Chủ Nhật, 06/10/2024 13:37 CH
Viết trong tận cùng nỗi đau
Thứ Bảy, 18/08/2007 07:10 SA

Sự nghiệt ngã của số phận không thể ngăn tâm hồn họ rung cảm. Họ vẫn góp cho đời những vần thơ, những truyện ngắn, những dòng tự truyện giá trị. Và văn chương đã nuôi dưỡng tâm hồn, cuộc đời họ...

 

070818-Nguyen-Hong-Cong.jpg

Nguyễn Hồng Công -  Ảnh: N.L.Đ

Về Thái Bình, hỏi “nhà văn viết đứng” Trần Văn Thước, không mấy ai không biết. Gần 30 năm qua, kể từ năm 1979, khi bị một thanh sắt rơi từ trên cao xuống cắt ngang thắt lưng làm gãy cột sống, liệt tủy, Trần Văn Thước phải sống trong cảnh bị liệt nửa người. Vì không ngồi được, mỗi khi sáng tác, ông đều phải đứng.

 

Nhưng với cơ thể tật nguyền, đôi chân teo tóp chỉ còn xương, việc đứng viết của ông không hề đơn giản. Ông phải dùng vải quấn từ gót đến háng rồi dùng hai nẹp sắt buộc lại thành hai cái chân vải. Cứ như thế, ông treo chân trên nạng, vừa tì ngực vào bàn viết – là chiếc hòm gỗ cũ kỹ, bóng màu thời gian - để viết nên những truyện ngắn, bút ký...

 

SỐ PHẬN NGHIỆT NGÃ

 

Có số phận gần tương tự nhà văn Trần Văn Thước là “nhà thơ viết nằm” Nguyễn Ngọc Hưng ở Quảng Ngãi. Năm 1983, khi vừa tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học Quy Nhơn, chuẩn bị trở thành thầy giáo thì đôi chân anh cứ ngày một teo lại, nhức buốt; tiếp theo đó, hai bàn tay cũng liệt dần.

 

Bại liệt toàn thân – căn bệnh quái ác đó đã cướp đi tất cả mọi ước mơ của chàng trai lãng mạn, nhiều hoài bão Nguyễn Ngọc Hưng. Không thể ngồi, không thể đi lại được, anh nằm trên giường, cố gắng kẹp bút trong những ngón tay co quắp, ghi lại những câu thơ đang cuộn chảy trong hồn mình...

 

Dù không phải là cây bút chuyên nghiệp, nhưng họ đã để lại ấn tượng cho người đọc bằng những dòng tự truyện chân thành về cuộc đời thiếu may mắn của mình. Đó là trường hợp của hai cô gái Nguyễn Thanh Tú và Nguyễn Hồng Công. Nguyễn Thanh Tú bị bệnh mắt bẩm sinh và phải phẫu thuật bỏ cả hai mắt khi mới 16 tuổi.

 

Cuộc sống chìm trong bóng tối khiến có những lúc Tú cảm thấy cùng quẫn, nhưng khát khao được nhìn thấy ánh sáng chưa bao giờ tắt trong chị. Với sự giúp đỡ của nhà văn Nguyên Bình, chị cùng nhiều người chung cảnh ngộ đã tập luyện phương pháp dưỡng sinh phục hồi chức năng để có thể nhìn được sự vật, hiện tượng không phải bằng đôi mắt.

 

Hành trình đi tìm ánh sáng ấy được chị kể lại trong cuốn tự truyện Tôi mù (NXB Hội Nhà văn, 2006), cuốn tự truyện dày 150 trang mà chị thực hiện trong 5 năm trời, khi thì viết bằng chữ nổi braille, khi thì bằng loại chữ viết thông thường.

 

Còn Nguyễn Hồng Công, cô gái xinh đẹp quê Bắc Giang, tuổi chưa đến ba mươi, nhưng cuộc sống của chị có thể kéo dài được bao lâu là điều không ai có thể nói trước, vì đã chục năm tròn chị phải chạy thận để cố níu kéo sự sống từng phút, từng giây.

 

Nhưng căn bệnh suy thận đã không thể giết chết cảm xúc, ước mơ, khát vọng sống của chị, khiến chị cầm bút viết Khát vọng sống để yêu, cuốn tự truyện gần 300 trang do NXB Công an Nhân dân phát hành vào tháng 7/2007.

 

VIẾT BẰNG CẢ TRÁI TIM

 

Trần Văn Thước, Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Thanh Tú, Nguyễn Hồng Công... thực sự là những tác giả đang được người đọc quan tâm. Điều đáng nói là, độc giả chú ý đến họ không chỉ vì hoàn cảnh nghiệt ngã mà chính bởi những trang viết của họ thực sự có ích cho văn chương, cho cuộc đời.

 

Vì sao những cây bút tật nguyền ấy lại thành công đến vậy? Câu trả lời thật giản dị: Họ viết bằng tất cả trái tim mình. Ôm trùm lên các tác phẩm của Trần Văn Thước là cuộc sống dân dã, mộc mạc như củ khoai, hạt lúa của người dân đồng bằng Bắc Bộ - những điều rất gần gũi, gắn bó với nhà văn đồng ruộng này.

 

Số phận không cho Trần Văn Thước được trực tiếp dầm mưa dãi nắng như một nông dân thực thụ, nhưng trí tưởng tượng và tình yêu với làng quê như máu thịt đã khiến những gì thuộc về “áo nâu, chân đất” đi vào trang văn của ông một cách tự nhiên. Với “nhà thơ viết nằm” Nguyễn Ngọc Hưng, những tác phẩm ám ảnh nhất của anh là những bài thơ anh viết về mẹ, về người bạn đã cưu mang mình.

 

Làm sao không xúc động trước những câu thơ từ gan ruột như thế này: “Giao thừa chuông đổ lơ mơ/ Quờ tay gọi mẹ - mẹ mờ khói hương!”, hay “Lạy này lạy mẹ sinh ra/ Lạy này lạy bạn cho ta cuộc đời!”...

 

Trường hợp của Nguyễn Thanh Tú và Nguyễn Hồng Công, sức hấp dẫn trong tác phẩm của họ lại ở một cấp độ khác, vì những gì họ viết ra trong tự truyện của mình đều là chuyện thật, cảm xúc thật, không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng.

 

Họ không có tham vọng trở thành nhà văn, họ cầm bút chỉ với mục đích chia sẻ với người đọc về cuộc đời quá ít may mắn nhưng không thiếu hy vọng, ước mơ của mình. Chính cuộc đời quá nhiều trái ngang, chính những dòng chữ chân thành của họ đã tìm được sự đồng cảm và thuyết phục được người đọc.

 

“VỊN CÂU THƠ ĐỨNG DẬY”!

 

Viết bằng tất cả tình cảm và khả năng của mình, những cây bút tật nguyền đã có những đóng góp quan trọng cho văn chương. Mặt khác, cũng chính văn chương đã trở thành một động lực lớn để họ tiếp tục “chiến đấu” với số phận.

 

Trải lòng với câu chữ, họ được giải tỏa những cảm xúc chất chứa trong mình, thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Những thành công, dù ít, dù nhiều, cũng giúp họ thấy tự tin hơn vì mình còn có ích cho đời, vì sự tồn tại của mình đã không vô nghĩa.

 

“Văn chương cứu rỗi con người” – câu nói này thật đúng với những trường hợp như Trần Văn Thước, Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Thanh Tú, Nguyễn Hồng Công...          

 

(NLĐ)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek