Chủ Nhật, 06/10/2024 15:24 CH
Thanh Lam: Lên "ưu tú", lung lay số 1?
Thứ Tư, 22/08/2007 14:03 CH

Trong số 4 diva của làng nhạc Việt, Thanh Lam có cá tính mạnh nhất, giọng hát có sức công phá không thể mờ lẫn. Chưa bao giờ công chúng thấy chị chùn chân mỏi gối trên con đường âm nhạc, ngay cả khi trên con đường ấy, chị vấp phải không ít sóng to gió cả…

 

070822--ThanhLam1.jpgNhờ nội lực của mình, Thanh Lam có ảnh hưởng sâu rộng đến các ca sĩ cùng thời và sau cô. Lê Minh Sơn“người tình trong âm nhạc” hiện thời - ngợi ca cô là “diva số một Việt Nam”. Thực tế thì Thanh Lam có những gì?

Từ khán giả bố mẹ đến khán giả công chúng

Đoàn Thanh Lam có giọng hát ngùn ngụt lửa, nhưng không phải ai cũng thích. Nghe cô ca sĩ sinh năm 1969 nói chuyện ồm ồm cũng biết giọng Lam thuộc loại “đục”. Nếu chấm theo thang điểm thi vào Nhạc viện, “diva hàng đầu” của chúng ta có thể bị điểm trừ. Một đặc điểm ở Thanh Lam là rất không "trung thành” với tác phẩm gốc của nhạc sĩ. Bài đã "vào tay" Lam là phải mang đậm tính cách và cách hát của Lam ở đó. Điều này khiến Lam vừa đáng nể vừa đáng... ngại ngần.

Ban đầu Lam theo học tỳ bà hệ 11 năm, rồi sau đó chị chuyển sang hệ Trung cấp Thanh nhạc. Khi thử giọng, không ít giảng viên khoa Thanh nhạc đã phải nhăn mày với chất giọng khàn khàn của Lam. Nể nhạc sĩ Thuận Yến lắm, ban giám đốc Nhạc viện Hà Nội mới chấp nhận Lam theo học, nhưng với một yêu cầu khắc nghiệt: Nếu một năm mà Lam không hát được thì Lam sẽ phải thôi học, không được trở lại khoa Nhạc dân tộc học nữa.

Trong năm đó (1989), Lam đã đoạt giải tại Festival âm nhạc Lahavan - Cuba và khẳng định “Lam có thể hát”. Nhạc sĩ Thuận Yến chia lẵng hoa Đại sứ quán tặng thành mấy phần, để cảm ơn những người đã giúp đỡ Lam. Nếu không có được sự thuận lợi trong chuyển khoa đó, có lẽ giờ này khán giả sẽ gặp một Lam áo dài, đầu đội khăn xếp chơi đàn tì bà trong một dàn nhạc Dân tộc. Cô sẽ nhoà nhạt trong muôn vàn thiếu nữ chơi đàn bầu, đàn tỳ bà, đàn tranh…

070822--ThanhLam3.jpg

Ca sĩ Thanh Lam và Trọng Tấn trong "Đêm Lê Minh Sơn"

Sau những quay quắt với những cuộc tình đến rồi lại đi, cả trong đời sống lẫn trong âm nhạc, Lam quay lại với “ngôi nhà bình yên” và đầy bao dung của mình. Người cha - nhạc sĩ Thuận Yến luôn là người hiểu và thương cô nhất. Thì chính ông vẫn âm thầm gom góp từng hình ảnh, từng câu chữ người ta viết về cô con gái bất kham suốt bao năm qua và cũng chính ông tâm sự thật lòng: "Lam ở tuổi này, ông vẫn chưa hết lo lắng về con..."

Và cũng chính nhờ cha, Lam có những câu hát mang đúng “chất” của mình: “Em muốn ôm cả đất/ Em muốn ôm cả trời/ Mà sao anh ơi/ không ôm nổi trái tim một con người”.

Với “Chia tay hoàng hôn” “Khát vọng” – đều do nhạc sĩ Thuận Yến viết nhạc, Lam vụt sáng trong cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc lần I năm 1991. Giải thưởng lớn thuộc về cô.

