Chủ Nhật, 13/10/2024 05:17 SA
Phố trong tôi
Thứ Hai, 30/01/2017 10:00 SA

Giờ thì làng quê tôi đã lên phố, lên phường. Nếp sinh hoạt cũng thay đổi theo nếp sống hiện đại, văn minh hơn. Và cứ mỗi độ xuân về, tết đến, mọi người trong phố cùng nhau tổ chức các hoạt động thiết thực về văn hóa truyền thống kết hợp với hiện đại.

 

“…Làng giờ lên phố lên phường Trăng xưa nhòa ánh điện đường ngõ quê”

                                                     (Làng trong Phố: Hồ Phong Tư)

 

Nghi thức rước Sắc trong lễ hội cúng làng ở phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa - Ảnh: HOÀNG HÀ THẾ

 

Làng xưa

 

Theo các bậc cao niên kể lại: Làng Thạnh Phú (nay là khu phố 3, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa) được thành lập trên một vùng đất cát hoang sơ có tên là rừng Ngang (Hoành Lâm). Những năm 1960-1965, chế độ Sài Gòn (Mỹ - ngụy) đã giải tỏa và di dời dân từ làng Thạnh Lâm, thôn Phú Nhuận, xã Hòa Hiệp, quận Hiếu Xương (nay là xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa) để xây dựng sân bay quân sự. Làng mới có tên là Thạnh Phú thuộc xã Hòa Thành, quận Hiếu Xương… Người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ. Dù cuộc sống kinh tế có khó khăn nhưng mỗi kỳ lễ hội của làng như cúng đình, cúng miễu, cúng đất làng…, mọi người đều tham gia ủng hộ vật chất tùy, nhà thì ký gạo, vài ba lon nếp, nhà thì đóng tiền; người không có gì thì đóng góp công sức để dựng rạp, mổ heo hay nấu nướng…

 

Chiều ba mươi tết, nhà nào cũng gói bánh tét, bánh chưng, cũng làm dưa món, í ới gọi nhau làm heo “giăng tay”. Ở làng có thành lập một cái chợ, chiều ba mươi tết, các bậc cao niên dựng cây nêu làng và tổ chức cúng nêu, đồng thời cúng thổ công để xin phép ngày mai (mùng 1 tết) khai hội Bài chòi để bà con dân làng vui chơi ba ngày tết. Hoa cúng trên bàn thờ tổ tiên, kể cả hoa để trang trí trong nhà ba ngày tết chủ yếu là hoa vạn thọ…

 

Làng Thạnh Phú cách trung tâm Tuy Hòa chỉ gần 6km, ấy vậy mà ngày xưa người dân muốn đi chợ Dinh (chợ Tuy Hòa nay) để mua bán phải đi rất sớm, có người cả một đời chỉ được đi một vài lần. Điện thắp sáng, đường láng nhựa, xe máy, máy hát, nhà lầu, quần áo thời trang… là những thứ lúc đó đã có ở Tuy Hòa nhưng người ở làng tôi không ai dám mơ tới.

 

Ấy vậy nhưng khi làng tôi “lên phố”, cuộc sống bỗng chốc đổi thay nhanh chóng…

 

Phố nay

 

Phố tôi bây giờ láng nhựa đường thẳng tắp, có đèn chiếu sáng ban đêm, hệ thống thoát nước, hệ thống cấp nước sạch, hệ thống thông tin viễn thông, các công trình công cộng khác… Bác trưởng thôn, nay gọi là trưởng khu phố; người làng nay gọi là người thành phố; địa danh làng Thạnh Phú ngày xưa, nay mang tên khu phố 3; người dân phố tôi biết sử dụng điện thoại di động, biết “tám chuyện” trên “phây” (Facebook). Những gia đình khấm khá tổ chức đám cưới cho con đều đặt tiệc ở nhà hàng; trai gái cũng xúng xính xiêm y thời trang, hàng hiệu để đi dự tiệc cưới…

 

Làng lên phố, nếp sinh hoạt cũng thay đổi theo nếp sống hiện đại, văn minh hơn. Nhiều gia đình không còn thói quen ra đồng sáng sớm, mà dậy sớm đi bộ tập thể dục để nâng cao sức khỏe; tối không ngủ sớm như ngày còn làm ruộng mà tham gia sinh hoạt câu lạc bộ người cao tuổi của tổ dân phố... Những người nông dân quen “chân lấm tay bùn” nay hòa mình vào nếp sống của đô thị, nhưng những nét văn hóa truyền thống của làng có lịch sử lâu đời vẫn được gìn giữ; sinh hoạt của người dân vẫn thuần túy chân quê theo kiểu sống làng xã.

 

Các vị cao niên vẫn tổ chức trang trọng các lễ hội của làng như cúng đình, cúng miễu, cúng thổ công (cúng đất làng) theo kiểu truyền thống. Mỗi dịp xuân về, tết đến, bà con khu phố cũng tập trung tại lẫm làng tổ chức nấu bánh tét, bánh chưng để cúng Thành hoàng làng, với tâm niệm cầu mong năm mới toàn dân khu phố được sức khỏe và an lạc.

 

Đem câu chuyện làng và phố tâm sự với các cụ cao niên ở khu phố, các cụ nói vui: Kêu “làng” cũng xong, gọi “phố” cũng được. Các cụ cười, nói vui: Phố gì mà gặp nhau cứ hỏi nhà ông nuôi bao nhiêu con bò, năm nay xuất mấy lứa heo thịt, vụ rồi thu được mấy tấn lúa…

 

Làng lên phố. Nhưng hy vọng thế hệ trẻ hôm nay biết sống tốt và luôn giữ gìn nét văn hóa truyền thống để xây dựng “làng” mình văn minh hơn!

 

HOÀNG HÀ THẾ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek