Thứ Hai, 14/10/2024 05:20 SA
Nhà văn đi tìm hoài niệm trên quê hương
Thứ Bảy, 10/09/2016 14:00 CH

Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo tại TP Đà Lạt - Ảnh: CTV

Hơn 20 năm cầm bút như một cơ duyên, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo vẫn đau đáu đi tìm hoài niệm trên quê hương mình. Bước chân anh đang hướng về phía trước cùng bao dự định cho tương lai.

 

Huỳnh Thạch Thảo (SN 1963) tại Hòa Trị (huyện Phú Hòa). Lúc đầu, anh học y theo ý nguyện của nội, sau đó chuyển sang học đại học bách khoa theo mong muốn của cha. Mãi đến những năm cuối thế kỷ XX, Huỳnh Thạch Thảo mới bước vào nghề văn. Năm 1994, anh được cử đi tham dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc. 4 năm sau, anh lại được tham dự hội nghị viết văn trẻ lần thứ hai. Sự lao động chăm chỉ và những tác phẩm có giá trị của anh được ghi nhận khi anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001.

 

Tái hiện chiến tranh bằng cách riêng

 

Đề tài quen thuộc và là sở trường của Huỳnh Thạch Thảo là chiến tranh và thế sự. Anh tái hiện chiến tranh từ cách tiếp cận gián tiếp qua việc tiếp xúc với các nhân chứng, những người lính từng tham chiến và từ những dấu ấn của miền ký ức tuổi thơ. Trong trang viết của nhà văn này, sự khốc liệt của chiến tranh được anh “ẩn” vào trong các ký ức, những kỷ niệm, những câu chuyện hồi tưởng về quá khứ, qua thân phận các nhân vật. Viết về chiến tranh, Huỳnh Thạch Thảo không sa vào miêu tả cặn kẽ từng chi tiết, từng trận đánh, mà là những “lát cắt” cuộc chiến từ những hoài niệm của người lính.

 

Trong truyện ngắn cùng tên tập truyện Gửi nắng cho sông, ông già Sáu cà lết đăm đắm một đời về một người con gái đã cưu mang và nuôi giấu mình những ngày bị thương trong căn hầm bí mật. Chiến tranh đã đi qua, nhưng di chứng của nó để lại cho con người vẫn còn đó. Chỉ một chi tiết nhỏ trong Vùng cỏ tranh, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo đã cho thấy khả năng quan sát và cái nhìn chia sẻ với những mất mát, đau thương của người lính thời bình cứ ám ảnh mãi về sự tàn khốc của chiến tranh: “Tư Lành đã trở về bên mọi người, sau thời gian trầm uất thì mọi chuyện đã bình thường. Nhưng chỉ có một điều, phải, một điều không thể quên là khi cô ấy giặt giũ lại lên cơn co giật. Mãi sau tôi mới biết, lúc đánh tan bọt xà phòng trong chậu nó luôn phát ra tiếng kêu giống như cánh quạt lúc máy bay sà thấp. Nó làm hiện lên những gì của ngày cũ, cảnh ngoài sân bay, cảnh thằng Mỹ tra tấn, cảnh hỗn loạn của khu Đồng Tre bị tập kích…”.

 

Ở đề tài thế sự, Huỳnh Thạch Thảo không đi sâu vào phản ánh những góc khuất, những ngang trái, hay sự đổi thay của đời sống xã hội đã tác động vào con người, khiến con người thay đổi như các nhà văn khác. Anh hay nhìn cuộc sống hiện tại bằng cái nhìn soi chiếu từ quá khứ, để từ đó bật lên “tấc lòng” của nhà văn. Những truyện ngắn Tri kỷ, Hoài niệm trên sân là cảm giác ưu tư của nhân vật khi tết đến vắng người bán hoa quen cũ, hay khi nhìn những cây bonsai của già Năm được đưa ra hội chợ bán mà già Năm thì không còn. Nhiều truyện ngắn khác của anh phản ánh nỗi nhọc nhằn của người lao động nghèo phải bươn chải trong cuộc sống. Nơi khoảng không bao la, Sào chỉa, Người đìa tôm, Bạn trên biển… như những ký sự - truyện về người lao động. Họ có thể vất vả, cực nhọc trong cuộc sống nhưng vẫn luôn hướng về tương lai, với mong muốn đổi đời bằng chính sức lao động của mình. Đó cũng là cái nhìn đa cảm nhưng đầy nhân văn của Huỳnh Thạch Thảo.

 

Yêu quê hương qua từng trang viết

 

Nhận định về truyện ngắn Huỳnh Thạch Thảo, nhà văn Nguyễn Hoàng Sơn cho rằng: “Huỳnh Thạch Thảo khá tiêu biểu cho khuynh hướng gắn bó chặt chẽ với cuộc sống. Huỳnh Thạch Thảo không nhăm nhăm “khái quát hóa” hoặc rút ra một bài học nào đó. Anh chỉ dựng lên những nhân vật, những cảnh đời hết sức chân thật, với một thiện cảm không hề che giấu. Với anh, chất liệu và cảm hứng sáng tác không cần phải tìm đâu cho xa, mà ngay chính trên quê hương mình. Trên quê hương ấy, dù đất có bạc màu, sông có sạt lở, dù nhiều mưa nắng, bão lũ thì vẫn là quê hương, xứ sở. Chính vì lẽ đó, anh đã viết về quê hương bằng tất cả tấm lòng của một người con với đất Mẹ”.

 

Những truyện ngắn Đầu nguồn cuối sông, Con mèo hoang lông trắng, Cọp về làng, Chuyện bây giờ mới kể, Mùa săn, Chuyện rừng, Đàn chim di trú trở về, Gã điên ở ngã ba làng cát … là những câu chuyện kể về chất hoang dã, dữ dội và bí ẩn của thiên nhiên nhưng cũng là góc nhìn đầy lo lắng của một nhà văn từng trải về việc con người tàn phá thiên nhiên. Gã đồn trưởng trong Cọp về làng “ước mơ có tấm da hổ dâng cho quận trưởng vào dịp tết” để được cất nhắc, được chuyển về thành phố nên đã bắn chết con cọp cái, bắt sống cọp con. Nhưng rồi, toán lính phải trả giá cho sự giận dữ của cọp đực, nhiều tên lính bị vồ nát, riêng “gã lính bị cọp vồ nơi vườn ổi đã thành dân ngụ cư của xóm khi vài năm sau cấp trên cho hắn giải ngũ vì những cơn điên đột phát”. Thực trong Gã điên ở ngã ba làng cát phải trả giá bằng cái chết của đứa con trai và chính gã cũng bị điên sau khi phát hiện người cha của mình cũng bị con dông chúa trả thù… Đặt con người trong mối quan hệ với thiên nhiên, Huỳnh Thạch Thảo hay nhìn cuộc sống dưới quy luật “nhân - quả” của triết lý Phật giáo.

 

Người khơi gợi những kỷ niệm

 

Hegel nói: “Trở về với quá khứ là tiến lên phía trước”. Điều này có lẽ đúng với những trang viết của Huỳnh Thạch Thảo. Hiếm thấy có nhà văn nào bị ám ảnh bởi thời gian quá khứ nhiều như ở Huỳnh Thạch Thảo. Truyện của anh có đến “90% tác phẩm dùng loại thời gian hoài niệm để kể chuyện quê nhà” (Phạm Ngọc Hiền). Có lẽ nhận định của nhà văn Bùi Việt Thắng đã khái quát được phần nào sự ám ảnh về thời gian của Huỳnh Thạch Thảo trong từng trang viết: “Một lối văn như thế là phải được chắt lọc kỹ càng từ sự trải nghiệm đời sống không đơn thuần là quan sát mà là chuyên nghiệp, không phải là nhờ vào lý tính mà nhờ vào trực giác nhạy bén”.

 

Nếu thời gian trong văn Huỳnh Thạch Thảo nghiêng về quá khứ thì không gian trong các tác phẩm của anh thường là không gian làng quê, nơi gắn bó với những con người chân chất, thật thà. Đúng như anh từng bộc bạch: “Tôi nghĩ bất kỳ người viết nào cũng cần một mảnh đất để gieo cấy con chữ. Quê tôi còn nghèo, chịu bao nhọc nhằn, vất vả nhưng tôi vẫn yêu, vẫn quý… Tôi viết bằng cả tấm lòng chân thật của mình với quê. Có sao viết vậy… Tôi chưa hề nghĩ mình sẽ “bật gốc” khỏi đất Mẹ, vì tôi chỉ có cây viết và đề tài nguyện suốt đời gắn bó là những người nông dân thời chiến và thời bình”.

 

Nhận định về phong cách văn xuôi Huỳnh Thạch Thảo, nhà văn Thanh Quế cho rằng: “Anh không lần theo những tính cách nhân vật dữ dội, những giọng văn lạnh lùng, tàn nhẫn, bất cần đời… Anh lặn lội đi tìm một hướng khác, như người nghệ sĩ nhiếp ảnh, muốn miêu tả những tâm hồn thuần hậu của những con người dễ bị bỏ quên nhất trong cuộc sống. Bằng giọng văn ấm áp, chân thật, đầy chất thơ, anh làm nhiệm vụ khơi gợi cho ta những kỷ niệm ta luôn mang theo trong tâm hồn mình nhưng hàng ngày bị khuất lấp giữa những lo âu vật vã đời thường”. Đó là điểm nhất quán trong phong cách văn xuôi Huỳnh Thạch Thảo trong suốt thời gian cầm bút của anh từ trước đến nay. Và có lẽ, phong cách này sẽ theo anh mãi về sau, cùng với những tác phẩm sắp được trình làng. Sức viết của anh vẫn đang sung mãn, nội lực vẫn tràn trề nhựa sống, hứa hẹn sẽ có thêm nhiều “đứa con tinh thần” hay góp vào kho truyện ngắn của văn học Việt Nam.

 

Trong hơn một phần tư thế kỷ cầm bút, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đã xuất bản 14 tác phẩm, bao gồm: Mắt phượng, Gió trên đồi hoang, Đất còn phù sa, Tiếng vọng đồng rừng, Bên dòng sông Ba Hạ, Những mùa hoa cỏ, Chuyện trăm năm, Vực con gái, Bạn cùng thời, Người mang tên dòng sông, Thuyền hoa, Gửi nắng cho sông, Người con bên một dòng sông, Sông xuôi về biển. Ngoài ra, tác phẩm của anh còn có mặt trong hơn 30 tuyển tập in chung. Trên con đường văn nghiệp, anh đã đoạt được một số giải thưởng văn học như: giải thưởng của tổ chức Raddo Bamen và Bộ GD-ĐT (1991), giải thưởng “Tác phẩm Tuổi xanh” của Báo Tiền Phong (1997), giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi sáng tác văn học “Tầm nhìn thế kỷ” (1999-2001) của Báo Tiền Phong. Anh cũng đã 3 lần được UBND tỉnh Phú Yên trao giải thưởng về văn học nghệ thuật. Huỳnh Thạch Thảo sáng tác truyện dài, truyện ngắn, tùy bút, mạn đàm, tản văn; ở thể loại nào anh cũng để lại dấu ấn đẹp trong lòng bạn đọc.

 

LÊ KIM TÁM 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek