Thứ Hai, 14/10/2024 09:44 SA
Sang đất Thái Lan nặn tượng
Thứ Năm, 11/08/2016 14:00 CH

Đối với mỹ thuật, điêu khắc, tác giả được mời ra nước ngoài sáng tác là chuyện khá hiếm hoi. Do vậy, việc ThS, họa sĩ Nguyễn Thành Vinh, giảng viên Trường đại học Phú Yên vừa trở về từ Thái Lan sau chuyến đi sáng tác theo lời mời của cơ quan du lịch Thái Lan (TAT) là một vinh dự.

 

Tác giả được nhiều khán giả quan tâm bên cạnh tác phẩm đã hoàn thành - Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Qua lời giới thiệu của một người bạn, họa sĩ Nguyễn Thành Vinh được Ban tổ chức mời tham dự Lễ hội Điêu khắc sáp Ubon quốc tế ở Thái Lan năm 2016 với chủ đề “Chuyện của nàng”, diễn ra tại Nhà Bảo tàng quốc gia Ubon Ratchathani thuộc tỉnh Ubon Ratchathani. Anh gửi bản phác thảo tác phẩm “Lòng mẹ” đến Ban tổ chức. Và thật vui, tác phẩm của anh được chọn. Anh đã lên đường sang Thái Lan nửa tháng để hoàn thành tác phẩm của mình trong vườn tượng với kích thước 1x1x3m theo chiều thẳng đứng. Toàn bộ tác phẩm đều được làm bằng sáp (nến).

 

Họa sĩ Nguyễn Thành Vinh kể: TP Ubon Ratchathani nằm ở vùng đông bắc Thái Lan, cách thủ đô Bangkok 629km, là một địa danh nổi tiếng với các sự kiện văn hóa dân gian đặc sắc mang đậm truyền thống Phật giáo. Một trong những sự kiện đáng phải nhắc đến là lễ hội điêu khắc sáp được tổ chức hàng năm vào tháng 7. Lễ hội này khởi nguồn từ những lễ nghi, truyền thuyết xung quanh Mùa an cư kiết hạ của các phật tử. Theo truyền thuyết, trong suốt mùa mưa kéo dài 3 tháng, bắt đầu từ tháng 7, các nhà sư sẽ rút về ở một ngôi chùa cụ thể, không được phép ở qua đêm tại những ngôi chùa khác trong thời gian này. Họ chỉ được ở trong một ngôi chùa vì đây là thời kỳ nông dân trồng lúa. Nếu các nhà sư ra ngoài, họ có thể sơ ý dẫm vào những cây lúa non vừa mới được cấy khiến cho mùa màng thất thu. Vì thế, các nhà sư phải ngừng hành hương trong vòng 3 tháng mùa mưa và chỉ được ở trong một ngôi chùa. Trong thời gian các nhà sư hạn chế đi lại, họ sẽ nghiên cứu các giáo lý nhà Phật và đặc biệt là phải đọc rất nhiều sách. Ban đêm là lúc tốt nhất để đọc và lĩnh hội kiến thức vì đây là khoảng thời gian yên tĩnh nhất cho tập trung tư tưởng. Thời xa xưa, khi đèn điện chưa có, các nhà sư thường dùng đèn sáp để đọc. Dân làng biết điều này nên họ đã làm nhiều cây đèn sáp để tặng các nhà sư, vì người ta tin rằng, cuộc sống của những ai tặng đèn sáp sẽ được hạnh phúc. Sự kiện tặng sáp cho nhà sư giờ đã trở thành một lễ hội lớn và ngày càng được mở rộng để tạo cơ hội cho các nghệ nhân địa phương trau dồi sự khéo léo của mình qua việc sáng tạo ra những tác phẩm điêu khắc bằng sáp lớn cho lễ hội.

 

Theo họa sĩ Nguyễn Thành Vinh, điểm nổi bật của Lễ hội Điêu khắc sáp Ubon là cuộc diễu hành dọc theo đường Upparat. Trong cuộc diễu hành này, những tác phẩm được nặn bằng sáp độc đáo, công phu sẽ được trình diễn và nhiều nhóm dân địa phương khoác trên mình những trang phục truyền thống vừa hát vừa thực hiện những điệu dân vũ. Lễ hội Ubon cũng dần trở nên quốc tế hóa và đang trở thành nơi để nghệ nhân các nước tham gia thi thố, sáng tạo ra các tuyệt tác điêu khắc sáp. Năm nay, bên cạnh chương trình lễ hội của địa phương, phần thực hiện điêu khắc sáp của các tác giả quốc tế có sự tham gia của 9 nghệ sĩ đến từ 7 quốc gia, vùng lãnh thổ: Mỹ, Nga, Latsvia, Chilê, Đài Loan, Tây Ban Nha, Việt Nam và Thái Lan. Mỗi nghệ sĩ sẽ thể hiện một tác phẩm điêu khắc trên chất liệu sáp. Khi hoàn thành, tác phẩm sẽ góp mặt trong một chương trình biểu diễn đặc sắc kết hợp giữa nghệ thuật điêu khắc, ánh sáng và âm nhạc.

 

Họa sĩ Nguyễn Thành Vinh thực hiện tác phẩm của mình với sự trợ giúp đắc lực của các sinh viên tình nguyện, trong đó có hai sinh viên người Việt Nam đang theo học mỹ thuật ở Thái Lan. Được ở chung và làm việc với các nghệ sĩ quốc tế, anh đã học hỏi từ họ rất nhiều điều, trong đó tính chuyên nghiệp và tính hiện đại là hai đặc điểm anh đã rút ra được từ cách làm việc của họ. Trong suốt thời gian anh làm việc, hàng ngày đều có các đoàn đến tham quan, quan sát và trao đổi với anh nhiều điều về chuyên môn. Anh nhận ra rằng, Chính phủ Thái Lan rất quan tâm đến giáo dục mỹ thuật cho mọi người thông qua các hoạt động thực tế. Có khi đó là một đoàn thiếu nhi với sự dẫn dắt của giáo viên mỹ thuật; có khi là một đơn vị quân đội hoặc cảnh sát do một vị chỉ huy đưa đi. Họ có nhận thức tốt về công việc sáng tạo của các nghệ sĩ nên rất tôn trọng nghệ sĩ. Và ấn tượng mạnh mẽ nhất của anh trong thời gian lưu lại trên đất Thái là cách tổ chức du lịch rất chuyên nghiệp của cơ quan du lịch Thái Lan. Mỗi ngày, sau giờ làm việc, các nghệ sĩ đều được đưa đến thưởng thức đặc sản ở một nhà hàng khác nhau và ăn những món ăn không bao giờ trùng lặp. Phải chăng đây là một hình thức quảng bá du lịch rất tế nhị và thông minh mà ngành Du lịch Thái Lan muốn thông qua các nghệ sĩ đến từ các nước để họ mang về nước mình những lời khen.

 

DƯƠNG THANH XUÂN 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek