnh liền, còn chú thì cứ ngơ ngác như mất vật gì vô giá không tìm lại được.

 

Hoàng im lặng xoay nhẹ ly trà đã nguội, có tiếng ru con ơi hời của thằng Côi lúc trầm lúc bổng theo bóng xế dần đổ. Chú Ba kể nhỏ:

 

- Lúc cậu thư ký ủy ban đến nhà bảo ba má Côi điện về nói chú vào Sài Gòn là chú đi liền. Mong được trông thấy nó, ôm nó lần cuối. Đến nơi, ba má thằng Côi bảo để nó ở lại. Thật bất ngờ, vì Côi đã nói thẳng với hai người là hãy xem như nó không còn, nếu không khi nó qua đó, sẽ tìm mọi cách để trở về với chú thím. Chú còn nhớ, thuở bé, gửi Côi xuống nhà cháu để học nó còn đòi về nữa là…

 

Hoàng gật gù, hèn gì khi ở phố, đêm nào nó cũng khóc vì nhớ chú thím Ba. Chú Ba châm lửa điếu thuốc đã tắt từ lúc nào, nói chậm rãi trong làn khói:

 

- Đận sau là lúc thằng Côi lấy vợ, có ba má cùng đứa em, riêng thằng anh đang bận nên không về được. Thằng Côi khôn lỏi khi giữa đám cưới đủ mặt hai bên, nó tuyên bố nó là người hạnh phúc nhất vì có ba ông cha và ba bà má, còn kề vai nhau chụp hình kỷ niệm. Vậy là vui cả làng, hòa hợp cả sui gia! Nói thiệt nghe, lúc ba má nó tặng quà cưới, nó nhận đúng đôi nhẫn để kỷ niệm. Cái nhà này do công sức của vợ chồng Côi xây nên, chú chỉ có mảnh đất khai phá để trồng trọt lúc còn khỏe. À, quên mất, lúc nào cháu xuống phố?

 

- Dạ, tí nữa là con phải về nhà máy để theo xe công ty cho tiện.

 

- Tiếc thật, nếu không chú bảo Côi đưa qua bờ sông nhìn lại cảnh cũ. Bây giờ có cầu bê tông, đường láng nhựa, điện thắp sáng nối liền các tỉnh phía trên, đã không còn hiện hữu những vết tích chiến tranh ngày xưa nữa.

 

Côi đi ra chỗ chú Ba và Hoàng ngồi, thay vì bộ đồ xanh công nhân là áo sơ mi kẻ sọc cùng chiếc quần âu ủi thẳng nếp. Hàm râu quai nón cạo nhẵn trông Côi trẻ hẳn, nó tươi cười nói với chú Ba:

 

- Kể tội con đã đời chưa để còn kịp đưa anh Hoàng về nhà máy.

 

Chú Ba gật đầu cuời rồi nhìn Hoàng bảo:

 

- Cháu về dưới ấy cho chú gửi lời thăm gia đình. Khi nào rảnh… À, lúc này có rảnh được đâu, lo coi ngó vườn tược, thu hoạch mía lại còn đón đứa cháu lớn đi học và chơi với đứa cháu nhỏ nữa. Vậy mà vui, đâu như lúc trước ra vô chỉ có một mình bả!

 

Hoàng cười nắm tay Côi đứng lên, cả nhà tiễn anh ra cổng nhưng chú Ba thì ra tận đầu đám mía. Bóng nắng đang đổ dài trên cánh đồng, đổ dài trên người chú Ba, trên người Côi và kể cả anh. Nắng lao xao cùng gió mang đậm mùi hương mật ngọt chen trong tiếng cu gù lảnh lói. Lúc Hoàng cùng Côi đi quãng xa, anh ngoái lại vẫn thấy bóng chú Ba nhìn theo trong nắng đổ dài trên con đường một thời binh lửa đã qua.  

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek