Bạn đọc cả nước biết Đoàn Thạch Biền với tư cách một nhà văn từ trước năm 1975. Mấy mươi năm nay, ngoài công việc làm báo và sáng tác đều tay, ông còn được xem là “cha đỡ đầu” của bao nhiêu thế hệ trẻ yêu văn học. Từ tập san Áo Trắng, một tuyển tập thơ văn do ông sáng lập và chủ biên dành cho tuổi mới lớn, ông đã dìu dắt nhiều cây bút trong cả nước thành danh, đứng vững trên con đường văn chương. Đến nay, ông vẫn duy trì Áo Trắng xuất bản đều mỗi tháng một số và sống bằng tình yêu văn chương.
Đoàn Thạch Biền nổi tiếng với một số tác phẩm đã xuất bản như: Ví dụ ta yêu nhau, Bất ngờ phía trái tim, Phượng yêu, Đừng đốt cháy bông hồng, Tôi thương mà em đâu có hay, Tôi hay mà em đâu có thương... (tập truyện ngắn); Tình nhỏ làm sao quên, Mùa hè khắc nghiệt (truyện vừa); Những ngày tươi đẹp (truyện dài); Đêm của cỏ (tập kịch ngắn). Tuy nhiên, đầu năm 2016, nhiều người bất ngờ khi biết rằng ông “nhà văn của tuổi mới lớn” này đã in thơ. Bằng chứng cho sự lạ đời đó là tập sách Buổi chiều gió ngút & Những bài thơ cũ (NXB Hội Nhà văn) ra mắt bạn đọc.
Buổi chiều gió ngút & Những bài thơ cũ gồm hai phần như tên gọi của nó. Phần Buổi chiều gió ngút có 13 trang in một truyện ngắn với tiêu đề Thay lời tựa. Truyện ngắn này lấy không gian Đà Nẵng và thời gian trước năm 1970 làm bối cảnh. Nhân vật chính trong truyện là Thịnh, một người con của đất Bắc vào sống ở Đà Nẵng bằng nghề viết văn và làm báo với bao nhiêu trăn trở, chật vật và hoài bão với nghề. Phần Những bài thơ cũ có 47 bài thơ được ông sáng tác từ năm 1967-2000. So với phần văn thì số lượng trang ở phần thơ dày gấp 4 lần. Trong số mấy chục bài thơ có một số ít những bài thơ ông viết về nỗi niềm riêng tư. Nhân vật trữ tình và nhân vật trong tác phẩm trữ tình ở những bài thơ này gần như đồng nhất với nhau. Đó là những “kẻ”, “tôi”, “mày”, “người”, “hắn” độc thoại, suy ngẫm và trăn trở chữ nghĩa trong cái nghề mà mình đang sống “Hắn thường soi bóng mình/ Trên mặt đường hiu quạnh/ Rồi bật tiếng cười khan/ Như những chùm hoa giấy không hương/ Chẳng bao giờ kết trái” (Kẻ đơn độc). Nhiều nhất trong tập thơ này là những bài thơ ông viết khi đến một địa danh nào đó hoặc khi gặp và trò chuyện với một ai. Địa danh và tình bạn là cái nền của câu chuyện được giãi bày, tứ thơ của ông chuyển sang nỗi niềm cá nhân, một cái tôi cô đơn chất chứa nhiều suy tư bản thể. Đọc những bài thơ: Gửi các chú dông ở Phan Rí, Mưa đêm Tân Định, Một đêm trên sông Thu Bồn, Đêm trên bến Ninh Kiều, Đà Lạt lúc nào đó, Tháng bảy về Đà Nẵng…, bạn đọc hình dung một ông Biền những năm tháng xa quê mưu sinh, những đêm cô đơn lấy thời gian làm vui cùng bạn bè, những tình cảm giản đơn gần gũi mà chân thành có chút gì như thân phận: Nàng hỏi ta gia cảnh/ Ta cúi mặt tránh đèn/ Thân trai lưng dài rộng/ Kể ra chỉ thêm hèn (Mưa đêm ở Tân Định). Ở những bài thơ viết gợi nhắc khi gặp người thân tại một nơi nào đó như Thăm Giao ở Sơn Trà, Ngồi quán với Định, Mừng gặp thầy dạy triết, Ở Bảo Lộc với Cảnh, Đêm mưa ở Tân Định, Huế của một người…, người đọc sẽ thấy được nỗi lòng riêng của cả một thế hệ.
Phần lớn tác phẩm trong tập sách là những bài thơ ông viết về chính mình với một tình yêu tuổi trẻ chân thành, nồng nhiệt. Đọc những bài thơ này, người đọc gặp lại ông Biền trong văn xuôi với giọng điệu tưng tửng, nửa thật nửa vui nhưng không kém phần thâm thúy và sâu sắc, hấp dẫn người đọc. Đa số bài thơ được nói đến, ông dùng thể lục bát để diễn đạt. Có bài ngắn, bài dài với những cặp lục bát song song, ý tưởng rất đời thường mà cũng rất thơ: Em vô tư ta vô tư/ Ta vô tư quá làm hư cuộc tình/ Thôi đừng giả bộ mặt mừng/ Trong khi tay bắt đã lừng khừng buông/ Bây giờ kinh tế thị trường/ Em còn giấu được nỗi buồn tôi mua (Vô tư). Đọc tập thơ này, tôi chắc rằng, Đoàn Thạch Biền đã góp thêm vào kho tàng lục bát hiện đại Việt Nam những câu thơ tình độc đáo. Lục bát của ông kiểu như những câu nói đùa cửa miệng, mang tính khẩu ngữ cao nhưng gần với cuộc sống và độc đáo nên rất nhiều người thích đọc và thuộc. Tôi giờ giàu có nỗi đau/ chia em chút đỉnh mai sau tặng người (Gửi một nụ hồng); Mưa dậy thì bén hơn dao/ Chẻ xưa khắng khít thành lao đao rời (Chia tay mưa và…); Cảm ơn ai giỏi lọc lừa/ Dạy em thực tập chọn đùa ngay tôi (Bài thực tập 1); Chia tay đừng nói càm ràm/ Để mai lỡ gặp vẫn bàng hoàng đau (Bài thực tập 2); Ngày yêu xưa đã hóa vàng/ Em bươi chi nữa tro tàn lấm nhau (Mừng); Em đơn giản hóa mọi điều/ Em đơn giản quá làm nhiều người đau (Đơn giản)… Những điều đó, Đoàn Thạch Biền gọi là những trò “láu cá” của tôi trong thơ. Cho nên cuối tập sách, ông viết: Thôi đừng láu cá nữa tôi/ Mai sau hết cá, chợ đời buồn riêng (Tự nhủ) để khuyên mình và cũng để nhắc mọi người. Đó là ý niệm của ông nhưng tôi tin những người làm thơ đương thời, ít có người thích “láu cá” được như ông và nếu có thích “láu cá” thì cũng không mấy người làm được.
Đoàn Thạch Biền tên khai sinh là Phạm Đức Thịnh, sinh năm 1948 ở Nam Định. Ông dạy học, làm báo, viết văn tại miền Nam từ trước năm 1975, nguyên phóng viên Báo Người Lao Động, Thư ký tòa soạn Báo Du Lịch TP Hồ Chí Minh; sáng lập và thực hiện tập san Áo Trắng, đỡ đầu cho nhiều cây bút trẻ mới vào nghề. Ông đang sống tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Ông là Ủy viên Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh khóa VII (2015-2020), Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh khóa VIII (2010-2015). |
ĐÀO TẤN TRỰC