Chủ Nhật, 12/01/2025 12:34 CH
Nhà văn Kim Lân:
Suốt đời gắn bó với số phận người nông dân
Chủ Nhật, 16/10/2016 15:00 CH

Nhà văn Kim Lân là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc của nền văn học Việt Nam đương đại. Sự nghiệp và những quan niệm về văn chương của ông qua những lần chúng tôi tiếp xúc và ghi lại đáng để những người đi sau suy ngẫm.

 

Chất liệu sống từ bản thân, gia đình và quê hương

 

Nhà văn Kim Lân (1921-2007) - Ảnh: T.L

Từ khoảng năm 1940, nhà văn Kim Lân đã có truyện ngắn đầu tiên “Đứa con người vợ lẽ” đăng ở tờ Trung Bắc Chủ nhật. Từ đó, truyện của ông đăng khá đều trên tuần báo này cùng với tờ Tiểu thuyết thứ bảy, đề tài chủ yếu là chuyện về thú chơi tiêu khiển gà chọi, chó săn, chim bồ câu..., những sinh hoạt văn hóa truyền thống ở thôn quê. Ngoài bối cảnh là ngôi làng Chợ Giàu (thuộc TX Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) quê hương, thì nhân vật trong những truyện ngắn đầu tiên ông viết đều nói về bản thân, gia đình mình. “Truyện “Làng” tôi viết về làng Chợ Giàu, nhưng chẳng có ai là Lão Hai cả. Lão Hai chính là tôi. Viết đi viết lại hình như cuối cùng câu chuyện cũng là mình. Khỉ thế! Từ tình cảm đến lời ăn tiếng nói, tính nết, cách xử sự việc đời của nhân vật, đều chính là mình”, sinh thời nhà văn từng thổ lộ.

 

Có thể nói việc khắc họa thành công hình tượng người phụ nữ với những tính cách, số phận điển hình trong những hoàn cảnh điển hình chính là yếu tố quan trọng giúp nhà văn Kim Lân dựng nên những truyện ngắn đặc sắc. Điều thú vị là trong số những hình tượng phụ nữ được ông xây dựng thành công với nguyên mẫu chủ yếu là người thân của mình. Trong truyện ngắn tiêu biểu nhất của Kim Lân là “Vợ nhặt” thì nhân vật bà cụ Tứ chính là hình ảnh của mẹ ông. Còn người vợ trong truyện cũng có nguyên mẫu chủ yếu là vợ ông, nhưng giống hoàn cảnh thôi, còn vợ ông ngoài đời được cưới xin đàng hoàng chứ không phải... vợ nhặt!

 

Nhà văn Kim Lân từng cho biết, thời trẻ ông là con nhà nghèo ở trong một cái làng giàu, người lại gầy gò xấu xí, nên dù mê nhiều cô gái nhưng ông không dám tỏ bày. Say mê người đẹp, nhưng vì mặc cảm ông thường lánh họ, càng mê càng lánh, càng ít dám trò chuyện, thậm chí không dám nhìn vào mắt họ. Kim Lân hay đến chơi nhà người bạn thân là Nguyễn Văn Bảy, một người cũng có máu văn nghệ ở làng Chợ Giàu, sau này trở thành người tham gia sáng lập xưởng phim truyện Việt Nam đầu tiên, được phong Nghệ sĩ Nhân dân. Bấy giờ, ông Nguyễn Văn Bảy có người em gái ruột khá xinh xắn, Kim Lân thấy thích nhưng không dám nói. May mà, theo lời ông: “Bà ấy chắc cũng thích tôi nên chuyên môn dúi cho tôi... mận! Sau anh Bảy biết, anh ấy “ghép” cho, thế là chúng tôi nên vợ nên chồng. Nhưng cũng phải mất gần 4 năm tôi mới cưới được bà. Bà ấy giúp tôi rất nhiều. Bà ấy cũng con nhà nghèo, nghèo lắm, nên dễ thông cảm. Tôi đi kháng chiến, viết văn, còn chuyện gia đình thì phó thác cho bà. Bà làm đủ thứ nghề, từ buôn bán hàng rong với từng quả mận quả cau quả bí quả bầu tới may vá, mở hàng nước bán kiếm từng đồng từng cắc để nuôi chồng nuôi con. Chúng tôi được bảy đứa con, mà hết năm là họa sĩ. Tôi nghiệm thấy vợ các nhà văn đều tốt”.

 

Sáng tạo trên nền hiện thực đời sống

 

Đối với nhà văn Kim Lân, cách mạng không chỉ mang lại sự thay đổi trong cuộc sống của bản thân và gia đình, mà còn giúp đổi thay sự nghiệp cầm bút của ông. Khi tham gia hoạt động văn hóa cứu quốc, ông được gặp và trao đổi nghề nghiệp với các nhà văn Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài... Từ đó, cách viết của nhà văn Kim Lân bắt đầu đổi khác, như lời ông nói: trình độ một anh nhà quê viết theo bản năng, cảm tính mới dần dần thấy được công việc thực sự của người viết văn chuyên nghiệp. Và bài học mà ông rút ra: “Theo kinh nghiệm của tôi, những chuyện thật mà tôi ghi lại được thì đều nhạt nhẽo và khô cứng. Nhưng sự thật cũng có giá trị của sự thật, rất giá trị, rất cần thiết nữa. Tất cả những truyện “Vợ nhặt”, “Ông lão hàng xóm”, “Con chó xấu xí” đều dựa trên cái nền là sự thật. Còn những truyện khác, kể cả “Làng”, hầu hết là tôi bịa. Bịa cả nhân vật lẫn tình tiết. Bởi không có sự thật nào như thế cả. Nhưng cái bịa ấy là cái điều mà chính tác giả muốn nói. Và chính tác giả muốn nói nên mới sinh ra cái bịa. Gọi là bịa chứ kỳ thực chính là sáng tạo”.

 

Cái bịa hay sáng tạo trong tác phẩm văn học đôi khi lại trở nên thực, thậm chí rất thực hơn đời thường. Đó cũng chính một điểm mấu chốt thể hiện tài năng của nhà văn. Hiện thực chỉ là chất liệu thô, qua lăng kính nhà văn thì hiện thực được thăng hoa.

 

Sinh thời, trong câu chuyện với chúng tôi, nhà văn Kim Lân luôn nhắc tới thế hệ nhà văn tinh hoa như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân... mà theo ông là những người từng viết hay trong cơ chế thị trường. Tác giả “Vợ nhặt” bảo rằng: “Nếu như bản thân các ông ấy không vượt qua cái cơ chế thị trường, thì còn là cái gì? Cơ chế thị trường không hề làm hỏng nhà văn. Vấn đề là anh có tài hay không. Các ông ấy viết văn là để nuôi mình, nuôi gia đình đấy chứ! Nhưng vẫn rất hay. Mà càng hay thì càng bán được. Vì độc giả họ chấp nhận, họ bỏ tiền mua. Tất nhiên, cũng phải loại trừ những thứ văn chương... mì ăn liền mà độc giả chóng ngán chóng quên. Còn bây giờ, xóa bỏ bao cấp chuyển qua cơ chế thị trường, mọi sự cứ như rối xòe ra. Hơi một tí là đổ tại cơ chế thị trường. Nhiều anh bán cái linh hồn mình cho tiền quá. Không được, cơ chế nào thì cơ chế, nhà văn cũng phải có thiên chức, có nhận thức về vai trò chính mình”.

 

PHAN HOÀNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek