Chủ Nhật, 06/10/2024 15:20 CH
Chụp ảnh để chia sẻ và liên kết cộng đồng
Thứ Tư, 15/08/2007 14:00 CH

Một hoạt động nghệ thuật đặc biệt lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam: Một nhóm các nhà nhiếp ảnh và mỹ thuật Nhật Bản, do nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Hashiguchi Joji và tổ chức phi chính phủ APOCC (Artistic Peace Operation for Connecting Citizens - tạm dịch là “Hoạt động nghệ thuật vì hòa bình và kết nối cộng đồng”) thực hiện, đang diễn ra tại Phú Yên. Một workshop (nghĩa là cùng làm việc để thảo luận về một vấn đề nào đó, tạm dịch là “hội thảo”) về nhiếp ảnh dành cho các thiếu niên Phú Yên do các nghệ sĩ Nhật Bản hướng dẫn, diễn ra tại TP Tuy Hòa từ 13 đến 18/8.

 

Báo Phú Yên đã có cuộc phỏng vấn nhà nhiếp ảnh Hashiguchi Joji về chương trình này.

 

* Thưa ông, vì sao hoạt động nghệ thuật này được tổ chức tại Phú Yên?

 

070815-Ong-DO-Di--chan-dung.jpg

Nhiếp ảnh gia Hashiguchi Joji -  Ảnh: D.T.XUÂN

- Tôi là một người dành hầu hết thời gian của mình để thực hiện công tác xã hội thông qua hoạt động nghệ thuật. Việc tổ chức các workshop về nhiếp ảnh đã được tôi và APOCC thực hiện liên tục từ năm 2000 đến nay. Chúng tôi đã tổ chức các workshop với hình thức tương tự tại Ấn Độ (3 lần), Đức (2 lần) và Nhật Bản (1 lần). Lần này chúng tôi đến với Việt Nam, tổ chức dự án Hội thảo kinh nghiệm nhiếp ảnh, vẽ tranh và triển lãm.

 

Vì sao chọn Phú Yên ư? Bởi ở đây có anh Tsukada Shozo, tình nguyện viên của JICA đang dạy vẽ cho các em ở Nhà Thiếu nhi Phú Yên gần 1 năm nay. Chúng tôi được anh ấy giới thiệu về Phú Yên, một nơi có nhiều thắng cảnh đẹp và con người thân thiện, giàu tình cảm.

 

* Vậy dự án nói trên sẽ được thực hiện thế nào?

 

- Chúng tôi thống nhất tổ chức workshop nhiếp ảnh dành cho 28 em thiếu niên Phú Yên. Các em được cung cấp máy ảnh Canon, chụp bằng phim, để thực hiện tác phẩm về bất cứ điều gì mà các em cảm thấy thích, bị thu hút hoặc phải dừng chân lại để ngắm nghía. Chúng tôi không hướng dẫn cặn kẽ về kỹ thuật, tất cả đều là sự vận động tự thân theo suy nghĩ, sở thích của các em. Cứ sau mỗi ngày thực tập, những bức ảnh của các em sẽ được rọi ra và các thành viên của chúng tôi sẽ có những nhận xét, đánh giá, cho lời khuyên để phát huy năng lực cảm nhận và thực hiện nghệ thuật của các em.

 

Chúng tôi dự kiến vài ngày sau khi workshop về nhiếp ảnh kết thúc sẽ thực hiện tiếp workshop vẽ tranh tại đây. Sau đó, trong các ngày 25-26/8, sẽ chọn những tác phẩm tốt nhất để triển lãm tại Nhà Thiếu nhi Phú Yên. Chúng tôi sẽ mang những tác phẩm này về Nhật Bản, triển lãm tại TokyoOsaka vào đầu năm 2008.

 

* Mục đích của dự án này là gì, thưa ông?

 

- Như tôi vừa nói, dự án này không phải là để dạy cho các em thiếu niên Phú Yên cách chụp ảnh đẹp, mà giúp họ tìm ra tính cách và tài năng cá nhân thông qua nhiếp ảnh, đánh thức được khả năng nghệ thuật tiềm ẩn của các em và hơn thế nữa, chia sẻ niềm vui “được thể hiện” với nhau. Khi mọi người có trong tay máy ảnh, những cảm xúc, tình cảm nằm sâu trong bản thân nhưng lâu nay họ không hay biết, sẽ trỗi dậy.

 

Những tác phẩm hoàn toàn tự nhiên của các em sẽ được triển lãm ở Nhật Bản là cách để người dân chúng tôi có thể hình dung tương đối về cuộc sống ở Việt Nam, hiểu được những người trẻ tuổi ở Việt Nam nghĩ gì và ước mơ gì. Người Việt Nam và người Nhật Bản tuy sống trong hai nền văn hóa khác nhau, nhưng chúng ta đang chia sẻ chung thời điểm sống. Vì thế, liên kết mọi người ở những nơi khác nhau, có những nền văn hóa khác nhau là mục đích quan trọng nhất của hội thảo. Những dự án tương tự mà chúng tôi đã, đang và sẽ làm ở nhiều nước trên thế giới cũng nhằm vào mục đích này.

 

* Vì sao đối tượng mà ông, các cộng sự và APOCC chọn là những thiếu niên mà không phải là những người lớn tuổi hơn, chín chắn hơn, có thể giới thiệu đầy đủ hơn về cuộc sống ở Việt Nam?

 

070815-thuc-hanh-chup-anh-3.jpg

Các thiếu niên Phú Yên tham gia workshop nhiếp ảnh đang thực hiện tác phẩm về những thiếu nhi Việt Nam -  Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

- Đơn giản vì chúng tôi nghĩ rằng những bạn trẻ là những người có một tương lai rất rộng mở. Những điều mà các em nghĩ, các em tư duy một cách ngây thơ và thuần khiết nhất về cuộc sống sẽ được gởi gắm vào trong tác phẩm. Chúng ta có thể đọc được tương lai qua những tác phẩm của những người trẻ tuổi như vậy.

 

* Xin cám ơn ông.

 

Cùng thực hiện dự án này với ông Hashiguchi Joji là nữ nhà văn và nhiếp ảnh gia Hoshino Hiromi, nữ họa sĩ Matsuo Miho và anh Hashiguchi Hozumi – đều là những tình nguyện viên của APOCC. Theo ông Joji, ngoài hai workshop được tổ chức tại Phú Yên, nhóm của ông dự kiến sẽ chiếu phim tĩnh (stillfilm) “Chuyến đi để biết những người đương thời với chúng ta” tại Trường Đại học Ngoại thương TP Hồ Chí Minh vào ngày 1/9 tới. Phim tĩnh là một phương pháp nguyên tác của Hashiguchi Joji – chụp hình ảnh chân dung của những người bình thường và để cho nhân vật nói về ước mơ, lo lắng, chuyện riêng tư, vấn đề gia đình, mâu thuẫn trong công việc, chuyện yêu đương... cộng với âm nhạc. “Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng những cảm xúc của người Nhật và người Việt là giống nhau, bất kể sự dị biệt về chủng tộc, quốc tịch và văn hóa” – Joji cho biết như thế.

 

Đi với đoàn còn có các thành viên của Hãng truyền hình nổi tiếng Nhật Bản TBS. Các nhà báo này sẽ thực hiện phóng sự truyền hình về dự án Hội thảo kinh nghiệm nhiếp ảnh, vẽ tranh và triển lãm tại Việt Nam để giới thiệu với công chúng Nhật.

 

070815-Hoc-vien-CHAU.jpg* Phan Đặng Bảo Châu, lớp 12 Toán 1, Trường THPT Lương Văn Chánh:

 

Bên cạnh những bức ảnh về thắng cảnh thiên nhiên ở Tuy Hòa như núi Nhạn, Chóp Chài... em sẽ chú tâm chụp tất cả mọi người trên đường phố, những em thiếu nhi, những cảnh mua bán trong chợ, những chuyến xe ngựa từ quê lên...

 

Em hy vọng đó là những điều độc đáo, tạo được nhiều cảm xúc cho người Nhật Bản.

 

070815-Hoc-vien-HUYEN1.jpg* Nguyễn Thị Mỹ Huyền, lớp 10 Anh, Trường THPT Lương Văn Chánh:

 

Em sẽ chụp biển và những sinh hoạt bên biển. Nhưng em rất thích và sẽ thể hiện chủ đề về những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như các bạn bán vé số, lượm ve chai...

 

Em nghĩ, bên cạnh rất nhiều điều tốt, cuộc sống chúng ta vẫn còn nhiều vất vả và mong muốn những bạn Nhật Bản thấy được điều đó để chia sẻ.

 

070815-Hoc-vien-MINH.jpg* Đào Nhật Minh, lớp 7A, THCS Trần Quốc Toản:

 

Sự thân thiện và nhiệt tình của những thầy cô Nhật Bản đã tạo cho em sự phấn khởi.

 

Đây là lần đầu tiên cầm chiếc máy ảnh cơ để chụp, nhưng em tin mình sẽ thực hiện được những tấm ảnh tốt, phản ánh được những nét tiêu biểu của đất nước, con người Phú Yên để giới thiệu với người dân Nhật Bản.

 

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đọc thơ Nguyên Ba
Chủ Nhật, 12/08/2007 07:00 SA
Hiệu ứng tình cảm (Phim Mỹ)
Chủ Nhật, 12/08/2007 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek