Thứ Năm, 09/01/2025 13:25 CH
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm:
“Để hình thành hệ giá trị Việt Nam mới, dân chủ phải đi liền với pháp quyền”
Thứ Sáu, 29/04/2016 09:28 SA

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, nhà văn hóa học và ngôn ngữ học uyên thâm, vừa ra mắt công trình khoa học Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai. Theo PGS.TSKH Lương Đình Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người: “Công trình có thể xem là một mốc đánh dấu cho giai đoạn mới trong nghiên cứu giá trị và giá trị Việt Nam”.

 

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm nhận hoa chúc mừng của học viên cao học tại buổi ra mắt sách Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai, tháng 3/2016 - Ảnh: K.UYÊN

 

Dày gần 600 trang, do NXB Văn hóa - Văn nghệ xuất bản, Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai gồm 4 chương: “Giá trị học và giá trị văn hóa”, “Hệ giá trị Việt Nam truyền thống”, “Những biến động của hệ giá trị Việt Nam truyền thống trong giai đoạn hiện nay” và “Con đường đi đến hệ giá trị Việt Nam mới”, sau đó là phần “Kết luận và kiến nghị”. Đây là một công trình nghiên cứu khoa học hết sức công phu, “có cái nhìn hệ thống chặt chẽ, nhất quán trong tư duy nghiên cứu, thể hiện bản lĩnh của người nghiên cứu, về hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại”, theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

 

TỪ NHỮNG GIÁ TRỊ VIỆT NAM TRUYỀN THỐNG

 

Về bối cảnh hình thành - phát triển và các góc nhìn về giá trị Việt Nam truyền thống, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đã nghiên cứu giá trị Việt Nam truyền thống qua con mắt người nước ngoài, người Việt Nam đến giữa thế kỷ XX và từ nửa sau thế kỷ XX, từ đó rút ra hai nhận xét chung: “Có một số giá trị và phi giá trị có sự lặp lại khá cao giữa các tác giả. Chẳng hạn, những giá trị được nhắc đến nhiều là: lòng yêu nước, đức tính cần cù, lòng nhân ái, tinh thần lạc quan, sự tinh tế… Những phi giá trị được nhắc đến nhiều là: gian dối, phù phiếm, khôn vặt, nông nổi, chuộng hư danh… Song phần lớn các trường hợp, các đặc trưng này chỉ được đưa ra như những nhận xét cảm tính. Nếu có giải thích về nguồn gốc của tính cách thì cũng chỉ ở mức đại khái, sơ sài”.

 

Áp dụng phương pháp hệ thống - loại hình với thủ pháp “năm định” để xử lý các giá trị đã được các tác giả khác nhau nêu ra, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đi đến kết luận: Có 5 giá trị cơ bản nhất tạo nên những đặc trưng gốc của bản sắc văn hóa Việt Nam, là: tính cộng đồng; tính ưa hài hòa; khuynh hướng thiên về âm tính; tính tổng hợp (tính chủ toàn) và tính linh hoạt. Các biểu hiện của tính cộng đồng làng xã là: tinh thần tập thể; tình đoàn kết; tính dân chủ làng xã; tính trọng thể diện; tình yêu quê hương, làng xóm; lòng biết ơn. Các giá trị phái sinh điển hình nhất của tính trọng âm là: tính ưa ổn định; tính hiếu hòa, bao dung; tính trọng tình, đa cảm; tính trọng nữ; thiên hướng thơ ca; sức chịu đựng, nhẫn nhịn; lòng hiếu khách. Vị giáo sư danh tiếng này phân tích: “Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của người Việt Nam là tính cộng đồng làng xã và tính trọng âm của văn hóa Việt. Tính cộng đồng làng xã tạo nên tình yêu làng xóm, quê hương. Làng mở rộng ra thành nước… Tính trọng âm tạo nên một sức tự vệ và sức bật. Người âm tính, văn hóa âm tính có bản chất hướng nội… Âm mạnh hơn dương, tức là khả năng bảo tồn mạnh hơn khả năng phát triển. Trải qua bao nhiêu triều đại, giặc ngoại xâm chỉ tác động được phần nào tới khối đô thị yếu ớt, mà không ảnh hưởng được tới cái gốc nông thôn vững mạnh của nó… Như vậy, rõ ràng là tính cộng đồng làng xã và tính trọng âm chính là hai lý do làm nên lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đặc biệt mạnh mẽ của người Việt Nam. Nhờ thế mà dù trải qua hàng nghìn năm bị đô hộ, văn hóa Việt Nam, dân tộc Việt Nam chỉ có thể biến đổi, được làm giàu lên chứ không bị đồng hóa”.

 

Các biểu hiện rõ rệt của tính ưa hài hòa là: tính cặp đôi; tính mực thước; tính ung dung; tính vui vẻ lạc quan và tính thiết thực. GS.TSKH Trần Ngọc Thêm viết: “Nguồn gốc chính của tinh thần lạc quan là tính ưa hài hòa như một đặc trưng cơ bản của bản sắc văn hóa Việt Nam, nhưng tinh thần ấy muốn duy trì và phát triển được thì nó cần phải có một chỗ dựa. Với người Việt Nam, chỗ dựa ấy chắc không phải là lòng tin “vào sức mạnh bản thân” như GS Trần Văn Giàu nghĩ, vì bản lĩnh cá nhân của người Việt Nam rất yếu. Chỗ dựa cho tinh thần lạc quan của người Việt Nam chính là sức mạnh cộng đồng”.

 

Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, tính chủ toàn có hai biểu hiện chính là khả năng bao quát tốt và khả năng quan hệ tốt. Tính linh hoạt có hai giá trị phái sinh điển hình, ở mức thấp là khả năng thích nghi, thích ứng với hoàn cảnh và ở mức cao là khả năng sáng tạo, biến báo.

 

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm ký tặng sách Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai tại lễ ra mắt sách - Ảnh: KHÁNH UYÊN

 

ĐẾN HỆ GIÁ TRỊ VIỆT NAM MỚI

 

Phân tích sự biến động của hệ giá trị Việt Nam truyền thống trong giai đoạn hiện đại, từ những thay đổi về bối cảnh không gian, về chủ thể và về thời gian, từ các nghiên cứu điều tra biến động giá trị ở Việt Nam, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm chỉ ra 11 thói hư tật xấu có nguồn gốc từ tính cộng đồng làng xã: thói dựa dẫm, ỷ lại; thói cào bằng, đố kỵ; bệnh hẹp hòi, ích kỷ, bè phái; bệnh sĩ diện, háo danh; bệnh thành tích; bệnh phong trào; bệnh hình thức; bệnh nói xấu sau lưng; bệnh vô cảm, chặt chém; tật ham vui, thích “tám”; bệnh triệt tiêu cá nhân. Những phi giá trị có nguồn gốc từ tính trọng âm là: bệnh thụ động, khép kín, bảo thủ; bệnh chậm chạp lề mề; bệnh tủn mủn, thiếu tầm nhìn; bệnh đối phó; bệnh thiếu bản lĩnh, tự ti, nhu nhược, yếu đuối; bệnh sùng ngoại; bệnh hám lợi.

 

Tính ưa hài hòa là nguồn gốc sản sinh ra 4 thói hư tật xấu: bệnh đại khái, xuề xòa; bệnh dĩ hòa vi quý; bệnh nước đôi, thiếu quyết đoán; bệnh trung bình chủ nghĩa. Tính chủ toàn và tính linh hoạt có những phi giá trị nảy sinh: bệnh hời hợt, thiếu sâu sắc; bệnh chủ quan, kiêu ngạo; bệnh sống bằng quan hệ; thói tùy tiện, cẩu thả; bệnh thiếu ý thức pháp luật; thói khôn vặt, láu cá.

 

Công trình nghiên cứu Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - Ảnh: KHÁNH UYÊN

Khi hệ giá trị nông nghiệp - nông thôn truyền thống được định hình qua hàng nghìn năm đang trải qua những biến động lớn; khi quá trình “Đổi mới”, sự hội nhập quốc tế và quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng: “Việc xây dựng một hệ giá trị mới phù hợp hơn, giúp cho quốc gia và dân tộc có đủ khả năng miễn dịch để bảo đảm sự phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa - con người đã trở thành một nhu cầu bức thiết. Theo quy luật phát triển, hệ giá trị mới tự phát hình thành… Việc đầu tư nghiên cứu để xây dựng hệ giá trị Việt Nam mới theo con đường tự giác sẽ là cách rút ngắn chặn đường chuyển đổi hệ giá trị, làm chủ xã hội, làm chủ cuộc đời” (Lời nói đầu).

 

Sau khi nghiên cứu, phân tích vai trò của hệ thống chính trị và bối cảnh, mục tiêu của hệ giá trị tương lai: Phát triển bền vững vì hạnh phúc của con người, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm xây dựng mô hình hệ giá trị định hướng cốt lõi toàn diện đối chiếu với 5 mục tiêu, 4 đặc trưng và 7 đặc tính. Theo đó, trong mô hình hệ giá trị định hướng cốt lõi trọng điểm có 2 giá trị phổ biến thuộc về phạm vi toàn xã hội: Dân chủ và pháp quyền. Dân chủ là chế độ chính trị trong đó quyền lực tối cao thuộc về nhân dân, do nhân dân thực thi, tự bản thân thực thi hoặc thông qua các đại biểu mà mình bầu ra. Dân chủ thường đi liền với tự do và công bằng. Pháp quyền chỉ sự thượng tôn pháp luật, trong đó mọi người, mọi hoạt động đều phải tuân theo pháp luật và lấy pháp luật làm nền tảng; không ai có quyền đứng ở ngoài pháp luật hay đứng trên pháp luật. Pháp quyền khác với pháp trị ở chỗ pháp quyền là sự cai trị của pháp luật, pháp luật (cao nhất là Hiến pháp) đứng trên tất cả; còn pháp trị là sự cai trị bằng pháp luật, pháp luật là công cụ của chính quyền.

  

“Để hình thành hệ giá trị Việt Nam mới, dân chủ và pháp quyền là hai giá trị phải đi liền với nhau” - GS.TSKH Trần Ngọc Thêm khẳng định trong công trình khoa học của mình.

 

Theo ông, ngoài hai giá trị dân chủ và pháp quyền, 8 giá trị còn lại đều là những giá trị trước hết thuộc về con người cá nhân: yêu nước và nhân ái, trung thực và bản lĩnh, trách nhiệm và hợp tác, tính khoa học và sáng tạo. Song song đó, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm phác thảo các nhóm giải pháp hiện thực hóa hệ giá trị định hướng cốt lõi trọng điểm, gồm: nhóm giải pháp về thể chế, nhóm giải pháp tổ chức, nhóm giải pháp giáo dục - tuyên truyền, nhóm giải pháp hành động và nhóm giải pháp phát triển.

 

Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai là một dấu ấn mới của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, sau các công trình khoa học tiêu biểu: Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt (1985), Cơ sở văn hóa Việt Nam (1995), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (1996), Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng, Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ (2013)… GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, đánh giá: “Đề tài là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có tính học thuật cao; có những đóng góp mới về phương pháp nghiên cứu và những khái quát về mặt lý thuyết”. Sách là sản phẩm của đề tài khoa học cấp Nhà nước “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” thuộc Chương trình “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015”.

 

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm sinh năm 1952, tại xã Hiền Đa (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ). Ông tốt nghiệp đại học ngành Ngôn ngữ học toán học tại Trường đại học Tổng hợp Quốc gia Lêningrad (nay là Saint-Petersburg, Nga) vào năm 1974, bảo vệ luận án TSKH tại trường này vào năm 1988. Đến năm 1991, ông được Hội đồng Chức danh Nhà nước phong hàm PGS. Năm 1999, ông được bầu làm thành viên nước ngoài Viện Hàn lâm Khoa học Tựnhiên Nga. Năm 2002, ông được phong hàm GS.

 

Ông đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng ở Đại học Quốc gia TP HồChí Minh, từng là GS thỉnh giảng tại Đại học Quốc tế học Hàn Quốc, Chủ tịch Hội đồng Ngữ học và Việt học thuộc Hội đồng liên ngành ngoại ngữ của BộGD-ĐT, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam nhiệm kỳ I (1990-1995)…

 

Từ năm 2011 đến nay, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm là Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HồChí Minh; Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học nhiệm kỳ 2009-2014 và 2014-2019.

 

HOÀNG QUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek