Thứ Tư, 15/01/2025 15:43 CH
Ngọn núi thơ giữa lòng thành phố
Thứ Sáu, 26/08/2016 10:00 SA

Bạn bè từ phương xa đến Tuy Hòa, ai nấy đều thích thú. Họ bảo, hiếm thành phố nào có núi ở ngay trong lòng phố, có sông êm đềm trôi và biển rì rào bên phố. Không quá sôi động và cũng không hào nhoáng, Tuy Hòa làm người ta nhớ bằng những con phố tràn ngập nắng, rất đỗi yên bình. Và trên “bức tranh” êm đềm đó, núi Nhạn là một điểm nhấn độc đáo.

 

Núi Nhạn, ngọn núi thơ giữa lòng TP Tuy Hòa - Ảnh: TRẦN QUỚI

Tinh mơ, đẹp nhất ở Tuy Hòa, với tôi chính là núi Nhạn. Đó là nơi trong lành và tĩnh lặng đến mức bạn có thể nghe thấy tiếng những giọt sương khẽ khàng đậu xuống phiến lá, tiếng một chú chim sâu vỗ đôi cánh nhỏ của mình. Tinh mơ, các lối đi trên núi Nhạn ngan ngát mùi cỏ cây và nhiều khi, hương ngọc lan nồng đượm một góc đường dẫn lên núi. Tháp cổ mơ màng. Từ sân tháp, bạn tưởng như có thể vòng tay ôm trọn Tuy Hòa, với phía đông là biển biếc, phía tây bắc sừng sững ngọn Chóp Chài, phía nam có sông Chùa lững lờ trôi. Rồi nắng nhẹ trải xuống làng rau Ngọc Lãng, nắng làm bừng sáng những thanh kim loại trên cây cầu đường sắt Đà Rằng bắc qua dòng sông Ba đã đi vào nhạc, vào thơ.

 

Hoàng hôn, nơi thú vị nhất ở Tuy Hòa, với tôi vẫn là núi Nhạn. Từ độ cao hơn 60m, bạn có thể cảm nhận rõ bước chân ngày đang rời khỏi phố phường sôi động, khi những cánh chim lưu luyến trở về. Có những hoàng hôn, núi Nhạn đầy gió. Gió ngang tàng tung mình trên các vòm cây, chạm vào ngôi tháp Chăm cổ kính và kiêu hãnh khi sông Chùa dần sẫm màu, và ánh điện chan hòa trên cầu Hùng Vương, trên con đường Bạch Đằng uốn lượn bên sông.

 

Tôi “phải lòng” núi Nhạn từ thời trẻ trâu nghịch ngợm, khi cùng nhóm bạn trèo qua những tảng đá to ở phía đông nam rồi len theo lối mòn cheo leo để lên đỉnh núi. Lúc đó, tháp Nhạn chưa được trùng tu, còn ngọn núi nằm trong lòng phố này chưa phải là điểm đến của du khách như bây giờ…

 

Năm 2005, khi thu thập tư liệu cho một bài viết, tôi đã tìm gặp một người đầy đam mê, ngược xuôi với những chuyến đi theo “tiếng gọi” của các di tích, cổ vật. Đó là ông Phan Đình Phùng, khi ấy là Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Giám đốc Bảo tàng Phú Yên, hiện giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Có thể nói, không ai hiểu ngôi tháp cổ và núi Nhạn như ông Phan Đình Phùng. Sau khi Phú Yên tái lập tỉnh, ông đã cùng kiến trúc sư Nguyễn Phùng Khánh ở Cục Bảo tồn Bảo tàng (Bộ Văn hóa - Thông tin) có vô số lần khảo sát những dấu vết mà người xưa để lại tại di tích này, “săm soi” từng viên gạch của tháp Nhạn để rồi phối hợp với Trung tâm Kiến trúc phong cảnh làm quy hoạch tổng thể về núi Nhạn, xây dựng dự án đầu tư tôn tạo ngôi tháp cổ bị “thương tật” do bom đạn chiến tranh… Chính từ những nỗ lực đó, tháp Nhạn sớm được trùng tu, núi Nhạn được tôn tạo và trở thành niềm tự hào của người Tuy Hòa, thành địa điểm vô cùng lý tưởng để bạn thi ca gần xa náo nức trẩy hội thơ Nguyên tiêu khi trăng rằm tháng Giêng trải ánh vàng lên mặt sông Chùa lộng gió.

 

Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, ông Phan Đình Phùng đã hào hứng chia sẻ nhiều ý tưởng thú vị, với mong muốn núi Nhạn trở thành một công viên văn hóa du lịch lễ hội của TP Tuy Hòa. Tôi tin vào một ngày không xa, điều đó sẽ trở thành hiện thực.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek