Thứ Ba, 15/10/2024 01:27 SA
Trả lại tên cho đồng đội
Thứ Ba, 03/05/2016 08:00 SA

Sau 50 năm yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ An (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), phần mộ của liệt sĩ Trần Nhợ đã được xác định danh tánh. Ông chính là Thủy thủ trưởng của Tàu 41 (Đoàn tàu Không số) anh hùng - con tàu đã 12 lần vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho các chiến trường miền Nam theo đường Hồ Chí Minh trên biển, trong đó ba lần vào bến Vũng Rô, Phú Yên.

 

Ngôi mộ số 5 hàng thứ 6… chính thức được ghi tên liệt sĩ Trần Nhợ - Ảnh: X.HIẾU

 

Một buổi sáng tháng tư trời trong, biển lặng, tôi nhận được điện thoại từ Anh hùng LLVT Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng Tàu 41 Đoàn tàu Không số, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển. Giọng hào sảng, ông như reo lên: “Đã xác định được mộ của liệt sĩ Trần Nhợ rồi cháu à! Nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển sẽ tổ chức lễ nhận mộ liệt sĩ cho gia đình và ghi tên cho ảnh…”.

 

THỦY THỦ TRƯỞNG TÀU 41

 

Như đã hẹn trước đó, đúng 5 giờ ngày 21/4 (tức rằm tháng ba), trong tiết thanh minh, chiếc xe 16 chỗ ngồi được thuê của tư nhân đưa gia đình liệt sĩ Trần Nhợ, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh cùng 5 cán bộ của Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm (Cục Hậu cần, Quân chủng Hải quân), từ TP Tuy Hòa đi Quảng Ngãi, nơi có phần mộ liệt sĩ Trần Nhợ được tìm thấy. Đã 50 năm trôi qua, nhưng ký ức về người đồng đội là Thủy thủ trưởng của Tàu 41 vẫn còn in đậm trong tâm trí của người thuyền trưởng nay đã bước qua tuổi 86. “Đồng chí Trần Nhợ sinh năm 1918 trong một gia đình làm nghề đánh cá ở làng biển Đề Di (thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định)”, ông kể. Lúc nhỏ, cũng như bao đứa trẻ khác ở vùng biển này, hàng ngày Trần Nhợ theo cha, anh ra khơi vào lộng đánh bắt cá nên thông thạo luồng lạch các cửa biển miền Trung và bơi rất giỏi. Cách mạng Tháng Tám thành công, Trần Nhợ sớm giác ngộ và tham gia Đoàn Thanh niên, vào dân quân tự vệ làm nhiệm vụ bảo vệ xóm làng. Hiệp định Giơnevơ ký kết, đồng chí được địa phương chọn đưa đi tập kết ra Bắc. Những ngày đầu ở miền Bắc, đồng chí làm việc ở Đoàn tàu đánh cá Hạ Long, đúng “nghề” sở trường của mình. Dù sống trong cảnh “ngày Bắc đêm Nam” với nỗi nhớ quê hương và người thân da diết, nhưng đồng chí đã biến tình cảm ấy thành sức mạnh, miệt mài công tác, được các cấp lãnh đạo tin tưởng, anh em yêu mến và nhiều lần được tặng bằng khen, giấy khen.

 

