Bàng Sĩ Nguyên là nhà thơ, hoạ sĩ xuất hiện từ thời chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc. Ông là em ruột của nhà thơ Bàng Bá Lân, cha và ông trong một gia đình có nhiều người làm văn học nghệ thuật. Ở tuổi 92, nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên vừa lặng lẽ và thanh thản từ giã cõi trần tại TP Hồ Chí Minh.
Đối với giới hội họa, Bàng Sĩ Nguyên được biết đến là hoạ sĩ vẽ nhanh như có phép thuật bằng mười ngón tay không cầm cọ. Ông vẽ tranh nghệ thuật và tranh cổ động. Tranh của ông vẽ rất nhiều, được giới sưu tập trong và ngoài nước quan tâm. Cả những bức tranh ông vẽ dang dở, vứt đi, nhưng có người âm thầm lượm trở lại và tập hợp thành bộ. Ông cũng từng có những cuộc triển lãm tranh gây tiếng vang từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước ở Hà Nội.
Còn với thế giới văn chương, Bàng Sĩ Nguyên làm thơ viết truyện và sớm nổi tiếng với bài thơ “Vợ chồng đi chợ xuân” sáng tác từ đầu thập niên 50 ở chiến khu Việt Bắc, đi vào lòng người yêu thơ nhiều thế hệ. Bài thơ tái hiện bức tranh sinh động bằng ngôn ngữ về đời sống văn hóa truyền thống của người H’Mông, gồm 6 khổ, với 2 khổ mở đầu:
Núi rừng xa mờ xanh với xanh
Đường non như lưng rồng uốn khúc
Vợ ngồi lưng ngựa vợ đi trước
Chồng nắm đuôi ngựa chân theo nhanh
Vợ chồng xuống núi đi chợ xuân
Sương sớm còn che như lấp lối
Vó ngựa cuốn nhanh chồng ríu chân
Vợ thương ghìm cương dừng ngựa lại.
Vào giai đoạn này, nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên còn có bài thơ bốn chữ “Tắm trong lửa” rất độc đáo nói về sinh hoạt khắc khổ của người lính trong hoàn cảnh hiểm nghèo: Mình đã bị vây/ Đèo khô núi xác/ Nước uống trữ được/ Nước tắm chẳng còn// Lấy nước thì lộ/ Tắm lửa mà hơn/ Đào hầm thoát hỏa/ Thay nhau nhảy vào// Nóng không chịu nổi/ Mấy tay chạy nhào/ Nhiều tay kéo lại/ Chú mình trốn sao// Cứ phải chịu nóng/ Đừng cào rách da/ Cho mồ hôi ra// Khắp mình nhẫy bóng// Ta như đất sống/ Nung chín dựng nhà/ Ta hoá thành thép/ Ra lò lửa nung// Đầu đau thay lửa/ Lưỡi ráo da khô/ Lửa than tàn hết/ Mắt hoa đất trời// Xong cơn tắm ác liệt/ Tay chống súng yên ngồi.
Rõ ràng thơ Bàng Sĩ Nguyên là sự hoà quyện giữa thi ca và hội hoạ, với những tứ thơ giàu thi ảnh, gần gũi với đời sống và đầy chất sử liệu. Người đọc thế hệ sau đọc những bài thơ thời chống Pháp của ông hiểu hơn cuộc sống gian khổ, khắc nghiệt nhưng cũng không kém lãng mạn của người lính giữa chiến trường.
Nhà thơ, hoạ sĩ Bàng Sĩ Nguyên tên khai sinh là Bàng Khởi Phụng, vốn thuộc dòng dõi nhà Lý, nhưng do hoàn cảnh lịch sử bi thương phải đổi thành họ Bàng. Quê làng Đôn Thư, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, song ông được sinh ngày 13/8/1925 tại Bắc Giang trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học và sáng tạo văn học nghệ thuật. Ông cũng là cha của bảy người con và mấy mươi người cháu mà phần lớn đều đi theo con đường văn hoá...
Bàng Sĩ Nguyên vốn theo học Trường tư thục Thăng Long - Hà Nội. Tinh thần yêu nước của ông được nhen nhóm từ ngôi trường nổi tiếng này. Ông cùng bạn học nhiệt tình đóng kịch, mít tinh, biểu tình chống chính quyền Pháp, Nhật. Cách mạng Tháng Tám thành công chưa được bao lâu, quân Pháp tái xâm lược, ông lên chiến khu tham gia kháng chiến, làm báo quân đội và sáng tác văn học. Bàng Sĩ Nguyên hợp cùng với Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Hữu Loan, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Chính Hữu, Hoàng Lộc… tạo nên thế hệ nhà thơ chống Pháp ngay trên chiến trường.
Từ năm 1954 về sau, nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên chuyển ngành ra khỏi quân đội, làm biên tập viên tuần báo Văn Nghệ, NXB Văn học, NXB Tác phẩm mới (nay là NXB Hội Nhà văn) cho tới khi nghỉ hưu tại TP Hồ Chí Minh. Ông là một người đa năng, ngoài làm báo, làm thơ, viết truyện, vẽ tranh, còn nghiên cứu và giảng dạy lý luận, triết học.
Gần 65 năm sáng tác, nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên đã xuất bản các tập thơ: “Mùa hoa trên núi” (1957), “Ban đầu” (1959), “Ánh thép” (1961), “Trên mảnh đất của tình thương” (1966), “Nay mình hái quả” (1972), “Người con gái Bắc Sơn” (1973), “Hồn nhiên” (1979), “Khúc nhạc trầm hồn ngây dại” (2006) và các tập truyện: “Niềm vui”, “Cô giáo Tày Võ Thị Rinh”, “Phá thác”, “Cành lên lộc non”… Nhà thơ Bàng Ái Thơ, con gái của nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên, cho hay ông còn bản thảo một số tập thơ chưa xuất bản.
Sinh thời, nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên tự thuật rằng: “Tôi vì khổ đau, vì khát vọng mà viết, mà cũng vì truyền thống gia đình như lời cha tôi thường bảo “nhà ta ai cũng phải cầm lấy cây bút mà sống”. Tôi không chịu ảnh hưởng hoặc chạy theo một phương pháp hay bút pháp sáng tác của ai. Tôi nghĩ đã làm tròn bổn phận”.
Đã là con người thì ai cũng có lúc thăng lúc trầm, lúc vui lúc buồn, thậm chí những uẩn khúc khó thổ lộ cùng ai. Nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên cũng không tránh được điều ấy. Dù con cháu thành đạt và tạo mọi điều kiện cho ông, nhưng gần 30 năm cuối đời ông chọn cách sống ẩn dật và khiêm cung một mình tại TP Hồ Chí Minh, sau khi về hưu và được chính quyền thành phố cấp cho một căn hộ, để làm thơ, vẽ tranh và nghiên cứu triết học, nhất là thiền học. Vốn am hiểu nghề thuốc từ truyền thống gia đình nên ông còn tự chữa trị mọi căn bệnh cho mình, không bao giờ đi bệnh viện.
Mặc dù gần như ở ẩn nhưng khi sức khỏe cho phép thì nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên vẫn tham gia những hoạt động văn học và mỹ thuật của thành phố. Ngày Thơ Việt Nam đầu xuân 2016 vừa qua, từ chiều, ông đã có mặt đi dạo quanh thăm các lều thơ và ngồi tề chỉnh theo dõi xuyên suốt chương trình thơ trên sân khấu…
Mới đây, có lẽ tự thấy “làm tròn bổn phận” của 92 năm trên cõi đời đầy đam mê sáng tạo, ông đã lặng lẽ ra đi, để lại một di sản văn học và hội hoạ đáng quý. Ông thanh thản trở về hư vô và có lẽ sớm hội ngộ với những tri âm tri kỷ tài hoa cùng một thời vào sinh ra tử, trải bao hỉ nộ ái ố trên trần gian, trong đó có người anh ruột Bàng Bá Lân - nhà thơ của hai câu thơ nổi tiếng đi vào ca dao: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi”.
PHAN HOÀNG