Thứ Bảy, 05/10/2024 08:23 SA
“Ngàn xuân đẹp mãi hồng hoa”
Thứ Bảy, 18/02/2006 08:49 SA

Nữ sĩ Hồng Hoa đã thành người thiên cổ!

 

Tin đó khiến nhiều thi hữu bất ngờ. Dẫu biết bà lâm bệnh gần hai năm nay, song khó có thể hình dung là người thơ ấy rời bước khỏi cõi trần ngay trong mùa xuân này.

 

Bạn bè cứ ngỡ sẽ gặp nữ sĩ Hồng Hoa trong đêm thơ Nguyên tiêu. Ngay cả bà cũng tin như thế. Cho đến mấy ngày trước đó, nhận thấy rằng việc lên núi Nhạn đọc thơ đã vượt quá sức mình, bà bảo các con đem TV đến đặt ở cạnh giường để bà xem đêm thơ. Song, nữ sĩ đã không chờ được đến hội thơ lần thứ 26. Bà ra đi trước đó ba ngày, ra đi một cách nhẹ nhàng ở tuổi 72.

 

Nguyên tiêu những năm trước, các con của nữ sĩ Hồng Hoa lên núi Nhạn nghe thơ và tặng hoa cho mẹ. Nguyên tiêu năm nay, họ lên núi, rưng rưng nghe bài thơ Mùa trăng của mẹ được người khác ngâm hòa trong tiếng sáo tiếng đàn tha thiết:

 

…Sông Đà trao khúc nhớ

Núi Nhạn đẹp trời mơ

Trăng gió đùa ngây ngất

Nguyên tiêu tràn ngập thơ

 

Sao bạn không về nhỉ!

Nâng ly chạm ánh hồng

Hòa vui cùng chí hữu

Thỏa tình với non sông.

*                       *

*

 

Nữ sĩ Hồng Hoa tên thật là Võ Thị Hường, gốc ở An Ninh (Tuy An). Trong chiến tranh, bà là cơ sở của cách mạng, từng bị địch bắt, tù đày. Những đóng góp của bà cho cuộc kháng chiến chống Mỹ đã được ghi nhận bằng những tấm huân chương, huy chương do Nhà nước trao tặng. Bao năm gắn bó với Trạm y tế phường 3 (TP Tuy Hòa), bà được nhiều người yêu mến. Những sản phụ từng đến đây vượt cạn hơn 20 năm trước vẫn nhớ đến về nữ hộ sinh tận tụy, tính tình vui vẻ dễ mến này. Còn với các con, bà là tấm gương về lòng hiếu thảo, nhân hậu. Chị Võ Thị Trúc Chi, người con gái thứ hai của nữ sĩ rơi nước mắt, nhớ: “Má luôn dạy chúng tôi phải biết thương yêu giúp đỡ người khác, hiếu thuận với cha mẹ, anh em thương yêu đùm bọc nhau. Bà con họ hàng gặp cảnh khó khăn, má đều cưu mang giúp đỡ”. Bà cũng là người dễ đồng cảm trước những nỗi đau. Khi biết về hoàn cảnh của những đứa trẻ khuyết tật ở lớp thêu Trung Thuận, bà gọi diện sang… Mỹ vận động bạn bè giúp đỡ, đồng thời bảo con gái mua quà đến thăm các cháu.

 

Theo những người trong gia đình, nữ sĩ Hồng Hoa làm thơ  từ  khá lâu, song không thường xuyên và chỉ giữ cho riêng mình. Năm 2001, con gái đầu của bà qua đời vì căn bệnh nan y. Sau những ngày tháng chìm đắm trong đau buồn, bà trải lòng vào những trang thơ để tìm nguồn an ủi. Một năm sau, bà ra mắt tập thơ đầu tiên Giọt sương khuya, làm cho các con rất đỗi ngạc nhiên: “Không ngờ má làm thơ nhiều đến vậy!”. Năm người con của bà đều thành đạt. Họ không rành thi phú, song đều cảm thấy vui mỗi khi nghe bà khoe rằng bài thơ này của má vừa đăng báo, rằng đây là nhuận bút mà tạp chí Văn nghệ Phú Yên gởi cho má. Chị Võ Thị Trúc Mai, con gái thứ  ba của bà, kể: Trong nhà có anh Hai là hay nói chuyện thơ với má. Tập thơ nào má cũng đưa cho anh Hai đọc, góp ý trước khi in. “Anh Hai” là con rể lớn, môït trong ba người con rể rất mực hiếu nghĩa của bà.

 

Từ  ngày bầu bạn với thơ, nữ sĩ Hồng Hoa có thêm nhiều bạn bè. Ngoài những người bạn thân thiết thường xuyên đến nhà đàm đạo thi phú, bà còn được nhiều thi hữu ở phương xa quý mến. Thư đi thư lại, họ mang đến cho nhau niềm vui bằng việc xướng - họa thơ. Thùng thư trước cửa ngôi nhà 11/4 Nguyễn Công Trứ thường xuyên có thư từ của bạn bè nữ sĩ. Chị Chi kể: “Đi Sài Gòn về đến nhà 2 giờ sáng, má vội đến mở thùng thư. Má làm thơ, viết thư trao đổi với bạn bè ở cái bàn này. Thời gian sau, má đau, ngồi không được nên nhiều khi cứ đứng mà viết”. Các con của bà nói thôi má đừng làm thơ nữa, dành thời gian để nghỉ ngơi. Nhưng bà bảo: “Nhờ có thơ mà má thấy khỏe, thấy vui”. Điều đáng khâm phục là những vần thơ của bà - một người bệnh nan y - vẫn tươi rói và ngập tràn tình yêu cuộc sống, như bài thất ngôn bát cú Đường luật Dáng xuân:

 

Giao thừa mở cửa đón tao nhân

Bính Tuất đã về rực dáng xuân

Mơn mởn cỏ cây hương tỏa nức

Rộn ràng chim chóc giọng vang ngân

Vần thơ đợi bạn hòa đôi nét

Chén rượu chờ ai cạn mấy tầng

Non nước thanh bình ngày đổi mới

Nhà nhà phúc lộc đến đầy sân

 

Những ngày cuối đời, nằm trên giường bệnh, nữ sĩ Hồng Hoa vẫn đọc thư của bạn bè gởi đến. Và sau khi bà ra đi, mỗi ngày gia đình tiếp tục nhận 4-5 lá thư từ các nơi. Có một thi hữu ở Thủ Đức, không hay biết rằng bà đã mất, gởi ra những bài thơ xướng-họa kín 10 trang giấy.

 

Đi qua cuộc đời này, nữ sĩ Hồng Hoa để lại 4 tập thơ: Giọt sương khuya (2002), Dòng tri âm (2004), Nối vòng tri kỷ (2004) và Giọt nắng Sông Đà (tháng 1-2006), là “tiếng lòng trải suốt cuộc đời thơ” (Trần Huiền Ân). Đến tiễn đưa bà, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm viết:

 

“Giọt sương khuya” - ánh bình minh

“Nối vòng tri kỷ” tượng hình nước non

“Dòng tri âm”, một tâm hồn

Còn vương vấn mãi quê hương “Sông Đà”

Ngàn xuân đẹp mãi Hồng Hoa

 

LÂM VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek