Thứ Hai, 14/10/2024 13:20 CH
Chuyện những học trò “tình thương Biên phòng”
Kỳ cuối: Vượt nghèo nhờ “con chữ tình thương”
Chủ Nhật, 24/07/2016 12:00 CH

Trên bờ cảng Đông Tác, Lê Tấn Vinh chia sẻ chuyện làm ăn ở biển với thầy giáo Mai Văn Dũng, từng dạy anh học ở lớp tình thương 20 năm trước - Ảnh: PHƯƠNG OANH

Ở làng chài Đông Tác, nhiều thuyền trưởng trẻ can trường, quanh năm luôn có mặt, hiên ngang trên những con tàu giữa biển khơi sóng nước. Nhưng khi vào bờ, gặp lại những người lính BĐBP từng dạy lớp học tình thương, họ luôn cúi đầu lễ phép “chào thầy” bằng sự trân trọng, kính mến. Theo lời ông Nguyễn Văn Lễ, Trưởng khu phố 6, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, nhờ “con chữ tình thương” do những người lính biên phòng giảng dạy, nhiều ngư dân trẻ ở đây biết tính toán làm ăn, mua tàu lớn vươn khơi hiệu quả và thoát nghèo.

 

“Bệ phóng” vượt nghèo

 

Tôi kịp gặp thuyền trưởng tàu cá PY-90496 Lê Tấn Vinh tại cầu cảng khi anh vừa kết thúc công việc bơm dầu và bốc chuyển các nhu yếu phẩm, chuẩn bị cho tàu xuất bến ra khơi trong một, hai ngày tới. Nhìn dáng người nhỏ nhắn, nét mặt hiền lành của chàng trai này, chúng tôi khó hình dung, anh đang là “trụ cột” trong cuộc mưu sinh lo cơm, áo, gạo, tiền cho không riêng gia đình nhỏ của mình mà còn cho hàng chục gia đình thuyền viên vẫn ngày ngày cùng anh bám đuổi nghiệp biển. “Vừa là thuyền trưởng, vừa là chủ tàu, cái lo của mình không chỉ đơn thuần là cầm lái đưa con tàu ra ngư trường rồi trở về an toàn mà quan trọng là chuyện tính toán đường làm ăn như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Tàu có 10 lao động không có nghĩa chỉ kiếm đủ cho 10 miệng ăn, phải nhìn thấy phía sau đó còn là cuộc sống của ít nhất khoảng 60 con người nữa đang ở bờ”, Vinh tâm sự.

 

Lê Tấn Vinh là con lớn trong một gia đình đông anh em ở làng biển Đông Tác. Tuổi thơ của Vinh là những chuỗi ngày bị cái nghèo đè nặng tâm trí. “Hồi ấy, nhà tôi cũng như nhiều bà con trong làng chỉ có chiếc sõng thúng để bơi quanh bờ kiếm ăn từng bữa, mong có đủ qua ngày. Khi vào học lớp tình thương của BĐBP, thi thoảng, cả lớp được nghe thầy Dũng, thầy Vàng “khai mở” rằng, nguồn lợi thủy sản trong bờ sẽ đến lúc giảm dần. Mai này, thế hệ các em hãy đóng tàu to, máy lớn ra khơi làm ăn để đổi đời. Cũng từ lúc đó, chúng tôi bắt đầu ấp ủ giấc mơ vươn khơi”, Vinh nói.

 

Sau 15 năm bám biển vừa làm ăn, vừa tích góp tiền, của và tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp, hiện Lê Tấn Vinh đã có một ngôi nhà khang trang và sở hữu một chiếc tàu công suất 400CV, trị giá trên 800 triệu đồng. Trên con tàu của mình, Lê Tấn Vinh cho lắp đặt nhiều loại máy hỗ trợ cho việc khai thác như: Máy dò cá, máy thông tin tầm xa HF, máy định vị, đàm dài, đàm ngắn... Tất cả không chỉ thể hiện quy mô, năng lực vượt trội trong nghề khai thác hải sản mà còn cho thấy tâm thế vững vàng của một ngư phủ trẻ trước công cuộc bám biển. Vinh cũng cho biết, từ khi làm chủ con tàu này, anh ra biển liên tục, đi câu cả mùa động. Nhờ tàu to, máy lớn vững vàng, có hệ thống đàm thoại và máy định vị nên Vinh và anh em lao động mạnh dạn trong việc làm ăn. Trung bình thu nhập hàng năm của mỗi lao động trên tàu của anh đạt từ 50-70 triệu đồng. Năm 2011, Lê Tấn Vinh vinh dự được Hội LHTN tỉnh mời dự liên hoan thanh niên tiêu biểu và được trao tặng bằng khen về thành tích ngư dân trẻ sản xuất giỏi.

 

Vinh tâm sự, ngày ấy, những đứa trẻ làng chài của anh lớn lên giữa bộn bề khó khăn, không có tiền mua sách vở, lại không có cả tờ giấy khai sinh để nhập học nên chỉ được vào lớp của các thầy giáo biên phòng. Sau lớp 5, Vinh và các bạn được chuyển vào học cấp hai ở trường phổ thông nhưng vì cuộc sống khó khăn, hầu hết đã nghỉ học để đi làm biển. Với người thuyền trưởng này, để có cơ ngơi, tài sản như hôm nay là cả một quá trình vận động và nỗ lực. Song, “dân ở biển người nào cũng vậy, cứ lớn lên, đi ra biển rồi nghề sẽ dạy mình. Điều tôi thấy mình may mắn là nhờ những năm học ở lớp tình thương của các thầy giáo biên phòng, tôi đã biết đọc, biết viết, biết tính toán, tổ chức công việc nên việc tiếp cận với các thiết bị máy móc hiện đại trong nghề biển rất thuận lợi”, thuyền trưởng Vinh khẳng định.

 

 

Từng là học trò lớp tình thương của các thầy giáo biên phòng, Lương Công Đông giờ đã là thuyền trưởng thành công trong nghề đánh bắt cá ngừ đại dương - Ảnh: PHƯƠNG OANH

 

 

Tỉ phú biển khơi

 

Với thuyền trưởng tàu PY-91049 Lương Công Đông, dù bây giờ đã là một người thành đạt trong nghề biển với thu nhập tiền tỉ mỗi năm song nhắc đến câu chuyện những năm tháng tuổi thơ học lớp tình thương của các thầy giáo biên phòng, anh vẫn không khỏi xúc động. Đông cho biết, ngoài những con chữ, phép tính cộng trừ, nhân chia đơn giản thì những bài học về lối sống, về tình người cũng như chính cung cách làm việc, sự nhẫn nại của các thầy khi dạy dỗ học trò đều tác động rất nhiều đến anh trên bước đường vào đời.

 

Căn nhà tôn, vách ván nằm ọp ẹp giữa những con hẻm ngập lún cát năm xưa của gia đình Đông giờ đã được thay bằng một ngôi nhà ba tầng khang trang, bề thế. Tuy vậy, với anh, ký ức tuổi thơ vẫn không bao giờ nhạt nhòa. “Hôm đó, má tôi đang ngồi vá lưới thì có các chú ở Đồn Biên phòng Tuy Hòa và cô ở Hội Phụ nữ phường đến. Mọi người động viên má cho tôi vào học lớp tình thương. Bà đồng ý cho đi học nhưng với điều kiện có lúc cũng phải nghỉ vài bữa ra biển phụ kéo lưới kiếm cá về ăn”, Đông nhớ lại.

 

Làng biển Đông Tác ngày đó chỉ có các nghề đánh bắt ven bờ như kéo lưới quát, thả đăng, làm mành trủ nên nguồn nhân lực trẻ con được tận dụng tối đa. Không chỉ riêng Đông mà ở làng chài này, nhiều đứa trẻ vào học lớp tình thương đều được gia đình kèm theo những điều kiện tương tự.

 

Ngày khai giảng, 34 đứa trẻ nghèo đã đến lớp trong nỗi mừng vui xen lẫn âu lo, thấp thỏm của những thầy giáo biên phòng. Từng chiếc cặp, quyển sách, tập vở, cây viết, quần áo, đến cả những suất quà gồm gạo, mắm đã được các thầy đến nhiều nơi vận động hỗ trợ đem ra phát cho học trò.

 

Nhắc lại chuyện cũ, thuyền trưởng Lương Công Đông còn cho biết, giờ học được ấn định là 13 giờ 30 buổi chiều hàng ngày. Thế nhưng, nhiều hôm đến giờ vào lớp hơn 1 tiếng đồng hồ vẫn chỉ lác đác 5, 6 học trò. Đoán biết, những đứa trẻ nghèo đang kéo lưới ngoài biển, thầy đi ngay về đồn gọi đồng đội ra giúp học trò. Kéo lưới lên và gỡ cá xong, những đứa học trò liền chạy về nhà tắm rửa để ra lớp. Chỉ còn nửa giờ đồng hồ đứng lớp, thầy vẫn giảng dạy chứ không bỏ cuộc.

 

Rồi, chuyện quên sách, rách vở, mất viết đã là câu chuyện thường ngày ở lớp học này. Lại có cả những câu chuyện dở khóc dở cười khi một hôm, có bạn đứng lên giải thích chuyện rách vở. Tối qua, nhà em hết giấy quấn thuốc rê, ba đi biển bị lạnh quá nên lấy vở em xé tạm một miếng giấy quấn thuốc hút, không may vở nó bung kim rách luôn rồi... Cứ như vậy, những con chữ đã nhọc nhằn đi vào trí óc những đứa học trò nghèo theo từng nỗ lực của các thầy...

 

Những năm đầu tiên lao vào cuộc mưu sinh, Lương Công Đông đã gặp phải không ít khó khăn khi thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, lại chưa biết cách khai thác công nghệ hiện đại. “Những lúc ấy, trong đầu tôi lại nhớ đến những câu chuyện vượt khó đã được nghe các thầy kể ở lớp tình thương. Rồi, lời căn dặn của các thầy, phải nuôi ý chí tiến lên chứ không được lùi bước đã trở thành lực đẩy, nâng thêm quyết tâm trong tôi”, thuyền trưởng Đông kể.

 

“Dù đã 20 năm trôi qua nhưng tôi biết, trên bước đường làm ăn của chúng tôi vẫn có các thầy phía sau. Mỗi lần từ biển về, tôi đều mong được gặp các thầy giáo của mình đứng trên bờ cảng để được khoe rằng, tàu em về no cá”, Lương Công Đông bộc bạch trong niềm xúc động.

 

PHƯƠNG OANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ấn tượng đội diễn viên thôn Hà Rai
Chủ Nhật, 24/07/2016 14:00 CH
Sao Việt nói không với “lưỡi bò”
Chủ Nhật, 24/07/2016 10:00 SA
SNSD, 9 năm 1 chặng đường
Chủ Nhật, 24/07/2016 09:31 SA
Đôi quán quân sống đẹp
Thứ Năm, 21/07/2016 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek