Ngày 25/8/2016 là kỷ niệm sinh nhật lần thứ 105 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ IX cũng sắp diễn ra ở Hà Nội vào tháng 9 này. Cách đây tròn 18 năm, cũng vào một dịp như thế này, chúng tôi vinh dự được Đại tướng tiếp chuyện và gửi gắm nhiều hy vọng vào thế hệ trẻ, đặc biệt là các nhà văn trẻ.
Một biểu tượng sức mạnh trí tuệ tuổi trẻ
Một sáng đẹp trời mùa thu Hà Nội, Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ V tháng 9/1998 vừa kết thúc. Qua giới thiệu của nhà văn lão thành Hữu Mai, tôi cùng nhà thơ trẻ Hữu Việt đến nhà riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở số 30 đường Hoàng Diệu. Đúng giờ hẹn, ông xuất hiện trong bộ quân phục màu xanh với quân hàm đại tướng chỉnh tề, bước ra phòng khách bắt tay từng người với nụ cười thân thiện quen thuộc trên gương mặt phúc hậu. Đại tướng ân cần hỏi thăm gia đình, quê hương tôi và hội nghị nhà văn trẻ vừa diễn ra.
Ngày 22/12/1944, khi mới 33 tuổi, ông đã tổ chức thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bước sang tuổi 34, ông góp phần quan trọng lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, rồi tả xung hữu đột trên khắp mặt trận nội trị, ngoại giao để bảo vệ nền độc lập non trẻ của đất nước.
Quân Pháp tái xâm lược, Võ Nguyên Giáp được cử làm tổng chỉ huy quân đội. Từ đội quân du kích, dưới sự chỉ huy tài tình của ông, quân đội nhanh chóng trưởng thành, giành nhiều thắng lợi quan trọng trước kẻ thù chính quy mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Đó là những lý do mà ngày 2/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp, khi ông mới 37 tuổi, trở thành tướng 4 sao đầu tiên của quân đội ta.
6 năm sau, đội quân du kích dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã lớn mạnh thành 6 sư đoàn chủ lực, gây “chấn động địa cầu” bằng chiến thắng lừng lẫy, buộc quân Pháp phải đầu hàng vô điều kiện tại mặt trận Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, dẫn đến việc ký kết Hiệp định đình chiến Geneva. Tài năng của Võ Nguyên Giáp chinh phục thế giới khi ông mới ở tuổi 43.
Nhìn lại hành trình của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, chúng ta càng thấy rõ rằng ông chính là hiện thân sống động cho sức mạnh trí tuệ tuổi trẻ Việt Nam. Trẻ không có nghĩa thiếu bản lĩnh, kinh nghiệm và khó đạt thành tựu. Ở thời nào cũng vậy, tuổi trẻ là lực lượng nòng cốt, có những hành động táo bạo để xoay chuyển thời cuộc. Và đâu phải chỉ Võ Nguyên Giáp mà tổ tiên ta ngày xưa, Nguyễn Trãi ở tuổi 40 đã giúp Lê Lợi đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, Nguyễn Huệ mới 36 tuổi đã chỉ huy đội quân thiện chiến Tây Sơn thần tốc đập tan bè lũ nhà Thanh cao ngạo và quân Xiêm La âm mưu xâm chiếm nước ta…
Khát vọng của tuổi trẻ ngày nay phải là gì?
Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho hay trước đó một tuần, ông cũng tiếp chuyện một nhà báo trẻ từ nước Mỹ. Đó là John John Kennedy, chủ bút tờ George Magazine và là con trai của cố Tổng thống Mỹ John Fitzgerald Kennedy. Về Hà Nội, John tìm gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đặt ra nhiều câu hỏi thú vị mà giới trẻ nước Mỹ quan tâm, chẳng hạn: Vì sao ở Điện Biên Phủ lúc quân Pháp mạnh nhất thì lại bị đánh bại? Vì sao sau này lúc quân Mỹ đông nhất, mạnh nhất thì lại bị thua?... Đại tướng cho biết: “Tôi trả lời vắn tắt những suy nghĩ khá cơ bản của John và nói: Lịch sử quan hệ giữa hai nước chúng ta không chỉ có chiến tranh. Vị tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, Thomas Jefferson, là người Mỹ đầu tiên tiếp xúc với người Việt Nam, khi còn là công sứ Mỹ ở Pháp, ông mong tìm được những giống lúa của xứ “Cochinchine” để nhập vào nước Mỹ. Rồi năm 1832, đã có những cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa phái đoàn ngoại giao Mỹ, do Tổng thống Andrew Jackson cử đi, với triều Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp bảo rằng các nhà văn trẻ cần nhớ: Sức mạnh trí tuệ tuổi trẻ cũng chính là sức mạnh của nền văn hóa truyền thống đã giúp người Việt Nam làm được những kỳ tích lịch sử, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược mạnh hơn ta gấp nhiều lần, và: “Trên cơ sở đó, người Việt Nam đã biết kết hợp tinh thần quyết chiến giữ nước với tài thao lược sáng tạo, xây dựng nên một học thuyết quân sự độc đáo, học thuyết quân sự Việt Nam. Và cũng chính nhờ biết cách giữ vững và phát huy sức mạnh nền văn hóa truyền thống mà trải qua một ngàn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, dân tộc Việt Nam đã không bị đồng hóa; ngược lại, còn tích trữ được lực lượng, chớp lấy thời cơ, vùng lên giành độc lập hoàn toàn cho nước nhà”.
Có một thực tế là càng về sau giới trẻ càng ít am hiểu lịch sử và văn hóa dân tộc. Đó cũng là lý do mà nhiều cây bút trẻ chỉ quẩn quanh trong cái tôi cá nhân hiện tại của mình, thiếu tư duy về số phận con người và số phận dân tộc, để rồi trang viết sớm bị tắc tị, không thể vươn xa trên con đường văn chương. Nghị quyết Trung ương 5 mới đây đã nói rõ tầm quan trọng của việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát động phong trào yêu nước, coi trọng sống có lý tưởng, có đạo đức. Đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ... Các nhà văn trẻ cần góp phần cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp văn hóa Việt Nam.
Cuộc đời và sự nghiệp huyền thoại Võ Nguyên Giáp sẽ mãi mãi là biểu tượng sinh động, nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật trong tương lai. Trước khi cuộc trò chuyện với chúng tôi kết thúc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn có lời khuyên sâu sắc, đáng để thế hệ trẻ, nhất là các nhà văn trẻ suy ngẫm: “Nước ta trước đây vốn là một nước không có tên trên bản đồ thế giới, giờ đã trở thành một nước đi đầu trong phong trào giải phóng dân tộc. Khát vọng cứu nước thời trẻ của chúng tôi luôn cháy rừng rực như bó đuốc. Khát vọng của tuổi trẻ ngày nay phải là gì? Việt Nam có thể trở thành một nước giàu như các nước tiên tiến trên thế giới hay không? Khó, nhưng tôi chắc không có thanh niên nào trả lời không được. Tôi nghĩ thanh niên ngày nay cần phải biết đất nước ta đang xếp vào hàng các nước chậm phát triển nhất thế giới. Từ đó mà có một mong muốn, mong muốn tột bậc là làm sao để đất nước thoát khỏi tụt hậu, phát triển thành một nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
PHAN HOÀNG