Ông Châu Đông Kim (SN 1954), một nông dân ở thôn Phong Phú, xã An Hiệp (huyện Tuy An), đã sáng tạo nên những bức tranh nổi làm từ chất liệu độc đáo là vỏ lon nhôm. Tranh của ông đã được triển lãm tại một số sự kiện văn hóa – nghệ thuật của địa phương. Không chỉ dừng lại ở đam mê sáng tạo nghệ thuật mà Châu Đông Kim còn mong muốn sẽ tạo ra một làng nghề từ tranh phù điêu của ông.
Tại lễ hội Đền Lê Thành Phương vừa qua có một không gian dành để triển lãm tranh phù điêu của Châu Đông Kim. Những bức tranh dân gian với chủ đề Phước - Lộc - Thọ thu hút sự quan tâm của nhiều người. Những bức tranh thiên nhiên với gam màu tươi sáng tạo hứng thú đặc biệt cho người xem. Nhưng ấn tượng hơn hết đó là cảm giác sống động như đang xem tranh 3D. Người xem nếu chỉ mải mê nhìn nội dung tổng thể sẽ không nhận ra chất liệu làm nên bức tranh là từ vỏ của những lon nước đã bỏ đi.
Ông Kim cho biết: “Tôi sử dụng kỹ thuật điêu khắc trên chất liệu nhôm để tạo ra những bức phù điêu. Tôi có niềm đam mê với hội họa, nhưng muốn làm tranh từ một chất liệu lạ và độc đáo. Tôi chọn những lon bia, lon nước ngọt làm bằng nhôm bởi màu sắc của chúng thu hút tôi mãnh liệt. Và tôi đã làm tranh từ niềm hứng thú này”.
Ông Kim tích lũy vốn kiến thức hội họa khi còn là học sinh THPT trước năm 1975 từ đàn anh là những họa sĩ mà ông quen biết. Thuở ấy, cậu học sinh Châu Đông Kim đã miệt mài vẽ chân dung các bạn cùng lớp. Chiến tranh ngăn trở, ông phải gác lại việc học. Trong một thời gian dài, ông Kim bươn chải với cuộc mưu sinh, nuôi 5 người con học hành đến nơi đến chốn. Đến năm 2015, ở tuổi 61, khi các con đã trưởng thành, không phải lo toan cuộc mưu sinh, đam mê hội họa trong ông lại trỗi dậy. “Tôi miệt mài làm tranh có khi quên ăn quên ngủ. Những bức tranh đầu tiên phải mất hai tháng mới xong. Có những tông màu phải cắt tới 50-70 lon bia mới có được mảng ưng ý. Bây giờ, sau hơn 1,5 năm làm tranh, tôi quen tay dần, kỹ thuật cắt dán cũng nâng lên và thời gian làm tranh rút ngắn, có bức vài ngày, bức lớn vài tuần”, ông Kim vui vẻ nói.
Khách hàng mua tranh của ông Kim là những người quen, phục cái tài “lâu năm mà giấu” của ông. Chị Dương Thị Mỹ Hiền, một người dân thôn Phong Phú, cho biết: “Tranh phong cảnh của ông Kim rất có hồn. Tôi đã mua bức tranh “Mã đáo thành công. Nếu không tận mắt thấy ông tỉ mẩn cắt từng lon bia thì không biết tranh được làm từ chất liệu này”. Qua một số triển lãm, nhiều khách hàng ở xa và chủ cửa hàng cũng đã bắt đầu đặt tranh phù điêu phong cảnh và biển hiệu quảng cáo của ông Kim.
Không chỉ được biết đến như một gia đình hiếu học, người đàn ông có hoa tay và tâm hồn nghệ sĩ, ông Châu Đông Kim còn được mọi người biết đến và quý mến bởi tinh thần vì cộng đồng. Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học thôn Phong Phú, ông Kim đã tiên phong phát triển phong trào khuyến học ở địa phương hơn 10 năm qua. Ông đã được hội khuyến học các cấp công nhận thành tích cá nhân và thành tích tập thể cho chi hội.
Dù đến với hội họa khá muộn nhưng ông Kim đã đặt hết tâm huyết và quyết tâm của mình vào hoạt động nghệ thuật này. Mong mỏi lớn hơn của ông hiện nay là khi những bức tranh phù điêu dân gian có đầu ra thì ông có thể phát triển làng nghề làm tranh phù điêu từ vỏ lon bỏ đi, góp phần tuyên truyền bảo vệ môi trường.
Chúng tôi đánh giá cao tinh thần sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật của ông Châu Đông Kim trong thời gian qua. Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy An đã tạo điều kiện để ông Kim có thể triển lãm những bức tranh phù điêu làm bằng chất liệu thân thiện với môi trường là vỏ lon nước làm bằng nhôm đã bỏ đi. Trung tâm cũng khuyến khích ông Kim phát triển làng nghề từ dòng tranh phù điêu của mình.
Ông Cao Trung, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy An, hội viên Chi hội Mỹ thuật Phú Yên |
DIỆU ANH