Sau khi Đoàn 759 được thành lập tháng 10/1961, có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam theo đường Hồ Chí Minh trên biển, đồng chí Trần Nhợ và một số ít đồng chí là người miền Nam tập kết ra Bắc được tổ chức tuyển chọn về Đoàn sớm nhất. “Đồng chí Trần Nhợ là một người quả cảm. Là thủy thủ Tàu 41, từ tàu gỗ buổi ban đầu cho đến tàu sắt sau này, nhiều lần anh cùng đồng đội ngược xuôi trên biển Đông, vượt qua phong ba bão táp, đối diện với bao hiểm nguy”, giọng vị thuyền trưởng như chùng xuống khi nhắc tới người đồng đội quá cố. Trong chuyến đi vào bến Bà Rịa năm 1962, khi tàu mắc cạn gần đồn bốt địch, vì là người bơi giỏi nhất, đồng chí Trần Nhợ xung phong và được giao nhiệm vụ bơi vào bờ bắt liên lạc với bến. Trong tình huống khẩn cấp, nhiều lần chỉ huy bến thúc giục phá hủy tàu nhưng đồng chí cùng anh em kiên quyết bảo vệ đến cùng để tàu vào bến bốc dỡ hàng. Hay trong chuyến đi Cà Mau năm 1964, tàu mắc cạn ở Hoàng Sa, gần đồn bốt ngụy quyền Sài Gòn, nhưng với kinh nghiệm của một ngư dân con nhà nòi, đồng chí đã góp nhiều biện pháp cùng tập thể đưa tàu thoát hiểm, tiếp tục vào bến thắng lợi. Đặc biệt, cả ba chuyến Tàu 41 vào bến Vũng Rô vận chuyển gần 200 tấn vũ khí vào bến an toàn, Thủy thủ trưởng Trần Nhợ làm việc với một tinh thần nhiệt huyết hăng say. Anh luôn có mặt ở những thời khắc khó khăn, những vị trí then chốt trên con tàu, trong chiến đấu cũng như lúc bình thường, kịp thời thay thế cho các đồng chí bị say sóng, ốm đau.

 

Anh hùng Hồ Đắc Thạnh bên phần mộ được cho là của Anh hùng liệt sĩ Dương Văn Lộc - Ảnh: X.HIẾU

 

CHUYẾN TÀU THỨ 11

 

Sau “Sự kiện Vũng Rô” - tàu Không số mang số hiệu 143 do đồng chí Lê Văn Thêm làm thuyền trưởng vận chuyển vũ khí vào bến bị lộ, ta buộc phải hủy tàu, không để rơi vào tay giặc, hành trình của những con tàu Không số vô cùng gian khổ và nguy hiểm. Địch bắn phá bất cứ chiếc tàu nào mà chúng nghi ngờ, nhiều tàu và chiến sĩ của ta hy sinh trong thời gian này. Để tránh máy bay và tàu địch, những con tàu Không số phải đi vòng lên hướng biển Trung Quốc, sang hải phận các nước Philippines, Indonesia, Malaysia, vào vịnh Thái Lan rồi mới vào các bến Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh... Tàu 41 với những thành công vang dội trước đó, đã được chọn để làm thí điểm tàu sắt chở vũ khí vào vùng biển bãi ngang Quảng Ngãi. Đây cũng là chuyến thứ 11 Tàu 41 vận chuyển vũ khí vào Nam. Lúc bấy giờ, để vào được bãi ngang, ngư dân địa phương chỉ sử dụng một loại phương tiện duy nhất là bè mảng làm bằng những cây nứa ghép lại để không bị sóng biển nhấn chìm. Vì lẽ đó, chuyện đưa tàu sắt nặng cả trăm tấn vào bãi ngang được coi là quyết định táo bạo, nhưng đó cũng là yếu tố gây bất ngờ cho địch.

 

Anh hùng Hồ Đắc Thạnh kể tiếp: “Theo kế hoạch, chúng tôi cho vũ khí vào những bao ni lông cột chặt, đính vào đó các phao nổi và thả ở vùng biển gần bờ, người của bến sẽ bơi ra lấy. Tuy nhiên, tàu đã đến điểm chỉ định thả hàng nhưng không liên lạc được với bến, trong khi bão đang nổi lên. Giữa đêm tối, chúng tôi quyết định thả hàng, đồng thời cử hai đồng chí bơi giỏi nhất là Thủy thủ trưởng Trần Nhợ và Thuyền phó Dương Văn Lộc bơi vào bờ bắt liên lạc với bến. Do sóng to, gió lớn tàu bị cong chân vịt, không thể cơ động được. Lúc đó trời đã gần sáng, bên ngoài có hai tàu địch đang lởn vởn, càng lúc càng tiến gần như có ý định “bắt sống” tàu ta. Để tàu không rơi vào tay địch và giữ bí mật, chúng tôi quyết định dùng bộc phá phá tàu chìm xuống đáy biển, trước khi cho thủy thủ, thợ máy bơi vào bờ”. Liền sau đó, tàu chiến, máy bay địch sử dụng hỏa lực cày nát vùng biển này. Hai đồng chí Trần Nhợ, Dương Văn Lộc cùng nhiều du kích của địa phương đã anh dũng hy sinh. Anh em còn lại bơi vào bờ an toàn, sau đó đi bộ ngược lên đường Trường Sơn, quay lại Hải Phòng tiếp tục làm nhiệm vụ của những người lính biển, chuẩn bị cho chuyến thứ 12 đi vào Cà Mau...

 

Thi thể của hai đồng chí Trần Nhợ và Dương Văn Lộc sau đó được người dân địa phương âm thầm mai táng, hương khói. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, địa phương tổ chức cải táng, đưa hài cốt các anh vào Nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ An, nhưng vì không xác định được họ tên nên trên tấm bia chỉ ghi: “Phần mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tánh” cùng nhiều phần mộ khác”.

 

NGÔI MỘ THỨ 5 HÀNG THỨ 6…

 

Năm 1984, khi đang là Phó Tham mưu trưởng Vùng 3 Hải quân, trung tá Hồ Đắc Thạnh xin nghỉ hưu sớm, trở về với đời thường để lo toan công việc gia đình và dành phần lớn thời gian đi tìm đồng đội. “Cứ mười ngày, nửa tháng là ổng lại khăn gói lên đường. Suốt dọc chiều dài bờ biển của đất nước - nơi những chuyến tàu Không số cập bến và quê hương của những người lính biển là đồng đội cũ, nơi nào ổng cũng tìm đến nhiều lần”, vợ của Anh hùng Hồ Đắc Thạnh cho hay. 10 năm trước, sau khi biết hài cốt của liệt sĩ Trần Nhợ và Dương Văn Lộc đã được cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương cất bốc đưa vào Nghĩa trang liệt sĩ Phổ An, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh đã nhờ một nhà ngoại cảm xác định. Theo nhà ngoại cảm này, ngôi mộ số 5 dãy thứ 6 bên phải, tính từ cổng vào là phần mộ của liệt sĩ Trần Nhợ. Còn ngôi mộ thứ 3 cùng dãy là của Anh hùng liệt sĩ Dương Văn Lộc. Tuy nhiên, cách xác định này chỉ có tính tham khảo, không được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chấp thuận. Không bỏ cuộc, sau nhiều lần tìm thêm cơ sở, chứng cứ, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh đề nghị địa phương tổ chức khai quật, lấy mẫu xương liệt sĩ để giám định ADN. Tuy nhiên, chỉ có ngôi mộ thứ 5 còn xương. Kết quả giám định ADN đã xác định hài cốt đó là liệt sĩ Trần Nhợ, có quan hệ cùng huyết thống với người em ruột của liệt sĩ. Chị Trần Thị Vân, cháu nội của liệt sĩ Trần Nhợ, vui mừng thổ lộ: “Được nhà ngoại cảm mách bảo ngôi mộ số 5 dãy thứ 6… là của ông nội tôi nhưng không có gì làm bằng chứng. Nhờ ông nội Hồ Đắc Thạnh lấy mẫu để giám định ADN, xác định chính xác phần mộ này là của ông nội tôi để thường xuyên chăm sóc, hương khói, gia đình tôi vô cùng biết ơn ông”.

 

Đúng 10 giờ 30 ngày 21/4, tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, trước sự chứng kiến của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể của địa phương và thân nhân liệt sĩ Trần Nhợ, thay mặt Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh kính cẩn thắp nén nhang trầm, nghiêng mình trước anh linh của các liệt sĩ niệm bái và tuyên bố: “Kể từ giây phút này, ngôi mộ số 5 dãy thứ 6 bên phải tính từ cổng vào của Nghĩa trang liệt sĩ Phổ An chính thức ghi tên liệt sĩ Trần Nhợ - Thủy thủ trưởng của Tàu 41 Đoàn tàu Không số, đơn vị hai lần được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân”. Riêng ngôi mộ số 3 được cho là phần mộ của Anh hùng liệt sĩ Dương Văn Lộc, sẽ làm thủ tục ghi tên khi có đầy đủ thông tin.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek