Thứ Tư, 09/10/2024 15:29 CH
Bất ngờ tác giả “Phương ngữ xứ Nẫu” làm “dậy sóng” facebook
Chủ Nhật, 10/04/2016 09:10 SA

Chính tác giả cũng không ngờ rằng bài thơ làm cho vui về cái giọng “nẫu rặt” của mình sau khi đăng trên facebook cá nhân lại được hàng ngàn cú “lai” và chia sẻ. Đơn giản là những phát âm “quá chửng” làm cho những người xứ Nẫu ai cũng thấy bóng dáng mình trong đó, còn những người đã từng gặp gỡ, quen biết người xứ Nẫu thì muốn chia sẻ về một loại phương ngữ rất đặc trưng, khi đọc phải cần phiên dịch.

 

Chúng tôi tìm gặp tác giả để hiểu thêm nguồn gốc ra đời của bài thơ “Phương ngữ xứ Nẫu” và thật bất ngờ được biết, anh đã có một loạt phương ngữ xứ Nẫu 1, 2, 3… và còn rất nhiều thơ lãng mạn trữ tình, các tiểu phẩm. Anh là bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thành Lãm, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.

 

LAN TỎA NHANH

 

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thành Lãm, tác giả bài thơ “Phương ngữ xứ Nẫu” làm “dậy sóng” facebook

“Phia rầu! Bà nấu nầu phai/ Ăn cho phẻ phẩu đở mai đi làm/ Không đi thì ổng càm ràm/ Bả mò xuống bíp mà làm cho mau/ Gấu kia táng cấu thiệt đau/ Sưng bằng trái ẩu... thâu rầu chưng tui/ Cửa nhà mà đở tấu thui/ Thắp đèn hột dịt lên coi, nhen bà…”.

 

Đó là đoạn mở đầu trong bài thơ “Phương ngữ xứ Nẫu” với nội dung là một câu chuyện đối thoại thường ngày của hai vợ chồng nông dân, lần đầu tiên được công bố trên trang facebook cá nhân của bác sĩ Nguyễn Thành Lãm, lúc 00 giờ ngày 20/3/2016. Ngôn ngữ trong thơ được tác giả “phiên” thành phát âm hàng ngày của người địa phương mà không theo chuẩn mực của từ điển tiếng Việt.

 

“Cửa nhà mà đở (để) tấu (tối) thui/ Thắp đèn hột dịt (vịt) lên coi, nhen bà!/ Ngầu (ngồi) không mà biểu (bảo) ngừ (người) ta/ Bắp đèn (bật lửa) đâu hé? Chết cha! Mất rầu (rồi)!/ Gấu (đầu gối) đau tui (tôi) lấy chai dầu/ Chớ chiện (chuyện) dô (vô) bíp (bếp), tui (tôi) hầu bà na (hay sao)?/ Thâu thâu (thôi thôi) ông đửng (đừng) có la/ Đang kím (tìm) thùng quẹt (hộp diêm) đây mà, ông ơi!/ Nầu (nồi) phai (khoai) dừa (vừa) chín tới nơi/ Bả (bà ấy) kiu (kêu) tụi nhỏ ới ời dậy mau/ Đông ngừ (người) thì có sao đâu/ Hở (hễ) mà chật quá thì ngầu (ngồi) xít (xích) dô (vô)/ Đang ăn, mưa bỗng ồ ồ/ Ổng (ông ấy) kiu (kêu) mai dẫy (như vậy) sao khô lúa hè?/ Ông trời như ổng (ông ấy) cũng nghe/ Chặp sau thì xửng... mừng ghơ (ghê) nhen bà!”

 

Ngay khi xuất hiện, bài thơ đã được ca sĩ Hoàng Lê Vi, một người con Phú Yên đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, trên fanpage của mình đã làm hẳn một clip giới thiệu và đọc bài thơ bằng giọng rặt xứ Nẫu cũng thu hút nhiều lượt vào xem và chia sẻ. Còn Nghệ sĩ Ưu tú, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên cũng hào hứng phổ thành bài dân ca “Ai dìa xứ nẫu mà nghe”.

 

Về hoàn cảnh ra đời bài thơ và sự “bất ngờ” nổi tiếng, bác sĩ Nguyễn Thành Lãm chia sẻ: “Công việc ngành Y rất căng thẳng, nên mình hay làm thơ để giải stress. Tình cờ đọc bài “Lai rai phương ngữ” của tác giả Ba Đà Rằng đăng trên Báo Phú Yên Xuân 2016, mình chợt nảy ra ý làm một bài thơ lưu lại ngôn ngữ quê mình. Mình tưởng tượng đến một cuộc nói chuyện trong một gia đình xứ Nẫu ở miền quê, vào thời còn gian khó, chưa có điện. Vậy là bài thơ “Phương ngữ xứ Nẫu” ra đời. Đầu tiên mình chỉ chia sẻ với bạn bè cho vui, nhưng không ngờ bài thơ lại lan rộng đến như thế!”.

 

Rằng vui thì thật là vui, vậy nhưng, trong vô số lượt chia sẻ và chuyển thể bài thơ nhiều người đã quên ghi tên tác giả, không ít người nghĩ là bài thơ dân gian, khuyết danh. Thế nên, sau đó bạn Lê Minh Sanh họa lại: “Bài thơ nẩu tiếng quá trời/ Ngàn “lai” chia sẻ, đở đời đó nghen/ Bác sĩ giỏi, thơ lại quen/ Nẫu đọc, nẫu ngẫm, nẫu khen, nẫu cừ... P/s: Ngọc Quang nhạc sĩ... chần chừ/ Nhanh tay phổ nhạc chừa... ngừ làm thơ”.

 

Liên hệ với nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang về việc phổ nhạc bài “Phương ngữ xứ Nẫu” mà không đề tác giả phần lời, ông chia sẻ: “Tôi đọc bài này trên facebook của nhà báo, nhà thơ Đào Đức Tuấn, thấy thú vị, vì nó đúng với cách nói của người dân xứ mình quá, nên tôi phổ thành bài “Ai dìa xứ Nẫu mà nghe” để giới thiệu thêm về quê hương Phú Yên. Còn việc để tên tác giả phần lời là dân gian, bởi trên facebook bài thơ không có tên tác giả, nên cứ nghĩ là dân gian truyền miệng. Nếu chính xác tác giả là bác sĩ Nguyễn Thành Lãm, tôi sẽ đính chính lại cho đúng”.

 

Tác giả “Phương ngữ xứ Nẫu” Nguyễn Thành Lãm tâm tình: “Tôi chỉ mong muốn bài thơ này được xác định chính danh, được bảo hộ tác quyền, nhưng chưa biết phải làm thế nào. Hiện tôi đã cho ra đời bài Phương ngữ xứ Nẫu 2, 3 và nhiều bài có sử dụng phương ngữ xứ Nẫu đăng trên facebook cá nhân”.

 

Bài hát “Ai dìa xứ Nẫu mà nghe” do nhạc sĩ Ngọc Quang phổ thơ “Phương ngữ xứ Nẫu” nhưng phần lời đề dân gian chưa được sửa lại - Ảnh: Internet

 

LÀM THƠ ĐỂ GIẢI STRESS

 

Dù có chút buồn lòng, nhưng với bác sĩ Lãm, sự lan tỏa, được nhiều người yêu thích phương ngữ xứ Nẫu là động lực để anh tiếp tục cho ra đời những tác phẩm “rặt nẫu”. “Phương ngữ xứ Nẫu 3” ghi lại cách nói dân dã của một bệnh nhân: “Đang đi làm thơ (thuê)/ Thấy đầu ơ ơ (ê ê)/ Cái tay tơ tơ (tê tê)/ Tưởng bịnh sơ sơ/ Ai ngờ mệt ghơ (ghê)/ Tui nằm ngay đơ/ Dô (vô) khoa Nậu (Nội) Bơ (B)/ May gặp cô Cơ/ Ngừ (người) ở cùng quơ (quê)/ Ta (toa) thuốc cổ (cô ấy) cơ (kê)/ Dùng thiệt hay ghơ (ghê)/ Tui hết hôn mơ (mê)/ Từ nay xin thờ (thề)/ Có bịnh (bệnh) hổng lơ!

 

Hay bài “Nỗi buồn người xa xứ”: Giữa Sài Gòn chợt nghe tiếng “dìa quơ” (về quê)/ Tôi giật mình... sao thân quen đến thế!/ Bèn lại gần “mình đồng hương đấy nhé!”/ Em lắc đầu, hỏng (không) dúng (giống) dọng (giọng) quơ (quê) tui (tôi)!”…

 

Với bác sĩ Nguyễn Thành Lãm, việc làm thơ ca, hò vè, viết tiểu phẩm cũng là cách để anh giải stress sau những ca trực căng thẳng. Bởi vậy, gần cả trăm bài thơ mang nhiều tính ngẫu hứng ở nhiều thể loại lần lượt ra đời để tự cảm nhận, chia sẻ với người thân, bạn bè. Trong số đó có nhiều bài thơ đầy chiêm nghiệm, rất đời và cũng rất thơ.

 

… Ngày mai rồi ba phải học xa/ Vai mẹ gầy càng thêm trĩu nặng/ Lặn lội sớm hôm, tảo tần mưa nắng/ Bát cháo con ngày một loãng dần/ Nửa đêm con dậy khóc đòi ăn/ Nước mắt mẹ không dịu vơi cơn đói/ Lời ru đứt nghẹn trong tiếng gọi/ Vang đến phương này buốt nhói tim ba…” (“Nỗi lòng của ba”, viết trong thời kỳ khốn khó, năm 1996).

 

Và nhiều bài thơ tình lãng mạn một thời trai trẻ được thăng hoa trong những giây phút thư giãn sau ca trực.

 

Tự bao giờ và chẳng hiểu vì sao/ Trái tim em cứ cố tình khép lại/ Anh vẫn đứng, vẫn chờ, vẫn đợi/ Mặc bụi trần thấm nặng áo phong sương… (Đơn phương).

 

Hay: Tình yêu này anh trót vuột tầm tay/ Bởi phút giây dại khờ thời tuổi trẻ/ Điều có thể bỗng hóa thành không thể/ Mất em rồi anh mới biết vàng rơi… (Không đề 2)

 

Trong số rất nhiều bài thơ “bỏ túi” đọc cho bạn bè của bác sĩ Nguyễn Thành Lãm, tôi rất “cảm” bài “Nỗi đau hậu chiến” đầy ám ảnh: À ơi! Con ngủ cho ngon/ Cô đơn lạnh lẽo chẳng còn nữa đâu/ Chẳng còn biền biệt rừng sâu/ Chẳng còn súng trận gối đầu nằm say/ Xưa đi chân bước như bay/ Giờ về nằm trọn trong tay mẹ già/ Đêm nay con ở lại nhà/ Ngày mai con phải rời xa mẹ rồi/ Đứt từng khúc ruột con ơi/ Lắt lay mình mẹ một đời tang thương.../ Tiếng than nức nở đêm trường/ Mẹ ngồi đưa võng ru xương con mình.

 

Những bài thơ về phương ngữ của bác sĩ Nguyễn Thành Lãm nội dung rất bình dân, là những mẫu đối thoại, câu chuyện thường ngày khiến người đọc rất dễ hiểu, dễ cảm nhận. Về ngôn ngữ, thể hiện rõ nét các biến thể ngữ âm mang đậm chất phương ngữ của Phú Yên. Phương ngữ là hồn cốt văn hóa tinh thần mang tính đặc trưng của một vùng đất. Trong ngôn ngữ, nếu khai thác triệt để cách phát âm sẽ tạo nên sự phong phú, đa dạng và hiệu ứng đáng kể. Một số bài thơ phương ngữ của bác sĩ Lãm rất gần gũi, đặc trưng, độc đáo, góp phần tạo cảm xúc thẩm mỹ cho cộng đồng cư dân địa phương, đặc biệt là những người con xa quê nhớ về một thời tuổi thơ, quê nhà”.

 

Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thanh Bình

 

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek