Thứ Hai, 14/10/2024 19:21 CH
Bắc ghế ngồi trông… - truyện ngắn của BÙI QUANG DŨNG
Thứ Hai, 30/05/2016 07:00 SA

Minh họa: PV

Bà cụ có cái thú cứ sáng ra khi đã ăn xong nửa chén mì, uống hết ly tam thất pha mật ong, đả thêm lưng chén rượu ngâm cao ngựa là bắc ghế ra trước cửa mà trông. Bà trông cái gì ấy à? Trông xem hàng xóm có đánh nhau không? Trông người ta đến xiết nợ nhau. Quan trọng hơn bà trông bảy cái phòng trọ của mình xem đứa nào dẫn trai về nhà, đứa nào ngủ với gái qua đêm. Rồi thấy đứa nào đi qua là bà níu lại thì thầm nhỏ to. Gặp đứa này nói xấu đứa khác, tầm đến trưa là đủ một vòng không thiếu mặt ai. Bà thủng thẳng đứng dậy vào cắm cơm nấu cháo cho ông. Nửa ngày còn lại bà xem phim “Cô dâu tám tuổi” phát lại trên TodayTV vào buổi trưa. Đánh một giấc thẳng cẳng đến xế chiều rồi thức dậy ngó quanh một lượt khắp xóm trọ. Nếu không có gì biến động thì bà chửi qua quýt vài câu bâng quơ rồi thôi. Ôi cái thú của người già thật kỳ. Tú từng có lúc phát điên lên vì cái thói săm soi và đa nghi như Tào Tháo của bà. Ấy thế mà mấy ngày hôm nay vắng bà bắc ghế ngồi trông lại thấy thiếu vắng làm sao. Xóm im ắng hẳn, đi qua đi lại vắng cái níu tay yếu ớt. Vắng tiếng gậy cồm cộp gõ xuống đất đuổi lũ chim bồ câu hàng xóm bay sang ị bậy khắp nơi. Tú dọn nhà, mang phơi đồ đạc ngoài ngõ trọ mà thoáng cái đã có ai đó đã đẩy cửa vào thó trộm. Bình thường, bà cụ mà bắc ghế ngồi đó thì trộm cắp đừng có hòng dòm ngó.

 

Bà cụ thành phố khiến Tú nhớ đến người mẹ già lấm lem chân chất ở một xó quê xa lắc. Mẹ Tú tuổi cũng gần tám mươi, còn minh mẫn lắm chỉ tội lưng đã còng nhiều. Mờ sáng, con cháu vẫn còn chui trong mền thì mẹ đã dậy. Xỏ đôi dép nhựa đã đứt quai, mẹ lê loẹt quẹt khắp từ sân ra ngõ. Sau khi quét sạch trơn đám lá cuối mùa rụng khắp nơi, mẹ quay vào bếp chiên cơm cho con cháu, đặt nồi nước sôi cho ông pha trà. Tú đi xa nhớ đến ứa nước miếng món cơm chiên dưa, thêm ít tôm khô của mẹ. Biết Tú thích ăn giòn nên mẹ thường để phần cơm đáy chảo. Cũng có hôm mẹ thay cơm bằng nồi khoai luộc, bở tơi, thơm nức mũi. Nhưng lũ cháu không thích, chúng đòi ăn mì tôm nấu trứng hoặc mì trắng nấu cùng thịt băm. Mẹ cũng chiều hết, bếp củi nhập nhèm là vậy mà con cháu đứa nào cũng có bữa sáng bốc hơi nóng hổi trên tay. Buổi sáng của mẹ thường im lặng không lời. Mẹ lầm lũi làm xong từng ấy công việc thì ngồi cười nhìn lũ con cháu húp xì xụp, nhai rau ráu, vừa ăn vừa thổi. Đến cả nụ cười của mẹ cũng không mấy khi thành tiếng. Cứ móm mém hiền lành, chân chất cũng đủ nhớ thương đau đáu một phận người…

 

Bà cụ thành phố không có những buổi sáng dậy từ lúc mờ sương. Dù con mực cứ sủa đinh tai nhức óc suốt từ năm giờ sáng. Nó sủa người đi tập thể dục ngoài đường, sủa mấy bà thồ rau ra chợ, sủa con mèo cứ căng cựa đòi được chạy nhảy. Và có khi nó bực quá mà sủa, sủa cho hai người già phải chịu ngồi dậy, mở cửa, thả tung sợi xích. Cả đêm ngồi một xó chắc nó cuồng chân, mà mấy con chó phốc của hàng xóm thì đã được tự do chạy nhảy từ lúc trời sáng nhìn rõ mặt người. Bà cụ bắt đầu chậm chạp đi nhóm bếp than. Bếp bén lửa cũng là lúc đi đặt ấm nước pha mì trong khi ông ngồi ngoài sân đập mấy viên gạch sỉ thay ổ cho mèo. Ngày nào cũng vậy, bà cụ sẽ chửi vung vít những con vật trong nhà vì tội đái bậy, tội cắn xé hộp xốp bay tứ tung, tội ăn thì lắm mà lười lao động cả đêm chẳng vồ được con chuột nào. Nhắc đến lũ chuột mới điên làm sao, chúng chạy ầm ầm trên nóc nhà không tài nào ngủ được. Dầu ăn chúng cắn chảy lênh láng khắp bếp, lọ nước dừa kho thịt, mấy gói bột canh, mì tôm sống… chẳng có thứ gì là chúng không dúi cái mồm hôi hám lùng sục. Bà chửi cho đến khi bưng tô mì trên tay giục ông ăn nhanh cho nóng. Chừng đó âm thanh đủ khuấy động cả xóm trọ vào buổi sáng. Những gã đàn ông làm ca đêm về ngủ muộn đã nhiều lúc muốn phát điên với thói càm ràm của bà cụ. Có lúc họ còn bảo nhau phải tìm cách bịt mõm con mực bằng riềng mẻ. Chứ cái tiếng sủa buốt óc của nó hại não vô cùng.

 

Tú về đây ở trọ từ lúc mới ra trường, ngót nghét cũng đã tám năm. Giá phòng trọ rẻ bèo, hợp với túi tiền của những người lao động nghèo và của cả tụi trí thức lương bèo bọt như Tú. Mỗi tội nhà cửa xập xệ cả rồi. Phòng nào cũng chuột bọ đầy, nắng thì nóng mà mưa thì dột. Trần nhựa khô giòn vì chịu sức nóng đã nhiều năm. Bọn Tú phải tìm cách vá víu hết lần này đến lần khác. Ông bà già rồi không thay sửa được. Tất cả đều phải tự túc khắc phục nên cuộc sống lúc nào cũng tạm bợ vậy thôi. Mãi rồi cũng quen, đến lúc thu nhập khá hơn, có thể thuê được một căn phòng tử tế khác nhưng Tú chẳng nỡ chuyển đi. Đồ đạc lịch kịch đã đành, đi ra ngoài thuê được chỗ tử tế thì chẳng sao. Lỡ thuê phải nơi an ninh không tốt thì có ngày trộm khoét cả phòng. Nhưng hình như đó cũng không phải lý do chính để Tú dùng dằng mãi nơi hôi hám này. Nhiều lúc Tú tự hỏi có phải mình vì bà cụ kia không? Vì cái dáng bắc ghế chờ trông vừa phiền phức lại vừa tội nghiệp. Nói ra thì chẳng ai tin, nhưng chính những tiếng chửi bới buổi sáng cũng làm Tú muốn gắn bó với nơi này. Bà cụ như chính là nơi cất giữ hình ảnh của người mẹ già nơi quê nhà xa lắc. Cũng tóc bạc da mồi, cũng bàn tay run rẩy khi lặt rau vo gạo. Cũng cái dáng lầm lũi dù bên lặng câm bên ồn ã. Và thỉnh thoảng khi Tú đi chơi về khuya, bà cụ thành phố đứng đâu đó trong vườn nhà ngó ra hỏi “về muộn thế con”. Những lúc ấy Tú khựng lại vì ngỡ như mẹ già đang đợi cửa…

 

Bà cụ có lẽ cũng đang đợi ai đó. Đêm đến cứ thấy cửa mở lạch cạch, chó cắn ầm ĩ là bà lật đật ra xem. Rồi lại lầm lũi đi vào khi chỉ thấy bóng dáng thân quen của mấy người trong xóm trọ đi bù khú rượu chè về. Tú từng nghĩ nếu chiếc ti vi cũ trong nhà bị hỏng. Nếu xóm trọ tự nhiên đi vắng hết. Nếu con chó con mèo xổng ra chạy mất. Thì hai người ra ấy chắc sẽ đơn độc vô cùng. Hàng xóm nơi này cũng ít ghé thăm nhau. Những câu chuyện mang tính xã giao không được xởi lởi ồn ào như bên rặng rào thôn quê nhà mẹ. Cứ đến gần trưa là mẹ đi vòng quanh xóm nhỏ. Khi cho nải chuối, khi xin mấy lá trầu, khi mua xâu cá rô, khi đi hái dọc lề đường nắm rau má xanh non về ăn sống. Mẹ mang về cùng với nắm rau là câu chuyện mấy viên sỏi trong thận bà Hạnh đã tiêu tan, đi tiểu đã không còn thấy buốt. Công nhận thằng Tùng lấy thuốc nam tốt thật. Chẳng học hành bằng cấp gì, chỉ có chăm đọc sách mà cứu được biết bao nhiêu người. Mẹ mang về cùng với rổ khoai lang là câu chuyện mùa màng ngày nắng hạn. Nhà này lúa được mùa, nhà kia lúa lép. Nhà thím Hạnh cuối làng năm nay nuôi heo lỗ to, cám bã đắt mà giá thịt thì giảm. Đợt này định xuất chuồng chục con mà gọi mãi người ta không đến bắt. Lúc đổ túi tép vào rổ xỏa cho hết rác bùn, mẹ thở dài than cái bà Thao tính sao kỳ lạ. Cháu nội đã dị tật, không nghe không nói được mà chẳng thấy xót thương. Cứ suốt ngày chửi con cháu ầm ĩ chẳng ra thể thống gì. Nghĩ ngợi đủ bấy nhiêu câu chuyện thì cơm cũng chín, nồi tép dậy mùi tương. Mẹ giục đứa đi làm đồng mau ra giếng rửa mặt cho mát, đứa đi học về mau vào thay áo quần cho thoải mái. Cầm chén cơm nóng hổi trên tay mẹ chưa vội ăn, mải mê nhìn con cháu chuyện trò rôm rả. Sự im lặng của mẹ khi đó căng tràn niềm hạnh phúc. Nhớ làm sao…

 

* * *

 

Ông cụ mất. Ngủ một giấc dài từ đêm trước không tỉnh dậy. Sáng đó sau khi đã làm hết mọi việc mà vẫn không thấy ông dậy ăn mì, uống cà phê, bà cụ liền vào giường lay dậy. Dĩ nhiên ông không dậy nữa và bà biết ngày đó cuối cùng cũng đến rồi. Người ta không nghe thấy tiếng kêu khóc, bà bắc ghế trước cửa nhà ngồi im lặng rất lâu. Trưa hôm đó nhà bà đã có đông người đến. Chủ yếu là hàng xóm xung quanh và đại diện các tổ chức ở khu phố và đảng bộ. Anh em họ hàng không ở gần nên mãi tối muộn họ mới về đến nơi. Những người trong xóm trọ cũng tập trung sang viếng. Lần đầu tiên họ thấy khi bà già im lặng thực ra lòng cũng không thoải mái như họ từng vẫn nghĩ. Thà bà già cứ chửi bới vung vít, cứ nắm níu người này, lôi kéo người kia vào những câu chuyện vụn vặt trong ngày có khi họ còn thấy nhẹ nhõm hơn. Trước mặt họ bây giờ là bà già đơn độc ngồi bên linh cữu người bạn đời. Ông cụ giống như người đồng hành cuối cùng giờ cũng rời bỏ bà đi. Đến tuổi này người ta không còn nước mắt để khóc cho nhau. Giống ngày ba Tú mất, mẹ cũng không khóc. Mẹ lụi cụi kiếm tiền xu, gạo bỏ vào miệng ba tránh tà ma ác quỷ. Mẹ ủ từng nắm chè vào búp sen trước khi bỏ vào áo quan. Mẹ lo từng chén cơm cúng, từng mảnh khăn tang cho con cháu. Không ai nhìn thấy được những mất mát trong lòng người già. Họ lạc lõng trước những ồn ào khác.

 

Xóm trọ buồn. Không ai nói với ai nhưng chắc hẳn từng ấy con người đều thấy thiếu vắng. Đã mấy tháng nay bà cụ không bắc ghế ra cổng ngồi trông nữa. Có nhiều sáng Tú để ý cũng không thấy bà nhóm bếp. Con chó sủa mãi mỏi miệng đành nằm chịu trận thỉnh thoảng rên ư ử bực tức với sợi xích trên cổ. Đã có lúc Tú định gõ cửa nhà bà vì sợ sự im lặng bao phủ lên số phận một người già. Nhưng cũng may có tiếng ly chén va vào nhau, tiếng rơi vỡ loảng xoảng, tiếng ho khan khản đặc. Vậy là bà còn sống nhưng sống ra sao với bốn bức tường? Ý nghĩ ấy lởn vởn trong tâm trí Tú. Cho đến một hôm thấy có gã đàn ông xách ba lô lơ ngơ bước vào nhà bà cụ. Gã tầm bốn mươi tuổi, mới đi tù về, trước làm nghề buôn bán. Người dân xung quanh ngó nghiêng đồn thổi. Họ bảo gã đàn ông đó đi tù từ khi còn rất trẻ, nghe nói vì tội buôn bán ma túy. Tú không quan tâm, chỉ biết gã là con bà cụ. Ngôi nhà giờ thêm một dáng người, bà cụ chắc sẽ bớt đi phần đơn độc. Tú về quê thăm mẹ gần một tuần, lúc quay xuống bỗng thấy bà cụ lại bắc ghế ngồi trông. Vừa thấy Tú bà đã níu tay lại để kể về đôi vợ chồng trẻ trong khu trọ mới đèo nhau đi đẻ. Chuyện con mèo mướp vồ được con chuột rất to. Chuyện mấy chậu hoa dừa cạn năm nay không nở. Tú dắt xe qua thùng rác thấy những xấp lịch dày ai đó vừa vứt bỏ. Như nhìn thấy xác của những năm tháng cũ…

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sò huyết Ô Loan
Chủ Nhật, 29/05/2016 09:31 SA
Hương vị quê nhà - Hành trình gia vị Việt
Chủ Nhật, 29/05/2016 07:34 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek