Thứ Bảy, 05/10/2024 22:18 CH
Ông Ngô Quang Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch):
Tạo cơ chế để đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy nội lực, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở
Thứ Ba, 18/09/2007 16:10 CH

Cùng với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, việc chăm lo xây dựng đời sống văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Yên nói riêng, các tỉnh Nam Trung Bộ nói chung luôn được các ngành các cấp quan tâm và đạt kết quả đáng khích lệ. Chung quanh vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) Ngô Quang Hưng cho biết:

 

070918-NQH1.jpg

Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Ngô Quang Hưng

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Yên và các tỉnh Nam Trung Bộ có những nét đặc thù khác với đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên. Do điều kiện địa lý tự nhiên, phát triển kinh tế không đồng đều và khả năng ngân sách của từng địa phương nên đồng bào còn chịu nhiều thiệt thòi trong hưởng thụ văn hoá. Tuy vậy, bản thân đồng bào có một nền văn hoá truyền thống rất đặc sắc, phong phú với  nhiều nét rất độc đáo mà không vùng nào có được song công tác bảo tồn vẫn chưa tốt. Vì thế, theo tôi, Nhà nước phải tạo điều kiện để xây dựng đời sống văn hoá  bền vững cho đồng bào thông qua các chương trình, mục tiêu quốc gia, qua vận động tài trợ và xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Ngành văn hóa thông tin cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hoá dân tộc thiểu số gắn với tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa ở địa phương mình hoặc liên kết với các địa phương khác trong khu vực. Xã hội hoá các hoạt động văn hóa là hết sức cần thiết nhưng quan trọng hơn hết là tiếp tục  tạo cơ chế, điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số phát huy được nội lực trong xây dựng, phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở. Bởi chính đồng bào phải là người trực tiếp làm công tác này chứ không ai có thể làm thay được thông qua các sinh hoạt lễ hội, các nghệ nhân ở ngay từng buôn làng. Có như vậy, đồng bào mới bảo tồn được những tinh hoa văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu những cái mới để làm giàu thêm  bản sắc văn hoá của dân tộc mình trong thời kỳ hội nhập.

 

* Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng đời sống văn hoá ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang có xu hướng “Kinh hoá”. Phó Vụ trưởng có thể cho biết quan điểm của mình về ý kiến nói trên?

 

- Tôi cho rằng cách nhìn nhận vấn đề như vậy là không đúng. Có thể đâu đó, có xã  xây dựng nhà rông văn hóa để đồng bào làm nơi sinh hoạt cộng đồng mà bà con chưa “ưng cái bụng” vì không giống như nó vốn có, nhưng đây không phải là trường hợp phổ biến. Cần thấy rằng, đồng bào dân tộc thiểu số phải được quyền tiếp thu và hưởng thụ những giá trị văn hóa mới và những gì tốt đẹp nhất của dân tộc Kinh và các dân tộc anh em khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhưng điều cốt tử nhất là bà con phải giữ cho được cốt cách và các nét đẹp văn hóa truyền thống của mình. Tiếp thu cái mới, sự tiến bộ của các giá trị văn hóa nhưng lại không đánh mất mình chính là hai yếu tố song hành để bà con dân tộc thiểu số tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội, có đời sống tinh thần lành mạnh để hội nhập với cuộc sống hôm nay. Chúng ta đang cùng đồng bào xây dựng một đời sống văn hoá tại chỗ theo hướng như vậy và tất nhiên, kết quả còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng vùng miền, địa phương.

 

* Do nhiều nguyên nhân, hiện nay, một bộ phận  cán bộ văn hoá cơ sở ở các xã miền núi  chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Cần phải làm gì để họ mạnh hơn, giỏi hơn, thưa Phó Vụ trưởng?

 

070918-Giu-nhip-chieng.jpg

Giữ nhịp chiêng - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 - Để có đội ngũ cán bộ văn hoá miền núi đủ mạnh hầu hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác, rõ ràng là phải chăm lo công tác  đào tạo. Ngoài đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số, chúng ta cần phải chú trọng bồi dưỡng, khai thác, sử dụng cán bộ là người Kinh, người dân tộc khác nhưng có điều kiện tốt hơn để làm công tác văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Muốn cán bộ văn hóa ở cơ sở làm việc có hiệu quả thì hàng năm phải làm tốt công tác quy hoạch, cử đi học nâng cao tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp văn hoá nghệ thuật thông qua các hình thức cử tuyển, thi tuyển đảm bảo chất lượng. Có một thực tế là lâu nay, cán bộ văn hóa ở cơ sở chưa được chú ý quy hoạch, luôn biến động và thay đổi theo yêu cầu công tác. Vì vậy, cần có biện pháp khắc phục tình trạng này. Kinh nghiệm cho thấy, nếu chính quyền và cán bộ văn hoá cơ sở   biết tranh thủ và tranh thủ thật tốt  tiếng nói, uy tín của các già làng trong  xây dựng đời sống văn hoá ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số  thì kết quả sẽ sâu rộng, bền chắc  hơn.

 

* Xin cảm ơn Phó Vụ trưởng!

 

 

THẠCH BI SƠN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek