Thứ Hai, 14/10/2024 01:20 SA
Mênh mang Tháp Mười
Chủ Nhật, 16/10/2016 14:00 CH

Tác giả (phải) du khảo tại Vườn quốc gia Tràm Chim - Ảnh: THU TRÚC

TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) là nơi có di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh). Nơi đây, ấn tượng nhất là hình ảnh bông sen Tháp Mười hiện diện ngay trên các trục đường chính của thành phố, trung tâm tỉnh lỵ Đồng Tháp:

 

“Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

 

Đồng Tháp Mười xa xôi trong ca dao ngày ấy, hôm nay, hiện hữu trong tôi với mênh mang sông nước, kênh rạch, với bạt ngàn tràm xanh, xa mù tít tắp đường chân trời. Đồng Tháp Mười với những cánh đồng sen, súng nở trắng, hồng cả một vùng rộng lớn.

 

Chiếc xuồng nhỏ được làm bằng nhựa composite thanh mảnh, với dàn mái che là những tấm pin năng lượng mặt trời, đưa chúng tôi di chuyển trên những kênh rạch trong Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông (Đồng Tháp) - một trong những địa danh nổi tiếng của đồng Tháp Mười. Thuyền có 10 nghế ngồi, được làm bằng nhựa, gắn chặt vào lòng thuyền. Anh em chúng tôi gồm 7 người, trong đó có 3 người là khách từ phương xa đến (Huế, Đắk Lắk và Phú Yên) còn lại 4 anh chị em là người Đồng Tháp. Những người bạn tuy mới gặp lần đầu nhưng rất thân thiện, gần gũi, dễ mến. Cô hướng dẫn viên thì xinh đẹp, duyên dáng với chiếc áo bà ba màu hoàng yến, khăn rằn, nón lá, tuổi chừng đôi mươi, có cái tên rất đẹp Trần Thị Bảo Phương.

 

Con thuyền nhẹ lướt êm trôi trong không gian tĩnh lặng yên ả thanh bình của buổi chiều tà mùa nước nổi ở đồng bằng Nam Bộ. Hai bên dòng kênh hiền hòa là những cánh rừng tràm xanh mát mắt. Nói về các loài thực vật nơi đây thì phong phú vô cùng, có điên điển, sen, súng, lúa ma... Trong đó, điên điển là một loại cây mảnh mai, bông vàng vượt mặt nước khoe sắc màu tươi tắn; là món ăn “khoái khẩu” của người Nam Bộ. Còn “lúa ma” là một loại lúa gặt vào ban đêm, mọc tự nhiên, không ai trồng, cấy, hạt gạo ăn rất ngon, chỉ có mùa nước nổi ở nơi đồng bằng Tam Nông này mới có. Đặc biệt, nơi đây chỉ riêng cây tràm - loại cây chủ yếu ở vùng sông nước cũng có hàng trăm loại rồi! Ở đây, ngoài những cánh rừng tràm nguyên sinh, hàng năm do biến động của thời gian và tác động của con người, Ban quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim thường phải trồng bổ sung tràm. Vì vậy, bên cạnh những cánh rừng tràm hàng trăm năm tuổi là những thảm tràm 20-30 năm tuổi, lá xanh tươi, thu hút những đàn cò tụ tập về đây tạo nên bức tranh thiên nhiên huyền ảo trong buổi chiều hoàng hôn...

 

Không chỉ có các loài thực vật đa dạng, phong phú, Vườn quốc gia Tràm Chim còn nhiều loài động vật quý hiếm. Theo thống kê của Ban quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim, nơi đây hiện có 231 loài chim, trong đó có 32 loài quý hiếm được đưa vào sách đỏ thế giới. Đặc biệt nhất là sếu đầu đỏ; mỗi con sếu loại này cao 1,7m, nặng từ 8-10kg. Sếu đầu đỏ về Tràm Chim vào mùa nước nổi (từ tháng 9-12 hàng năm) và hiện tại có khoảng 125 cá thể sếu đầu đỏ ở khu vực này. Sếu đầu đỏ thuộc loài động vật quý hiếm cần được bảo tồn giữ gìn. Ngoài ra, nơi đây còn có rất nhiều loài cò và các loài chim quý hiếm khác như đại bàng chân xám, sếu cổ trụi, ngan cánh trắng, bồ nông chân xám... Những loài chim quý hiếm này, trước đây, tôi chỉ được nhìn qua tranh, ảnh, sách báo, giờ lại hiện hữu trước mắt vào một ngày cuối thu tại vùng đất lục tỉnh trù phú, mênh mông sông nước.

 

Cả vùng Tràm Chim rộng trên 7.000ha, được chia thành 5 khu (ký hiệu từ A1 đến A5). Chiều, đi thuyền ngắm cảnh Tràm Chim thật yên ả. Con kênh chiều nay tôi đi dài chừng 12km bạt ngàn màu xanh giữa hương tràm và hương sen thơm ngát dọc hai bên bờ. Càng đi sâu vào trung tâm Tràm Chim với cảm giác mênh mang, bát ngát giữa rừng tràm, trong tôi dấy lên niềm lâng lâng hãnh diện về quê hương đất nước Việt Nam nói chung và càng yêu quý vùng đất Đồng Tháp Mười hơn. Tôi tự dặn với lòng mình là sẽ quay lại nơi đây, bởi lẽ ngoài thiên nhiên Tràm Chim tươi đẹp, Đồng Tháp còn có những người dân mến khách, cởi mở và chân thành vô cùng.

 

Chia tay Đồng Tháp Mười, chia tay Tràm Chim… trong tôi vẫn mênh mang về một vùng đất tràn đầy nhựa sống. 

HỮU BÌNH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek