Chủ Nhật, 06/10/2024 11:19 SA
Nghệ thuật bừng lên từ Cách mạng Mùa Thu
Chủ Nhật, 02/09/2007 07:08 SA

Nước Việt Nam mới ra đời ngày 2/9/1945, định vị trên bản đồ thế giới. Cách mạng đã làm cả dân tộc đổi đời, giới văn nghệ sĩ có một sức sống mới. Một nền nghệ thuật mới đã hừng lên.

 

070901-vancao.jpg

Nhạc sĩ Văn Cao - người sáng tác bài “Tiến quân ca”, sau này được chọn là Quốc ca Việt Nam. - Ảnh: TƯ LIỆU

Cuộc khởi nghĩa tháng Tám thực sự là cơn bão táp Cách mạng xua tan mây mù nô lệ, dân tộc Việt Nam vùng lên đứng dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Nền độc lập, dân chủ được thiết lập. Nước Việt Nam mới ra đời ngày 2/9/1945, định vị trên bản đồ thế giới. Cách mạng đã làm cả dân tộc đổi đời, giới văn nghệ sĩ có một sức sống mới. Một nền nghệ thuật mới đã hừng lên.

 

Sôi nổi nhất là phong trào âm nhạc. Từ những năm đầu thập niên 1930, trong xu thế phát triển của phong trào yêu nước, phong trào giải phóng dân tộc ngày càng dâng cao đã xuất hiện khuynh hướng cách mạng trong giới tân nhạc, vận dụng âm nhạc, ca hát như một công cụ tuyên truyền, cổ vũ tinh thần đấu tranh của quần chúng nhằm lật đổ ách thống trị của thực dân, giành lại chính quyền về tay nhân dân. Tác phẩm đầu tiên của dòng âm nhạc này được ra đời trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931, đó là bài hát “Cùng nhau đi hồng binh” của Đinh Nhu, một chiến sĩ cách mạng. Tiếp sau đó hàng loạt nhạc phẩm hừng hực khí thế tranh đấu xuất hiện, đỉnh cao là các tác phẩm “Chiến sĩ Việt Minh”, “Tiến quân ca” của Văn Cao; “Du kích ca” của Đỗ Nhuận; “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi.

 

Cách mạng tháng Tám thành công, một không khí phấn khởi bừng lên khắp 36 phố phường Hà Nội. Đời sống âm nhạc thủ đô trở nên sôi động với những bài ca cách mạng vang lên khắp phố phường. Các bài hát như “Dân quân Việt Nam” của Phạm Ngữ; “Chiến sĩ Việt Nam” của Văn Cao; “Việt Nam thống nhất” của Phạm Sĩ Chu được nhạc sĩ Minh Tâm hướng dẫn cùng Ban quân nhạc Vệ quốc đoàn do Đại úy nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên chỉ huy.

 

Hoạt động ca hát quần chúng đã diễn ra sôi nổi hào hùng, tưng bừng khí thế, góp phần đáng kể vào việc tạo nên một không khí phấn khởi vô bờ, cổ vũ tinh thần cách mạng của nhân dân thủ đô trong những ngày đầu khởi nghĩa. Một đội ngũ nhạc sĩ cách mạng đã ra đời với những tên tuổi như Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Phạm Đình Sáu, Lưu Bách Thụ, Bùi Công Kỳ, Xuân Oanh, Phan Huỳnh Điểu, Doãn Mẫn, Hoàng Quý, Nguyễn Hữu Hiếu... Các nhạc sĩ như Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Đức Toàn, Lê Yên, Lê Lôi, Văn Chung, Lương Ngọc Trác, Huy Du, Nguyễn Đình Phúc, La Thăng có những nhạc phẩm làm vang động lòng người. Đây là những nhạc sĩ sau này đã lên chiến khu khi cuộc toàn quốc kháng chiến bùng nổ, là nền móng cho nền âm nhạc cách mạng hình thành, phát triển, đóng góp tích cực và hiệu quả cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ và xây dựng Chủ nghĩa xã hội của đất nước.

 

Cùng với âm nhạc, phong trào sân khấu cũng phát triển chưa từng có, đặc biệt là bộ môn kịch nói. Các ban kịch liên tiếp được thành lập, như Ban kịch Đông Phương, Ban kịch Hoa Lan, Ban kịch Bình Dân, Ban kịch Tháng Tám… Đặc biệt là Ban kịch Độc lập của nghệ sĩ Sĩ Tiến còn vào tận miền Nam, đến đâu diễn đó. Ban kịch Thế Lữ hội tụ các trí thức văn nghệ sĩ nổi tiếng dàn dựng nhiều vở kịch ngắn phục vụ kịp thời cho quần chúng. Đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên sân khấu cũng hình thành, khá hùng hậu. Tác giả có các tài danh như Học Phi, Nguyễn Văn Niêm, Lưu Quang Thuận, Hoàng Như Mai, Trần Huyền Trân, Hàn Thế Du, Nguyễn Khắc Dực (tức Kính Dân)...

 

Đặc biệt, với tác phẩm kịch Bắc Sơn, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã đặt nền móng cho kịch nói cách mạng. Nhiều vở kịch do nghệ sĩ Thế Lữ, Trần Hoạt, Hoàng Tích Linh dàn dựng đã được công diễn trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội ngay thời kỳ cách mạng thành công. Đội ngũ nghệ sĩ ra đời trong bão táp cách mạng sau này hầu hết đều đi theo kháng chiến, xây dựng phong trào sân khấu mới phụng sự cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc thời chống Pháp, càng ngày càng lớn mạnh trong kháng chiến chống Mỹ và sau này, trong công cuộc xây dựng đất nước.Thật tự hào cho văn nghệ sĩ đã cùng dân tộc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, mang tài năng, trí tuệ với khí thế công dân - nghệ sĩ hiến dâng cho cách mạng, cho Tổ quốc mình, nhân dân mình. Tất cả hừng lên từ mùa Thu ấy, mùa Thu Cách mạng!  

 

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sự trở lại của Spice Girls
Thứ Bảy, 01/09/2007 07:29 SA
Mỗi lần đến còn mang theo bí mật?
Thứ Năm, 30/08/2007 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek