Thứ Sáu, 10/01/2025 21:06 CH
Khơi dậy tình yêu văn chương và sách
Thứ Ba, 25/04/2017 14:00 CH

Nhà thơ Phạm Sỹ Sau (bên trái) giao lưu với bạn đọc - Ảnh: XUÂN HIẾU

Trong khuôn khổ Hội Sách tỉnh Phú Yên lần thứ I-2017, độc giả Phú Yên có dịp giao lưu với các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học cùng những chia sẻ thú vị về sách, về việc lan tỏa văn hóa đọc và cách làm mới mình trên con đường sáng tạo văn học nghệ thuật. Chương trình giao lưu Tác giả - tác phẩm với bạn đọc là một điểm nhấn của hội sách vừa diễn ra.

 

Cần hình thành thói quen đọc sách

 

Đến với chương trình giao lưu, sinh viên Trường đại học Phú Yên, học sinh chuyên Văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh và các bạn trẻ yêu thích sách đã “thu hoạch” được nhiều điều bổ ích từ chia sẻ của các khách mời. Nhà văn Ngô Phan Lưu nói rằng Phú Yên có hội sách là rất quý. Dự hội sách, thấy nơi nào có nhiều sách là ông đến, lấy điện thoại chụp hình và cảm thấy mình… sáng láng ra. Nhà văn Ngô Phan Lưu đọc sách từ nhỏ và rất quý sách nên thấy ai đọc sách thì ông mừng. “Sách là ánh sáng văn minh của mọi thời đại. Sách giữ lại văn minh cổ và phát triển văn minh mới, không có sách thì chúng ta cứ quay cuồng trong hiện tại”, nhà văn Ngô Phan Lưu nói.

 

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên, mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần hình thành thói quen đọc sách. Cha mẹ không đọc sách thì không thể “bắt” con cái đọc được. “Tôi có bài viết Văn chương như cỏ hoa. Văn chương không nuôi sống được ai, không có văn chương thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến… hòa bình, nhưng chúng ta thấy cuộc sống sẽ thay đổi ngay nếu như không có văn chương, không có sách. Hội sách là dịp để các bạn trẻ nhìn lại mình, xem chúng ta có lãng phí không với smartphone, với game, với những scandal… - thông tin thì nhiều nhưng kiến thức lại vô cùng ít ỏi. Chúng ta hãy xem lại và cầm quyển sách lên, đọc. Sau đó chúng ta sẽ thấy mình cần thay đổi”, PGS-TS Thu Trang nói.

 

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, cho rằng một trong những điều mà người đọc sách cần chú ý là phải có kỹ năng đọc. Mà để có kỹ năng đọc thì phải tập kỹ năng viết. Tác giả các tập thơ: Điểm danh đồng đội, Chia tay cửa rừng, Gởi bạn bè làm xong nghĩa vụ, Khúc ca đồng đội, trường ca Ra đi từ thành phố… nói rất hình ảnh: “Mỗi người phải tự quyết định một cuốn sách cho mình. Đó là cuốn sách cuộc đời được viết chính từ mình.

 

Và cuốn sách viết ra từ cuộc đời mình bằng những quyết tâm. Tôi nghĩ rằng có quyết tâm thì không trở ngại nào mà không vượt qua được”.

 

Đào sâu để có đỉnh cao

 

Là một cây bút truyện ngắn có “thương hiệu” riêng, với những tác phẩm được “nén chặt” câu chữ, dí dỏm nhưng luôn hàm chứa nhiều tầng sâu ý nghĩa, từng đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ năm 2006-2007, nhà văn Ngô Phan Lưu nói rằng: Bí quyết để viết hay là… chẳng có bí quyết nào! Còn cách hành văn “nén chặt” thì phải tập, không để chữ nào thừa, chữ nào “ngồi chơi xơi nước” là ông “dẹp qua một bên”. Còn muốn có đỉnh cao thì phải “đào sâu” trong sáng tác.

 

PGS-TS Thu Trang nhận xét: Trong các tác phẩm, nhà văn Ngô Phan Lưu tạo ra nghịch lý từ những gì bình thường nhất và sử dụng thủ pháp lạ hóa từ những chi tiết đời thường. “Trong truyện của nhà văn, chúng ta thấy ông Hết thì còn, bà Xấu thì tốt, cái nong cái nia hình tam giác… Vẫn là những vật dụng của đời thường nhưng qua thủ pháp lạ hóa thì trở nên khác biệt, mang đến cho người đọc những cảm nhận khác”, PGS-TS Thu Trang nói.

 

Tốt nghiệp Khoa Lý hóa vạn vật Trường đại học Khoa học Sài Gòn, từng chiến đấu ở Campuchia, làm phóng viên Báo Quân khu 7 trước khi trở thành một nhà thơ nổi tiếng, Phạm Sỹ Sáu chia sẻ rằng ông mơ ước trở thành một bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân, cuối cùng ông cũng thành bác sĩ chăm sóc tinh thần cho nhiều người. Đấy là điều may mắn. Sau giải phóng, Phạm Sỹ Sáu tình nguyện đi bộ đội. Trở thành người lính, ông muốn nói tiếng nói của thế hệ mình. “Chính vì lý do đó mà tôi trở lại viết văn và trở thành nhà văn nhà thơ lúc nào không biết. Có lẽ chính tiếng nói về thế hệ mình sau hòa bình đã cho phép tôi trở thành nhà thơ nhà văn”, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu chia sẻ.

 

Theo nhà văn - đại tá Nguyễn Minh Ngọc, Phó Ban Kiểm tra Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, điều quan trọng nhất đối với văn học nghệ thuật là đừng bao giờ đi theo đường mòn lối cũ. Trước đây, ông viết về chiến tranh dưới góc nhìn của một người nhập ngũ cuối thời kỳ chiến tranh. Nhà văn chào đời bên sông Lam (Hà Tĩnh), tác giả nhiều tập truyện, ký: Một thời và mãi mãi, Bay đêm, Đất thiêng, Trong nắng gió Trường Sa, Người đàn bà trước biển… kể: Năm 1984, khi tôi ra Hà Nội dự trại sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Ma Văn Kháng nói với tôi như thế này: Mỗi một truyện ngắn, mỗi một tiểu thuyết, tác giả phải “đào” cho được tầng hầm thật sâu bên dưới. Đó chính là cái tứ, có cái tứ càng sâu thì truyện hay tiểu thuyết mới “đứng” được. “Viết về chiến tranh cần có những góc nhìn, cần có sự đào sâu”, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đúc kết.

 

Là người con Phú Yên vào TP Hồ Chí Minh học tập, làm việc và thành danh, nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, luôn canh cánh trong lòng mong muốn góp phần làm được điều gì đó cho quê hương, không chỉ bằng sáng tác của mình mà còn bằng những công việc. Lần này về Phú Yên dự hội sách và giao lưu với bạn đọc, anh rất vui. Sống ở TP Hồ Chí Minh, từ nơi này nhìn về Phú Yên, tác giả Hộp đen báo bão, Phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam, Phỏng vấn người Sài Gòn, Chất vấn thói quen, Bước gió truyền kỳ… có góc nhìn khác về quê hương, và tình yêu, tâm tư… trong các tác phẩm của anh cũng khác với tình yêu, tâm tư của các đồng nghiệp nơi quê nhà. “Rời quê hương cũng là một cách đi, đi để trở về”, nhà thơ Phan Hoàng nói.

 

Ông Lê Tỷ Khánh, Phó Giám đốc phụ trách Sở TT-TT, Phó Trưởng ban trực Ban tổ chức Hội Sách Phú Yên lần thứ I, nói: “Lần đầu tiên Phú Yên tổ chức hội sách, mời các nhà văn nhà thơ nổi tiếng về đây. Họ chia sẻ những tư duy rất mới và có những trao đổi rất thú vị, bổ ích cho lực lượng trẻ, cho những bạn hướng về văn chương và ham đọc sách”. Rất nhiều bạn sinh viên, học sinh tỏ ra rất hứng thú, đã chăm chú theo dõi và đặt nhiều câu hỏi với các khách mời trong buổi giao lưu. Phan Thị Hạnh Duyên, học sinh lớp 11 Văn, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, cho biết: “Em rất vui khi tham dự chương trình này, biết được nhiều kiến thức về văn học và cách đọc sách”.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek