Thứ Ba, 15/10/2024 05:13 SA
Đau đáu quê nhà… truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Thứ Sáu, 15/04/2016 11:29 SA

Minh họa: PV

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt đến mức đoạn đường vừa rải nhựa giờ nóng chảy dính dấp. Ông già than “nắng gì mà nắng dữ vậy trời”. Than thì than vậy thôi, chứ thừa hiểu ông trời đâu có lỗi. Nắng trưa gay gắt và tinh quái, nó dồn đuổi ông già với cái quán trà đá di động chạy từ chỗ này qua chỗ khác. Khách đôi khi cũng phải cầm ghế chạy theo, nheo mắt ngó lên trời trốn nắng. Những tán cây biến mất như một trò ảo thuật mà khoảng trống để lại đâu chỉ là mưa nắng trên đầu. Ông cụ xuống phố mưu sinh dễ chừng đã hai chục năm trời. Khi ông đến, cây đã ở đây mở lòng xanh mát, rủ rỉ kể với những phận người chuyện của mưu sinh. Nắng che nắng, mưa che mưa, cây không một tiếng than, chỉ trầm lắng nép vào ồn ào phố. Bỗng một ngày người ta đến vạch một dấu X trắng toát để định đoạt số phận cho cây. Rồi ông cụ ốm vài ngày, lúc khỏe lại đã không còn thấy cây ở đó. Bà bán xôi vẫn gánh xôi đến bán, ngồi bên cạnh cái hố bừa bộn đất và rễ cây vương vãi. Khách đến mua xôi đều liếc nhìn khoảng trống, có ai buộc miệng than “cứ chặt trụi thế này thì nắng vỡ đầu”. Bà bán xôi cười, nụ cười rơi tõm vào miệng hố. Ông già ăn xôi phải uống kèm với nước trà. Bà già hỏi ăn vậy ngon không? Ông tặc lưỡi bảo ăn thế cho đỡ nghẹn, già rồi.

 

Hồi còn cây, hai ông bà mỗi người ngồi bán hàng một bên. Khách đến uống trà hay ăn xôi quây quần lẫn lộn, kể cũng vui. Lúc đông khách thì chạy qua chạy lại bán giùm nhau. Còn lúc vắng khách thì ngồi nói chuyện quê quán dông dài. Hai ông bà đều từ quê ra phố ở với các con. Đều sống trong căn nhà tập thể có phần xập xệ nằm đối diện bên kia đường. Hồi mới xuống cứ ở lì trong nhà, bà cuồng tay cuồng chân nên làm chõ xôi đi bán. Vừa phụ các con tiền mớ rau con cá lại vừa khuây khỏa, giải tỏa tâm lý. Sau này, bà mang thêm cái bếp lò, bắc cái chảo bán bánh rán nóng vào mùa rét. Đến mùa hè đổi sang bán bánh cuốn buổi sáng. Chiều nấu nồi chè đỗ đen, kê vài cái bàn đón khách. Lãi lời chẳng bao nhiêu nhưng lại được bầu bạn cùng ông. Về nhà mà làm gì khi lũ trẻ hết cắm đầu vào sách vở lại dí mắt vào điện thoại. Ba mẹ chúng thì bận công chuyện tối ngày, đến ăn chén cơm còn vội vàng thì thời gian đâu trò chuyện cùng bà. Nhà thì chật muốn đi lại cũng không có chỗ mà đi. Chẳng lẽ cả ngày cứ ngồi ngóng qua ô cửa. Nỗi cô đơn tuổi già ở nơi này mang một màu sắc khác. Tựa như đám lá bàng đỏ quạch ngoài kia, đỏ đến từng đường gân li ti trên lá. Cô đơn làm bà nhớ đến làng trên xóm dưới ở quê. Những con người chưa kịp nghe thấy tiếng bước chân thì đã rộn rã tiếng cười. Những ranh giới được phân chia hờ hững bằng rặng rào cúc tần mà đứng bên này chỉ cần nhón chân đã ở bên đất nhà hàng xóm. Một nhà tát đầm là cả xóm có tôm tép ăn dần. Sáng mở mắt ra đã thấy trời đất bao la, ngó trước mặt là cánh đồng và sau lưng là núi. Giờ mở mắt hay nhắm mắt vẫn tù túng vậy thôi. Nhà cửa ở đây xây như chuồng cọp, bưng bít o ép cả tiếng cười. Đã mấy lần bà tính về quê sống, ở một mình thì cũng đã sao. Nhưng tụi trẻ không chịu, chúng sợ bà ốm đau không ai biết. Cũng có thể là vì chúng sợ đoạn đường mấy trăm cây số về quê thăm nom mẹ.

 

Ông thì vất vả hơn. Thằng con rể bỏ đi để lại cho con gái ông gánh nặng nuôi hai đứa con ăn học. Vợ mất sớm, ông vì thương con mà phải rời quê lên phố trông nom bọn nhỏ. Đất đai ở quê thiếu gì đâu, rộng rãi tha hồ trồng trọt, chăn nuôi. Ấy vậy mà con ông không chịu về cứ bám víu lấy mấy mét vuông chật chội nơi này. Bà phẩy tay bảo “chuyện tụi nhỏ mình không hiểu nổi đâu”. “Ờ vậy đi, thôi tôi với bà nói chuyện tụi mình”. “Chuyện tụi mình là chuyện gì? Chuyện đi làm răng ấy à? Thôi khỏi đi, tôi nghĩ rồi thà móm mém còn hơn đeo hàm răng giả. Lỡ nhai xôi dính quá nó nhấc bung cả hàm”. “Thế thì tôi cũng chả đi, bà tưởng làm một hàm răng giả mà rẻ đấy à? Mất cả đôi tháng bán trà đá chứ đùa. Mà tôi với bà già rồi còn đẹp đẽ với ai”. Câu chuyện mới nửa chừng thì khách ghé quán gọi trà đá. Bà đứng dậy đập đá phụ ông, nhưng mỗi lần vung tay lên là cơn nhức răng cũng được thể giật buốt tận đỉnh đầu. Mấy hôm nay bà ăn uống khó khăn, người mệt lử nhưng không lẽ cứ nằm nhà rên rỉ chỉ tổ con cháu thêm khó chịu. Cái răng đau từ trong năm, thằng cả hứa chở bà đi làm răng về ăn tết cho ngon. Nhưng chắc công việc bận bịu quá, nó thường trở về nhà rất muộn và quên khuấy đi cái răng của mẹ. Hôm nào về sớm thì y rằng say xỉn, lè nhè bảo “để con chở mẹ đi làm răng”. Vừa nói xong nó buông người đổ uỵch xuống sofa, ngáy như máy bay đi tuần. Chồng đùn cho vợ, vợ ỷ lại chồng, bà nói mát “thôi cứ để cho nó tự rụng”. Ai ngờ tụi nó đồng tình thật. Nghe bà, ông già rủ “hay là tụi mình tự dắt nhau đi”.

 

Thằng cháu thỉnh thoảng lại đến ngửa tay xin tiền ông. Trước kia nó còn nói dối tiền để mua sách, đóng quỹ lớp, mua quà tặng thầy cô. Giờ ông có hỏi nó cũng tỉnh bơ bảo “con đi chơi điện tử tí rồi về”. Không cho thì nó quậy mà cho thì nó hư. Bà nấn ná nhẹ nhàng góp ý thì nó bảo “sao hai ông bà không góp gạo thổi cơm chung?”. Bà nhìn ông tếu táo “ừ nhỉ, tại sao không? Tụi mình đẹp đôi mà”. Ông móm mém cười, khách thì khoái chí bảo “ngày nào mà vắng bà là cả khúc phố mất vui”. Thật vậy, mấy ai được như bà suốt bao nhiêu năm cần mẫn mang nét quê xuống phố. Bao nhiêu hồn hậu, chân chất gói trọn vào từng nắm xôi, chiếc bánh. Từ hạt gạo nếp đến đậu bà đều đặt dưới quê. Ai cũng khen xôi bà thơm mà rẻ. Cũng có hôm bà con dưới quê gửi lên ít khoai sắn. Nhưng con cháu kêu khó nuốt, không ăn. Bà lại mang xuống quán trà đá của ông, coi như là quà quê cho khách. Hai thân già có lúc ngồi ăn khoai sắn nghẹn ứa nước mắt. Bà kể “nghe nói quê tôi đang xây dựng nhà máy xi măng. Cả cánh đồng trước nhà đều thuộc diện giải tỏa, họ đền bù cũng cao. Nhà đứa em bỗng nhiên có cả trăm triệu trong tay đang tính xây hàng rào hoặc gửi ngân hàng lấy lãi. Nhưng khổ nỗi mất ruộng rồi giờ chơi không”. Ông than “vụ mía vừa rồi chẳng ăn thua. Giá bán cũng được nhưng mía không đạt năng suất, lại còn bị sâu bệnh hoành hành. Hình như người dân quê tôi đang bàn nhau không trồng mía nữa mà chuyển sang trồng cỏ ngọt nuôi bò. Giá bò đắt đáo để nhưng cũng lên xuống thất thường. Tội thật”. Rồi bỗng một hôm bà già hỏi “bao lâu rồi tụi mình không về quê?”. Ông già thở dài ngó đăm đăm ra đường không rõ có phải vì buồn hay là đang ngóng thằng cháu trở về sau khi sạch túi.

 

* *

*

 

Từ hôm mất cây, ông cụ chỉ mở quán buổi tối. Chứ ban ngày nắng nôi, khách không muốn ngồi mà thân già ông cũng không đủ sức. Họ trồng trả lại mấy thân cây trọc trông chả khác gì dấu chấm than đặt đầy hè phố. Vài chục năm nữa chắc gì đã có lại được bóng mát vừa mới mất đi. Cũng như ông thôi, suốt bao năm qua đâu thể tìm được niềm vui đã bỏ lại quê nhà. Sống ở vùng đất này để thương nhớ vùng đất khác thật chẳng dễ chịu gì. Khi mấy tháng nay ông ngủ chập chờn vì nhà ai mới nuôi con gà trống. Đêm chúng cứ gáy điểm canh làm thức dậy trong ông bao nhiêu ký ức. Hồi bà nhà còn sống, con gái ông còn nhỏ, quây quần trong túp lều lá mà vui. Cùng thức dậy vươn vai ngoài mảnh sân nhỏ, hít hà hương cau và mùi gió sớm trong lành. Cùng vào bếp nhóm lửa nấu cơm, vài con tép kho cùng đĩa rau rừng mà ai cũng thấy ngon. Đêm đến nằm bên nhau trên chiếc giường mối mọt ọp ẹp, nghe tiếng ếch nhái kêu inh ỏi ngoài ao rồi chìm dần vào giấc ngủ. Cuộc sống bình dị ấy giờ không còn nữa. Vợ ông đã về nơi chín suối khi còn quá trẻ. Căn nhà thiếu bàn tay người đàn bà bề bộn đến từng nếp nghĩ. Ông nuôi con nhưng không thể hiểu được nó nghĩ gì. Yêu cuồng nhiệt, sống hết mình để rồi đớn đau đến tận cùng. Phố giữ nó lại trong cung lòng chật chội chóng mặt mưu sinh. Ông đơn độc là thế nhưng chắc gì đã bằng nỗi cô đơn trong lòng con gái mình - một người mẹ đơn thân. Nhà chật quá nên dễ nghe thấy tiếng lòng nhau. Nhiều đêm thức giấc, ông cảm giác những bức tường đang rung lên khe khẽ theo từng tiếng nấc. Những lúc ấy ông ước gì vợ mình còn sống.

 

Bà già vẫn nấu xôi nhưng cũng chỉ để bán quẩn quanh cho người trong khu tập thể. Vắng cây là vắng người, vắng luôn cả những thân tình ghé lại vài ba phút. Nhiều hôm ốm, bà ở nhà ngồi ngó qua cửa sổ. Mắt bà bị hút vào khoảng trống mà cây để lại. Bà mang ghế ra ban công nhìn sang nhà bên đã thấy ông già ngồi đó tự bao giờ. Họ rất gần nhau mà cũng rất xa. Ranh giới nơi này đâu phải giậu cúc tần hay mấy cành rong dấp hờ hững ở quê. Mà là những thanh sắt được hàn chắc chắn bịt kín mọi lối thoát. Nên bà nhìn ông lòng càng thấy cô đơn. Giả dụ có một đám cháy diễn ra thì chắc chẳng có ai thoát nạn. Con người phấn đấu văn minh nhưng cuối cùng cũng chỉ để tự làm cũi nhốt mình. Tiếng chuông cửa đánh thức ông khỏi những nghĩ suy mộng mị. Thằng cháu đi chơi về, mặt mũi bơ phờ nằm vật ra trên tấm thảm giữa nhà. Mẹ nó bận bịu đến mức không có thời gian quan tâm đến con cái. Cứ tưởng chỉ cần kiếm tiền nuôi nó ăn học là xong. Nhưng chúng đâu chỉ cần chữ, chúng còn cần sự quan tâm và nhiều thứ mà thành phố không có được. Ông tính có khi hè này phải đưa nó về quê sống cách xa những cám dỗ đô thị may ra mới nên người. Ông quay qua nhìn mái tóc bạc của bà lấp ló qua tường rào sắt. Ông nói với bà câu gì đó nhưng đúng lúc tắc đường, tiếng còi xe buốt óc vang lên nhấn chìm cả ngôn từ. Bà phải hỏi lại mấy câu mới nghe thấy ông bảo “hè này bà về quê tôi chơi…”.

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek