Chủ Nhật, 12/01/2025 08:58 SA
Hội thảo khoa học “Miền Trung và Tây Nguyên trong lịch sử Việt Nam”:
Nhiều góc nhìn độc đáo
Chủ Nhật, 23/10/2016 07:55 SA

Miền Trung và Tây Nguyên, vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa độc đáo. Miền Trung gắn với lịch sử chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa. Tây Nguyên có vị trí địa chính trị trọng yếu với công tác quản lý tài nguyên cấp bách. Hơn 30 nhà khoa học, học giả lịch sử - văn hóa trên toàn quốc đã tiếp cận sâu sắc vùng đất này.

 

Múa siêu tại Lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) - Ảnh: TUYẾT DIỆU

 

Vùng đất trọng yếu

 

Dấu tích sớm nhất của con người sống ở dải đất miền Trung thể hiện qua nền văn hóa Sa Huỳnh, nền văn hóa thuộc giai đoạn sơ kỳ đồ sắt của cư dân ven biển Nam Trung Bộ, có niên đại từ giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên cho đến đầu công nguyên. Văn hóa Sa Huỳnh là một nền văn hóa mang sắc thái biển rất đặc trưng và có mối giao lưu rất mạnh mẽ với các văn hóa đương đại của Việt Nam và Đông Nam Á, chủ yếu thông qua hệ thống đường biển với mối quan hệ giao lưu rộng, đặc biệt là quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa trên biển Đông và qua biển Đông.

 

Theo PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), không gian văn hóa miền Trung cũng đồng thời thể hiện tính hướng biển điển hình và sinh động nhất so với các không gian văn hóa khác của Việt Nam.

 

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã nhiều lần tiến hành điều tra và khai quật trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Kết quả khai quật ở 4 đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca và điều tra, thám sát trên 6 đảo khác đã phát hiện được các di tích, di vật thuộc thời đại sắt sớm (tương đương với văn hóa Sa Huỳnh muộn - Champa sớm ở ven biển miền Trung Việt Nam).

 

Với những tư liệu khảo cổ đào ở Trường Sa lớn đã hé mở một điều là từ cách đây hàng ngàn năm, có thể người Việt và sau đó là người Chăm ở miền Trung đã có mặt ở quần đảo Trường Sa và nơi này là đầu cầu để giao lưu văn hóa, trao đổi vật phẩm đối với vùng Palawan của Philippines, nơi phát hiện khuyên tai hai đầu thú. Các tư liệu đương đại của cả Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây đều ghi chép rõ ràng và thống nhất về sự hiện diện của đội Hoàng Sa vào thời kỳ đầu của các chúa Nguyễn trong thế kỷ XVII với tư cách là chủ nhân đích thực của vùng quần đảo giữa biển Đông.

 

Phía tây duyên hải miền Trung là vùng đất Tây Nguyên liền kề có thế địa chính trị hết sức quan trọng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Giá trị tự nhiên, nhân văn cùng bối cảnh chính trị của vùng, của Việt Nam, Lào và Campuchia đã tạo ra những giá trị không thể thay thế không những của Tây Nguyên mà cho các khu vực phụ cận trên lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là thế liên kết Tây Nguyên - Duyên hải Nam Trung Bộ trên các mặt kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh, tài nguyên môi trường.

 

Theo TS Nguyễn Đăng Hội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Tây Nguyên hiện nay đang đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Các vấn đề đặt ra: Nước đầu nguồn cạn khô, rừng bị tàn phá, dân số biến động phức tạp, liên kết kém hiệu quả với các vùng phụ cận và các nước Đông Dương.

 

Giải pháp hiệu quả nhằm phát huy tiềm năng vị thế địa chính trị Tây Nguyên trong sự phát triển bền vững được nhiều học giả bàn thảo. Theo GS.TS Trương Quang Hải (Đại học Quốc gia Hà Nội), trước tiên là các giá trị tài nguyên không gian và các dạng tài nguyên không thay thế như tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, tài nguyên đất, tài nguyên nước ở Tây Nguyên cần được khai thác, sử dụng bền vững. Phát triển kinh tế, ưu tiên phát triển du lịch, trong đó chú trọng du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Nâng cấp hệ thống giao thông dựa trên nguyên tắc bảo đảm tính liên thông giữa các vùng và các quốc gia: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar, trong đó cửa ra chính của khu vực là hệ thống cảng biển quốc tế ở duyên hải Nam Trung Bộ.

 

Cần nhìn nhận lại cách tiếp cận

 

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, công lao của chúa Nguyễn Hoàng và triều Nguyễn trong việc khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa - Trường Sa là trang lịch sử chói ngời. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Nam dựng nghiệp giữa lúc nhu cầu chiếm lĩnh các quần đảo giữa biển Đông đặt ra gay gắt và bức thiết. Ông có nhiều hoạt động mở mang lãnh thổ, khai chiếm biển đảo, nhưng chưa thấy có tư liệu nào cho hay vào thời kỳ trị vì của ông đã có đội Hoàng Sa hoạt động trên biển Đông. Qua các đời vua khác của triều Nguyễn còn để lại nhiều tư liệu khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Đến nay, công lao của triều Nguyễn trong công cuộc Nam tiến và bảo vệ chủ quyền biển đảo vẫn chưa được lịch sử ghi nhận đầy đủ.

 

Theo Th.S Hồ Thanh Tâm, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), trước đây, người ta thường nhìn nhận mối quan hệ của Tây Nguyên với đất nước Việt Nam thống nhất có phần khác biệt với các vùng khác. Tuy nhiên, các đợt khai quật khảo cổ học được tiến hành tại vùng đất này, đặc biệt từ sau năm 1975, đã chứng minh một cách vững chắc và thuyết phục rằng, cư dân tiền sử Tây Nguyên có nhiều mối liên hệ mật thiết với cư dân các vùng văn hóa khác của Việt Nam. Hay nói cách khác, trước khi thực dân Pháp xâm lược, Tây Nguyên đã là một “thế giới phẳng” với mạng lưới các mối quan hệ giao lưu kinh tế nội vùng và liên vùng trong khắp khu vực Đông Nam Á.

 

Miền Trung và Tây Nguyên trong lịch sử Việt Nam là một tiến trình chứ không phải chỉ một giai đoạn lịch sử. Những tư liệu lịch sử quan trọng khẳng định vai trò quan trọng của chúa Nguyễn Hoàng và triều Nguyễn trong công cuộc bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa trong một thời gian dài, nhưng bị xem nhẹ. Nhà nước Chăm Pa kéo dài từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ X là một phần của lịch sử dân tộc Việt Nam rất ít được đề cập. Theo GS Phan Huy Lê, không gian văn hóa miền Trung - Tây Nguyên trải dài trong tiến trình lịch sử với các biến động hình thành nên lịch sử Việt Nam. Các học giả lịch sử thường tiếp cận vấn đề nghiên cứu ở một thời kỳ lịch sử mà không phản ánh toàn diện lịch sử Việt Nam. Như quan điểm chế ngự lịch sử Việt Nam từ thời Lý - Nguyễn đến nay. Khía cạnh đó không sai nhưng chưa thỏa đáng. Nếu lịch sử vùng đất Nam Trung Bộ chỉ được thừa nhận từ sau khi chúa Nguyễn Hoàng khai phá thì vùng đất này vào thế kỷ XVI mới trở thành vùng đất Nam Trung Bộ. Nếu trình bày như thế, vậy Nam Trung Bộ trước thế kỷ XVI là gì? Thực tế lịch sử có từ trước, tại sao chúng ta lại loại bỏ nó? Một thời gian dài, lịch sử Việt Nam đã bỏ qua thời kỳ văn hóa Óc Eo và vương quốc Chăm Pa trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Tất cả các nước trên thế giới, lãnh thổ nước nào cũng vậy không phải là nhất thành bất biến mà luôn luôn biến động. Cộng đồng cư dân Việt Nam đa tộc người ngay từ đầu. Vị thế của dân tộc đa số phải bao quát tất cả các dân tộc khác, các tộc người khác nhau là một bộ phận tạo thành của dân tộc Việt Nam, lãnh thổ Việt Nam. Lãnh thổ Việt Nam có sự biến đổi lớn nhưng có sự xác lập lớn.

 

Lịch sử Việt Nam là lịch sử của tất cả cộng đồng cư dân sống trên lãnh thổ Việt Nam. Vùng đất miền Trung - Tây Nguyên là một phần không thể tách rời trong tiến trình lịch sử của dân tộc, đất nước.

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek