Thứ Hai, 14/10/2024 09:38 SA
15 năm ấy, biết bao nhiêu tình…
Thứ Hai, 22/08/2016 00:00 SA

Nhà báo Trần Quới - Ảnh: PV

Thời gian như bóng câu qua cửa. Chớp mắt, nhìn lại đã thấy mình trở thành lứa “nhỡ” chứ chẳng còn “tơ”. 15 năm, một quãng thời gian không dài với đời người, nhưng chẳng ngắn với thời gian làm nghề, mà lại là cái nghề nguy hiểm, hay ghi nhật ký xã hội như nghề báo…

 

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không. Để gió cuốn đi… (Trịnh Công Sơn).

 

Gió có thể cuốn đi nhiều thứ, những vui, buồn, cuộc sống, nhưng gió không thể cuốn được những thứ thuộc về ký ức của cái thuở ban đầu, mà lại là ban đầu đi xin việc, lơ ngơ, lẩn ngẩn mới thương làm sao.

 

Tôi về đầu quân cho tòa soạn Báo Phú Yên sau sự cố Y2K 9 tháng. Tôi về quê cũng là cái duyên. Sau khi tốt nghiệp đại học, rất nhiều bạn cùng lứa tôi đã chọn ở lại TP Hồ Chí Minh lập thân, lập nghiệp và đến giờ hầu hết đều thành đạt ở nhiều lĩnh vực, nhiều nhất vẫn là báo chí.

 

Năm cuối khóa, chúng tôi có học thầy Đinh Phong. Thầy Đinh Phong thời điểm đó là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (phụ trách khu vực phía Nam), Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, đồng thời là giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng ở Khoa Ngữ văn - Báo chí (Trường đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh). Những lần lên lớp, ông thường hướng chúng tôi nên về quê sau khi tốt nghiệp, vì ông kỳ vọng về lứa sinh viên báo chí đầu tiên của Trường đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh sẽ góp phần vào nền báo chí địa phương. Thầy Đinh Phong rất tâm huyết, vẫn nhắc đi nhắc lại chuyện về quê mỗi khi lên lớp. Ông còn bảo đảm một phần trong kết quả xin việc bằng cách “viết thư tay” gửi cho đích thân tổng biên tập báo tỉnh!

 

Tôi về quê xin việc mang theo bảng điểm cuối khóa, giấy xác nhận của nhà trường và một bức thư tay tâm huyết của người thầy, nhà báo Đinh Phong.

 

Quả nhiên, tôi được Tổng Biên tập Báo Phú Yên thời điểm ấy đồng ý tiếp nhận “cái rụp” sau khi xem bức thư tay và hỏi han vài thứ quanh chuyện học hành, năng khiếu, lý do về quê…

 

Sau này khi đã trở thành phóng viên của báo, mọi người mới kể lại “cái thuở ban đầu” đi xin việc của tôi và cái nhìn đầu tiên về tôi trong mắt mọi người. Từ trưởng phòng hành chính, thư ký biên tập, đến các nhà báo lão làng như anh Hoàng Chương, Phan Thanh Bình đều cứ nghĩ tôi là “ông già” đi xin việc cho con hay cho cháu gì đấy.

 

Riêng nhà báo Phan Thanh Bình, sau lần gặp đầu tiên, anh cứ gọi tôi là Tôn Gia Thành. Lúc đó, tôi chẳng biết và cũng chẳng cần biết Tôn Gia Thành là ai, có ý nghĩa gì. Tôi cứ tự nhiên và tự tin “vượt” lên cái “dung nhan” già dặn của mình để làm việc; tham gia tất tần tật các việc của cơ quan, của chi đoàn. Sau thời gian trui rèn, tôi bắt đầu trẻ ra (thế mới lạ) trong mắt mọi người cho tới bây giờ. Những lần trà dư tửu hậu sau này, nhà báo Phan Thanh Bình vẫn gọi tôi là “cái thằng” Tôn Gia Thành, một nhân vật có ngoại hình hao hao giống tôi trong phim truyền hình “Vương triều Ung Chính” được chiếu trên VTV ở thời điểm ấy!

 

Cái “lứa tơ” của tôi ngày đó…

 

Tôi về cơ quan được một thời gian thì lần lượt nhiều bạn khác cùng khóa cũng gia nhập báo như: Thúy Hằng, Bích Hà, Kim Chi, Văn Tài, Ly Kha, Quốc Cường, Ngọc Dung, Quang Thuần… Bây giờ, nhiều người trong số ấy đã chuyển cơ quan và ổn định công việc, cuộc sống. Chúng tôi thời ấy được gọi là “lứa tơ” để phân biệt với “lứa nhỡ” trước đó một chút như: Họa sĩ Lê Đức Thắng (đã mất vì bạo bệnh), Huỳnh Hiếu, Tấn Lộc, Hoài Trung, Kim Liên, Thu Thủy, Minh Nguyệt, Quốc Khương, Phương Trà, Thu Hằng… và “lứa già” với những nhà báo lâu năm như các anh Phan Thanh Bình, Xuân Hiếu, Hoàng Chương, “lão nhà báo” Minh Ký… Anh Phan Thanh Bình hay nói đùa: nhà báo có 6 cấp độ là cún, nhỡ, tơ, ghẻ, lác, riềng. Đến tuổi 50, sức đi, sức viết đã nhão nhừ như cá nhám bày bán chợ trưa, nên tạo sức ỳ sinh ra ghẻ lác chờ ngày vô nồi “với riềng” (về hưu). Anh Bình hay gọi chung các nhà báo trẻ là nhà báo tơ. Thật ra, đây chỉ là “tôn ti trật tự” trong những lúc trà dư tửu hậu để biết ai phải làm nhiệm vụ gắp đá, rót bia. Ai nhỏ tuổi nhất phải làm phận sự ấy, muốn thoát nạn, phải gọi được chú khác “tơ” hơn.

 

Cái “lứa tơ” của chúng tôi hồi ấy, rất “sung”. Bây giờ nhắc lại, nhiều người vẫn còn thấy tưng tưng, phấn khích. Phải nói, chúng tôi “sung” từ công việc cho tới những chuyện vui vẻ bên lề. Hồi ấy, nhuận bút báo Phú Yên cũng vào nhóm thấp nhất cả nước, vậy nhưng anh em phóng viên vẫn “họp mặt” thường xuyên.

 

Hồi đó báo ra cách nhật, nên “lứa tơ” chúng tôi hay đi công tác huyện và thường xuyên ở lại. Tôi lại được phân công phụ trách mảng Đoàn thanh niên nên đi tợn. Cũng nhờ quãng thời gian gần 10 năm gắn bó công tác thanh niên tôi đã đi đến tận các buôn làng, thôn xóm ở khắp 112 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Chúng tôi đã trưởng thành hơn nhiều qua từng bài viết, mỗi chuyến đi.

 

Và một chữ “Nghề”

 

Dông dài kỷ niệm, nhưng với tôi và cái “lứa tơ” chúng tôi cùng những anh em làm báo chân chính lớp người đi trước mà tôi được hân hạnh làm hậu bối, đồng nghiệp vong niên, tất cả đều rất trong sáng, nhiệt tâm với nghề. Người trước chỉ bảo, giúp đỡ người sau; lứa sau chắt chiu, học tập cái hay của người trước để cùng hướng đến cái tâm của chữ nghề.

 

Nhớ hồi mới về cơ quan, nhà báo lão làng Phan Thanh Bình chỉ nói một câu để anh em phấn đấu, đại ý: nhà báo là phải biết viết, biết đi, biết nghe và biết đứng được trên đôi chân của mình; sau ba năm phải có bài báo để vua biết mặt, chúa biết tên. Tôi cố gắng để làm được điều đó bằng chính nội lực của mình. Nhưng càng làm nghề nhiều năm, càng thấy mục tiêu tuy đơn giản vậy, nhưng chạm đến cũng đã khó, huống gì vượt qua. Chỉ có lòng yêu nghề mới có thể giữ được lửa đam mê chăm nhuận cho ngòi bút thẳng thớm, chính trực, đứng về chân lý, chứ không phải theo đám đông. Sau này, tôi tự mình bổ sung thêm vào phương châm của mình: Người làm báo không chỉ biết viết, biết đi, biết lắng nghe và biết đứng được trên đôi chân của mình, mà phải học tập và đứng được trên vai của người khổng lồ!

 

Một kỷ niệm khác, mà tôi nhớ và trân trọng mãi là lần được gặp và trò chuyện với người thầy, vị Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Phú Yên, nhà giáo, nhà báo Bùi Xuân Các. Trên chuyến tàu đêm đưa thầy từ Tuy Hòa về Nha Trang, suốt 3 tiếng đồng hồ, thầy đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện đời, chuyện nghề, chuyện làm báo thời chiến tranh gian nan, cực khổ, cho tới những chiêm nghiệm cuộc đời và nhân cách của nhà báo trong cuộc sống mà thầy trải qua. Một câu mà thầy Bùi Xuân Các chốt lại và ông căn dặn “con (là cái thằng tôi) phải nhớ và cố làm cho được, đó là: Giữ một tấm lòng trong sáng và ngòi bút cương trực, đừng để người ta gọi là “cái thằng” nhà báo!” Trong chuyến đi đầy kỷ niệm ấy, một nữ phóng viên “tơ” hơn cả “lứa tơ” của tôi nữa cũng có cơ hội lắng nghe cuộc trò chuyện, đúng hơn là bài học cuộc đời của hai thế hệ. Có lẽ cùng “cảm” với nhau, nên chính bạn phóng viên tơ trẻ ấy đã “phải lòng anh chú”. Bây giờ, bạn ấy đã trưởng thành, vững vàng hơn trong nghề nghiệp và là mẹ của hai con gái tôi!

 

Bài học về nghề báo, nhân cách nhà báo của các bậc đàn anh, trưởng thượng ngày ấy với tôi vẫn còn nguyên giá trị cho tới bây giờ và cả sau này. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Báo Phú Yên ra số báo đầu tiên, tôi - lứa hậu sinh của tờ báo Chiến Thắng ngày trước, xin nghiêng mình thắp nén tâm hương, vọng về các bậc tiền bối, trong đó có Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Phú Yên Bùi Xuân Các khả kính mà tôi vinh dự được gặp và chuyện trò.

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ký ức và tình yêu
Thứ Hai, 22/08/2016 10:42 SA
Đà Lạt và những cơn mưa chiều
Chủ Nhật, 21/08/2016 11:04 SA
G-Dragon - Tường thành Kpop
Chủ Nhật, 21/08/2016 10:53 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek