Phú Yên có 3 huyện miền núi với nhiều dân tộc anh em chung sống, trong đó chủ yếu là đồng bào Ê Đê, Ba Na, Chăm Hroi… Mỗi dân tộc có tiếng nói riêng, cuộc sống và nét văn hóa riêng, nhưng văn hóa chung nhất của họ là nhạc cụ cồng chiêng.
Đối với người Ê Đê, Ba Na, Chăm Hroi ở Phú Yên, cồng chiêng được coi trọng hơn cả, bởi đây là loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc họ. Những âm thanh cồng chiêng đã gắn liền với mỗi cuộc đời, mỗi con người từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến lúc già yếu nhắm mắt xuôi tay. Cồng chiêng là loại nhạc cụ phổ biến, là tài sản quý giá, niềm tự hào của mỗi gia đình dòng tộc. Mỗi khi âm thanh cồng chiêng vang lên hòa phối với nhau, lúc trầm, lúc bổng làm cho lòng người say đắm, suy tưởng giữa thế giới trần tục với thế giới thần linh.
Âm vọng của cồng chiêng vang qua sông suối, núi rừng. Thanh âm cồng chiêng là ngôn từ, là câu hát thánh thần mà con người muốn gửi gắm tâm khảm của mình vào đó. Trong mỗi sự kiện thiêng liêng trọng đại như tết cơm mới, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, lễ cúng thần sông, thần núi, thần nước, thần lúa, lễ đổ đầu, đón khách quý, tiễn người thân đi xa… không thể thiếu âm thanh cồng chiêng. Ông Ma Blung, 60 tuổi ở thôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa, cho biết: “Nhạc cụ cồng chiêng đã ăn sâu vào máu thịt của chúng tôi bao đời nay. Mỗi khi dân làng có lễ lạc cúng bái đều phải có cồng chiêng. Thông qua âm thanh cồng chiêng, dân làng gửi gắm tâm tư của mình với Giàng (Trời), các bậc thần linh. Vì vậy, chúng tôi rất quý trọng, giữ gìn như báu vật, bởi đây là di sản văn hóa bao đời nay của ông cha để lại”.
Theo sự phân tích của nhà nghiên cứu văn hóa âm nhạc dân tộc Ka Sô Liễng, cồng là loại nhạc cụ gõ có núm, giữ vai trò đệm, giữ nhịp. Chiêng là loại nhạc cụ gõ không có núm (gọi là chiêng bằng) giữ giai điệu. Ngoài ra còn có trống, lục lạc, chập cheng hợp thành một dàn cồng chiêng hoàn hảo; trong đó chiêng giữ vai trò quan trọng nhất.
Cồng chiêng là loại nhạc cụ được linh thiêng hóa theo tín ngưỡng của bà con dân tộc thiểu số, có thể giúp con người thông tin trực tiếp với Giàng (Trời) và các bậc thần linh. Do mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh như vậy nên cồng chiêng không thể sử dụng một cách tùy tiện. Mỗi dân tộc có mỗi cách sử dụng và tiết tấu khác nhau về cồng chiêng. Dân tộc Ê Đê gọi cồng chiêng là nhạc cụ chính. Một dàn cồng chiêng đầy đủ có 10 chiếc. Trong đó 7 chiếc bằng (chiêng) và 3 chiếc có núm (cồng) cùng phối hợp với trống Hgot sẽ tạo thành âm thanh rất quyến rũ, các nghệ nhân sử dụng cồng chiêng ngồi trong nhà, trên chiếc ghế Kpan dài và đánh bằng dùi gõ với giai điệu dồn dập, diễn tấu nhanh, lúc khoan thai lúc sôi nổi rộn ràng vang xa.
Người Ê Đê thường sử dụng cồng chiêng như sự đối thoại giữa hai nhóm HLiang và Khơc. Hai nhóm trên giống như một giọng nam một giọng nữ đối thoại với nhau rất ăn ý. Muốn tạo được những âm thanh nam, nữ đối thoại như thế, nghệ nhân dùng dùi đánh vào phía bên trong của chiêng bằng và phía bên ngoài của chiêng có núm rất điệu nghệ.
Cồng chiêng của dân tộc Ê Đê có nhiều chủng loại như: Kdo - Ngausa - Lao - Kur - Musuen - Luir với các nhóm Kpa - Mthur - Atham. Riêng nhóm Bith cả dàn có 6 chiếc đều là chiêng có núm. Khác với dân tộc Ê Đê, dàn nhạc của dân tộc Ba Na rất phong phú gồm cồng, chiêng và các loại nhạc cụ khác như Hơ đăng - Pró - Bơrăng… Trong đó cồng chiêng giữ vai trò chủ đạo. Họ xem cồng chiêng là ngôn ngữ để giao tiếp với thần linh, thiên nhiên và cuộc sống.
Dàn cồng chiêng của dân tộc Ba Na thường có 2 loại cồng và chiêng. Chiêng thì chiêng mẹ, chiêng chị, chiêng nhỡ và chiêng con. Một bộ từ 5-7 chiếc, trong đó chiêng mẹ to nhất có đường kính 0,42m, chiêng chị 0,35m, chiêng nhỡ 0,30m, chiêng con 0,25m; cồng từ 3-5 chiếc gồm cồng mẹ, cồng chị và cồng con. Cồng mẹ có đường kính 0,64m, cồng chị 0,45m, cồng con 0,40m. Những bộ cồng chiêng quý thường là hợp kim được làm bằng sắt pha với kim loại quý như vàng, đồng đen hoặc bạc… Theo nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng, hiện nay những bộ cồng chiêng có pha kim loại quý như thế không còn nhiều bởi trước đây tình trạng chảy máu cồng chiêng đã xảy ra trên diện rộng, trong đó có Phú Yên. Tuy nhiên ở xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa đã khắc phục lại dàn cồng chiêng nhưng thuộc thế hệ sau, âm thanh chưa đủ rung cảm lòng người.
Nhạc cụ cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Yên nói riêng, Tây Nguyên nói chung có vị trí linh thiêng trong tâm thức, có sức thu hút quy tụ các thành viên trong cộng đồng qua các lễ hội truyền thống của dân tộc mình mà không hề mang tính quý tộc, rất dân dã đại chúng. Điều đáng quan tâm hiện nay là nghệ nhân sử dụng được các bài chiêng cổ xưa phần lớn là các bậc cao tuổi, trong khi đó lớp trẻ không mấy ưa thích nhạc cụ cồng chiêng. Rồi đây, khi các thế hệ nghệ nhân cao tuổi “đi xa”, ai sẽ là người thừa kế?
TRẦN CAO TRÍ