Thứ Bảy, 05/10/2024 22:18 CH
Sông chảy bên trời - Tuyển tập một đời thơ
Thứ Tư, 19/09/2007 14:00 CH

Bây giờ, khi đã bước qua tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận”, nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Kim Ngân (thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2, Sông Cầu), người nổi tiếng với bài thơ “Người mẹ Bàn Cờ” được nhạc sĩ Trần Long Ẩn phổ nhạc thành ca khúc cùng tên, mới có tập sách đầu tiên cho riêng mình.

 

070919-NKN.jpg

Nhà thơ Nguyễn Kim Ngân (phải) và nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà tại buổi giới thiệu tập thơ “Sông chảy bên trời” - Ảnh: L.T.NHƠN

 

TẬP SÁCH - ĐỜI THƠ

 

Những thập niên 60, 70 thế kỷ trước, chàng sinh viên Nguyễn Kim Ngân đang học khoa Triết Tây trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn hòa vào không khí tranh đấu của học sinh – sinh viên đô thị miền Nam. Năm 1970, trong một lần xuống đường, ông và bè bạn bị cảnh sát chế độ cũ bao vây trong tòa đại sứ quán Campuchia ở khu Bàn Cờ, quận 3. Lúc này, các mẹ, các chị đã nhận sinh viên làm con, làm chồng để tránh cho các anh bị bắt. Cảm kích nghĩa tình các mẹ, các chị… Nguyễn Kim Ngân đã xúc cảm viết nên bài thơ Người mẹ Bàn Cờ và sau đó được nhạc sĩ Trần Long Ẩn – một người bạn cùng phong trào – chắp cánh thành ca khúc gắn liền với sinh viên – học sinh tranh đấu bằng những giai điệu hào khí rừng rực: “Đường Việt Nam Bàn Cờ/ Tình Việt Nam như tơ/ Đồng Việt Nam lầy lội/ Giặc đợi chết từng giờ”.

 

Thế nhưng trong tập thơ đầu tay in riêng này, Nguyễn Kim Ngân đặt một cái tên “ít liên quan” đến mạch thơ vẫn chảy xuyên suốt đời ông – Sông chảy bên trời (NXB Văn học). Sông chảy bên trời gồm 65 bài, có thể tạm chia làm hai phần, một thuộc về thời tuổi trẻ, một dành tặng những người phụ nữ vốn chịu nhiều gian khổ. Người làm thơ nào cũng có cảm giác chơi vơi với bao nhiêu nỗi niềm, đó cũng chính là tâm trạng của không riêng Nguyễn Kim Ngân khi ông chọn Sông chảy bên trời làm tên gọi cho tập thơ.

 

Năm 1972, Nguyễn Kim Ngân bị chế độ Sài Gòn bắt giam cùng với nhiều bè bạn khác. Ông viết những dòng thơ, như ông tự nhận – “Tôi làm thơ như người ta viết nhật ký, ghi lại những dấu ấn của đời mình”. Trong bài Chiếc còng sắt: “Đừng cho biết mẹ già anh sẽ khóc/ Nếu có hỏi bảo anh còn đi học/ Vẫn bình yên và đỗ đạt như xưa/ Thôi giã từ các bạn giữa đêm mưa/ Tôi đã nếm đủ mùi trong ngục thất…/ Thôi, chỉ còn một giải pháp đao binh/ Lấy xương máu nói với loài theo giặc”.

 

Sau năm 1975, Nguyễn Kim Ngân đã về công tác trong ngành giáo dục quê nhà thay vì ở lại TPHCM như bao bè bạn. Lý do thật đơn giản, ông là con cả nên về phụng dưỡng mẹ già (cha ông đã mất trong kháng chiến chống Pháp, được công nhận là liệt sĩ). Nhưng hơn hết, Nguyễn Kim Ngân mong ngày hòa bình để về quê sống cho thỏa nỗi đợi chờ, như thơ ông viết: “Ngày hòa bình đi bộ về quê hương”.

 

NẶNG TÌNH BÈ BẠN

 

070918-kim-ngan.jpgThật ngạc nhiên, Sông chảy bên trời lại do một doanh nhân quê Phú Yên – ông Nguyễn Tiến Toàn, chủ doanh nghiệp xe lăn Kiến Tường - tài trợ xuất bản. Cầm tập sách nằng nặng tấm lòng bè bạn những tưởng đã vui rồi, nhưng vui hơn, ông Nguyễn Tiến Toàn đã làm tặng Nguyễn Kim Ngân một đêm thơ vào ngày 15/9 vừa rồi. Một đêm thơ của một tác giả Phú Yên thật ấm cúng giữa Sài Gòn. Tham dự có khá đông bè bạn một thuở của Nguyễn Kim Ngân như: Trần Văn Long (Bí danh Năm Hiền, nguyên Phó Tổng giám đốc Saigon Tourist), nhạc sĩ Trần Tuấn Kiệt, nhạc sĩ Miên Đức Thắng, nhà giáo Phan Long Côn. Ngoài ra còn có nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà… Nhưng rất tiếc, nhạc sĩ Trần Long Ẩn lại vắng mặt vì bận công chuyện đột xuất. Lâu nay, khán thính giả, độc giả chỉ biết đến Trần Long Ẩn chứ đâu mấy ai “để ý” đến Nguyễn Kim Ngân trong ca khúc Người mẹ Bàn Cờ.

 

Nhận quyết định hưu vào tháng 9/2006, Nguyễn Kim Ngân còn bao mối lo cho sinh kế của gia đình. Cậu con đầu của ông đang theo học năm thứ hai ở Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM mỗi tháng đều cần ông “chi viện” và ông còn hai con nhỏ nữa (Nguyễn Kim Ngân cưới vợ rất muộn). Mấy năm nay, Nguyễn Kim Ngân dành những mùa hè đi nuôi tôm những mong “cải thiện” khoản lương nhà giáo hạn hẹp. Vậy mà, “Tôm đâu không thấy, chỉ thấy bóng mình/ Cùng những vần thơ in trên sóng nước” (nhà giáo Phan Long Côn trong một lần thăm Nguyễn Kim Ngân bên hồ tôm đã viết tặng bạn như vậy). Nay thì Sông chảy bên trời ra đời ít nhất đủ làm cái cớ cho bạn bè một thời của ông họp mặt.

 

Trong lời bạt tập thơ, Trần Long Ẩn viết: “Đọc những tác phẩm thơ của anh về phong trào, nhớ bạn bè anh em quá đỗi!”. Còn Nguyễn Kim Ngân trong lời tri ân cuối sách thì: “Mỗi lần nghe bài hát Một đời người một rừng cây của Trần Long Ẩn: Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người” là lòng tôi bồi hồi xúc động, nhớ một thời, nhớ những con người, nỗi nhớ lặng lẽ chơi vơi như Sông chảy bên trời”.

 

TRẦN HOÀNG NHÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek