Thứ Bảy, 18/01/2025 11:59 SA
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Phạm Thanh Phong: Nhà báo phải có tâm, có tầm
Thứ Ba, 21/06/2016 07:56 SA

Nhà báo Phạm Thanh Phong trao giải báo chí tỉnh Phú Yên lần thứ IX/2015 cho các tác giả - Ảnh: M.KÝ

Bằng niềm đam mê nghề, các nhà báo đã bám sát thực tiễn, phản ánh trung thực, kịp thời mọi mặt đời sống, thể hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội… Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), phóng viên Báo Phú Yên phỏng vấn nhà báo Phạm Thanh Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, về những vấn đề mà hội viên đặc biệt quan tâm.

 

* Thưa ông, trước sự phát triển không ngừng của báo chí, Hội Nhà báo Phú Yên làm gì để nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho phóng viên, hội viên?

 

- Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổthông tin, trong đó báo chí giữ một vai trò to lớn và hết sức quan trọng. Để làm tốt công việc của mình, trước hết nhà báo không được tự hài lòng, tự thỏa mãn mà phải không ngừng học tập, bồi dưỡng đểnâng cao năng lực vềmọi mặt. Về phần Hội Nhà báo tỉnh, thông qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Trường Chính trị tỉnh, Hội sẽ tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề về thời sự trong nước, trong tỉnh, mở các lớp quán triệt nghị quyết của Đảng, đặc biệt là tiếp tục quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới; tiếp tục quán triệt nội dung, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng và quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Mỗi năm, Hội Nhà báo phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tổ chức ít nhất một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên, tạo điều kiện cho anh chịem hội viên tham gia các hội thảo, tập huấn kết hợp với tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp ởcác tỉnh trong nước, tùy theo điều kiện và khả năng có thể.

 

* “Vì sao ta viết, vì sao ta không viết?” - câu hỏi này liệu có quá khó đối với các nhà báo hiện nay, thưa ông?

 

- Theo tôi, câu hỏi này khó hay dễ, khó đến mức nào tùy thuộc vào bản thân các nhà báo. Trước hết, nhà báo cần phải xác định rõ mục đích viết: Ta viết cho ai, viết để làm gì, để rồi ta sẽ viết như thế nào? Trong xã hội có nhiều giai tầng, song tuyệt đại đa số là nhân dân lao động. Chúng ta đã và đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân và vì dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cái gì có lợi cho dân, dù nhỏ, cũng phải cố gắng làm. Cái gì có hại cho dân, dù nhỏ, cũng phải tránh”. Một khi đã nhận thức rõ điều này thì việc trả lời câu hỏi “Vì sao ta viết, vì sao ta không viết?” sẽ không còn là quá khó đối với các nhà báo.

 

Tất nhiên, bên cạnh những yêu cầu về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, một đòi hỏi không thể thiếu đối với nhà báo đó là bản lĩnh, nhất là trước những vấn đề có tính gai góc, nhạy cảm.

 

* Theo ông, đâu là những điều kiện “cần” và “đủ” để báo chí phát huy tốt vai trò phản biện xã hội?

 

- Thuật ngữ “phản biện xã hội” được sử dụng chính thức trong Báo cáo chính trị Đại hội X của Đảng. Tại Đại hội Đảng lần thứ XI, Đảng chính thức ghi nhận, yêu cầu nền báo chí cách mạng Việt Nam nhận thêm vai trò nhiệm vụ phản biện xã hội. Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “Chú trọng, nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng, vì lợi ích của nhân dân và đất nước”. Như vậy, để phát huy tốt vai trò phản biện xã hội, theo tôi, nhà báo phải có cái tâm, nghĩa là phải có trách nhiệm xã hội. Mọi sự phản biện xã hội trên báo chí phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của nhà báo, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của nhân dân, và phải nhằm tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội. Đây chính là điều kiện “cần”. Còn điều kiện “đủ” là nhà báo phải có “tầm”, tức là có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ và có bản lĩnh.

 

Áp lực của người làm báo là phải có tin nhanh, tuy nhiên thông tin phải đảm bảo tính chính xác, phải phản ánh được bản chất sự thật. Việc này đòi hỏi người làm báo phải có trình độ nghiệp vụ và lao động nghề nghiệp một cách nghiêm túc. Tinh thần chống tiêu cực trên báo chí là chống để xây, nhưng không chỉ chống tiêu cực mới là phản biện xã hội. Báo chí cần phải tuyên truyền về những nhân tố mới, gương người tốt việc tốt, điển hình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, động viên tinh thần và cân bằng xã hội. Xã hội có rất nhiều điều tốt đẹp cần phải được nhân rộng.

 

* Thời gian gần đây, tình trạng một số nhà báo bị cản trở, hành hung khi đang tác nghiệp khiến những người làm nghề này không khỏi băn khoăn, lo lắng. Hội Nhà báo Phú Yên sẽ làm những gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên?

 

- Không phải ngẫu nhiên mà nghề báo được xếp vào một trong 10 nghề có độ nguy hiểm cao trong xã hội. Nhà báo bị cản trở, hành hung khi đang tác nghiệp là thực trạng chung chứ không riêng gì ở nước ta, tỉnh ta, điều đó nói lên tính chất nguy hiểm của nghề này. Với trách nhiệm là nơi tập hợp, là mái nhà chung của anh chị em hội viên, khi có trường hợp nhà báo bị cản trở, hành hung trong khi đang tác nghiệp, Hội Nhà báo tỉnh sẽ nhanh chóng tiếp cận vụ việc, sớm gửi văn bản đến các cơ quan chức năng yêu cầu can thiệp, nhằm bảo vệ hội viên.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek