Thứ Hai, 14/10/2024 17:17 CH
Nghiệp bút
Chủ Nhật, 19/06/2016 10:00 SA

Ảnh: M.NGUYỆT

Hiện tôi không sống bằng nghề cầm bút nhưng nếu bỏ thì không được, âu là nghiệp (?!). Cái nghiệp này cụ Nguyễn Du đã nói: “Trót mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Mà không thể trách trời chỉ tại do người “đa đoan”, và như nhạc sĩ Phú Quang đã tự bạch: “Kẻ đã trót dấn thân vào trò chơi sáng tạo là kẻ tự hành xác mình đến cùng chẳng phút bình yên”… Rồi người yêu nghề sống tâm huyết với nghề cũng phải buồn khổ nhiều lắm như bài thơ “Tự thú” của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Người yêu thơ chết vì những đòn văn/ Người say biển bị dập vùi trong sóng/ Người khao khát ngã vì roi mơ mộng/ Ta yêu mình tan nát bởi mình ơi”. Ấy vậy nên cổ nhân có câu: “Lập thân tối hạ thị văn chương”…

 

Thường thì vợ của các nhà văn, nhà thơ phải khổ vì tính “gàn” của các ông chồng; rồi tính khí bốc đồng, tâm hồn “treo ngược cành cây” của các ông làm ra thơ, nhưng ít... ra tiền. Bản thân tôi nghiệm thấy con đường văn nghiệp rất gian nan nên các bậc thi nhân tiền bối, đàn anh... họ hay hướng con cái đi con đường khác. Nhiều khi tôi phải gò lưng trên trang viết: “Cắn cỏ ngậm vành đêm suốt sáng/ Trở trăn con chữ để làm chi”... thì cũng có nhiều bài viết được đăng ngay, mà cũng có nhiều bài mãi chỉ là bản thảo. Bạn bè tôi có người sống được bằng nghề viết, có người sống bằng nghề khác, nhưng rất vui khi tình cờ bắt gặp bút danh hay chính danh của họ trên một tờ báo, tạp chí nào đó.

 

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, văn - thơ cũng “rầm rộ” phát triển theo. Người ta cho rằng đó là “lạm phát” thơ nên có nhiều ý kiến trái ngược nhau nhưng tôi tâm đắc với lời nói của anh Phan Xuân Luật (Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên) đăng trên Báo Phú Yên ngày 10/10/2013: “Nhiều người làm thơ có sao đâu...”. Theo tôi, càng nhiều người làm thơ, viết văn, viết báo càng tốt... bởi viết hay, không hay họ đều hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ. Âu cũng là thêm một điều đúng, bớt đi một điều sai...

 

Lại nói về nghề làm báo, còn nhớ trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nước Nga Xô viết, có giai thoại kể rằng: Thời kỳ đó rất gian khổ, thiếu thốn, người Nga hút thuốc lá (theo kiểu hút thuốc rê của dân mình) không có giấy phải lấy giấy báo để hút, nhưng khi thấy bài viết của I-li-a-Ê-ren-bua (1891-1967) thì họ không bao giờ xé. Họ tôn trọng từng câu chữ của nhà báo, nhà văn mà họ yêu mến. Rồi Biêlinxki đã nói: “Người nghệ sĩ lớn phải nói lên tiếng nói của dân tộc, của thời đại. Chỉ có những nhà văn bé nhỏ nói lên tiếng nói bé nhỏ của bản thân mình...”. Từ đó cho chúng ta một điều rất đáng suy nghĩ, tuy không thể nói lên tiếng nói dân tộc, thời đại... thì ít ra trong mỗi bài viết cũng có cái chung của mọi người. Chỉ mong có những bài viết về văn, thơ, báo... dù hay, chưa hay nhưng đong đầy cảm xúc chân thành, rung động theo từng con chữ của người viết.

 

HOÀNG CƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek