Thứ Hai, 14/10/2024 13:20 CH
Sơn Thành Đông đổi thay từng ngày
Thứ Ba, 26/07/2016 13:00 CH

Một góc trung tâm xã Sơn Thành Đông ngày nay - Ảnh: THANH LÊ

Sơn Thành Đông là xã miền núi phía tây huyện Tây Hòa, thuộc xã Sơn Thành trước đây. Từ vùng đất “trắng” trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, hầu như không có dân cư sinh sống, sau ngày thống nhất đất nước, chính quyền và nhân dân xã Sơn Thành bắt tay vào tái thiết, xây dựng xóm làng, khai hoang vỡ hóa, biến những vùng đất đầy vết tích chiến tranh thành ruộng vườn canh tác. Từ vùng đất nghèo khó ngày nào, giờ đây Sơn Thành Đông đã hình thành nên dáng dấp của một thị tứ năng động, sầm uất.

 

Một ngày giữa tháng 7, chúng tôi ngược lên quốc lộ 29 theo hướng tây khoảng 20km từ thị trấn Phú Thứ để tìm hiểu vùng đất này. Khi qua cầu Lạc Mỹ, cất dốc Hòn Kén, dọc hai bên quốc lộ trước tầm mắt chúng tôi là một màu xanh bạt ngàn của những vườn tiêu, rẫy sắn trải dài trên các triền đồi, làm dịu đi cái nắng oi ả của mùa hạ.

 

Hồi sinh vùng đất hoang tàn

 

Sau ngày đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, chính quyền xã ra sức vận động nhân dân gốc Sơn Thành di tản chiến tranh các nơi trở về quê sinh sống. Đồng thời để giúp Sơn Thành hồi sinh, lúc bấy giờ Huyện ủy Tuy Hòa có chủ trương đưa dân từ các xã đồng bằng lên Sơn Thành xây dựng vùng kinh tế mới, biến những vùng đất hoang đầy vết tích chiến tranh trở thành đất sản xuất nông nghiệp.

 

Gặp gỡ những người dân, tìm hiểu về những năm đầu đến vùng đất đỏ này làm kinh tế mới, ai cũng nói đó là giai đoạn không thể quên. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới khang trang, đầy đủ tiện nghi, ông Dương Văn Quang (49 tuổi, ở thôn Lễ Lộc Bình, xã Sơn Thành Đông) cho biết từ những vụ sắn được mùa, 5 năm, trước vợ chồng ông có được ngôi nhà này.

 

Là con lớn trong gia đình có 5 anh em, quê ở xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa), theo chân cha mẹ lên Sơn Thành làm kinh tế mới vào năm 1976, trong ký ức đeo đẳng đến bây giờ của ông Quang, Sơn Thành những năm đầu tái thiết với muôn vàn gian nan, cơ cực, người dân quanh năm vật lộn với khó khăn. “Khổ nhất là chuyện thiếu nước, lúc đó cả xã với hàng trăm hộ nhưng chỉ đào được hai cái giếng sử dụng chung cho việc sinh hoạt hàng ngày. Sáng sớm hoặc chiều tối là những thời điểm người dân “rồng rắn” nhau đi gánh nước giống như đi chợ bây giờ. Lúc nào cũng có vài chục người chen chúc chờ đến lượt lấy nước. Giếng thì sâu hẳm nên mỗi nhà phải mang theo sợi dây thừng dài vài chục mét, đầu cột vào một cái gàu, rồi lần lượt từng nhóm 5-7 người cùng vào xách nước. Do nhiều người cùng xách, nên nhiều lúc dây gàu dính chùm, dính đụp với nhau, nản lắm!”, ông Quang nhớ lại.

 

Không khuất phục trước khó khăn, thiếu thốn, cha mẹ ông Quang cũng như phần đông người dân đi kinh tế mới Sơn Thành đã kiên trì bám trụ, tích cực tham gia các phong trào thi đua, lao động sản xuất do chính quyền địa phương phát động và dần ổn định cuộc sống. Lớn lên, hầu hết các anh em của ông Quang đều lập nghiệp trên mảnh đất Sơn Thành Đông. Đến nay, họ có cuộc sống ổn định nhờ sở hữu những thửa đất đỏ bazan màu mỡ để sản xuất. “Không ít hộ dân không thể trụ nổi trước sự khắc nghiệt nơi đây, phải bỏ về quê cũ. Nhưng gia đình tôi quyết tâm gắn bó với Sơn Thành. Người xưa nói đất không phụ người mà”, ông Quang kết lại cuộc trò chuyện.

 

Chúng tôi tìm đến nhà ông Hồ Quang Trung, người từng trải qua chức vụ Bí thư Chi bộ, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thành 3 nhiệm kỳ (1979-1981; 2000-2002; 2004-2005). Ông được nhiều người biết đến vì từng cùng đồng cam cộng khổ với người dân trong những năm tháng gian khổ. Mở đầu câu chuyện, ông Trung khẳng định: “Khó khăn gian khổ, thiếu thốn, ốm đau bệnh tật là thực trạng mà người dân phải đối diện những năm đầu tái thiết xã. Đó là thời kỳ không thể quên của những người dân Sơn Thành. Sơn Thành có được như ngày hôm nay, phải ghi nhận những đóng góp to lớn của lực lượng cán bộ, đội ngũ tri thức, thanh niên xung phong đã giúp xã khai hoang vỡ hóa, xây dựng đời sống mới và đặc biệt là sự có mặt của hàng trăm hộ dân từ các xã Hòa Bình (huyện Tây Hòa), Hòa Thành (huyện Đông Hòa), Hòa An, Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), phường 5, phường 6 (TP Tuy Hòa) đã đến xã Sơn Thành lập nghiệp, mang theo sứ mệnh xây dựng vùng kinh tế mới”.

 

Thế nhưng gian nan, khổ cực rồi cũng qua, dưới bàn tay lao động và óc sáng tạo của người dân, một Sơn Thành nghèo khó dần trở thành một vùng đất trù phú, với những rẫy sắn, vườn tiêu xanh tốt bạt ngàn. “Dù có những giai đoạn thăng trầm do tác động của mặt trái kinh tế thị trường, nông dân từng lao đao vì cây mía, cây tiêu, cây điều, nhưng có thể khẳng định rằng người dân Sơn Thành đã nhanh chóng thích nghi, tích lũy nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, nhanh chóng tiếp cận phương thức sản xuất mới, áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, từng bước vươn lên làm giàu”, ông Trung khẳng định.

 

Bước sang những năm 2000, Đảng bộ xã tập trung sức lãnh đạo, triển khai có hiệu quả các biện pháp chống úng, chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp, đầu tư nâng cấp hồ chứa nước Đồng Tròn, hệ thống kênh mương Cây Nổ ở đồng Me, xây dựng hệ thống đập Bà Đỏ… Từ đó, sản xuất nông nghiệp ở Sơn Thành đã có những bước đột phá mạnh mẽ. Theo lời kể của ông Trung, từ thời điểm đó, đất đỏ bazan bắt đầu lên giá. Nếu như thập niên 90 của thế kỷ trước, 1 sào đất đồng đổi được 3 sào đất đỏ thì đến những năm 2000 giá trị đất đỏ có thể đảo ngược đổi 2 sào đất đồng.

 

Tháng 5/2005, thực hiện nghị định của Chính phủ, Sơn Thành được chia tách thành hai đơn vị hành chính cấp xã là Sơn Thành Đông và Sơn Thành Tây để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ và nhân dân địa phương trong tình hình mới.

 

Khai hoang vỡ hóa vùng kinh tế mới Sơn Thành - Ảnh: DTX

 

Thương hiệu Sơn Thành

 

Nhắc đến Sơn Thành Đông ngày nay, không thể không nhắc đến những loại đặc sản mà từ lâu đã mang thương hiệu Sơn Thành như hồ tiêu, bơ, mít. Thiên nhiên ban tặng cho Sơn Thành Đông vùng đất đỏ bazan phì nhiêu, phù hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là cây ăn trái. Hồ tiêu Sơn Thành nổi tiếng bởi chất lượng hạt khá tốt, sọ to, thơm và độ cay nồng hơn hẳn nhiều vùng tiêu trong cả nước. Trong khi đó, đặc trưng bơ Sơn Thành thì có độ sáp dẻo, thịt dày và béo. Mít Sơn Thành thì cũng đặc sắc không kém, ít xơ nhiều múi, dai giòn và ngọt thanh. Trở thành thương hiệu nổi tiếng, nên du khách xuôi ngược trên quốc lộ 29, qua đoạn Sơn Thành Đông đều ghé mua sản vật ở vùng đất đỏ này mang về làm quà.

 

Trò chuyện với chúng tôi kéo dài đến chiều tối, ông Thái An Nam, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Đông tâm sự về những công việc sắp đến như công tác xây dựng xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới trước năm 2020, hướng đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng một thị trấn Sơn Thành Đông trong tương lai gần. Ông phấn khởi thông tin đến chúng tôi về những trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn lên đến hàng ngàn con của các tập thể, hộ gia đình trên địa bàn xã. Trong đó điển hình là trại chăn nuôi heo sinh sản của Công ty TNHH Đầu tư Sơn Anh tại thôn Thành An với quy mô 2.400 con nái giống. Sơn Thành Đông giờ đã có những vùng sản xuất chuyên canh với hơn 712ha sắn, 278ha lúa, 250ha mía, 36ha hồ tiêu và hơn 1.000ha rừng kinh tế.

 

Với các chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh, hoạt động thương mại du lịch, hiện nay trong xã có nhiều cơ sở thương mại - dịch vụ khá phong phú, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động lĩnh vực này càng nhiều, giá trị sản xuất năm 2015 là hơn 25 tỉ đồng, trung tâm xã Sơn Thành Đông đã hình thành thị tứ khá sầm uất, khu vực trung tâm xã gần như đã khép kín dân cư, với những dãy nhà tầng khang trang, mọc lên san sát dọc hai bên quốc lộ 29. Thị trường đất ở khu vực này cũng tăng đột biến, lên đến trên 500 triệu đồng/lô.

 

Để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng đến một thị trấn trong tương lai gần, từ đây đến năm 2020, Sơn Thành Đông tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỉ trọng ngành Nông nghiệp, tăng dần tỉ trọng ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (2016-2020) là 12,5%/năm, trong đó nông nghiệp tăng bình quân 5%; công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 11%; thương mại - dịch vụ tăng bình quân 17%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 40,4 triệu đồng; đời sống nhân dân đã đổi thay đáng kể, rút ngắn khoảng cách thu nhập với các xã đồng bằng, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 6,67%.

 

“Sơn Thành Đông sẽ trở thành thị trấn trong vài năm tới là một kỳ tích, nhưng điều đó hoàn toàn xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của xã cũng như sự hy sinh, cống hiến của thế hệ lãnh đạo tiền bối và công lao của lớp người đi trước”, ông Nam khẳng định.

 

Chiều muộn. Bên triền đồi dọc hai bên quốc lộ 29, những vạt nắng cuối ngày trải dài trên những vườn hồ tiêu, rẫy sắn bạt ngàn. Trung tâm thị tứ Sơn Thành Đông bắt đầu lên đèn, nhộn nhịp tưng bừng. Tiếng nhạc dập dìu, ánh đèn led sang trọng đủ sắc màu từ những hàng quán, khu dịch vụ, khiến du khách như bị níu chân.

 

Xã Sơn Thành Đông đang tiếp tục mở rộng diện tích đất trồng cây công nghiệp, chuyển đổi một số diện tích đất màu để trồng cây tiêu và bơ. Đồng thời, xã cũng sẽ đề nghị cấp trên cho chủ trương chuyển một số diện tích đất lâm nghiệp có độ dốc thấp thành đất nông nghiệp để phát triển cây hoa màu, phấn đấu đạt tổng diện tích gieo trồng hàng năm 1.440ha, trong đó, nâng số diện tích trồng sắn lên 781ha, lúa 328ha, 55ha hồ tiêu và 25ha bơ vào những năm tới.

 

Ông Thái An Nam, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Đông

 

THANH LÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ấn tượng đội diễn viên thôn Hà Rai
Chủ Nhật, 24/07/2016 14:00 CH
Sao Việt nói không với “lưỡi bò”
Chủ Nhật, 24/07/2016 10:00 SA
SNSD, 9 năm 1 chặng đường
Chủ Nhật, 24/07/2016 09:31 SA
Đôi quán quân sống đẹp
Thứ Năm, 21/07/2016 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek