Thứ Sáu, 17/01/2025 05:14 SA
“Về đây đồng đội ơi”
Thứ Năm, 14/07/2016 13:00 CH

“Tôi viết bài hát này dành cho những anh em mà lúc hy sinh vẫn đang ở vị trí chiến đấu, những người đã dành tuổi trẻ của mình cho công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nước Việt chúng ta”, nhạc sĩ Trương Quý Hải nói về sự ra đời của ca khúc “Về đây đồng đội ơi”. Cất lên trên chiến địa năm nào, bài hát như tiếng gọi hội quân của người còn sống với những người đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.

 

Nhạc sĩ Trương Quý Hải cùng lãnh đạo tỉnh Phú Yên giao lưu với sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung vào cuối tháng 10/2015 - Ảnh: YÊN LAN

 

Nhạc sĩ Trương Quý Hải sinh năm 1963, người Hà Nội. Khi cùng đồng đội cầm súng bảo vệ biên cương, anh sáng tác ca khúc “Thư về với mẹ” như một cách viết tiếp lá thư của người đồng đội vừa ngã xuống gửi cho mẹ, cũng là lá thư Trương Quý Hải viết cho mẹ mình bằng những câu hát, với ước mong thư vượt qua mịt mù lửa đạn và về được với mẹ. Bài hát ra đời trong chiến trận này đã thay đổi cuộc đời Trương Quý Hải. Rời quân ngũ, anh quay về Trường đại học Mỏ - Địa chất và trở thành một kỹ sư. Sau đó, anh tiếp tục học đại học Kinh tế và Luật, nhưng rồi vẫn đi theo tiếng gọi của âm nhạc.

Ca khúc ra đời từ ngày giỗ trận

 

Bao năm qua, tên tuổi nhạc sĩ Trương Quý Hải gắn liền với các ca khúc “Khoảnh khắc”, “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” (lời thơ: Bùi Thanh Tuấn), trường ca “Người Việt Nam”… Riêng những người lính từng vào sinh ra tử trên chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang) cách đây 32 năm thì biết đến một Trương Quý Hải khác, với niềm day dứt khôn nguôi về bao đồng đội đã ngã xuống, xương thịt hóa thành đất đá biên cương. Và mỗi khi ca khúc “Về đây đồng đội ơi” của Trương Quý Hải cất lên, những người trở về từ chiến trận năm nào đều không cầm được nước mắt.

 

“Từ một sinh viên đại học Mỏ - Địa chất, tôi trở thành người lính của Sư đoàn 356. Mùa hè năm 1984, chúng tôi nhận lệnh hành quân gấp sang Hà Giang. Đến nơi, chúng tôi biết mình có nhiệm vụ rất quan trọng là đánh chiếm lại 29 cao điểm đã bị quân Trung Quốc chiếm đóng. Trận đánh đầu tiên trên cao điểm 772 rất khốc liệt. Đến bây giờ, anh em lính chúng tôi vẫn gọi nơi đó là “đồi thịt băm”. Ngay trong trận đó, chúng tôi chịu tổn thất, thương vong rất lớn: 600 đồng đội hy sinh, gần 1.000 anh em bị thương”, giọng nhạc sĩ Trương Quý Hải chùng xuống khi những hồi ức đau thương cách đây hơn 30 năm ào ạt trở về.

 

Sau trận đánh, anh lính tuyên văn Trương Quý Hải cùng anh em trong đơn vị chăm sóc thương binh và chôn cất những người đã hy sinh. Họ được cấp trên giao nhiệm vụ tìm thông tin cá nhân của những người lính vừa ngã xuống để ghi tên tuổi, quê quán lên bia mộ. “Trong hàng chục anh em hy sinh, chỉ một, hai người có thông tin”, Trương Quý Hải kể về những giờ phút không thể nào quên giữa mịt mù khói lửa Vị Xuyên - vùng đất địa đầu thiêng liêng của Tổ quốc.

 

30 năm sau trận đánh trên cao điểm 772, những cựu binh của Sư đoàn 356 năm nào tập hợp nhau và kỷ niệm ngày mở chiến dịch MB84. Nhạc sĩ Trương Quý Hải nói: “Ngày 12/7 là một ngày đặc biệt - ngày giỗ trận của Sư đoàn 356. Một ý tưởng chợt đến là nếu đặt một đài hương ở đó thì những người còn sống sẽ “gặp lại” những người đã hy sinh, thì sẽ nói gì với những người bạn đã hy sinh?”. Từ ý tưởng ấy, nhạc sĩ Trương Quý Hải sáng tác ca khúc “Về đây đồng đội ơi”. Giản dị trong giai điệu lẫn ca từ, ca khúc “hội quân” những đồng đội vẫn còn nằm lại nơi khe đá, thung sâu… trong trận chiến bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc được viết từ trái tim nhói buốt của một người lính trận. Và trong dịp kỷ niệm 30 năm Ngày mở chiến dịch MB84, cựu chiến binh Trương Quý Hải đã cùng anh em trong sư đoàn trở lại chiến trường xưa, để “gọi đồng đội trở về - những người đã chọn biên cương là quê nhà, những người mãi mãi tuổi hai mươi”.

 

Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn

Hà Giang đã ngừng chiến trận

Về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn

Đài hương 468 ta hội quân…

 

Cựu chiến binh, nhạc sĩ Trương Quý Hải (thứ hai từ phải sang) cùng đồng đội Sư đoàn 356 hát “Về đây đồng đội ơi” tại cao điểm 468 - Ảnh: Internet

 

“Hội quân” trên chiến địa năm nào

 

Nhạc sĩ Trương Quý Hải cho biết, những người lính trận trở về đã cùng nhau quyên góp làm một đài hương trên cao điểm 468 nằm giữa lòng chảo của vùng chiến địa, chung quanh là những cao điểm rất khốc liệt, như 1509, 1100, 685… Riêng cao điểm 685 có gần 50 trận đánh; cao điểm 772 có hơn 40 trận đánh; các cao điểm khác cũng có vài chục trận đánh. “Những ngôi mộ ở nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên là của anh em được quy tập, còn phần lớn đồng đội chúng tôi, xương thịt đã hóa thành đất đá biên cương. Tôi viết bài hát này dành cho những anh em mà lúc hy sinh vẫn đang ở vị trí chiến đấu, những người đã dành tuổi trẻ của mình cho công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nước Việt chúng ta”, nhạc sĩ Trương Quý Hải tâm sự.

 

Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu

Về đây có nhau như nguyện ước chiến hào

Được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình

Quân dân nồng ấm nghĩa tình.

Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi

Về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười

Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hòa

Biên cương hình bóng quê nhà.

Nhìn kia, đồng đội tôi 1509 máu thắm quân kỳ

772, 685 anh em đang về

Và kia 1100, 233 Cô Ích, Bốn Hầm

Bờ suối, dốc núi, anh em về dần

Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu…

 

Theo lời nhạc sĩ Trương Quý Hải, ngày 11/7/2014, khi anh em trong sư đoàn đến thắp hương cho đồng đội của mình tại đài hương 468, hát bài “Về đây đồng đội ơi” thì có cảm giác rất thật, như đồng đội của mình đang trở về. Và sau khi họ hát xong, một cơn mưa lớn đổ xuống, trắng trời Vị Xuyên.

 

Từ đó đến nay, mỗi khi ca khúc “Về đây đồng đội ơi” cất lên trên chiến địa năm nào, như tiếng gọi hội quân của người còn sống với những người đã ngã xuống trong những trận chiến khốc liệt bảo vệ từng tấc đất biên cương, bạn bè, người thân các liệt sĩ Vị Xuyên đều không cầm được nước mắt. Và ngay khi xuất hiện trên mạng internet, ca khúc “Về đây đồng đội ơi” đã chạm vào trái tim của rất nhiều người con đất Việt. Bạn đọc Trần Đăng Khoa viết: “Khi âm nhạc truyền tải cảm xúc đẹp, bài hát sẽ sống mãi”. 

 

Theo các tài liệu, trong tháng 4-5/1984, Trung Quốc đã mở nhiều chiến dịch dọc biên giới từ Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang đến Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh. Các đợt pháo kích của chúng đã bắn hàng trăm ngàn quả đạn pháo, cối vào các vị trí chiến lược của nước ta, nhằm chiếm đóng các cao điểm thuộc chủ quyền của nước ta.

 

Cuối tháng 6/1984, ta quyết định phản công. Mặt trận Vị Xuyên là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm biên giới phía Bắc 1984-1989. Ngày 12/7/1984, bộ đội Việt Nam mở màn chiến dịch MB84 giành lại các cao điểm do quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép trước đó. Trung đoàn 876 (Sư đoàn 356) đánh cao điểm 772; Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316) đánh cao điểm 233; Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312) đánh cao điểm 1030... Chỉ riêng trong ngày 12/7/1984, hàng trăm người lính Việt Nam đã ngã xuống trong các trận chiến bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

 

Được biết, ngày 11-12/7 vừa qua, hơn 150 cựu chiến binh ở Sư đoàn 356 năm nào đã hành hương về chiến trường xưa, dâng hương tưởng nhớ anh em đồng đội đã ngã xuống…

 

YÊN LAN 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek