Những người miền Trung yêu mến tác giả “Lá sầu riêng” vừa có dịp hội ngộ bà tại buổi ra mắt quyển hồi ký “Sống cho người - Sống cho mình”.
Bìa hồi ký “Sống cho người - Sống cho mình” - Ảnh: HẢI DƯƠNG |
Sau nhiều lần gián đoạn, cuối cùng “biên niên sử” cuộc đời “kỳ nữ” Kim Cương, người cả đời gắn với sân khấu kịch nói, đã trình làng. Trong không gian ấm cúng của Chi nhánh nhà sách Phương Nam tại Đà Nẵng có rất nhiều người mến mộ nữ nghệ sĩ, từ những người bạn chí cốt chia sẻ ngọt bùi cùng Kim Cương trong suốt gần 80 năm qua đến dăm bảy hồn thơ ái mộ mối tình huyền thoại Kim Cương - Bùi Giáng, rồi có cả những người bạn vong niên muốn biết tác giả “Trà Hoa Nữ” bằng xương bằng thịt, nên tìm đến buổi giao lưu và lặng lẽ chọn một góc nhỏ đủ nhìn bà.
Quây quần bên những người yêu mình, bằng chất giọng rặc Nam Bộ, từ tốn và điềm đạm, người phụ nữ tài hoa có 40 năm đứng dưới ánh đèn sân khấu lần lượt lật từng trang, từng trang đời mình. Nghẹn ngào nhắc lại những thăng trầm, mất mát khi chấp nhận “rút ruột” để “nhả tơ” dâng đời, song Kim Cương vẫn khẳng định mình hạnh phúc và chưa bao giờ ân hận khi chọn sân khấu. Như để minh chứng cho niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ, Kim Cương kể lại kỷ niệm ngày ở Pháp, lúc đó một người ái mộ nhận ra bà trên đường phố Paris hoa lệ. Người phụ nữ này đã nhờ nữ nghệ sĩ gọi cho chồng mình, nói lại câu “kinh điển” trong vở “Lá sầu riêng”: “Hồi nhỏ chỉ cần má cho con gói bánh gói kẹo là con đi theo má hoài. Bây giờ má cho con cả cuộc đời mà sao con không nhận hả Sang?”. “Tui được diễn cho một khán giả mà tui không thấy mặt, khán giả đồng cảm với nhân vật của tui. Đấy là cái sung sướng của tui, của người nghệ sĩ”, Kim Cương thổ lộ.
Say sưa nói về nghề, nhưng khi được hỏi về chuyện tình, nữ nghệ sĩ có phần bẽn lẽn. Chỉ khi bị MC - nhà báo Minh Đức “vây dí”, người sáng lập đoàn kịch Kim Cương mới chịu thú nhận: “Kim Cương mà không yêu thì không phải Kim Cương nữa. Tui không trốn chạy, không né tránh những đau khổ vì con người ta dù điên hay tỉnh, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người đều phải có một mối tình chân thật để sống”.
80 năm dâu bể cuộc đời được phục dựng trong gần 400 trang sách. “Sống cho người - Sống cho mình” là tinh túy mà “Nghệ sĩ có nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam” để lại cho đời sau. Hồi ký có 4 phần: Tuổi thơ nghiệt ngã, Sân khấu và cuộc đời, Những người trong đời tôi, Sống và yêu. 25 chương sách được đặt tên rất công phu: Bom nguyên tử trong biệt thự mộng hoa, Kim Cương mùa thoại kịch, Chiếc bóng bên đường… Đúng như nhà báo Minh Đức nói tại buổi giao lưu: “Tên của mỗi chương trong cuốn sách này đều có thể dùng để đặt tên cho một vở diễn hay một tác phẩm văn học”.
“… Với tôi, Kim Cương không chỉ là một kỳ nữ của sân khấu mà là một nữ hoàng, bởi vì chỉ có một nữ hoàng mới có thể tạo nên, gìn giữ và xây dựng, bảo vệ được triều đại của mình, bảo vệ được ngai vàng của mình. Đó là triều đại kịch nói Kim Cương và ngai vàng nghệ thuật sân khấu…”.
Cố GS Trần Văn Khê |
Có thể nói, cuốn sách là lược sử cuộc đời kỳ nữ, từ biến cố mất cha vào năm bà lên 9 tuổi (Chương 1: Đêm trắng Thất Ngàn), khi ở đỉnh cao danh vọng, làm chủ đoàn kịch nói và đến lúc ngừng diễn để dành thời gian đi làm từ thiện… Tuy vậy “Sống cho người - Sống cho mình” không đơn thuần là một diễn trình cuộc đời được kể theo trật tự tuyến tính, ở đó người đọc sẽ cùng đau đớn với người nghệ sĩ khi bị bội bạc trong tình yêu, nằm mê man trong bệnh viện vì bị sẩy thai và ngay khi đó, bên ngoài bức tường bệnh viện, loa quảng cáo vẫn đang vang vang về kỳ nữ Kim Cương sắc nước hương trời, về vở kịch “vĩ đại” mà kỳ nữ sắp mang đến cho khán giả.
Đọc hồi ký Kim Cương để thấy được người nghệ sĩ đã băn khoăn, trăn trở với quyết định đi hay ở sau ngày đất nước thống nhất, để rồi quyết định ở lại chỉ vì yêu “… nụ cười của xứ sở, những kỷ niệm và tình cảm của khán giả…” và đối mặt với muôn trùng sóng gió của thời cuộc, của sân khấu kịch miền Nam sau ngày giải phóng (Chương 12: Sống là chọn một con đường).
Nữ soạn giả luôn tâm niệm sống bằng chữ tình, vì chữ tình. Có lẽ vì vậy nên sau khi “Tạ ơn đời” - liveshow khép lại chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình, “Dưới hai màu áo” vẫn lặng lẽ hoạt động thiện nguyện, đúng như bà chia sẻ trong buổi giao lưu “Cái tình làm người khác với cỏ cây”. Về lý do viết hồi ký, nữ soạn giả cho hay: “Tui viết cuốn hồi ký này để trải lòng về những cay đắng, hy sinh của người nghệ sĩ sau ánh đèn sân khấu. Tui viết hồi ký là để bạn đọc thương cuộc đời nghệ sĩ nhiều hơn”.
Nghệ sĩ Kim Cương tên thật là Nguyễn Thị Kim Cương, sinh năm 1937, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời. Bà đến với sân khấu khi mới… 18 ngày tuổi, trong vai con của Quan Âm Thị Kính. Giữa thập niên 50, bà được biết đến với danh hiệu “kỳ nữ” với vai diễn trong “Giai nhân và ác quỷ”. Năm 1956, bà tiên phong sáng lập đoàn kịch Kim Cương - một trong những đoàn kịch nói đầu tiên ở Sài Gòn. Nữ nghệ sĩ là tác giả, đạo diễn sân khấu hơn 70 vở kịch nổi tiếng như: “Lá sầu riêng”, “Dưới hai màu áo”, “Trà hoa nữ”… Bà tích cực hoạt động thiện nguyện, hiện là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh.
Nghệ sĩ Kim Cương được trao các giải thưởng: Nữ diễn viên đóng nhiều vai chính nhất của Đại hội Điện ảnh Sài Gòn năm 1973, Nữ diễn viên xuất sắc nhất của Đại hội Điện ảnh Á Châu 1974, giải Lời thoại xuất sắc nhất phim “Chiếc bóng bên đường” tại Đại hội Điện ảnh Á Châu 1974, được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam.
Bà được trao tặng Huân chương Lao động hạng ba (2004), Huân chương Lao động hạng nhì (2009), được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2012. |
HẢI DƯƠNG