Thứ Bảy, 05/10/2024 12:28 CH
Cần lắm một CLB âm nhạc ca cổ...
Thứ Năm, 11/10/2007 15:25 CH

Nhiều năm nay, ở TP Tuy Hòa và huyện Phú Hòa có một nhóm người ưa thích  dân ca, ca cổ lâu lâu tập hợp lại để  cùng đàn ca sáo thổi, “hát cho nhau nghe” góp phần nhỏ bé giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong thời hội nhập.

 

071010-bieu-dien.jpg

Một buổi biểu diễn ca cổ –Ảnh: CTV

 

Một lần, Phòng Văn hóa thông tin thị xã Tuy Hòa (cũ) trưng tập chúng tôi, một số nhạc công nghiệp dư chơi nhạc cụ dân tộc tham gia chương trình Liên hoan Văn hóa các dân tộc của tỉnh. Trong số người “góp nhặt” đó, một anh sử dụng ghita phím lõm ở tận núi Miếu, cậu thanh niên thổi kèn loe ở Hòa Quang, anh chơi nhị ở xã Hòa Thắng, còn mấy người trong nội thị cũng bỏ nghề từ lâu vì không có điều kiện thi thố tài năng. Gặp nhau, người này nhìn người kia chẳng biết tính sao để trong vòng một tuần có thể kết hợp, luyện tập để dự thi. Sau một hồi lắc đầu ngao ngán, bất ngờ anh chơi đàn kìm táy máy phẩy lên một chuỗi âm giai. Lập tức mọi người ồ lên: “Đấy là bài Kim tiền, tôi biết bài này!”, “Tôi cũng biết”… Thế là mỗi người hào hứng nêu ra một số bài nhạc cổ, nào là Khốc hoàng thiên, Lý con sáo, Vọng kim lang… Cuối cùng,  chúng tôi chọn được 5 bài tiêu biểu mà nhiều người thuộc nhất  và cần cù luyện tập ngày đêm cho kịp thời gian.

 

Hôm ấy, đứng trên sàn diễn trình bày mấy bản hòa tấu và những bài dân ca, thấy công chúng nồng nhiệt vỗ tay cổ vũ (có người còn hào hứng nhép miệng hát theo), chúng tôi rất cảm động. Thì ra, âm nhạc dân tộc gần như ăn sâu trong tâm hồn và máu thịt mỗi người, chỉ cần “cứa” nhẹ một cái là chúng trào tuôn như mạch sống ngàn đời bền bỉ chảy.

 

Kết thúc liên hoan, tuy có giải, nhưng trong lòng chúng tôi buồn vui lẫn lộn vì lo rằng sau hội diễn, liên hoan  các cơ quan chức năng có còn tạo điều kiện cho anh em tiếp tục tập trung  tập luyện, giao lưu với nhau không? Nếu không thì thật đáng tiếc, bởi chúng tôi mới chỉ tạm hòa điệu chứ chưa thể hòa tình.

 

Lâu nay, cứ gần tới ngày thực hiện chương trình, nhạc công, ca sĩ mới được trưng tập. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, vì danh dự,ï vì lòng nhiệt tình, ai cũng cố gồng mình tập tành, kết quả cũng tàm tạm, ban tổ chức thấy cũng đường được là xong!  Được biết, nghệ sĩ  ngâm thơ Vũ Kim Dung  mỗi lần từ Hải Phòng lên Hà Nội biểu diễn  thường đem theo một dàn nhạc công hùng hậu thì  mới cảm thấy tự tin và ngâm hay được. Những nghệ sĩ chuyên nghiệp còn thế, huống hồ chúng tôi chỉ là những người không được đào tạo chính quy, chơi theo cảm tính. Nếu không được động viên, hướng dẫn và có thời gian, nơi chốn tập luyện ổn định thì khó mà khá lên được. Thâm tâm anh em ai cũng muốn có một Câu lạc bộ âm nhạc ca cổ để cùng tới đó sinh hoạt, trao đổi học hỏi lẫn nhau để  ngày càng hoàn thiện mình. Đồng thời, thu hút lớp trẻ tham gia cống hiến, góp phần phát huy, làm đậm đà thêm bản sắc văn hoá dân tộc. Nhưng khó lắm thay!

 

Nhiều người hâm  mộ, quý trọng nghệ nhân M. H (TP Tuy Hòa) cũng vì  anh là một người tâm huyết với dân ca nhạc cổ. Bao năm nay, anh tự bỏ công, bỏ của sắm nhạc cụ, máy móc, tập hợp lớp trẻ đào tạo cho họ thành nhạc công, ca sĩ giữ gìn vốn quý của dân tộc. Tôi cảm thấy ân hận vì mình đã có lúc bỏ quên tiếng sáo mà ông nội đã dày công truyền đạt để một thời mảii mê chạy theo cây đàn điện tử. Khi ngân lên một tiếng đàn bầu, rao lên một chuỗi đàn tranh: Lênh đênh mười sáu dây tình - Mới nghiêng cánh nhạn đã thành câu rao - Gió mưa nương náu dây nào - Tình anh sao bỗng lạc vào nước mây quyện hòa trong tiếng sáo vút cao: Véo von lời gió giọng chim - Cho chơi vơi mỗi cánh tìm chơi vơi - Ngón tay khép mở tình người - Lay hồn thơ dậy thuyền môi bập bềnh (*) đưa hơi cho người nghệ sĩ cất lên lời hát,  giọng ngâm chở hồn dân tộc là đủ hiện hữu quanh mình một góc cây đa, bến nước, dòng sông, sân đình…nơi ta chắt chiu những kỷ niệm ngọt ngào của tuổi thần tiên thơ mộng. Cái giây phút “cảm” ấy đủ để mỗi cá nhân “hiểu” và nhận diện cội nguồn của mình, đem lại sự đồng cảm giữa người với người và là sợi dây kết nối những tấm lòng gần lại với nhau trong tâm tình thân ái...

 

TÂM HƯƠNG

(*) Thơ Hải Triều

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thư viện tỉnh bổ sung hơn 4.400 bản sách
Thứ Năm, 11/10/2007 07:03 SA
Số lượng chưa đi đôi với chất lượng
Thứ Tư, 10/10/2007 07:07 SA
Ra mắt tập san trường Lương Văn Chánh
Thứ Tư, 10/10/2007 07:03 SA
Người đẹp và những ước mơ đẹp
Thứ Ba, 09/10/2007 11:30 SA
Áo dài Việt Nam lên Fashion TV từ 9-10
Thứ Ba, 09/10/2007 08:14 SA
Quê nhà cho tôi một giọng thơ
Chủ Nhật, 07/10/2007 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek