Thứ Sáu, 10/01/2025 20:51 CH
Nhà thơ Triệu Từ Truyền và Những chữ qua cầu tâm linh
Thứ Năm, 27/04/2017 08:53 SA

Những chữ qua cầu tâm linh là một tập hợp nhiều bài viết ngắn, theo thể loại tản văn hoặc tiểu luận, đã đăng trên nhiều tạp chí và chuyên san khác nhau. Tuy nhiên, tập sách không phải là những bài rời rạc, biệt lập mà luôn xoay quanh cốt lõi nhất quán: cái đẹp của thơ. Tác giả không viết theo phong cách nhàn đàm hoặc bằng phương pháp phân tích, tổng hợp kinh điển mà viết bằng tri thức và đầy cảm hứng luận triết.

 

Nhà thơ Triệu Từ Truyền - Ảnh: CTV

Tại sao dám xác tín cốt lõi của tập sách này là cái đẹp của thơ (mỹ học trong thơ)? Vì trong 21 bài của lần xuất bản đầu tiên, nhà thơ Triệu Từ Truyền có đến 14 bài bàn về thơ và nhà thơ, 7 bài còn lại bàn về cội nguồn của thơ, đi sâu vào các khái niệm triết học và vật lý hiện đại (thuyết tương đối rộng và thuyết lượng tử), nhằm vào lộ trình dẫn dắt đến thơ hay. Mỹ học thực chất cũng chính là triết học, nên nêu lên quan niệm mới của mỹ học trong thơ không tránh khỏi va chạm với những quan niệm cũ của các triết thuyết từ trước tới nay như quan niệm về vật chất và tinh thần, về vũ trụ, về nhân bản, về siêu hình học… Bài đầu tiên của ông cũng là tựa sách, thể hiện quá trình tư duy tương quan giữa tâm linh và ngôn ngữ, thơ là linh chữ, không phải chữ giao tiếp thông thường. Bài này nêu lên quan niệm điều kiện để có thơ hay của ông. Những nhà thơ ông nhắc tới không phải nổi tiếng nhất, mà chính là những nhà thơ có vị trí bước ngoặt thúc đẩy thơ phát triển hoặc giải quyết bế tắc dòng chảy của thơ. Có một bài rất ngắn Thuở đầu làm thơ lại rất ý nghĩa cho việc chuyển hóa từ thơ hiện thực kiểu cũ lên các trường phái đúng đắn của thơ. Bài số 20, viết cách đây 10 năm, ông chốt lại chắc nịch “thơ là dòng năng lượng”. Câu cuối cùng của tiểu luận đáng ghi khắc lâu dài: Dòng năng lượng tâm linh chính là nội lực của thi sĩ. Đó cũng là câu kết luận cho phần đầu của tập sách, phần được xuất bản năm 2008.

 

Phần bổ sung cho lần tái bản năm 2017 được ông khái quát trong Lời mở đầu tập sách: Đây không chỉ thêm vấn đề, hay bổ sung lập luận mà thực chất là tiếp nối tư duy cho đến cùng. Vậy đến cùng ấy là gì?

 

Phải chăng là nghĩ về môi trường sống của người sáng tác (trong bài thứ 22). Ông có một ví dụ thú vị như sau: “… nếu trước thời Galilei, có ai viết câu thơ: “Tôi đứng trên trái đất xoay quanh mặt trời” sẽ bị cho là siêu thực vì tri thức nhân loại lúc đó cho rằng trái đất là trung tâm (theo thuyết địa tâm, phủ nhận thuyết nhật tâm). Cũng vậy nếu bây giờ viết: “Tôi đứng trên ánh sáng cứng chắc”, nhiều người sẽ nói câu thơ đó siêu thực, thực ra câu thơ đó rất hiện thực, vật lý hiện đại đã chứng minh trên nền cứng chắc là do chuyển động của các photon (hạt ánh sáng)”.

 

Có lẽ đỉnh cao của tập luận triết này là bài thứ 25 và 26 Từ Trần Nhân Tông đến Trần Đức ThảoTri kiến trong Thiền học Trần Nhân Tông. Thoạt nhìn tưởng chừng như hai bài này lạc bước ra khỏi hành trình chung, nhưng không, cả hai vẫn là luận triết về chân thiện mỹ của thơ. Không có gì tự chủ và độc lập hơn trong tư duy. Một dân tộc, nếu bị nô dịch về tư tưởng chắc chắn sẽ bị nô lệ văn hóa nói chung, và nói riêng là thơ. Độc giả sẽ thích thú với phát hiện tương đồng từ tâm hồn đến tư duy của thiền sư Trần Nhân Tông với triết gia Trần Đức Thảo. Nhà thơ Triệu Từ Truyền muốn đặt tên cho học thuyết của Trần Đức Thảo là: Hiện tượng luận biện chứng tâm linh. Cuối cùng, chốt lại bài 27 Vì sao loài người làm thơ?, ông đã nêu ra cách tiếp cận thơ vừa tri thức vừa tâm thức, giúp chúng ta không võ đoán khi cần nhận định về một tác phẩm thơ nào đó.

 

Kết thúc bài giới thiệu sách, xin được trích đoạn văn sau đây: “Hai nhà tư tưởng họ Trần đủ xóa bỏ mặc cảm Việt Nam không có triết gia. Và đặc trưng của triết gia Việt Nam là không duy lý giáo điều, không cực đoan, tạo ra một hòa nhập thể có tính toàn cầu, phù hợp với những thành tựu của cấu trúc vĩ mô không - thời gian và hấp dẫn lượng tử, mà những nhà vật lý vũ trụ hậu bán thế kỷ XX đã chứng minh bằng toán học”.

 

 

Bìa tập tản văn và tiểu luận “Những chữ qua cầu tâm linh” của nhà thơ Triệu Từ Truyền - Ảnh: NGỌC LAN

Nhà thơ Triệu Từ Truyền tên thật là Triệu Công Tinh Trung, sinh năm 1947, tại Sa Đéc (Đồng Tháp). Năm 13 tuổi, ông tham gia cách mạng, 15 tuổi có thơ đăng báo và xuất bản tập thơ đầu tiên với bút danh Triệu Cung Tinh. Trong phong trào học sinh sinh viên đấu tranh, ông vừa là một cán bộ lãnh đạo, vừa là một cây bút đầy nhiệt huyết, được nhiều người biết đến qua hai bài thơ Bắt đầu và Bé thơ Sơn Mỹ. Từ năm 1963-1966, ông bị bắt giam nhiều lần, trong đó hai lần bị đày ở Côn Đảo. Ông còn nghiên cứu triết học và văn học.

 

Sau khi đất nước thống nhất, Triệu Từ Truyền quay lại học tập và tốt nghiệp đại học. Ông được giao một số chức vụ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng nghề báo vẫn luôn thu hút tâm trí ông khi chủ biên: tạp chí Bông Trang của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sông Bé (1991-1992), chuyên san thơ Gieo & Mở (NXB Đồng Nai - 1995), nguyệt san Giáo Dục (2002-2003) và Trưởng Ban Biên tập nguyệt san Dân Trí thuộc Hội Khuyến học Việt Nam (2004)…

 

Nhà thơ Triệu Từ Truyền là hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và từng là Chánh Văn phòng phía Nam của Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm đã xuất bản: Đêm lên cơn dài - Bộ lạc mới (thơ) - năm 1965; Bên dòng Măng Thít (thơ), Hội VHNT Cửu Long - 1986; Mảnh vỡ hồn nhiên (thơ), NXB Trẻ - 1994, Va chạm hư không (thơ), NXB Văn Học - 1999; Tuyển thơ Triệu Từ Truyền (song ngữ Việt - Pháp), NXB Trẻ - 2001; Mặt cắt cõi ngoài (thơ), NXB Thanh Niên - 2006; Lục bát Triệu Từ Truyền (thơ), NXB Hội Nhà Văn - 2008; Tuyển thơ Triệu Từ Truyền (song ngữ Việt - Anh), NXB Trẻ - 2010; Tương tác (truyện dài), NXB Văn Học - 2005; Những chữ qua cầu tâm linh (tiểu luận và tản văn), NXB Văn Học - 2008; Hạt sứ giả tâm linh (thơ), NXB Hội Nhà Văn - 2015…

 

(Theo nhavantphcm.com.vn)

 

KHƯƠNG TRANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek