Một trong những nét đẹp văn hóa ở Phú Yên không lẫn với nơi khác là đêm thơ Nguyên tiêu truyền thống được tổ chức hàng năm. Năm nay, tập sách Thơ Nguyên tiêu 2017 do NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành là ấn phẩm Thơ Nguyên tiêu lần thứ 17 vừa mang ý nghĩa tiếp nối sách thơ, vừa là một “cột cây số” thơ Nguyên tiêu Phú Yên trên chặng đường 37 năm qua.
Bìa tập sách Thơ Nguyên tiêu 2017 - Ảnh: PV |
69 tác phẩm trong Thơ Nguyên tiêu 2017 (NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành tháng 2/2017) được tuyển chọn từ gần 380 bài thơ của 187 tác giả trong và ngoài tỉnh gửi tới dịp này. Có thể nói, tập thơ có nhiều mảng màu sắc khác nhau, nhưng đề tài nổi bật nhất vẫn là tình đất, tình người và tình thơ Phú Yên, hay nói theo cách “thời sự” một chút là về vùng đất hoa vàng cỏ xanh.
Bằng niềm tự hào xứ sở, tác giả Huy Phong đã có những câu thơ như trải lòng mình:
Anh thả thơ xuân vào trăng/ đêm rằm tháng Giêng bên núi Nhạn/ nước sông Ba nâng cánh thơ/ bay cao bay xa đẹp thêm mùa xuân quê mẹ/ thơ anh theo mây trời nước Việt/ đậu bên em bên bè bạn năm châu/ thơm mùi nếp mới ngọt bát canh bầu/ hoa mướp vàng lấp lánh giọt mồ hôi của bố/ mẹ nhặt ca dao cổ tích từng ngày/ thả thơ suốt bốn mùa/ ru cháu ru con lớn khôn/ bay khắp năm châu lòng tự nhủ không quên/ lời của quê cha đất mẹ… (Thả thơ xuân).
Một người con Phú Yên khác lại bồi hồi: Tuy Hòa đêm nay bên núi, bên sông/ Tay ấm bàn tay bao năm còn đợi/ Tình xuân mênh mang/ Len trong sương khói/ Câu thơ mặn mà chia sẻ đời nhau. (Đón người về với đêm xuân - Lưu Phúc).
Mà đâu chỉ có người Phú Yên mới nặng tình xứ Nẫu, nhiều nhà thơ phương xa từ lâu vẫn nhớ về sông Ba núi Nhạn như một “địa chỉ thơ” trong lòng họ. Đây là những vần thơ được gửi về từ Huế:
Nương cánh gió Tuy Hòa mát lịm/ Tôi lại về núi Nhạn hoang sơ/ Hồn đắm say dưới vầng trăng huyền ảo/ Nhạc thơ bay hòa quyện khói sương mù/ Lòng hiếu khách làm quên mệt mỏi/ Bao nụ cười thân thiện nối vòng tay/ Ngồi bên em ngỡ quen biết lâu rồi/ Gió sông Ba phương này sao ấm lạ! (Lại về Nguyên tiêu - Ngàn Thương).
Với nhà thơ Nguyễn Duy Tẩm, gắn bó từ lâu với mảnh đất này, lại có những “cái muốn” thật lãng mạn:
Tôi muốn chép quê hương thành khúc nhạc/ Đèo Cả - Cù Mông vang vọng vút trời cao/ Vũng Lắm, Ô Loan thì thầm con sóng nhỏ/ Lắng Vũng Rô chạm đáy nước dạt dào/…/ Tôi muốn đung đưa đồng xa giăng cánh võng/ Gởi nhớ Đồng Cam về dừa ngọt Sông Cầu/ Có ánh trăng vàng thấm từng gié lúa/ Làm chứng duyên trầu hẹn bén Quán Cau” (Một khúc nhạc quê). Có một chuyện vui lúc làm sách là biên tập viên NXB hỏi “xem lại hẹn bén hay hẹn bến?”, lại phải “bảo vệ” cho chữ “bén”: bén mới là dây trầu bén rễ chứ? Và câu tôi thích nhất là “Có ánh trăng vàng thấm từng gié lúa”, thân thuộc mà lãng mạn lạ kỳ!
Nhà thơ Thanh Quế đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, gửi về một bài thơ vẫn kiệm lời mà giàu sức gợi:
… Nôn nao người đứng bên cửa sổ
Một chùm ánh nắng
Một chùm tiếng sẻ
Nâng ngày mới lên dần…
(Buổi sớm ở làng Phú Thạnh)
Nếu chưa gặp chưa biết tác giả, rất có thể sẽ nghĩ những câu trẻ trung này của một nhà thơ ở tuổi thanh xuân:
Ta muốn cùng em - vầng trăng không tuổi/ Quên lửng đời rêu tháp già nua/ Phố có niềm riêng tháng Giêng biết nói/ Thỏ thẻ sông Ba, thánh thót sông Chùa. (Tháng Giêng biết nói - Trần Văn Lan)
Quả đúng là mùa xuân không tuổi, không già. Hay như của một tác giả thất thập khác:
Vui buồn một chuyến đò ngang
Bao mùa trăng vẫn
không sang tới bờ
(Trăng - Lưu Ngọc An)
Có cái gì vẫn không dừng lại, không già cỗi ở đây? Đó chính là cuộc sống, là thơ ca nói riêng, nghệ thuật nói chung.
Trong tập thơ có những tác giả mới toanh (đối với “sân thơ” Nguyên tiêu này), hoặc “tái xuất” trên ấn phẩm. Tôi rất trân trọng những dòng này của nhà thơ khiếm thị Huỳnh Duy Siêng, đã ở tuổi bát tuần:
Bình minh nắng mới trôi trên lá/ Nắng chảy sau vườn, rây trước sân/ Xuân ghé hỏi sao nhà vắng vẻ/ Vào ra đâu thấy bóng giai nhân (Chờ xuân).
Các cây bút trẻ, hoặc lần đầu góp mặt trong ấn phẩm như La Xuân Yên, Trần Bình Tuấn, Phạm Trâng, Nguyễn Minh Đạt, Nguyễn Phương Trâm, Đoàn Minh Hùng, Ngọc Tú, Đặng Hữu Ẩn, Nguyễn Văn Hương, Vân Phượng, Mai Chi, Hà Nguyễn… hoặc ít hoặc nhiều đều có những câu, những ý góp cho “bữa tiệc” Nguyên tiêu thêm phần đa dạng. Có thể nêu một “đại diện” với những câu sau:
… Chân trần nhớ suối/ Em gùi mặt trời/ Thổ cẩm dệt tôi/ Dài theo vời vợi/ …/Tiếng chuông ngựa thồ/ Còn lấm mù sương/ Gõ xuống con đường/ Đi về phía núi. (Chợ phiên miền núi - Trần Bình Tuấn).
Đó là những câu thơ cất lên như lời ca còn chưa “trơn giọng”, nhưng giàu hình tượng ở thổ cẩm “dệt tôi”, ở chuông ngựa thồ còn “lấm mù sương”!
Ngược lại, cũng có những câu “hiền lành” như:
Con sẽ tĩnh lòng khi đứng trước hoàng hôn/ Rũ bỏ hết những chênh vênh rồi trở về giản đơn vốn có/ Nơi sinh con ra - vùng quê còn gian khó/ Con muốn trở về từ nơi đó lớn lên! (Hồn quê - Nguyễn Phương Trâm).
Với tác giả trẻ Phạm Trâng, tên thì “lạ” nhưng thơ lại rất “quen” ở cách diễn đạt:
Bao thi hữu xướng hồn thơ chất ngất/ Không sáo lòng - lời chân thật con tim/ Gợi trong ta thân thiết những nỗi niềm/ Của tình đất tình người ngân ấm áp... (Đưa nhau vào hội).
Cũng vậy, tác giả Đoàn Minh Hùng ca ngợi hội thơ quê hương bằng những ngôn từ “cổ kính”:
… Cứ mỗi rằm Thượng Nguyên/ Hội thơ đất Phú Yên/ Tao nhân lên Tháp Nhạn/ Mặc khách đến hòa duyên/…/ Khách du chìm đê mê/ Hương xuân ngát bốn bề/ Nguyệt tròn soi sáng tỏ/ Hoa cỏ tràn trăng thơ (Xuân thơ trăng).
Tuy nhiên, cái “cổ kính” mà những tác giả này đem lại về mặt nào đó rất phù hợp với không khí Hội thơ Nguyên tiêu hàng năm bên ngôi cổ tháp Tuy Hòa, nên nói như tác giả Phạm Trâng, đó là những câu: “Không sáo lòng - lời chân thật con tim”. Và tập thơ này cũng là như vậy.
HUỲNH VĂN QUỐC