Sự nồng nàn của một người đàn bà từng trải và sự lém lỉnh của một cô bé đã khiến ca sĩ có tài, có sức và có sắc như Lam nổi bật so với các ca sĩ cùng thời. “Chia tay hoàng hôn” trở thành ca khúc “nhẩm miệng” của biết bao thiếu nữ khi đau đớn chia tay mối tình đầu.

Hơn mười lăm năm sau, “Chia tay hoàng hôn”“Khát vọng” vẫn được đánh giá là ca khúc thành công nhất của Lam, dù Lam có hát nhạc của Quốc Trung (chồng cũ và hiện nuôi con thay cô), Trung Kiên, Lê Minh Sơn hay Trịnh Công Sơn.

"Người đàn bà hát như đang yêu, yêu như đang hát "

070822--ThanhLam2.jpgNgười nghe Thanh Lam hát thường có hai phản ứng đối ngược: một là rất thích, hai là rất khó chịu. Có người “chung tình” với tiếng hát của Lam hàng chục năm đằng đẵng và cũng có người tuyên bố thẳng thừng: nhìn thấy cô ta trên màn hình họ sẽ tắt ti vi (cho dù Thanh Lam có khuôn mặt đẹp hiếm có, luôn chú ý làm mới mình ngay từ dáng vóc bên ngoài)! Khán giả yêu ghét Thanh Lam như chính cô ca sĩ này luôn bộc lộ mình: ghét - yêu rành mạch.

Tiếng hát của Lam là tiếng hát của một trái tim được nung nóng, khát cháy, là tiếng hát của những yếu mềm trong vỏ bọc của một con người mạnh mẽ. Bên ngoài vẻ trầm lạnh của Lam là những đổ vỡ, những âu lo.

Nhạc sĩ Anh Quân từng nhận xét: “Dù rất tôn trọng Lam, nhưng nhiều khi nghe Lam hát rất mệt”. Không biết có phải đề cao quá người vợ của mình – diva Mỹ Linh hay không, nhưng đúng là, Lam không phải người của sự cân bằng.

Nói như nhạc sĩ Dương Thụ thì với những ca khúc khó, ông nghĩ đến Thanh Lam trước vì Lam có thể làm một ca khúc hay hơn nhiều lần. Tuy nhiên, cũng rất có thể cô làm lệch ý tưởng của tác giả, phiêu lạc đến cõi xa xăm nào.

Khi Lam tiến công vào nhạc Trịnh, phá cách nhạc Trịnh (như mồi lửa của bản năng sáng tạo luôn sẵn có của Lam), công chúng sẽ thấy rõ điều ấy ở cô.

Lê Thiếu Nhơn, một nhà thơ luôn quan tâm đến việc thẩm thấu nhạc Trịnh bày tỏ ý kiến về cách Thanh Lam và Đàm Vĩnh Hưng (một ca sĩ luôn tỏ ra rất “hợp gu” với Lam): “Họ truyền cái nhiệt tình đôi khi rất gần với quá khích vào nhạc Trịnh khiến “bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi” trở nên nặng nề, khiến “ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về” trở nên thảm não”.

Anh cũng nói: “Đã chấp nhận sự phá cách thì không nên đưa ra giới hạn, nhưng các giọng ca trường phái “canh tân” này lắm lúc say sưa quá mà biến cái buồn linh cảm của nhạc Trịnh nghiêng hẳn sang màu sắc bi lụy và kệch cỡm”.

Nhưng tất nhiên, không ai quên Thanh Lam đã có công lan truyền truyền rất nhiều bài hát đến công chúng (và chuyển tải theo cách của riêng cô) như: Chia tay hoàng hôn, Khát vọng, Giọt nắng bên thềm, Cho em một ngày, Em và tôi, Chiều xuân, Bên em là biển rộng, Đố tình, Đá trông chồng, Em tôi, Hoa sữa, Nắng lên, Gọi anh… Còn số lượng những ca khúc cô đẩy nó ra khỏi đời sống nghệ thuật thì hiếm hoi hơn nhiều

Bài hát nào Thanh Lam đã thể hiện thành công thì sẽ là cả một sự thách thức lớn đối với những ca sĩ muốn hát lại. Nhưng cũng có những ca khúc Thanh Lam hát lại không thuyết phục bằng những giọng ca đàn em, ví dụ Ôi quê tôi do Lam thể hiện không vượt qua chiếc bóng Ôi quê tôi của cậu em nhỏ Tùng Dương đã dựng lên trước đó.

