Thứ Hai, 14/10/2024 17:16 CH
Người phổ biến hát then miền sơn cước
Thứ Ba, 14/06/2016 14:00 CH

Vốn là một cán bộ văn hóa được đào tạo chuyên môn hát then, cùng với tình yêu môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc Tày, ông Nguyễn Đình Sao (SN 1956, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh) vẫn đang miệt mài tham gia phát triển phong trào hát then tại địa phương.

 

Ông Nguyễn Đình Sao bên cây đàn tính - Ảnh: T.DIỆU

 

GẮN BÓ LÂU NĂM VỚI HÁT THEN - ĐÀN TÍNH

 

Ông Nguyễn Đình Sao vốn là sinh viên người Tày theo đuổi chuyên ngành Hát then - đàn tính tại Trường trung học Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội (nay là Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội). Sau đó, ông Sao công tác tại Phòng VH-TT huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) quê nhà với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển phong trào hát then trong quần chúng nhân dân.

 

Tuy nhiên có câu “cơm áo không đùa với khách thơ”, với đồng lương công chức văn hóa ít ỏi, ông Sao không thể đảm bảo được cuộc sống cho gia đình khi các con mình đang tuổi ăn tuổi lớn và đến trường. Lúc ấy, bà con hàng xóm cho hay vùng đất Sông Hinh của Phú Yên đất rộng người thưa, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Thế là năm 1993, gia đình ông Sao dìu dắt nhau tới vùng đất mới.

 

Ông Sao nói: “Hát then - đàn tính đã gắn bó với tôi từ thuở nhỏ. Xa quê hương, nỗi nhớ quê trong tôi càng thêm sâu nặng. Vì vậy mà ngày nào, tôi cũng đàn hát cho vơi đi nỗi nhớ”.

 

Giọng hát thiết tha, tiếng đàn dìu dặt, ông Sao thể hiện “ngón nghề” của mình một cách say sưa. Bài hát then cổ “Tiễn khách” được ông hát bằng chất giọng đặc trưng của người Tày mang đến cho người nghe cảm giác tiếc nuối về một cuộc vui sắp tàn. Ông Sao chia sẻ: “Hát then không dễ vì người hát thường phải chơi nhạc cụ là đàn tính hoặc bộ xóc nhạc. Trong khi trình diễn, người nghệ sĩ còn phải kết hợp với các điệu múa dân gian nữa”.

 

Trong câu chuyện của ông Sao mở ra thế giới nghệ thuật trình diễn hát then phong phú. Hát then là cầu nối giữa nhân gian và trời (then có nghĩa là trời). Thông qua nghi thức hát then, con người thể hiện lòng thành kính và mong muốn các vị thần sẽ phù hộ cho gia đình, cộng đồng có được mọi sự may mắn và tốt lành.

 

Như chưa bộc bạch hết điều muốn nói về nghệ thuật hát then, ông Sao cao hứng hát thêm bài then “Ea Ly quê mình”. Ông Sao nói: “Bài hát này là do tôi viết nhạc đấy! Tôi còn viết bài then “Sông Hinh quê tôi” nữa. Tôi yêu vùng đất này. Vì vậy, hình ảnh con người và vùng đất Sông Hinh cứ tự nhiên ngân lên thành lời ca, điệu nhạc thôi”.

 

Bà Nguyễn Thị Nhung, cán bộ VH-TT xã Ea Ly, cho biết: “Ông Sao am hiểu sâu rộng loại hình nghệ thuật hát then - đàn tính. Ông thuộc nhiều bài hát then và hiểu rõ về không gian diễn xướng truyền thống của người Tày - Nùng chúng tôi. Ông Sao đã truyền tình yêu âm nhạc dân tộc đến với những người trẻ như tôi”.

 

NHIỆT TÌNH CỐNG HIẾN

 

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, ông Sao luôn phát huy sở trường hát then của mình tại các hội diễn văn hóa - văn nghệ quần chúng địa phương. Ông cũng âm thầm truyền thụ kỹ năng đàn hát cho những người yêu mến làn điệu then của dân tộc mình.

 

Năm 2013, ở tuổi 57, không còn phải lo toan với cuộc mưu sinh, ông Sao trở thành thành viên trụ cột tham gia thành lập Câu lạc bộ Hát then thôn Tân Lập do Phòng VH-TT huyện Sông Hinh quản lý.

 

Bà Lương Thị Hỷ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát then thôn Tân Lập, cho biết: “Anh Sao bỏ nhiều công sức truyền dạy cách đàn, cách hát then cho các thành viên câu lạc bộ rất bài bản. Những người trẻ tuổi còn được học trên nền nhạc lý cơ bản. Anh Sao cũng là người duy nhất trên địa bàn huyện hiện nay có thể chế tạo đàn tính. Đến nay, câu lạc bộ chúng tôi đã tập hợp được 20 thành viên hát then thường xuyên, trong đó có thành viên ở độ tuổi 20”.

 

Hiện nay, Câu lạc bộ Hát then thôn Tân Lập liên tục tham gia các hội diễn văn hóa - văn nghệ trên địa bàn huyện Sông Hinh cùng nhiều cuộc giao lưu trong và ngoài tỉnh. Câu lạc bộ này đã kết nối được những người yêu âm nhạc cổ truyền trong cộng đồng Tày - Nùng trên địa bàn huyện Sông Hinh, nhưng ông Sao vẫn không khỏi trăn trở. Để có một tiết mục hát then hoàn chỉnh tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng, những thành viên đã biết đàn, biết hát then từ trước phải luyện tập trong 15-20 ngày. Trong khi đội văn nghệ biểu diễn trong Câu lạc bộ Hát then thôn Tân Lập phần lớn là người lớn tuổi.

 

Ông Sao cho biết: “Nhiều người rảnh rỗi còn không học đàn hát then được, nói chi người trẻ tuổi đang có sẵn các hình thức sinh hoạt âm nhạc giải trí dễ dàng và tiện lợi hơn việc tập đàn tính, hát then. Hiện nay, các bạn trẻ chỉ nói tiếng phổ thông mà không nói được ngôn ngữ của người Tày một cách chuẩn âm, nên việc phổ biến các làn điệu then cổ rất khó khăn và đang bị mai một. Vì vậy, tôi luôn cố gắng động viên các bạn trẻ có năng khiếu học hát, trước tiên là bằng cách tặng cho bạn ấy một cây đàn tính”.

 

Trong chương trình hội diễn phục vụ cho Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên năm 2016 diễn ra tại Sông Hinh vào cuối tháng 6 này, dự kiến sẽ có phần trình diễn làn điệu hát then của Câu lạc bộ Hát then thôn Tân Lập. Câu lạc bộ này đã đóng góp tích cực vào sự phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng trên địa bàn huyện Sông Hinh. Trong đó, ông Nguyễn Đình Sao giữ vai trò nòng cốt với các hoạt động truyền dạy, sáng tác và biểu diễn hát then - đàn tính.

 

Ông Trần Trung Dũng, Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Sông Hinh

 

DIỆU ANH 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek