Gần đây, khán giả mới được thưởng thức tác phẩm tài liệu điện ảnh từng gây tiếng vang lớn là “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” thông qua các kênh xem phim trực tuyến. Thế giới của người đồng tính, người chuyển giới đã được lột tả một cách sinh động, đầy cảm xúc thông qua các thước phim tài liệu công phu của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm.
Poster quảng bá bộ phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng - Ảnh: Internet |
“Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” kể câu chuyện của đoàn hội chợ Bích Phụng, một gánh hát mưu sinh bằng cách rày đây mai đó ở các vùng quê thuộc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Gánh hát là nơi tá túc của những người đồng tính, chuyển giới mà những nhân vật trong phim tự gọi họ là pê đê hoặc “bóng gió”.
Tất nhiên, người miền Trung vốn không lạ gì pê đê hát hội chợ - những người ái nam ái nữ, ăn mặc lòe loẹt mua vui cho thiên hạ bằng những đêm diễn kèm theo các dịch vụ trò chơi, trong đó đặc sắc nhất là trò xổ số lô tô. Chuyện phim cũng quanh quẩn xung quanh gánh hát hội chợ với những khung hình quen thuộc. Nhưng nếu chỉ có những khung hình bề nổi như thế, chắc hẳn phim đã chẳng gây xúc động cho người xem.
Đạo diễn của bộ phim đã không nhìn bề ngoài khơi khơi mà quyết đi sâu vào cuộc sống của họ, trải nghiệm và lột tả chân dung những người chuyển giới một cách sâu sắc. Chị Phụng - trưởng đoàn, nhân vật trung tâm đầy màu sắc dẫn dắt người xem vào câu chuyện của giới đồng tính suốt gần 90 phút của bộ phim một cách hấp dẫn, đầy cảm xúc. Ở tuổi ngoài 40, nhan sắc chị Phụng đã tàn phai và không thể lên sân khấu hát mua vui cho khán giả, mà việc hát vốn là niềm vui lớn nhất của pê đê hội chợ. Thế nên, niềm vui của chị Phụng đến từ công việc của một bà bầu gánh hát đầy bản lĩnh. Chị Phụng quán xuyến hơn 30 người, phần lớn là người chuyển giới tứ xứ tụ lại. Mỗi người một thân phận, một cá tính, rất khó có thể gắn kết họ lại với nhau. Nhưng với kinh nghiệm của một người từng trải, với sự khôn khéo và đặc biệt là tình thương dành cho những thân phận đồng cảnh ngộ, chị Phụng đã đoàn kết được tập thể vốn rất dễ bị rã đám này lại với nhau. Như cách mà bộ phim mô tả, đoàn hội chợ Bích Phụng là một đoàn lớn so với các đoàn khác. Rất tiếc sau khi đoàn làm phim đóng máy không lâu, chị Phụng cũng qua đời. Những câu chuyện ngoài lề từ giới truyền thông cũng cho hay rằng, sau khi chị Phụng mất, một người khác tiếp quản đoàn hội chợ Bích Phụng, nhưng sau đó không lâu đoàn đã phải rã đám.
Thân phận của những người đồng tính, chuyển giới dưới góc nhìn của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm vẽ ra những hoàn cảnh thật mong manh và thiệt thòi. Họ sống trong sự kỳ thị của xã hội và cả trong sự mặc cảm của chính mình. Như trong câu chuyện của chị Hằng - người pê đê một thời của đất Sài Gòn, khán giả nhìn thấy chị phải trải qua một cuộc đời dữ dội, được yêu mến trên sân khấu, được yêu thương nhưng cũng có lúc phải “tiếp khách” và trộm cắp vặt để kiếm sống.
Cái hay của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm là chị không chỉ quay những thước phim về mảng xám của người đồng tính, chuyển giới mà còn tự tay quay được những khoảnh khắc sinh hoạt đời thường, nơi những người pê đê thoải mái cười đùa và chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Dường như, gánh hát chị Phụng là ngôi nhà trú ngụ tươi vui, ít nhất là với những người pê đê trong thước phim của chị Thắm.
Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã mang đến cho khán giả điện ảnh cái nhìn đa chiều về người đồng tính, chuyển giới một cách mềm mại và trữ tình. Theo chia sẻ của tác giả, chị mất 5 năm từ khi có ý tưởng đến khi hoàn thành bộ phim, trong đó có 13 tháng dành cho việc bấm máy. Có lẽ vì thế mà “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” - một bộ phim được làm từ thể loại khô khan là tài liệu điện ảnh đã chinh phục khán giả kể từ khi ra mắt vào năm 2014. Hơn nữa, bộ phim đã chu du qua nhiều liên hoan phim tài liệu trong nước, quốc tế và giành nhiều đề cử và giải thưởng, trong đó có Cinéma du réel - Paris, Margret Meal - New York, Chopshots - Indonesia...
DIỆU ANH