Vậy nhưng, luôn luôn bên Lam là sự kiêu hãnh cao độ, nên chị bảo: “Tôi có dở vẫn hơn chán người bình thường!”. Quả thực với Thanh Lam, bao giờ cô cũng ngẩng cao đầu kiêu hãnh như thế suốt 20 năm đi hát đã qua.

070822--ThanhLam4.jpgThanh Lam là ca sĩ tự do hiếm hoi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú trong năm vừa qua. Chị vô cùng tự hào vì điều này. Nhưng đến thời điểm hiện tại, NSƯT Thanh Lam vẫn chưa có cơ hội nhìn lại, “tổng kết” con đường làm “người đàn bà hát” của mình khi live show kỉ niệm 20 năm ca hát của cô đã hứa hẹn nhiều mà nay vẫn “đóng băng”. Lý do chính vì muốn xin tài trợ ra tấm ra món cho live show mà sao khó quá (!).

Điều này này khác với Mỹ Linh khi cô ca sĩ tóc ngắn này đã không phải qua khó để kiếm cho mình một “nhà tài trợ văn minh” đầu tư cho live show Mỹ Linh tour ’06 mà nhờ đây tên tuổi Mỹ Linh được củng cố thêm khá nhiều. Hay Hồng Nhung cũng thế, có tài trợ đã giúp cô được dịp tung tẩy với chàng ca sĩ hào hoa Quang Dũng trong liveshow quy mô "Vì ta cần nhau". 

Vậy phải chăng độ ảnh hưởng và hút khách của Thanh Lam đã giảm hơn so với diva đầy nội lực khác là Mỹ Linh, Hồng Nhung?

Một điều không thể không kể đến khi đề cập về một diva đó là chất lượng album và sự "se duyên" về âm nhạc với Lê Minh Sơn. Phải nói kể từ khi hợp tác với nhạc sĩ Lê Minh Sơn kể từ sau album "Mây trắng bay về" - được đánh giá là một trong những album hay nhất trong năm - thì Thanh Lam ra album khá “đều tay”. Đó là “Này em có nhớ” (hát nhạc Trịnh Công Sơn), Nắng lên, Thanh Lam – Trọng Tấn, Em và đêm, Giọt Lam (2 đĩa) và tới đây là “Blue Ta” (album nhạc Blue Jazz).

Thanh Lam lao vào những dự án âm nhạc "rất đột ngột" cùng Lê Minh Sơn, đâu đâu cũng sánh bước cùng Lê Minh Sơn, vì thế tốc độ ra album của Lam nhanh hơn nhưng sự tinh tế của mỗi album lại không đều. Đa phần album của Thanh Lam không đầu tư quá kỹ cho hòa âm, phối khí, thu âm như các diva khác - tức là thiếu độ "sang" và có phần "quê mùa". Nếu album ra nhiều mà thiếu tính đột phá của một diva thì cũng dễ bị coi là chạy theo số lượng, nặng tính thương mại.

Thêm nữa, Thanh Lam có cách hát, cách sống rất "Tây", nhưng Lê Minh sơn lại mạnh về "dân gian đương đại". Như thế, liệu Lam có tìm thấy chính mình ở âm nhạc của Lê Minh Sơn. Ngọc Khuê sẽ phù hợp với âm nhạc của nhạc sĩ có tài này hơn.

Khó có thể đoán biết được điểm dừng của người đàn bà bung tỏa Thanh Lam. Cho đến thời điểm này, giọng hát của chị có thể vẫn ở vị trí số 1 nhưng cách chị hát  và lượng khán giả riêng của chị e rằng đã không còn ở vị trí cao nhất.

Theo THÙY ANH- NETLIFE

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek